Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Các kịch bản cho thế giới năm 2030 (phần 3)


Tạp chí La Revue* ( tạp chí quan hệ quốc tế Pháp bản giấy)
Hà Vi dịch

CHÂU Á
Vào kỷ nguyên của nước Trung Quốc lớn mạnh
Juliette Morillot

Một châu Á hùng mạnh, rất mạnh, vài năm trước thời điểm 2030, «sẽ có một sức mạnh kết hợp lớn hơn cả Hoa Kỳ và châu Âu cộng lại, nếu xem xét các yếu tố hợp thành bởi dân số, GDP, chi phí quân sự và đầu tư cho công nghệ.» Đó là những gì Hội đồng tình báo quốc gia đã dự đoán. Tất nhiên, với Trung Quốc được coi như siêu đầu tầu, nền kinh tế của họ khi đó sẽ phải vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế mạnh nhất hành tinh. Liệu có tin được không? Không có gì phải nghi ngờ, nhưng như Matthew Burrows, một trong những tác giả của bản báo cáo đã trình bày trước báo chí là «có được nền kinh tế mạnh nhất không có nghĩa là trở thành siêu cường quốc».

Một vùng đất phức tạp

Tuy nhiên chúng ta cần tự vấn điều đáng ngờ nhất như Bruce Jones, giám đốc dự án Quản lý Trật tự Toàn cầu (Managing Global Orders thuộc Brookings Institution), đã nêu : « Có phải một nước Trung Quốc mạnh cùng với một châu Á mạnh? Hay một nước Trung Quốc yếu ớt không thể với được một nền kinh tế tiên tiến?». Bruce Jones còn hỏi thêm : «Nếu mọi thứ diễn tiến một cách tồi tệ, thái độ ứng xử của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng sẽ như thế nào?»  

Lịch sử đã cho thấy sự nổi lên của các cường quốc mới hiếm khi diễn ra mà không kèm theo xung đột vũ trang và theo Jean Marie Bouisson[i] «ở châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ chưa bao giờ cùng một lúc trở nên hùng mạnh ». Trong giai đoạn đầu tiên trở thành cường quốc thế giới, - trong 7 thập niên vừa qua-, Hoa Kỳ đã may mắn không có những quốc gia láng giềng nghịch tử. Nhưng châu Á lại đang phức tạp hơn một cách rất khác. Ở đó hiện đang cùng tồn tại 2 xu hướng khác nhau : một, hướng tới Trung Quốc – quốc gia đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Nhật, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và Đông Nam Á, còn xu hướng kia mang tính chất chiến lược. Trong lĩnh vực quốc phòng, khi phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng mạnh lên và hiếu chiến, Hoa Kỳ vẫn là một đồng minh vừa được ưu tiên vừa bị chỉ trích nhưng chắc chắn là cần thiết.

Thách thức của eo biển Malacca

Nếu như hiện nay ngân sách dành cho quốc phòng của châu Á chỉ đạt 262 tỷ đô la Mỹ ** (riêng Trung Quốc chiếm khoảng 50 – 100 tỷ), một con số quá vụn vặt so với 687 tỷ đô la ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ, Trung Quốc đang gia sức lấp đầy khoảng cách này. Dù giới lãnh đạo Bắc Kinh ra sức khẳng định (một cách vô ích) bản chất « hòa bình » trong việc gia tăng sức mạnh quân sự của họ cũng như việc nâng cao khả năng tấn công và ý muốn thâu tóm tất cả các hệ thống vũ khí chiến lược, tất cả các bộ Tham mưu tại châu Á đều đã giật mình. Và đến lượt những quốc gia này lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang.

Thậm chí nếu chưa kể đến hai mặt trận di sản từ thời chiến tranh lạnh (Triều Tiên và Đài Loan), những nguy cơ trượt dốc tại châu Á vẫn rất nhiều. Trung Quốc và Ấn Độ có thể va chạm xung quanh vấn đề chia sẻ nguồn nước của Himalaya. Xung đột về lãnh thổ giữa Trung Quốc-Nhật Bản có thể bị tắc nghẽn, bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc và ý chí trả thù lịch sử.

Nhưng chính ở biển Nam Hoa sẽ là nơi mà tất cả có thể thực sự và nhanh chóng bùng nổ: Bắc Kinh đang đối đầu với gần như tất cả các nước ven biển (Đài Loan, Philippines, Malaysie, Brunei, Indonésie, Thailande, Cambodge và Việt Nam). Mặc cho việc Hoa Kỳ gần đây đã điều quân chiến lược trở lại vùng châu Á-Thái Bình Dương, nhưng việc còn vướng vào vũng lầy Afganistan có thể sẽ khiến Hoa Kỳ phải chọn thái độ « kính nhi viễn chi » (se tenir à l’écart). Nhưng một thái độ thận trọng (và có lý về kinh tế !) có lẽ sẽ không thể duy trì quá lâu. Nếu như xung đột lan tới eo biển Malacca – đang do thủy quân lục chiến Hoa Kỳ kiểm soát - , một Trung Quốc phụ thuộc ngày càng nhiều vào dầu lửa của Cận Đông rất có thể sẽ nổi giận ghê gớm…

CHÂU PHI

Tiềm năng và chậm chạp

Dominique Mataillet

Bất ổn chính trị, nghèo đói, tham nhũng, thiếu cơ sở hạ tầng, hệ thống giáo dục yếu kém… Theo các chuyên gia của Hội đồng Tình báo Trung ương, châu Phi năm 2030 sẽ giống châu Phi của 2012 như hai giọt nước. Nhất là vùng ven phía nam sa mạc Sahara, Cộng hòa dân chủ Congo, Somalie vẫn sẽ là những ổ xung đột rối rắm như ngày hôm nay.

Chia rẽ sắc tộc và tôn giáo sẽ tiếp tục đe dọa sự thống nhất của nhiều quốc gia do bị trầm trọng thêm bởi sự kém cỏi trong điều hành quốc gia và những lời hứa hão về dân chủ. Những xung đột dai dẳng mang tính truyền thống sẽ còn phức tạp hơn nữa bởi sự « đổ thêm dầu » từ các mạng lưới tội phạm và các nhóm khủng bố.

Trong một thế giới mà dân số đang già đi nhanh chóng thì lực lượng dân cư trẻ sẽ là một thế mạnh quan trọng đối với châu Phi. Nhưng đó chỉ gần như là một ưu thế độc nhất thôi. Vì nếu như các cường quốc lớn đang lao vào cuộc tìm kiếm nguyên liệu, thì những bước tiến công nghệ ở các nước phát triển lại có thể làm giảm nhu cầu của thế giới về khoáng sản và hydrocarbures.

Sự chậm chạp về kinh tế của châu Phi không cho phép châu lục này có được vị trí trong hệ thống chính trị thế giới ngay cả khi thế giới trở nên đa cực. Đồng thời, trong việc đối phó với khủng hoảng, châu Phi cũng không còn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ và châu Âu được nữa. Điều đó buộc dân châu Phi phải độc lập nhiều hơn trong quan hệ với các đối tác truyền thống của họ. Liên minh các quốc gia châu Phi và các tổ chức tiểu-khu vực có thể sẽ mạnh lên. Ít ra đó cũng là một điểm tích cực.

TOÀN HÀNH TINH

Tập hợp những bất ngờ

Thế giới đang bị đẩy tới năm 2030 bằng những « siêu xu hướng ». Tuy nhiên, sự diễn tiến này sẽ không như một con sông dài phẳng lặng. Những «kẻ tráo bài » đều khó nhận ra, dưới tất cả những dạng hình khác nhau: chính trị, tài chính, kinh tế, dịch bệnh, quân sự hoặc lương thực. Nhiều tai nạn, bất trắc sẽ xảy ra và có thể sẽ làm hành tinh của chúng ta bị trệch khỏi quỹ đạo. Đấy là những hiện tượng hiếm thấy gọi là « thiên nga đen ». Nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính vẫn không bị loại trừ. Sự điều hành thế giới vốn đã mong manh rất có thể bị nhấn chìm bởi các tương quan lực lượng thể giới bị đảo lộn. Xung đột có thể nổ ra ở Cận Đông hay ở châu Á. Hoặc nữa: khí hậu trái đất trở nên quá nóng, ngập lụt kinh hoàng như đã diễn ra ở Bangkok năm 2011, sự sụp đổ của khu vực đồng Euros. Một số hiện tượng « thiên nga đen » cực kỳ khó đoán định, ví dụ như chiến tranh hạt nhân, tấn công mạng hoặc bão địa từ mặt trời sẽ tàn phá các vệ tinh và hệ thống điện. Một vài hiện tượng khác, tuy hiếm, nhưng có thể mang lại điều tốt lành: mạng lưới Al-Qaïda bị tiêu diệt, thống nhất hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, hoặc trong một lĩnh vực khác, y học chiến thắng bệnh SIDA và sốt rét. Và đây là phân bố những biến động « thiên nga đen »:

Bắc Cực :

-         Mỏm băng bị tan hoàn toàn.
-         Khai thông hàng hải thương mại tại Nam Cực.
-         Mỏm băng tại Groenland bị tan hoàn toàn.

Bắc Mỹ :

-         Biến mất tảng băng Columbia (gần vùng Alaska).
-         Thành công trong việc khai thác dầu từ cát (sables bitumineux) tại Canada.
-         Thảm họa thiên nhiên tại Mỹ (bão lớn, ngập lụt) phá hủy New-York.
-         Luật cấm sử dụng súng tại Mỹ được thông qua.
-         Cuba chuyển thành quốc gia tư bản.

Nam Mỹ :

-         Xuất hiện các loại bệnh mới.
-         Chấm dứt phá rừng Amazon.

Châu Phi :

-         Xung đột Tây Sahara được giải quyết.
-         Xuất hiện các loại bệnh mới tại Trung Phi.
-         Cộng hòa Dân chủ Công-gô tan rã.
-         Chiến thắng Aids và sốt rét.

Bắc Phi, Trung Đông và Trung Á :

-         Chiến tranh bùng nổ giữa Israel và một nước Ả-rập.
-         Al-Qaida biến mất.
-         Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
-         Thổ-nhĩ-kỳ gia nhập EU.

Châu Âu :

-         Xứ Flandre (khu vực giữa Bỉ và Pháp) trở thành quốc gia độc lập.
-         Vùng Si-bê-ri trở thành « con hổ » kinh tế.

Châu Á :

-         Bùng nổ xung đột hạt nhân giữa Ấn-độ và Pakistan.
-         Bệnh dịch lúa mì ở Pakistan và vùng Pendjab.
-         Xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc về nguồn nước tại Hymalaya.
-         Xuất hiện các loại bệnh mới tại Bắc Trung Quốc.
-         Bắc Triều Tiên tạo được đầu đạn hạt nhân cho tên lửa.
-         Động đất và thảm họa tự nhiên buộc Nhật phải chuyển thủ đô.
-         Thống nhất hai bán đảo Triều Tiên.
-         Xung đột lan rộng trong nội bộ châu Á tại Biển Hoa Nam (Biển Đông).
-         Xuất hiện các loại bệnh mới tại khu vực Đông-Dương.
-         Bangkok bị chìm trong nước.
-         Quốc gia Maldives biến mất do nước ngập.
-         Các nguồn Hydrocarbures tại Biển Hoa Nam cho nhiều sản lượng.

Khu vực Úc châu và lân cận:

-         Thành công trong khai thác các nguồn tự nhiên (hydrocarbures, vàng, titane,…) tại Ấn-độ dương.
-         Rặng san hô khổng lồ gần Úc biến mất.
-     Nouvelle-Calédonie (Tân Đảo, một lãnh thổ từng là thuộc địa và đang thuộc Pháp) trở thành độc lập.

Toàn cầu: Đội hình máy bay trên thế giới tăng gấp đôi thành 40 000 chiếc.

Nam Cực :         Mỏm băng bị tan hoàn toàn.

(còn 01 phần)

*Nguồn : La Revue (bản giấy, tạp chí quan hệ quốc tế ra hàng tháng của Pháp) No 29, tháng Hai, 2013.
**Cập nhật 21:45 ngày 11/07/2013: bản dịch ban đầu ghi đơn vị là “triệu đô la Mỹ” đã được một độc giả nhắc nhở là sai. Xin chân thành cảm ơn và xin lỗi quí vị độc giả.


Không có nhận xét nào: