..Như người xưa nói: “Có bạc mới giầu, có cơ cầu mới có”?
Thế nhưng, có một việc làm Lân sửng sốt. Buổi chiều sau lúc nghỉ
ngơi chừng một tiếng, lão sửa soạn quần áo, chải lại đầu ( mà đầu lão hói quá
đỉnh,chỉ còn lơ thơ vài cái tóc ). Lão nói với Lân:
- Chú sửa soạn đi, xem máy có còn phim không? Anh với chú ra xã một
tí.
Lân thật bất ngờ. Anh nghĩ: “Chả nhẽ người quê về làng vẫn phải
ra xã trình giấy tờ sao?”. Nhưng không phải. Những quy định như thế bây giờ
người ta bỏ lâu rồi. Ủy ban không có thì giờ để xem xét những việc vơ vẩn như
thế. Chỉ trừ khi có ai vi phạm quả tang, hay nghi vấn điều gì đó người ta mới
hỏi đến giấy tờ. Còn ai muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Ai công đâu mà xét
hỏi kẻ qua người lại cho mất thời giờ?
Việc ra xã là một việc khác. Lão muốn thể hiện với các nhà chức
sắc địa phương, nhân thể thăm một vài người bạn thủa thơ ấu còn sống được đến
giờ. Dọc đường lão kể năm kia năm kìa lão về làng từng đóng góp cho quỹ khuyến
học, xây nhà tình nghĩa như thế nào?
Chủ tịch bí thư xã là chỗ quen biết. Họ niềm nở đón tiếp như gặp
người nhà. Còn tặng lão cuốn sách truyền thống và lịch sử của làng. Thấy sự đón
tiếp có vẻ ân cần thái quá, Lân nghĩ ngay đến việc thể nào các vị cũng có chiêu
trò gì đây?
Quả nhiên là đúng như vậy.
Khơi mào là tay thường trực văn phòng đảng ủy, rồi đến chủ tịch
bí thư. Họ có ý muốn yêu cầu cha con lão hiến tặng cho xã một công trình nho
nhỏ. Lớp mầm non của xã đã xây dựng xong, nhưng chưa có tường rào và cái cổng
ra vào.
Lân cứ nghĩ chưa chắc lão đã nhận lời vì số tiền để xây dựng theo
như mô tả, với anh không nhỏ. Có khi anh vất vả cả năm chưa chắc kiếm được.
Không ngờ lão gật đầu cái xoẹt! Lão lấy làm hứng thú khi mấy vị chức sắc trong
xã nói:
- Nếu bác giúp cho xã thì không ai bằng. Xã sẽ ghi nhớ công lao
đóng góp của những người con quê hương đi xa đối với xã nhà như gia đình bác.
Ngoài cổng lớp mẫu giáo mầm non này sẽ ghi rõ “Đây là phần đóng góp của gia
đình ông Trần Đại hiện đang sống ở Tuyên Hóa”. Bảng lưu niệm này sẽ được đặt
làm bằng đá hoa cương”. Bác thấy thế nào?
Lão Đại thêm:
- Nhưng kiểu dáng phải có sự nhất trí chung, các anh có đồng ý
tôi mới tham gia?
- Vâng tất nhiên là phải như thế rồi. Chúng cháu sẽ gửi bản thiết
kế lên để bác duyệt.
- Dự toán hết bao nhiêu?
- Chỉ độ nửa trăm thôi ạ!
Lão Đại phẩy tay, “ Chuyện nhỏ, nhất trí như thế đi”.
Lân lại bất ngờ. năm mươi triệu mà lão coi như không.
Lão là chuyên gia cho người khác “Đi tàu bay giấy”. Thì dụ muốn
khích lệ ai đó lão sẽ nói: “ Anh A, chị B đây là người có kiến thức sâu rộng.
Tài năng xuất chúng, đầu óc tổ chức và làm ăn luôn trên cả tuyệt vời”! Bất luận
người ta thực có những cái hay ho đó hay không?
Người đời ai chả muốn được ngợi khen? Chính Lân cũng một đôi lần
được lão cho lên tàu bay kiểu ấy khiến anh ngượng chín cả mặt. Không ngờ hôm
nay lão lại được lớp hậu bối, chức vị của xã đưa lên ngồi vào khoang loại máy
bay như thế!
Họ hẹn ngay trong tuần này, họ sẽ lên để “bàn bạc” cụ thể trên
quê hương thứ hai của lão. Lân nghĩ ngay đến ông em họ nhà sát cạnh ông em lão
và Lân đang nghỉ. Bà vợ ông này đang bị ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả
về. Người chồng tai biến mạch máu não, cứ ngơ ngơ như người không còn trí nhớ.
Hỏi câu nào cũng cũng cười cười ngơ ngẩn gật đầu. Mấy đứa con ông ta thấy lão
Đại đến mừng cuống quýt. Chỉ nhìn ánh mắt biết là chúng hy vọng ở lão nhiều lắm
mà chưa dám nói ra.
Lão Đại vẫn cười nói như không. Lúc về lão rút trong ví ra, đặt
vào tay người em họ tờ một trăm ngàn.
Ra khỏi ngõ Lân nói với lão:
- Theo em thì bác cho ngay ông em chục triệu để bác ấy chữa bệnh
có khi lại cần hơn bác chi tiền vào việc kia. Bác cho xã liệu tiền ấy có
được đem ra làm như họ nói hay lại vào túi người khác? Xây dựng các công trình
công cộng, xã nào chả có quỹ nhà nước cho?
Lão cười khợ khợ: “ Chú chỉ biết một mà chưa biết hai. Anh em
trong nhà ai chả thương, nhưng đừng để họ thành thói quen ỷ lại mình. Chỉ nên
cho cái cần câu hơn là cho con cá.Họ tự cứu lấy mình là chính, sao cứ mãi trông
hòng anh em? Còn việc công lại khác. Một khi anh đóng góp cả dân cả xã đều biết,
tiếng thơm để đời. Mỗi khi về làng cũng mát mày mát mặt. Cũng như của để dành,
là thứ lưu danh mãi mãi” Thì ra thế! Cái tình của đại gia thiết thực hơn nhiều,
không đơn giản như Lân nghĩ. Nhưng vẫn chưa hiểu lão Đại nói cho cái cần câu là
như thế nào?
Hai người còn đến thăm vài ba chỗ nữa. Những ông giáo đã nghỉ hưu,
ngày xưa cùng học hoặc cùng dạy với lão. Phần nhiều mấy ông này quên quên nhớ
nhớ, gầy guộc, ốm yếu nom thảm hại hơn
lão nhiều. Chả có ai về già lại vượng tướng được như lão.
Có một ông đại tá công an đã về hưu. Con cái ông này còn có mỗi
một đứa, lại không có nhà. Bà vợ bị sơ gan cổ chướng bụng phồng như người có
mang, mặt khô như cái mo cứ nhìn lão ứa nước mắt.
Ngày xưa đã có thời lão từng là người theo đuổi bà. Hồi đó lão
nghèo, chỉ là anh giáo làng kém xa ông chồng bà bây giờ.
Đúng là không ai học được chữ ngờ. Cảnh nhà vị đại tá này chỉ
nhìn qua là biết đang cơn túng quẫn. Thời buổi này rồi trong nhà vẫn đang dùng
cái ti vi đen trắng. Cửa rả long hết bản lề xiêu xiêu vẹo vẹo, chẳng cần sửa.
Ông con lúc đầu đại tá còn giấu. Nói chuyện một lúc mới than thở, hở ra là anh
ta đang cai nghiện ở công trường 06.
Ở chơi nhà này là lâu nhất. Tình yêu là cái gì day dứt, ám ảnh
người ta lâu dài nhất trong đời. Cả khi người yêu đã đi với người khác thì kẻ
thiệt tình kia vẫn dõi mắt trông theo. Duy nhất chỗ này lão Đại cho quà tới hai
trăm ngàn. Ông đại tá có vẻ ngượng ngịu, sau nói mãi mới chịu cầm
Ra đến đình lão Đại mới kể hết cho Lân nghe chuyện nhân vật này.
Chẳng ai ngờ người quyền cao chức trọng như vậy lại có ngày hôm nay.
Bà vợ ông đại tá hẳn khi lão Đại đã về thế nào cũng lăn phăn suy
nghĩ. Bà thật chẳng ngờ anh giáo ngày xưa người mỏng như con mõ mương, chuyên
mặc quần có miếng tích kê ở đầu gối lại
như ngày hôm nay.
Phải có phép thần nào mới biến một con người như thế trở thành
đại gia, có ba thằng con trai làm đến giám đốc tổng công ty. Người mắc bệnh như
bà tỉnh táo đến lúc chết. Bà sẽ phải mất ngủ nhiều đêm vì chuyện này.
Người ta có thể làm lại nhiều việc, nhưng không thể làm lại cuộc
đời. Cuộc đời cái gì đã qua là đã qua. Nói làm lại chỉ là cách nói hàm hồ nếu
không nói chỉ là sự an ủi động viên chả có mấy giá trị!
Ngoài đình ông từ đi đâu vắng. Thành thử hai người chỉ đi lanh
quanh một hồi, không vào thắp hương được như mọi lần lão về.
Không biết có phải đúng như vậy không? Nhưng sáng sớm hôm sau xảy
ra một việc, mỗi khi nhớ đến cả lão và Lân đều áy náy trong lòng..
( Còn nữa.. )
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét