Sau này, mỗi lần đi qua quán Trung Tân của Trạng, tôi lại lặng lẽ mỉm cười trước cái bả lợi danh mà người đời thời nào cũng ham hố. Xưa, Lã Bất Vi từng rấm hạt giống của mình để buôn một ông vua và thừa tướng họ Lã đã chết bất đắc kỳ tử vì ông vua con do mình lai ghép đó.
Trong các hàng hóa bán mua ở trên chính trường, có lẽ món béo bở có lãi thượng thặng là món kinh doanh quyền lực. Món này dễ mất đầu như bỡn nhưng không ai ngán mà từ bỏ nó cả. (TDH)
*
Những ngày còn dạy học trên quê hương Trạng Trình, chiều chiều tôi (Thái Doãn Hiểu) thường thơ thẩn một mình dạo chơi ngắm cảnh mặt trời tà đỏ ối trên sông Tuyết mà chạnh nhớ đến Phu Tử người hiền.
Có lần đi qua nền cũ quán Trung Tân, tôi bật cười vì một sấm ngôn do một bà tuổi sồn sồn bất chợt xướng lên oang oang cho một bà bạn đi chợ hôm về cùng nghe:
Bao giờ ngựa đá sang sông
Thì dân Vĩnh Lại quận công suốt làng!
Ngựa đá thì làm sao lội qua sông được nhỉ ? Lỳ khôi quá ! Vĩnh Lại là làng của Trạng Trình rồi, nhưng ai làm quận công mà nhiều rứa ? Cả một làng quận công chứ chẳng chơi ở một xó làng quê nghèo kiết, hiền khô ở mé bể xa tít kinh kỳ này ! Ái chà ! Làng Cổ Am xưa kia đã từng hiển hách xài sang đến nhiều thế ư cái danh tước hiếm hoi thông thường cả nước may lắm chỉ có độ vài ông.
Tôi đem chuyện này ra hỏi anh Nguyễn Văn Khoảng – hậu duệ xa đời của Trạng. Nhiều sấm ký của Tổ, anh Khoảng rất rành nhưng chuyện này thì ông chánh văn phòng trường cấp III Vĩnh Bảo nghểnh ngãng bảo là không hay. Tôi lại đem hỏi một vài vị cao niên, họ cũng lắc đầu không biết nốt, Và rồi sự tích ngựa nghẽo, quận công đầy quyến rũ trong tâm trí tôi cứ chìm dần vào lãng quên giữa công việc dạy dỗ với chuyện áo cơm ì xèo thường nhật.
Bẵng đi lâu lắm, một dịp tình cờ tôi sang Ninh Giang chấm thi, gặp ở bến đò Chanh một bô lão đầu quấn thủ rìu, quần nâu áo chằng nhưng có cặp mắt tinh lạ không phải mắt người thường, làm nghề chở đò trên sông giải mã cho nghe câu sấm ấy. Ông lão ngoắt cây sào dài khua vào be lộp cộp, đẩy con thuyền nát bơi ngược dòng, ngoặt cái mũi thuyền đã quay sang ngang.
Lão kể:
Khi hồi hương ẩn cư lập ra quán Trung Tân, Phu Tử có sai gia nhân tạc một con ngựa đá đặt ở xế của quán ven bờ sông Tuyết. Con ngựa đá tầm thước sống động nhong nhong tưởng nôn nóng muốn tế vó nhưng nó sợ tấm bia đá đứng cạnh với hàng chữ Nho khắc rất bay bướm như đùa nên bồn chồn đứng yên, bức bối “Hà thời thạch mã độ giang – Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu”. Ngựa đá và bia đá sấm tạc từ năm 1557, trở thành kỳ quan của làng thu hút không biết bao nhiêu kẻ hiếu kỳ tứ phương. Tấm bia và ngựa đá kiên gan đứng đó tắm mưa nắng, gội thời gian như một câu đố bí hiểm sừng sững suốt hơn hai thế kỷ. Những đầu óc thông thái thời kỳ ấy đoán già đoán non mò không ra lời đáp.
Tới năm 1777, trời làm một cơn đại hồng thủy, đê vỡ, nước ngập lai láng, ngựa và bia đá biến đâu mất tăm. Dân làng cũng chẳng còn hơi sức đâu để ý đến nó. Họ lo hàn đê, dựng lại nhà cửa, tổ chức lại cuộc sống sau cơn thủy tai. Ba năm sau, một gã nông phu đi thả ống trúm bắt lươn moi được con ngựa đá vùi trong bùn cát bên hữu ngạn Tuyết giang. Đó chính là con ngựa đá của Trạng bị dòng xoáy lũ ném từ tả ngạn quán Trung Tân sang đây.
Chắc có điềm trời báo mộng chi đó, dân làng sợ động đến oai trời nên lập miếu thờ, dựng ngựa đá dậy ngay chỗ huyệt ngựa vừa đào được.
Cái năm “Ngựa đá sang sông” cũng là năm đất nước khốn khổ này xảy ra nhiều thác loạn. Tại Kinh kỳ, ông chúa Trịnh Sâm vì mê đắm bà Chúa Chè Tuyên phi Đặng Thị Huệ, mà bỏ trưởng Trịnh Tông lập thứ đưa đứa con nít ba tuổi đầy sài đẹn con ả (Trịnh Cán) lên ngai làm bọn lính Tam phủ nổi giận. Sâm vừa băng hà là chúng làm binh biến giết Cán, giết luôn cả quận Huy Hoàng Đình Bảo phò Khải lên giá ngay. Cậy công cậy quyền, bọn kiêu binh lộng hành làm đủ trò ngược ngạo. Chúng tỉa dần bọn cận thần tay chân của Khải, con khinh Khải không khác gì đứa nặc nô.
Lúc ấy, ở Đàng Trong, thanh thế Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lẫy lừng sét vang sấm nổ. Chỉ sau mấy trận giao tranh, Nguyễn Huệ diệt tan Chúa Nguyễn. Thừa thắng quân Tây Sơn có Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn đường rầm rộ kéo binh mã ra bắc quét sạch Chúa Trịnh cùng đám kiêu binh bọt bèo làm cho ông vua trẻ Lê Chiêu Thống chạy bạt vía. Quân Tây Sơn thu đất nước về một cõi.
Ông Huệ bấy giờ trong mắt dân chúng, sĩ phu và nhất là cựu thần nhà Lê ở Bắc Hà chỉ là một gã bạch đinh áo vải ấp Tây Sơn, nhờ thời thế ngả nghiêng, chỉ chưa đầy năm đã đạp đổ một vua hai chúa, lên ngôi chúa tể hùng cứ sơn hà nên vừa sợ, vừa phục, lại vừa khinh. Họ nổi lên như ong như kiến khắp nơi để phù Lê.
Nghe tin tướng Hoàng Phùng Cơ dấy binh ở Sơn Tây, Chiêu Thống lẻn theo họ Hoàng. Vua vừa tới nơi thì Cơ đã bị thượng tướng Tây Sơn Vũ Văn Nhậm giết, quân doanh tan hoang. Hoảng hồn, vua khóc như bò con lạc mẹ, trốn chạy về cửa sông Luộc, mong được nương tựa quận công Đinh Tích Nhưỡng. Nửa đêm tới Sơn Nam có tin dữ: ngài Đinh tướng quân, dòng dõi Đinh Văn Tả tập ấm 18 đời quận công này đã bị đô đốc Ngô Văn Sở đánh tan, phải cuốn cờ bươn xuống Hải Đông (Hải Dương), Chiêu Thống lại đổi hướng lần mò về phía ấy. Khi sang đò bến Đầm, đức vua bị bọn lái đò họ Trần lột hết cả long bào lẫn bọc hành trang cùng vàng ngọc quý giá, tống cho một đạp lộn cổ xuống sông, xong chèo đò cút thẳng. May có cận thần Lê Quýnh lén dấu được quả ấn “Truyền quốc bảo”, đang khi chộn rộn nhảy ào xuống sông trốn thoát. Vớt được ngài ngự lên, ông chú họ của đức vua lấy lời yên ủi, dặn dò “Tâu bệ hạ, thế giặc giờ đang cường như con nước lớn. Chúng là hùm beo lang sói. Muốn khôi phục lại giang sơn, bệ hạ không thể cậy trông vào lũ mạt dân Bắc Hà được. Quân tướng triều đình giờ chỉ còn là một đám ô hợp khốn nạn, bám vào chúng chết chìm cả lũ. Muốn trục được giặc dữ ra khỏi xứ, hạ thần phải lặn lội sang Tàu một chuyến mới xong”.
Lê Chiêu Thống ngoi ngóp trong bụi dứa gai ướt lướt thướt mừng rơn, mếu máo “Phải ! Phải ! Hoàng thúc hãy nên vì sự nghiệp nhà Lê ta mau mau bôn tẩu sang Thanh triều cứu cấp, trẫm sẽ lưu lại trong nước hô hào dân chúng lập một đội nghĩa cử cần vương làm hậu thuẫn cho quan quân Thiên triều”. Lê Quýnh cung kính trả quả ấn vàng cho vua “Đúng quá ! Hay lắm ! Thần cũng nghĩ vậy. Muốn chính danh phải có quả ấn vàng này trong tay. Bệ hạ nên giữ vật báu cẩn thận để hiệu triệu đắc lực và phong thưởng cho những ai tận trung báo quốc”. Vua ngượng ngùng lận quả ấn vào lưng cải trang giả làm thường dân. Vua tôi sụt sùi chia tay, kẻ ngược lên mạn bắc, người lần mò xuôi về phương nam.
Mờ sáng hôm sau, Lê Chiêu Thống vừa từ một tòa miếu đổ nát nơi ngài nghỉ qua đêm bước ra thì thình lình đã nghe thậm thịch những bước chân người chạy sấn sổ đến trước mặt, hò hét chỉ trỏ om sòm “A ha, đây rồi, anh em ơi, tìm mãi đức vua đây rồi !”. Đầu óc Chiêu Thống nổ đôm đốp, môi líu ríu chối “Bậy nào ! Vua… Ai vua?! Các bác chớ nói nhảm mà mang tội cả lũ chứ chả chơi đâu !”. Một bọn chục người hò nhau xông vào cõng vua băng xuống thuyền, mặc cho đức ngài khiếp hãi gân cổ lên hết sức cãi. Định thần lại, trời ! Vua nhận ra cái chính bọn cướp ngày hôm qua đã trấn lột mình, tống mình xuống thăm hà bá đây mà.
Thì ra, sau khi khoắng được một mẻ bẫm, chủ thuyền Trần Sinh cho thủ hạ mời Trần Thành – cha hắn đang đỗ thuyền gần đó tới. Nghe thủng chuyện, lão Trần Thành như kẻ động kinh, trợn tròn mắt, giẫm chân đấm ngực thùm thụp, thét “Cả một lũ chó lợn, ăn phải giống gì ngu độn thế. Tụi bay đã bỏ lỡ một cơ hội nghìn đời có một!”. Bọn thuyền chài quần quày áo cụt nghe chửi mặt thộn cán tàn. Lão Trần tức tối ném phịch cái áo long bào ra trước bấy nhiêu khuôn mặt ngơ ngác, gắt như mắm ruốc “Cướp lấy cái vật gở này làm chi hở trời, lợi lộc gì cho cam ! Bán không ai dám mua, cho không ma nào dám lấy, giữ thì có phải mình mày bị chém bay đầu thôi đâu mà có khi cả tam tộc mồ tổ nhà mày sẽ làm quỷ không đầu”. Bọn thuyền chài thấm sợ, co mình lại trước câu đe rùng rợn.
Vợ Trần Sinh láu táu chen vô “ Hay là bố mày vứt mẹ nó xuống sông ngay đi, rước chi của nợ này trong nhà để chuốc họa vào thân?” Lão già được thể vểnh râu, quắc mắt “Làm thế mà chạy tội được à?”. “Biết xoay xở làm sao hở trời” – Trần Sinh thở dài than. Chờ cho những lời bàn tán lắng xuống, buông một tràng cười tinh quái, lão Trần vuốt râu tủm tỉm “Xưa nay, chúng mày chỉ biết chài chài lưới lưới, thả câu bắt cá đem ra chợ đổi gạo. Nay, chúng bay có dám cả gan đi buôn không nào ?” “Buôn gì cơ ?” – “Buôn một ông vua !”. Chúng trố mắt kinh dị. Lão ra lệnh “Chúng bay hãy chia nhau sục tìm cho ra cái ông vua mất ngai mà chúng bay đã lột trần như nhộng ấy đem về đây hết lòng phụng dưỡng rồi phò tá ông ta đến chỗ ông ta muốn đi. Khi sóng yên bể lặng, chúng bay tha hồ mà lãnh ơn đền nghĩa đáp, thỏa sức hưởng phú quý vinh hoa. Tao đồ rằng chủ nhân của chiếc áo này phải là thiên đế chân mệnh đâu phải tay tẹp nhẹp, chẳng qua gặp bước lưu ly, khuất khúc nhất thời đó thôi !”. Thật là qủy kế, lão già quả đa mưu túc trí. Bọn chúng hí hửng, đang đêm đỏ đuốc táo tác chia nhau túa ra lùng sục khắp bãi bờ tầm ông vua.
Tìm được Lê Chiêu Thống, chúng dong thuyền áp thẳng về làng Vĩnh Lại, cung kính rước vua lên từ đường thờ tổ, mật báo cho cả họ đến lạy mừng sì sụp. Lê Chiêu Thống mừng sợ ngổn ngang. Ngay trước thiên nhan, cả họ bàn kế sách ứng phó. Chúng bàn : “Đinh Tích Nhưỡng đang đóng đại bản doanh ở Kim Thành cách xa ta không bao lăm, chỉ độ vài ba chục dặm đường. Nếu ta đưa đức vua về đó, bao nhiêu công lênh họ Đinh phỗng trọn, còn nước mẹ gì cho bọn đánh cá họ Trần ta nữa !”. Một tôn ông ra dáng kên kên bàn góp “Ai bảo đánh cá là nghề hèn mọn ? Gã Trần Lý (Trần Thủ Độ) xưa kia chẳng hành nghề chài lưới đấy sao ? Hắn ta chạy kiếm ăn lần hồi từ Yên Sinh (Đông Triều) đến vùng nước Hiển Khánh, Tức Mặc ven sông Hồng (Hà Nam), qua Bát Xá, Nông (cạnh sông Luộc). Phúc bảy mươi đời nhà gã có đứa con gái nhan sắc Trần Thị Dung gả cho hoàng thái tử Sảm (sau này là Lý Huệ Tông) mà cả họ vớ bở, nhất loạt được phong hầu. Về sau gã ma mãnh tiếm luôn ngai vua họ Lý, khuynh loát bá chủ thiên hạ. Nay, họ Trần chúng ta cũng chẳng thiếu gì tay kiệt hiệt như Trần Thủ Độ. Vận trời đã đổi dun dủi trao đấng quân vương này vào tay bọn ta, lẽ nào bọn ta lại không bắt chước Trần Thủ Độ dốc toàn toàn tâm toàn lực phò vua giúp nước, dại chi cờ đến tay không phất lại đem vào tay cho họ Đinh hưởng ? Mà cái ông tổ họ Đinh tên Văn Tả kia xưa cũng chỉ là một gã khố dây cù bất cù bơ kiến ăn quẩn ven hồ Tây, may nhờ kéo hộ chiếc thuyền rồng vua đi du xuân mắc cạn được vênh vang võng lọng chứ có hiển hách cái quái gì !”. Nói đoạn, đám họ Trần xếp hàng nhí nhố trước mặt rồng, sụp mọp xuống lạy năm lạy thề sống thề chết phò vua dẹp giặc đền ơn nước.
Trong khi quỳ lạy, một gã chợt trông thấy kim ấn thòi ra ở thắt lưng gần rốn thiên tử. Ông trưởng họ Trần ra dáng khúm núm trịnh trọng xin đức vua trước hãy giáng chiếu phong tước cho mình đã. Có phẩm trật cao sang rồi thì mới mưu bá đồ vương lo chuyện đại sự được, chứ không có cái khoản này thì nói ai người thèm nghe theo ?
Như ngồi trên lưng cọp, hoàng thượng rầu rầu len lét đem các chức “lãnh binh”, “đô đốc” ra biếu tặng. “Lãnh binh”, “đô đốc” là cái thá gì, phải “quận công” cơ, “quận công” mới vẻ vang, mới oai ?”. Chúng huơ chân múa tay nhất loạt bức bách vua. Cá đã nằm trên trốc thớt, phật ý chúng là bỏ bu, vả đã đến nước này thì “quận công”, “đô đốc”, “tể tướng” hay “thái sư” cũng thế cả thôi, bất quá chỉ tốn công in phẹt cái ấn quẹt son lên tờ giấy bản bọn họ đã thảo sẵn, chứ có mất mát gì. Vị hoàng đế trẻ chậc lưỡi, nuốt vội tiếng thở dài đắng họng, dụ “Phẩm hàm sắc phong là vật báu của triều đình xưa nay chỉ dành ân thưởng cho kẻ có công với nước. Nay, không nỡ phụ lòng trung trinh chí cốt và công cứu mạng quả nhân trong cơn hoạn nạn, trẫm bằng lòng ban thưởng cho các khanh. Nhưng khi được hưởng lộc nước rồi, các khanh phải gắng lập công chớ phụ lòng trông cậy của trẫm”. Roẹt một cái, năm bảy tờ giấy bản đã được vua tự tay áp triệt quốc bảo đỏ lòm. Mấy vị tôn trưởng họ Trần từ phận khố rách áo tải nhảy phốc một cái lên hàng nhất phẩm triều đình.
Thấy thang công danh mấy vị tôn huynh leo dễ ợt, mấy bác nhàng nhàng trong họ đâm ghen, kỳ kèo đòi vua ban cho mình những tước hiệu cao quý hệt như thế. Chiều Thống thành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, lại phải nai lưng ra đóng luôn cho mấy “đạo sắc” nữa.
Tin tức nhanh chóng lan truyền khắp họ. Bọn trai đinh họ Trần thấy cha chú mần ăn ngon ơ, chẳng tốn mấy tí nước bọt mà kiếm chác được sộp, liền lục tục kéo đến. Chúng quay ra công khích phỉ báng các tôn huynh ích kỷ chỉ biết vun quén cho riêng mình quên béng cả con em. Các tôn huynh ngồi thin thít ngậm tăm. Chúng nhâu nhâu bâu lấy đức vua, đứa lôi trước, thằng giật sau đòi thiên tử thấm nhuần ơn đã mưa thì phải tưới cho khắp.
Trót phải trét, Chiêu Thống đành run rẩy mở hầu bao lôi kim ấn ra in la in liệt cho mỗi đứa một đạo sắc “quận công”. Chỉ tước “quận công” thôi, chúng không ưng những thứ khác.
Mặt trời đội bể nhô lên. Công việc in ấn mới hoàn tất. Hoàng đế mệt phờ, mồ hôi ướt sũng lưng. Ngài gượng cười.. Hơn một trăm “quận công” nữa đã sản xuất xong.
Cái làng vạn chài Vĩnh Lại bé xíu, nghèo kiết với những ngư phủ chân đất đầu trần, chữ “nhất” cắn đôi tịt mít, qua một đêm bỗng trở thành “quận công” hết thảy ! Tuyết Giang Phu Tử thánh thật !
Hay tin, hai ông tướng họ Bùi họ Đinh cười gằn nhổ toẹt xuống cái lò quận công láo nháo rơm rác này. Các bác công khanh họ trần nhà ta đành phải đơn thương độc mã cứu nước ! Lê Chiêu Thống chọn đúng lúc sơ hở vuột khỏi tay các vị quý tộc cấp tiến gốc vạn chài, trốn thoát.
Nửa tháng sau, trong một trận tử chiến ác liệt với quân Tây Sơn trên cánh đồng phía tả sông Luộc, tất cả các vị nhất phẩm của triều đình đó đã bị lưỡi gươm dũng mãnh nhà nghề của thượng tướng Vũ Văn Nhậm khuơ ráo không sót một mống.
Câu chuyện lão lái đò kể chỉ có thế. Cái lối kể mới khúc chiết, hoành tráng và thông thái làm sao. Dân vùng này từ già chí trẻ ai cũng yêu lão, trìu mến gọi lão là Nam Thông. Thế gian quả thực không hiếm người tài ẩn danh. Mười tám năm qua rồi, tôi vẫn nhớ như in cặp mắt trong suốt lem lém như mắt mèo hoang, cùng giọng kể chuyện rỉ rả tan ra trong tiếng mái chèo rơi lõm đõm. Không biết con sông Luộc xanh biếc ấy chảy về đâu ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét