Hà Vi dịch
DÂN SỐ
5 tỷ thị dân
Gần 60% cư dân của hành tinh chúng ta sống ở thành phố. Vùng cận ngoại ô sẽ phát triển nhanh hơn các khu trung tâm truyền thống.
Dominique Mataillet
Thế giới đang tiến tới giai đoạn dân số cứ 10 năm lại tăng thêm 1 tỷ người. Sau khi tăng từ 3,7 tỷ vào năm 1970 lên 6,1 tỷ năm 2000, dân số thế giới vào năm 2010 là 6,8 tỷ và có lẽ vào năm 2030 sẽ là 8,3 tỷ người. Những thách thức tới đây không nằm ở số dân đông mà ở vấn đề thành phần và sự phân bố dân cư. Nghiên cứu của Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ nhấn mạnh tới 3 biến động dân số lớn, đó là dân số nói chung bị già đi, di cư các loại tăng đột biến, thị dân hóa gia tăng trên toàn hành tinh.
Vào năm 2012, hơn 80 nước có tuổi trung bình thấp hơn hoặc bằng 25 tuổi. Trong 20 năm nữa, sẽ chỉ còn 50 nước và chủ yếu ở vùng châu Phi cận hoang mạc Sahara. Ngoài khu vực này, Afghanistan là một trong số hiếm hoi các quốc gia có chỉ số sinh sản vào loại cao trên thế giới (vào năm 2011 là 6,8 con/1 phụ nữ), và dân số lên đến 50 triệu vào năm 2030, đây sẽ là một quốc gia duy nhất đông dân và có tuổi trung bình «trẻ».
Những dòng di cư mới
Ở những nước có thu nhập cao là thành viên của OCDE, tuổi trung bình của người dân sẽ tăng từ 37,9 lên 42,8. Và sẽ lên đến 45 ở phần đông các quốc gia châu Âu cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc. Hậu quả của việc dân số già đi đã quá rõ. Những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đức và Nhật Bản sẽ phải chịu gánh nặng ngày càng lớn về hưu trí và y tế. Tăng trưởng kinh tế của các nước đó do vậy sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thụt giảm người lao động.
Thậm chí ngay cả ở Hoa Kỳ, nước phát triển duy nhất hiện nay còn giữ được mức tăng trưởng tự nhiên về dân số khá tốt, tỷ lệ người dân ở độ tuổi 15-24 sẽ thay đổi từ 14% hiện nay còn 12,8% trong ¼ thế kỷ tới, và sẽ không tránh khỏi tình trạng dân số già đi.
Khi đó người ta hiểu rằng vấn đề di cư toàn cầu sẽ mang một tầm vóc mới. Các dòng di dân mới sẽ có các điểm đến khác so với bây giờ. Những nước mới nổi hiện nay như Trung Quốc, Brésil và Thổ Nhĩ Kỳ nơi mà dân số đang già đi với tốc độ nhanh chóng, sẽ thu hút lực lượng lao động rẻ của các nước khác nhất là vùng châu Phi cận hoang mạc Sahara và Đông Nam Á.
Sự di dân từ hai vùng đó có nguy cơ càng lớn hơn khi đó vẫn là những nơi phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và lại phải chịu hậu quả nặng nề của hiện tượng khí hậu nóng lên.
Báo cáo của NIC cũng đề cập đến vấn đề di cư từ các quốc gia đạo Hồi, nơi mà tỷ lệ sinh còn ở mức cao nhất. Đà gia tăng của nạn di cư này có thể sẽ gây ra những »cọ xát về chính trị và xã hội» tại các nước tiếp nhận. Châu Âu sẽ là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng vì dân Hồi giáo chiếm 8% toàn bộ dân số vào năm 2030. Tỷ lệ này thậm chí sẽ xấp xỉ 10% ở Pháp, Thụy Điển, Áo và Bỉ.
Di dân ngay trong nội bộ quốc gia cũng sẽ có bước tăng mới, nhất là ở Trung Quốc, dân nông thôn tiếp tục đổ dồn về các đô thị tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn. Con số 250 triệu dân di cư nội địa hiện nay sẽ sớm trở thành lạc hậu.
Năm 2012 có gần 50% dân số toàn cầu sống ở thành phố, con số này sẽ lên đến 60% vào năm 2030. Số dân thị thành như vậy sẽ tăng từ 3,5 tỷ ngày nay lên 4,9 tỷ.
Đà tăng này sẽ lên mạnh nhất ở nơi mà tỷ lệ tăng dân số cao nhất và tỷ lệ đô thị hóa còn ở mức thấp nhất, nghĩa là ở châu Á và nhất là châu Phi. 5 khu vực của châu lục này sẽ chứng kiến hiện tượng đô thị hóa tăng vọt, đó là lưu vực sông Nil, vịnh Guinee, các khu vực Bắc hồ Victoria, Bắc của Nigeria, Addis-Abeba và các khu lân cận.
Một vài con số khiến ta chóng mặt. Dân thành thị sẽ tăng thêm 276 triệu người ở Trung Quốc và 218 triệu người ở Ấn Độ. 9 quốc gia khác cũng có số dân đô thị tăng thêm 25 triệu người (một vài nước tăng thêm 75 triệu) như : Bangladesh, Brésil, Cộng hòa dân chủ Công gô, Hoa Kỳ, Mê-hi-cô, Nigeria, Pakistan và Philippines. Số các siêu thành phố trên 10 triệu dân hiện nay là 27 chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng.
Nhưng sự tăng trưởng đô thị sẽ có một diện mạo khác nhiều so với một vài thập niên vừa qua. Sự bành trướng của các «con quỷ đô thị» tới đây có đặc tính là do thiếu đất và bị cản lại bởi vấn nạn tắc ngẽn xe ô tô và chi phí cao cho cơ sở hạ tầng. Các vùng cận đô thị do vậy sẽ phát triển nhanh hơn chính các đô thị.
10 nước đông dân nhất thế giới năm 2030
Toàn thế giới : 8.517 (triệu)
Ấn Độ : 1.485
Trung Quốc : 1.462
Hoa Kỳ : 370
Indonesia : 271
Pakistan: 266
Nigeria: 227
Brésil: 217
Bangladesh: 203
Éthiopie: 132
Nga: 129
Nguồn: Liên hợp Quốc và Cơ quan dân số
|
Không gian đô thị tăng gấp ba lần
Chúng ta sẽ tham dự vào quá trình hình thành các vùng đô thị xuyên quốc gia. Vào năm 2030, có lẽ sẽ có khoảng 40 siêu đô thị kiểu này giữa hai đến ba quốc gia liền nhau.
Một trong những hậu quả chính của sự phát triển này là sự mở rộng các không gian đô thị. Trong khoảng từ năm 2000 đến 2030, diện tích đô thị sẽ tăng gấp 3 lần và sẽ đạt đến 1,2 triệu km² tương đương hơn hai lần diện tích nước Pháp.
Ngoài những ảnh hưởng môi trường trực tiếp, ví như tình trạng phá rừng, tình trạng đô thị hóa phi mã này còn tác động trực tiếp tới các khu vực ở phía sau các đô thị. Cư dân thành thị tiêu thụ nhiều thịt hơn dân nông thôn chẳng hạn. Do đó cần dự tính cả đến nhu cầu gia tăng các sản phẩm thịt với tất cả những hệ lụy như tăng khí mê-tan do chăn nuôi và vấn đề xử lý chất thải gia súc. Các nhà sinh thái học sẽ có nhiều việc và mệt mỏi hơn nhiều hiện nay.
Tuổi vàng quốc gia: rồi sẽ đến lượt
Theo các nhà dân số học, tuổi vàng dân số học của mỗi nước tương ứng với khoảng thời gian 30 năm trong đó tỷ lệ trẻ em (từ 0 đến 14 tuổi) thấp hơn 30% tổng dân số trong khi tỷ lệ người cao tuổi (trên 65 tuổi) thấp hơn 15%. Các nước châu Âu đã trải qua giai đoạn tươi sáng này (cho kinh tế) ngay sau Thế chiến lần II. Sau đó là đến nước Nhật trong giai đoạn 1965-1995. Hiện nay là Trung Quốc và Bra-xin. Tiếp đến là Ấn Độ, rồi Châu Phi cận hoang mạc Sahara.
Tuổi trung bình
vào năm 2030
|
Tuổi vàng
| |
Brésil
|
35
|
Từ năm 2000 tới 2030
|
Ấn Độ
|
32
|
Từ năm 2015 tới 2050
|
Trung Quốc
|
43
|
Từ năm 1990 tới 2025
|
Nga
|
44
|
Từ năm 1950 tới 2015
|
Iran
|
37
|
Từ năm 2005 tới 2040
|
Nhật Bản
|
52
|
Từ năm 1965 tới 1995
|
Đức quốc
|
49
|
Trước 1950 tới 1990
|
Anh quốc
|
42
|
Trước 1950 tới 1980
|
Hoa Kỳ
|
39
|
Trước 1970 tới 2015
|
Nước Nga: khuyến khích sinh sản hay là hết
Các chuyên gia Hoa Kỳ, nhất là những chuyên gia thân cận với CIA, đã có một kinh nghiệm có một không hai trong đoán định tương lai của nước Nga. Họ đã lo lắng dò xét kỹ lưỡng trong một giai đoạn dài khi mà hai siêu cường đang thống trị thế giới. Nhưng mọi thứ đã phải thay đổi, ít ra là từ khi Liên-xô sụp đổ cách đây 20 năm. Liệu các chuyên gia Hoa Kỳ có còn sáng suốt hoàn toàn như trước đây?
Chúng ta chỉ có thể tán thành với việc Hội đồng Tình báo Quốc gia (NIC) nhấn mạnh đến thách thức mà nước Nga đang phải đối mặt là phải làm trẻ hóa lại “bộ máy” sinh đẻ. Với sắc thái này thì gần như là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Nga không phải là món thuốc trị được bách bệnh. Sự biến chuyển trung-dài hạn của thị trường năng lượng toàn cầu (với việc Nga vẫn sẽ còn nguồn tài nguyên lớn về khí hydrocarbure) sẽ còn chi phối lâu dài khả năng của nước Nga trong việc đạt được các nguồn lực thiết yếu cho sự hiện đại hóa. Về vấn đề nguồn nhân lực, NIC dựa vào tiên lượng u ám về dân số do một người Mỹ tên là Murray Feshbach nhận định từ những năm 1970. Các nguyên nhân của sự u ám xa xưa đó – sinh sản suy giảm, tử vong rất cao ở nam giới, di cư – còn diễn biến xấu thêm trong giai đoạn chuyển đổi vào những năm 1990. Nhưng những vấn đề đó không phải là không có thuốc chữa. Chính sách sinh sản «gia đình có 3 con là chuẩn» do Kremlin lăng-xê và mới đây lại được Putin nhắc lại đã có những kết quả tích cực. Như một chuyên gia của Chatham House nói, kiểm soát sự biến đổi về dân số cũng khó như việc điều khiển con tàu chở dầu nhưng không phải là không thể điều khiển được. Còn về cách ứng xử trên trường quốc tế trong tương lai của nước Nga, NIC gợi ý đó sẽ là: một đối tác xa cách, một láng giềng tăng động, một kẻ hiếu chiến tiềm tàng. Nhưng những kịch bản đó, đối với tôi, dường như đã không tính đến một cách đầy đủ khuynh hướng chuyển hướng khá rõ trong các chọn lựa thời hậu Stalin của Kremlin muốn đưa nước Nga xa dần khỏi ý muốn thống trị để hướng về những đòi hỏi thúc bách của phát triển. Georges Sokoloff
|
Chấm dứt ngoại lệ của nước Pháp
Với chỉ số sinh sản hơn 2 con/phụ nữ, ngày nay, nước Pháp đang là một ngoại lệ trong một châu Âu nơi mà chỉ số này phần lớn chỉ được gần 1,5. Nước Pháp là một trong số các nước phát triển hiếm hoi có mức tăng trưởng dân số dư do sinh sản cao hơn tử vong, chứ không phải từ số dư do di cư.
Sự «bùng nổ mini» này chắc chắn là do sinh đẻ tăng vụt từ năm 1997, năm mà chỉ số sinh đẻ của nước Pháp đạt ngưỡng thấp nhất (1,73), nhưng sự bùng nổ cũng còn bởi khối dân số ở tuổi chết già lúc đó còn nhỏ, nhất là số dân từ đợt sinh sản rất thấp của những năm 1930. Năm 2012 có lẽ đánh dấu bước quay ngoặt. Số sinh sản trong năm ngoái đã giảm 20 000 so với kỷ lục được ghi nhận trong năm 2010 (830 000) bởi vì dân số ở độ tuổi sinh sản, những người sinh trong những năm 1980, đã ít đi. Song song với điều đó, số tử vong tăng lên đáng kể, khoảng 20 000 trường hợp, do dân số ở độ tuổi tử vong bắt đầu nhiều lên. Kết quả là tăng trưởng dân số tự nhiên phải sụt giảm khoảng 230 000 trong năm 2012 so với 280 000 trong năm 2006. Nếu sinh sản không tái tục đà tăng trưởng, tăng trưởng tự nhiên sẽ giảm theo thời gian và chạm ngưỡng 0.
Trừ phi có tăng lên do số dân nhập cư, nước Pháp có thể sẽ đến lượt bị ảnh hưởng bởi hiện tượng giảm dân số mà hiện nay nhiều nước đông Âu và trung Âu đang gánh chịu. D.M.
|
XUNG ĐỘT
Những khúc gãy mới
Tái cân bằng hành tinh có lợi cho châu Á sẽ diễn ra với nhiều căng thẳng. Vùng Trung Cận Đông sẽ tiếp tục bất ổn và các cuộc chiến chiếm đoạt các nguồn lực, nhất là nguồn nước sẽ quyết liệt hơn.
ÉTIENNE COPEL
Từ nhiều thập niên qua, số các cuộc xung đột vũ trang giữa các quốc gia đã giảm đi một cách đều đặn, và ngay cả ở nơi mà các cuộc xung đột có qui mô nhỏ còn tồn tại thì số thương vong về dân thường và binh lính cũng không ngừng xuống thấp. Mọi phân tích đều cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia; đặc biệt các quốc gia giầu có nhất sẽ giảm xu hướng thực hiện những cuộc phiêu lưu chiến tranh có rủi ro quá lớn cho phát triển kinh tế của họ. Ngoài ra, trong mắt họ, rủi ro của một cuộc leo thang hạt nhân cũng khiến cho giá của một cuộc chiến trở nên không chịu đựng được.
Bên cạnh đó, những cuộc nội chiến và các xung đột bạo lực nội quốc gia nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm ở tất cả những nước mà cấu trúc về tuổi tiệm cận với tuổi trung bình của thế giới, như khu vực châu Mỹ La tinh và châu Á. Ngược lại, những khó khăn về tự nhiên (nguồn nước, đất canh tác…) sẽ làm tăng rủi ro xung đột bạo lực ở những quốc gia mà tuổi trung bình rất thấp: châu Phi vùng cận hoang mạc Sahara, Trung Cận Đông, Đông Nam Á. Sự tương quan như thế giữa hai yếu tố về tuổi trung bình của một quốc gia và rủi ro bạo lực là một điểm rất độc đáo của bản báo cáo «Xu hướng toàn cầu 2030». Việc thông qua Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP) cũng đã làm thuận lợi cho việc hình thành một chuẩn mực quốc tế mới và được củng cố thêm bởi lệnh áp dụng việc trừng phạt trong trường hợp không tuân thủ Hiệp ước. Tuy vậy, bản báo cáo cũng lo ngại rằng việc Bắc Triều Tiên và nhất là Iran sở hữu được vũ khí hạt nhân sẽ gây ra làn sóng sở hữu vũ khí hạt nhân. Tiến xa hơn, bản báo cáo còn dự kiến trong trường hợp này, sẽ có sự xói mòn Hiệp ước TNP, như vậy có thể sẽ hủy hoại dần dần tất cả mọi thỏa ước quốc tế. Nếu Iran trở thành một cường quốc hạt nhân, các quốc gia láng giềng như Ả-rập Xê-út, cũng có thể sẽ cố gắng sở hữu để cân bằng mối đe dọa này. Nhưng đó không hẳn sẽ là thảm họa như một số người cảnh báo. Hạt nhân sẽ khiến ta biết kiềm chế hơn! Nếu coi Pakistan và Ấn Độ đã thành công trong việc tránh được nhiều xung đột lớn thì phần lớn là nhờ hai bên đã cùng biết cân bằng được sự đe dọa hạt nhân. Mặt khác, việc có một hay nhiều quốc gia tham gia thêm vào câu lạc bộ cường quốc hạt nhân có lẽ không nhất thiết sẽ làm hỏng Hiệp ước TNP mà hiệu quả của nó đã được chứng minh qua nhiều năm tháng. Cũng đừng quên rằng cách đây 40 năm, phần lớn các chuyên gia đều nhận định rằng đầu thế kỷ 21 sẽ có hơn 30 quốc gia sở hữu một trái «bom» hạt nhân!
Việc các vũ khí có điều khiển rơi vào tay của nhiều chủ thể nhà nước và phi nhà nước sẽ khiến cho rất nhiều cấu trúc hạ tầng quan trọng trở nên mỏng manh. Mối nguy hiểm đó là rất hệ trọng và bản báo cáo đã có lý khi nêu lên điều đó. Như thế chúng ta sẽ không thể tránh được bị khủng bố nếu nghĩ đến việc hiện có nhiều tên lửa liên tiếp cùng được nhắm lao vào một điểm trên mái vòm của một nhà máy điện hạt nhân. Chúng ta cũng có thể phải nghĩ tới những nguy cơ của việc quân khủng bố sử dụng máy bay không người lái tấn công các tư gia, nơi trú ẩn của các lãnh đạo cao cấp, và các sân vận động … Bản báo cáo cũng lo ngại cho các tàu chiến có trang bị tên lửa tầm xa dễ bị tấn công. Việc này sẽ đặt ra ngày càng nhiều bài toán cho Hoa Kỳ và NATO trong việc triển khai quân lực. Nhưng ít có chuyên gia nhấn mạnh điểm yếu này của hải quân hiện đại: bảo vệ các tàu chiến khỏi bị các tên lửa có vận tốc siêu thanh tấn công là là mặt nước đã là rất khó, đảm bảo sự an toàn đầy đủ cho tất cả các tầu tiếp viện cần thiết cho một cuộc chiến hiện đại là điều gần như không thể … tất nhiên, trừ khi đối phương không có nhiều phương tiện hơn phiến quân Taliban.
Việc tấn công mạng gia tăng khiến cho các tác giả của bản báo cáo thực sự lo lắng nhất là khi những hoạt động này được tiến hành bởi các nhóm khủng bố do các chính quyền điều khiển hay nuôi dưỡng. Quân đội các nước phương Tây đang đặc biệt lưu ý tới kiểu tấn công này. Và chắc là họ đã có đủ phương tiện để đối phó. Vấn đề còn lại là họ không nên « ngủ » quá nhiều và nên nhớ rằng một ngày nào đó họ sẽ phải đấu đầu với những đối thủ «tinh nhuệ» hơn những đối phương họ đã gặp hiện nay ở đầu thế kỷ 21.
Tóm lại, nếu như còn có rất nhiều hiểm họa đe dọa hòa bình thế giới thì may thay, xu hướng chung vẫn là hướng tới giảm bạo lực chiến tranh.○
(còn tiếp)
*Nguồn : La Revue (bản giấy, tạp chí quan hệ quốc tế ra hàng tháng của Pháp) No 29, tháng Hai, 2013.
Xem phần 1 ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét