Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Việt Nam trước Đại hội Đảng XIII


Theo đài BBC, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới công bố toàn văn Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cao cấp. Văn bản nêu các yêu cầu với những chức danh cao nhất Việt Nam, gồm cả Tứ Trụ (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội). Chỉ mới hai năm trước, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký một văn bản tương tự gọi là Quy định 90, công bố tháng 8/2017. Hai năm sau, Quy định 214 ra đời, có cùng nội dung về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính, Ban Bí thư quản lý.
Có gì khác biệt trong hai văn bản quan trọng này?
Quanh vị trí cao nhất, quan trọng nhất Việt Nam, chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, yêu cầu có một số khác biệt, qua ngôn ngữ hai văn bản năm 2017 và 2020. Quy định 214 thêm chữ mới “quy tụ”:
Tổng Bí thư là “trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””.
Quy định năm 2017, yêu cầu Tổng Bí thư “có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng”. Tuy nhiên, sang năm 2020, Tổng Bí thư chỉ cần có “kiến thức sâu, rộng, toàn diện  trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…”.
Năm 2017, yêu cầu Tổng Bí thư “phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài”. Cụm từ này  đã được bỏ đi. Thay vào đó, yêu cầu cho Tổng Bí thư năm 2020 thêm chữ mới là có “tư duy nhạy bén”, và chữ mới nữa là “bình tĩnh”. Cụ thể toàn văn câu liên quan trong Quy định 214 năm 2020 là “Có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc”.
Năm 2017, yêu cầu Tổng Bí thư “có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm”. Năm 2020, bỏ đi chữ “chỉ đạo”, thay bằng chữ “lãnh đạo”. “Có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt”.
“Hoàn thành tốt” áp dụng cho cả bốn chức danh cao nhất
Quan trọng nhất, năm 2017, yêu cầu Tổng Bí thư “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Năm 2020, đã hạ xuống còn “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Việc hạ thấp yêu cầu này áp dụng cho cả Tứ Trụ. Tức là, so với quy định ban hành năm 2017, quy định 2020 chỉ yêu cầu “hoàn thành tốt nhiệm vụ” thay vì “hoàn thành xuất sắc” đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đất nước.
Các văn bản công bố gần đây cho thấy ý tưởng hợp nhất hai chức Chủ tịch nước và Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản không được đưa vào văn bản chính thức. Ý tưởng “nhất thể hóa” này được nêu ra sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm chức Chủ tịch nước sau khi Chủ tịch Trần Đại Quang từ trần. Tuy nhiên, cho đến nay, các chức vụ này vẫn là riêng rẽ và sẽ tiếp tục như vậy tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XIII, dự kiến vào đầu 2021.
Gần đây, trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, Đại học Queensland, Australia cho rằng câu hỏi lớn nhất mang tính quyết định đến việc lựa chọn là liệu Đảng Cộng sản có tiếp tục theo đuổi việc hợp nhất chức danh Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước như hiện tại, hay quay về với mô hình “tứ trụ” truyền thống.
Theo ông, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp Việt Nam vẫn có quy định riêng cho chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, nên dù một người đảm nhận 2 chức vụ thì đây vẫn là 2 chức vụ riêng rẽ trogn hệ thống chính trị Việt Nam. Còn nếu giữ mô hình truyền thống thì có nghĩa là cần 4 vị trí “tứ trụ” do 4 ủy viên bộ chính trị khác nhau đảm nhiệm, cho các chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam. Dù ai nắm các chức vụ này, nhu cầu cải cách thể chế, các sức ép về môi trường, y tế, biến đổi khí hậu, bộ máy cồng kềnh, quan hệ Mỹ – Trung với lãnh đạo Việt Nam sẽ vẫn còn đó, thậm chí còn tăng độ nóng.
Nguồn: TKNB – 05/02/2020.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: