Đã có một số ý kiến nhận định rằng mối quan hệ chính trị và kinh tế của 3 nước là Ý, Hàn Quốc và Iran với Trung Quốc đã tạo điều kiện cho virus corona chủng mới (Virus Vũ Hán) lây lan, trở thành đại dịch toàn cầu.
Nhìn vào diễn biến dịch bệnh trên thế giới, có thể thấy phần lớn các ca nhiễm bệnh sau ngày 25/2 đến từ bên ngoài Trung Quốc, với Ý, Iran, và Hàn Quốc nổi lên là các ổ dịch nghiêm trọng nhất. Tâm chấn của dịch bệnh đã đột ngột chuyển từ Trung Quốc ra thế giới, trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Tờ Epoch Times đã có cuộc thảo luận về tình hình dịch bệnh tại 3 quốc gia nói trên và mối liên hệ của những nước này với Trung Quốc.
Sự phụ thuộc của Ý vào Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ý, người Trung Quốc cũng là cộng đồng nhập cư lớn nhất tại quốc gia Nam Âu này. Các chuyên gia và các chính trị gia tin rằng mối quan hệ chính trị và kinh tế của Ý với Trung Quốc đã góp phần vào cuộc khủng hoảng virus corona trong nước.
Andrea Delmastro Delle Vedove, một chính trị gia người Ý thuộc Đảng Bảo thủ Quốc gia Fratelli d’Italia (Những người anh em của Ý), đã nói với Epoch Times rằng cuộc khủng hoảng hiện thời cho thấy sự phụ thuộc vào Trung Quốc có thể mang đến vấn đề không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, mà còn là an ninh và y tế dự phòng quốc gia.
Ông Delle Vedove có nguyên nhân để lo lắng. Năm 2018, hơn 3 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến Ý, theo Reuters. Ba trường hợp nhiễm virus corona Vũ Hán đầu tiên xuất hiện tại Ý vào cuối tháng 1, hai trong số đó là khách du lịch Trung Quốc, theo The Guardian.
Điều này đã khiến Ý dừng việc nhập cảnh người Trung Quốc. Khi dịch bệnh và quan điểm chống Trung Quốc tăng cao trong cộng đồng, các công ty Trung Quốc bên trong Ý cũng đã tăng cường các hành động nhằm thay đổi nhận định của công chúng.
Công ty điện tử tiêu dùng Trung Quốc Xiaomi đã tặng hàng chục nghìn khẩu trang FFP3 cho Ý vào tuần trước, theo một bài đăng ngày 5/3 trên trang Facebook của công ty. Nhưng Delle Vedove nói rằng hành động này góp phần tăng thêm nỗi sợ hãi.
“Chúng tôi sợ khi họ mang ‘quà’ cho chúng tôi, bởi vì nếu virus corona không xuất hiện, chúng tôi đã không cần khẩu trang của họ. Chúng tôi hẳn là có thể đối phó với dịch bệnh nếu ban đầu Trung Quốc đã nói sự thật về ‘con quỷ’ này,” chính trị gia cho biết.
Cùng quan điểm với Delle Vedove, hai chuyên gia của Carnegie, Paul Haenle và Lucas Tcheyan, đã viết trong một phân tích tháng trước rằng “việc Bắc Kinh tiếp tục không minh bạch đã làm tăng thêm suy đoán về nguồn gốc thực sự của cuộc khủng hoảng và mức độ lây lan của bệnh dịch.”
Trong khi Delle Vedove bày tỏ lo ngại về “con quỷ sinh ra ở Trung Quốc,” Thủ Tướng Ý Sergio Mattarella đã đến thăm một trường học ở Rome với phần lớn là học sinh Trung Quốc vào đầu tháng trước để giảm bớt sự căng thẳng và thể hiện tình bạn bè với Bắc Kinh, theo Reuters.
Sau cử chỉ hữu nghị của Mattarella, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cám ơn ông trong một bức điện được đọc bởi Đại sứ Trung Quốc tại Rome, Li Junhua, trong một buổi hòa nhạc tại dinh tổng thống vài tuần sau đó, Thông tấn xã Ý ANSA đưa tin.
“Đây là một cử chỉ cụ thể cho thấy tình bạn thật sự được nhìn thấy trong những lúc cần thiết và tôi vô cùng xúc động,” lá thư của ông Tập Cận Bình viết.
Đối với Delle Vedove, đây là nguyên nhân của sự lo lắng. Ông cáo buộc Trung Quốc không phải là một quốc gia an toàn và minh bạch, và nói rằng Trung Quốc không tôn trọng bất kỳ luật lệ nào, chỉ sử dụng chúng cho lợi thế của mình mặc dù là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Mối liên hệ của Iran với Trung Quốc
Trong khi virus tiếp tục lây lan từ Ý sang khắp châu Âu, thì tâm dịch tại Trung Đông là Iran. Các chuyên gia nói rằng dịch virus Vũ Hán ở quốc gia này cho thấy các mối quan hệ cấp cao giữa chế độ Trung Quốc và Iran.
Hãng hàng không Mahan của Iran đã tiếp tục bay giữa các thành phố của Iran và Trung Quốc mặc dù lệnh cấm đã được thông báo ngày 31/1, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng bên trong Iran và toàn bộ vùng Trung Đông.
Một bản thông báo ngày 2/2 trên trang web của hãng hàng không cho biết các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc chỉ bị dừng vào cuối tháng 2.
“Khamenei biết, biện pháp phòng vệ sinh học tốt nhất hẳn là nên nói cho người dân Iran sự thật về virus Vũ Hán khi nó lây lan sang Iran từ Trung Quốc. Thay vào đó, ông lại tiếp tục để các chuyến bay của hãng hàng không Mahan đến và về từ tâm dịch tại Trung Quốc và bỏ tù những ai lên tiếng,” Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter ngày 13/3.
Hãng bay Mahan đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ trừng phạt trong năm 2011 vì mối liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, một chi nhánh của quân đội Iran đã bị chính quyền Trump tuyên bố là một Tổ chức khủng bố nước ngoài vào năm ngoái.
Manjari Singh, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Trung Đông ở New Delhi, nói với Epoch Times trong một email rằng trường hợp của Iran thật kỳ lạ, bởi vì nước này bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt, nhưng vẫn bị đại dịch tấn công.
“Như vậy, có nghĩa là nó không quá bị cô lập như người ta tưởng!” bà nói.
Một bản tin của Radio Farda, một đài phát thanh tiếng Ba Tư được hỗ trợ bởi Quốc hội Hoa Kỳ, đã chứng thực điều mà bà Singh nói. Bản tin cho biết bất chấp lệnh cấm, một chuyến bay của Mahan (W578) đã bay từ Bắc Kinh đến Tehran vào ngày 21/2.
“Hơn nữa, ca nhiễm đầu tiên xảy ra tại Qom, một thánh địa tôn giáo, nhưng cũng là thành phố có phần lớn các dự án của Trung Quốc được đặt tại đây. Mối liên hệ với Trung Quốc chính là ở tại đó,” bà Singh cho biết.
Nicole Robinson, một trợ lý về Trung Đông của tổ chức Heritage Foundation đặt tại Washington cũng nói với Epoch Times trong một email rằng hàng trăm sinh viên Trung Quốc và các giáo sĩ trẻ học trong các hội thảo về Iran tại Qom.
Bà Singh cho biết chính quyền đã che đậy và thiếu minh bạch về nạn dịch viêm phổi Vũ Hán ở Iran kể từ khi nó bắt đầu.
“Có lẽ Iran không muốn việc giao thương của họ với Trung Quốc bị gián đoạn. Đó là lý do tại sao họ đã khiến virus lan rộng mà không tiết lộ nó. Những biện pháp cảnh báo đã không được thực hiện và việc du lịch đến và từ Trung Quốc đã không được giám sát,” bà Singh nói.
Trong khi truyền thông nhà nước Iran, Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo (IRNA), thông báo 724 người đã chết vì virus corona tính đến ngày 15/3, thì Ban thư ký của Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Iran (NCRI), một tổ chức chống lại chế độ, cho biết con số đã vượt quá 4.500 trong một báo cáo ngày 14/3.
Người Hàn Quốc giận giữ vì chính quyền thỏa hiệp với Trung Quốc
Khi cuộc khủng hoảng virus Vũ Hán gia tăng ở Hàn Quốc, quan điểm chống Trung Quốc ở trong nước cũng tăng lên, người dân đổ lỗi cho chính phủ không áp đặt các hạn chế du lịch đối với Trung Quốc trong những ngày đầu của nạn dịch.
Chuyên gia nghiên cứu cao cấp về Đông Bắc Á của tổ chức Heritage Foundation, Bruce Klinger, cho biết trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn Trung Quốc tạo điều kiện cho cuộc đối thoại với Bắc Triều Tiên trước khi cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày 15/4, nhưng người dân không hài lòng với điều này.
“Virus corona đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Hàn Quốc. Các nhà phê bình cáo buộc ông Moon đã quá thỏa hiệp trước Bắc Kinh khi do dự áp đặt các hạn chế du lịch đối với du khách Trung Quốc trong giai đoạn đầu của nạn dịch,” Klingner nói với Epoch Times trong một email.
Công chúng Hàn Quốc rất tức giận đối với Tổng thống Moon sau khi ông gửi các thiết bị y tế trị giá 5 triệu USD đến Vũ Hán trong những ngày đầu của nạn dịch. Vấn đề đã trở nên tồi tệ tại Hàn Quốc khi virus lây lan nhanh chóng tại nước này, gây ra tình trạng thiếu hụt các vật tư y tế.
Hơn 1,4 triệu người Hàn Quốc đã ký một bản kiến nghị trên trang web của Tổng thống tính đến ngày 11/3, yêu cầu luận tội Tổng thống Moon về cách xử lý virus corona và các chính sách ‘thân Trung Quốc’ của ông.
“Cách Tổng thống Moon phản ứng với dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc cho thấy dường như ông giống Chủ tịch của Trung Quốc hơn Tổng thống của Hàn Quốc,” bản kiến nghị cho biết.
“Tại Hàn Quốc, giá của khẩu trang đã tăng hơn 10 lần và đã hết sạch hàng, người dân rất khó để mua được khẩu trang,” bản kiến nghị nói.
Bản kiến nghị cũng quy trách nhiệm cho chính phủ Hàn Quốc khi không hạn chế người Trung Quốc vào nước họ. Sau khi dịch bệnh bùng phát, 5 triệu người Trung Quốc được cho là đã đến Hàn Quốc trước khi Vũ Hán bị phong tỏa.
Gia Huy (theo Epoch Times)
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét