VHSG- Di Li. Tôi giãy nảy. Tên gì mà kỳ quái chết. Nhưng cũng chỉ dám nói rằng tôi không thích cái tên Li. Bế Kiến Quốc chưng hửng, không nói gì thêm. Tôi ái ngại. Lúc ấy tôi có một suy nghĩ rất trẻ con, ấy là mình đã làm cho tổng biên tập không vui. Nếu ông không vui, nhỡ đâu lại đâm ghét, chẳng in truyện Chiếc vòng bạc cho tôi nữa. Cuối cùng tôi cũng… đồng ý.
Cuối năm 2001, lần đầu tiên tôi đến báo Người Hà Nội. Người đã mời tôi đến bảo: “Vào đây, để anh giới thiệu em với tổng biên tập”. Tôi lẽo đẽo theo sau, vào căn phòng quây vách nhôm phía cuối ngôi nhà lớn. Có khá đông người trong đó, có lẽ vì người ta đang làm báo Tết nên khung cảnh rất nhộn nhịp. Tôi nhìn thấy một người đàn ông đứng tuổi nhỏ bé đang ngồi sau chiếc bàn lớn, khói thuốc mù mịt bao quanh khuôn mặt không cười nhưng tươi tắn.
– Đây là anh Bế Kiến Quốc, Tổng biên tập.
Tôi dõng dạc đầy kính nể:
– Cháu chào chú.
Người kia nhăn mặt quay sang tôi nói nhỏ:
– Em gọi anh ấy bằng anh thôi.
Người kia giới thiệu tên và nghề nghiệp của tôi, rồi nói rằng tôi rất muốn cộng tác với báoNgười Hà Nội. Tổng biên tập không bình luận gì, chỉ đưa cho tôi chiếc các vi dít, mà giờ tôi vẫn còn giữ lại. Sau đó hỏi rằng tôi có thể viết được thể loại gì, và có sẵn sàng viết ngay cho báo Tết được không. Tôi sốt sắng nhận lời, việc của tôi hôm nay đến đây cũng chỉ có như vậy. Ông bảo rằng đang cần hai bài, một bài phỏng vấn người tuổi Ngọ cho số báo Tết Nhâm Ngọ, và một bài viết về nhà văn Kim Lân. Lúc này ông mới cười, nụ cười phấn khích như vừa chợt nghĩ ra một ý tưởng thú vị.
– Hay là em phỏng vấn nhà thơ Hữu Thỉnh nhé. Ông Hữu Thỉnh tuổi Ngọ đấy.
Tôi hỏi hạn nộp bài và nói rằng trong ngần ấy thời gian, tôi chỉ có thể làm được một bài. Cuối cùng, cả hai thỏa thuận rằng tôi sẽ viết bài chân dung nhà văn Kim Lân cho số Tết. Hạn nộp bài là năm ngày sau. Ông cung cấp cho tôi số điện thoại của nhà văn Kim Lân rồi tiếp tục công việc bận rộn của mình với các cộng tác viên khác đang vào ra tấp nập.
Tôi chỉ gặp nhà thơ Bế Kiến Quốc chừng đâu bốn, năm lần. Cũng không thể nói chính xác là bốn hay năm lần, nhưng lần nào tôi cũng thấy ông với một điếu thuốc. Bế Kiến Quốc hút thuốc liên tục trong giờ làm việc, tôi không thể không nhận ra ngay điều ấy.
Đúng năm ngày sau, tôi trịnh trọng mang bài lên nộp cho tổng biên tập. Lúc ấy, tôi nhìn thấy sự gì đó hơi chững lại. Bế Kiến Quốc ngập ngừng thông báo rằng cũng đã có một phóng viên của báo đi viết bài này. Tôi ngơ ngác.
– Nhưng hôm đó anh đặt em viết bài này kia mà.
– Thì… tôi cứ tưởng là em không viết nữa.
Rồi ông bảo cứ để bài đấy xem sao. Tôi ra về, trong lòng đầy buồn bực. Sao lại thế được? Đây rõ ràng là một bài báo đã được đặt hàng, và tôi đã mất nhiều công sức để viết nó. Tôi nhận ra rằng tổng biên tập đã không tin tưởng tôi, một cộng tác viên mới toe. Lúc ấy ông đang trong tâm trạng vui vẻ nên đặt bài, sau nghĩ lại, không chắc tôi có nộp đúng hẹn không, không chắc tôi có viết ra nổi chân dung một con người mà dường như báo chí đã khai thác hết mọi khía cạnh đề tài, mới cử thêm người khác đi viết cho chắc chắn. Báo thường thì không sao, đây lại là báo Tết, mọi nguồn bài vở cần hết sức chuẩn xác và chất lượng. Mà đấy lại là một bài quan trọng, không nhà báo chuyên nghiệp thì cũng phải cộng tác viên “cây đa cây đề” đảm nhận.
Nhưng hai ngày sau, ông gọi điện thông báo bài viết của tôi đã được sử dụng, nhân tiện ông cũng đã kiếm được một tấm ảnh minh họa rất độc đáo của nhà văn Kim Lân. Tôi cười qua điện thoại. Đó là cảm giác sung sướng khi lần đầu tiên có một bài được in trên báo Tết. Ông cũng nói thêm rằng bài của tôi rất tốt, rằng: “Chính tôi chơi thân với ông Kim Lân như thế mà cũng có nhiều chi tiết trong bài tôi chưa được biết”.
Chẳng hiểu ông khen thật hay nói để động viên nhưng tôi thực sự hạnh phúc. Mãi sau này, tôi cũng vẫn luôn vô cùng cẩn trọng trong lời nhận xét đối với những người trẻ tuổi hơn mới bước vào nghề. Tôi hiểu được cảm giác thiếu tự tin và hồi hộp, lo lắng của những người bắt đầu cầm bút viết. Tôi đã luôn thiếu tự tin như thế, trong suốt một thời gian dài, và cho đến giờ phút này, tôi luôn biết ơn những người đã thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tác trong lòng tôi ngay từ những buổi ban đầu, thay vì phũ phàng dập tắt nó vì một vài sự vô tình.
Mặc dù chỉ tiếp xúc với nhà thơ có vài lần, trong một thời gian rất ngắn, nhưng tôi cảm nhận được thái độ nghiêm túc, tâm huyết và tận tụy của ông trong công việc cũng như sự chân thành, giản dị trong đối nhân xử thế. Tại thời điểm đó, báo Người Hà Nội đang là một ấn phẩm văn nghệ sang trọng và đáng mơ ước của nhiều cộng tác viên.
Báo Tết ra, bài viết của tôi chiếm trang rưỡi. Trước đó tôi gửi truyện ngắn Chiếc vòng bạc cho ông, nhà thơ có nói ý rằng tôi nên tìm lấy một bút danh, sẽ tốt hơn cái tên thật mà tôi đang dùng. Tôi bảo cũng đã nhiều người nhận xét thế nhưng tôi chưa tìm ra một cái tên nào khả dĩ và hỏi liệu ông có thể nghĩ giúp tôi một bút danh được không. Bế Kiến Quốc hẹn sẽ suy nghĩ và trả lời sau. Lần gặp sau đó, ông bảo:
– Tôi đã nghĩ cho em một cái tên rồi đấy… Di Li có được không?
Tôi giãy nảy. Tên gì mà kỳ quái chết. Đọc lên nghe chẳng giống ai. Nhưng cũng chỉ dám nói rằng tôi không thích cái tên Li. Bế Kiến Quốc chưng hửng, không nói gì thêm. Tôi ái ngại. Lúc ấy tôi có một suy nghĩ rất trẻ con, ấy là mình đã làm cho tổng biên tập không vui. Nếu ông không vui, nhỡ đâu lại đâm ghét, chẳng in truyện Chiếc vòng bạc cho tôi nữa. Cuối cùng tôi đành bảo:
– Thôi em dùng tên ấy cũng được, đọc đi đọc lại nghe cũng… thấy hay hay.
Tôi bụng bảo dạ, bút danh gì cũng không có sao, miễn cái truyện của tôi được in trên tờ báo văn ấy là được, (Trước đó, tôi mới chỉ viết một cái truyện cho tuổi teen in trên báo Hoa học trò), in xong rồi thay bút danh cũng chẳng sao.
Cuối mùa xuân năm ấy, tôi có gọi điện cho nhà thơ về công việc. Ông bảo bài vở cứ đến gửi tòa soạn, ông sẽ xem sau, vì giờ còn đang phải nằm viện. Ông bảo ông ốm xoàng xoàng, nhưng cần phải nằm viện để kiểm tra, giọng rất vui vẻ. Tôi cũng tin thế và vẫn tin rằng ông sớm quay trở lại tòa soạn.
Con người Bế Kiến Quốc có lẽ vẫn lạc quan cho đến giờ phút cuối cùng. Và thường thì người ta không bao giờ tin những người lạc quan một ngày nào đó sẽ vĩnh viễn tắt nụ cười. Tuy nhiên lúc ấy tôi nghĩ rằng nằm viện dài ngày thế ắt phải buồn lắm, nhất là vào mỗi buổi sáng, khi một ngày mới bắt đầu và người bệnh tự hỏi mình liệu hôm nay mọi chuyện có khá hơn không. Vậy là mỗi buổi sáng sớm, trước khi lên lớp, tôi thường gửi một tin nhắn đến cho nhà thơ với lời chúc mong ông chóng lành bệnh. Ông nói rằng rất vui khi nhận được một lời chào vào mỗi buổi sáng và trách tôi sao chẳng thấy dùng bút danh mới. Đó là những thông điệp cuối cùng tôi nhận được từ ông.
Mùa hè năm Nhâm Ngọ, tôi nghe tin dữ, nhà thơ Bế Kiến Quốc bị căn bệnh ung thư phổi. Tôi thường không mấy khi hối tiếc điều gì, nhưng trong khoảnh khắc ấy, tôi ước gì mình đã được chào ông một lần trong một buổi sáng khác, trước khi phải nói lời chào cuối cùng.
Và có thể nào nhà thơ đã hình dung được nỗi luyến tiếc của tất cả những người yêu quý ông để mà viết “Có thương tiếc cũng đừng thương tiếc quá”. Cũng thật tình cờ, đây lại là những câu thơ đầu tiên mà tôi đọc được, vì lúc sinh thời chưa lần nào nghe Bế Kiến Quốc nhắc đến thơ cả:
Tôi phải đi một ngày khi đã tận
Yêu đã xong, ân oán cũng xong rồi
Tôi tịch diệt giữa cõi trần bụi bặm
Ánh hào quang lìa hẳn cảnh luân hồi
Có thương tiếc cũng đừng thương tiếc quá
Buồn đủ buồn như mọi cuộc chia ly
Tôi để lại không mang theo gì cả
Thật nhẹ nhàng như gió lúc ra đi
DI LI
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét