Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Đất Thủ Thiêm – Kỳ 3: “Tao Bắn…!”


Bút ký VÕ ĐẮC DANH

V. Đau Thương Chồng Chất Đau Thương

Gần nhà chị Vinh, một ngôi nhà còn sót lại nằm chơ vơ giữa bãi tha ma là ngôi nhà của vợ chồng ông Huỳnh Văn Lực và bà Nguyễn Thị Giáp. Ông Lực 91 tuổi đời, 70 tuổi đảng, bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường; bà Giáp 83 tuổi, lụm khụm chăm sóc cho chồng. Hồi xưa họ có người con trai hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng đã chết vì tai nạn điện. Bà nói, nếu nó còn sống thì đỡ khổ cho tôi, ít ra có con cháu cũng bớt đi sự cô quạnh của tuổi già. Giờ trong tình cảnh nầy, nếu tôi ngã bệnh thì… thật là khổ.
Tôi hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu không may bà ngã bệnh giữa cái bãi tha ma nầy trong căn nhà không có người thứ ba, chung quanh không có láng giềng. Tôi không dám so sánh với bất kỳ quốc gia nào, xã hội nào về chính sách nhân đạo đối với tuổi già, và có lẽ, bà Giáp cũng không có mong muốn nào hơn ngoài việc đừng cưỡng chế, đừng đập phá cướp đất, hãy để yên cho vợ chồng bà trong những năm tháng ngắn ngủi còn lại cuối đời.
Vợ chồng cụ Huỳnh Văn Lực và bà Nguyễn Thị Giáp liều chết trong ngôi nhà nếu bị cưỡng chế. Hình: Đ.D
Vợ chồng bà Giáp đều là viên chức của Bộ Vật tư, khi về hưu, họ được cấp một căn nhà cộng cư bên phường Thảo Điền, tức là một căn nhà một trệt một lầu được cấp cho hai hộ, bà ở tầng dưới, ông sếp của bà ở tầng trên. Rồi ông Lực ngã bệnh, đứa con trai qua đời. Sau một thời gian chạy chữa cho chồng, chợt nhìn lại thấy mình ngồi trên đống nợ. Không còn cách nào khác, bà phải bán quyền sử dụng cái không gian tầng trệt ấy cho người ở trên lầu. Sau khi thanh toán nợ nần, còn lại ít tiền, bà sang Thủ Thiêm mua lại căn nhà nát trong con hẻm trên đường Lương Định Của. Nhà không có chủ quyền, chỉ sang nhượng bằng giấy tay. Nhưng người chủ cũ bằng cách nào đó đã chạy chọt cho bà xây lại ngôi nhà cấp bốn.
Ở yên được mười năm, đến tháng tư năm 2011, khi cả khu phố bị cưỡng chế, đập phá thành bình địa thì tới lượt hai ngôi nhà của ông bà và chị Vinh, một người già bị tai biến và một phụ nữ neo đơn khuyết tật bị cưỡng chế sau cùng. Ngày 18 tháng 4 năm 2011, nhà chức trách tới trao cho bà quyết định cưỡng chế và bảng chiết tính bồi thường với giá… không đồng. Lý do: nhà và đất không có giấy tờ hợp lệ. Tuổi già sức yếu, trong cảnh neo đơn, nhưng bà phải vừa đi kiện vừa chăm sóc cho người chồng nằm liệt giường.
Đến ngày 25 tháng 1 năm 2003, bà nhận được thông báo giải tỏa kèm theo bảng chiết tính bồi thường theo hai phương án như sau: Phương án thứ nhất, nếu bà nhận tái định cư thì bà được trả 9.612.500 đồng (chín triệu sáu trăm mười hai ngàn năm trăm đồng) và được mua một diện tích tái định cư 7,75 mét vuông (bảy phẩy bảy mươi lăm mét vuông) trong căn hộ chung cư bằng với số tiền ấy. Nói cho dễ hiểu là ngôi nhà và đất hơn một trăm mét của bà sẽ đổi 7,75 mét vuông chung cư, phần còn lại của căn hộ tùy theo lớn nhỏ bà phải trả tiền theo giá gọi là bảo toàn vốn. Phương án thứ hai, nếu bà không nhận tái định cư thì bà được lãnh số tiền 133.612.500 đồng, tự tìm chỗ ở.
Bà Nguyễn Thị Giáp bên căn nhà bị chính quyền đập nát.
Cũng như bao nhiêu người khác, bà không chấp nhận cả hai phương án, và cuối cùng là cưỡng chế, nói cho chính xác hơn là bị cướp. Cũng như trường hợp của chị Vinh, mỗi lần nhân viên công lực và phương tiện cơ giới tới bao vây thì hàng xóm kéo tới làm hàng rào sống bảo vệ cho vợ chồng bà. Bà khóa cửa rào và lấy hết hơi sức của tuổi già nói vọng ra với nhà chức trách: “Các ông muốn làm gì thì cứ làm đi, vợ chồng tôi sẽ ôm nhau cùng chết, thà chết ở đây còn hơn chết ở ngoài đường.”
Nhân viên công lực đi cướp thay cho người khác, dù sao cũng là con người, có lẽ cũng biết sợ luật nhân quả nên họ rút lui trước hai con người như ông Lực và chị Vinh, những người mà nếu ném ra đường, họ sẽ chết ngay tại chỗ.
oOo
Chúng tôi đến thăm anh Đặng Văn Truyền, 50 tuổi, đang sống trong căn phòng tạm cư 21 mét vuông như cái ổ chuột ngổn ngang vật dụng gia đình, nhếch nhác, ngột ngạt và oi bức, giống như cái cảnh tản cư chạy giặc hồi chiến tranh. Trong phòng không có chỗ ngồi, anh Truyền bắc ghế ngoài sân để tiếp chúng tôi, anh nói ở khu tạm cư nầy có hàng trăm hộ với ngàn ngàn con người sống chật hẹp và chen chúc như thế, có hộ đã vào đây gần hai mươi năm, mất đất, mất nhà, mất công ăn việc làm, lang thang tìm mọi cách để mưu sinh và… đi kiện.
Anh Đặng Văn Truyền, cũng như hàng ngàn hộ dân Thủ Thiêm, bị cướp nhà, cướp đất, bị dồn vào khu tạm cư 20 mét vuông như ổ chuột hàng chục năm qua. Hình: Đ.D
Trước đây, anh Truyền là chủ cơ sở đại lý gas cạnh chợ An Khánh. Làm ăn khấm khá, năm 2000 anh vay mượn thêm bạn bè, dòng họ để mua căn nhà 50 mét vuông, mặt tiền đường Lương Định Của trị giá 75 cây vàng. Do nhà mua bằng giấy tay nên khi giải tỏa, người ta thông báo đền bù cho anh mức giá 36.000.000 đồng, tương đương với một cây vàng (!). Anh nói 36 triệu đồng bây giờ không đủ mua miếng đất để chôn. Anh làm đơn khiếu nại, lên quận, quận bác đơn, lên thành phố, thành phố bác đơn, ra trung ương, trung ương làm công văn chuyển đơn về cho thành phố…
Ngày 21 tháng 2 năm 2011, Ủy Ban Quận ra quyết định cưỡng chế, anh nói nếu cưỡng chế anh sẽ tử thủ, cho nổ cửa hàng gas. Lệnh cưỡng chế tạm hoãn thi hành. Người ta cử những đoàn cán bộ tới vận động, thuyết phục, nâng giá đền bù lên 19 triệu đồng một mét vuông, anh kiên quyết không nhận vì cho rằng nhà anh nằm ngoài ranh quy hoạch. Lúc bấy giờ, những căn hộ chung quanh nhà anh đã bị san bằng.
Ngày 23 tháng 12 năm 2015, tới lượt số phận của anh. Khác với những căn hộ khác, khi cưỡng chế nhà anh, ngoài xe ủi, xe cuốc, xe cứu thương, cứu hỏa và nhân viên công lực thông thường, người ta tăng cường thêm một đội đặc nhiệm và trang bị thêm một xe xịt hơi cay và hai xe chữa cháy đặc chủng chở bọt khí foam dùng cho các sân bay. Tất cả để đối phó với một con người và mục tiêu cướp cho được căn nhà năm chục mét vuông (!).
Khi người ta xịt hơi cay vào nhà, anh Truyền đeo mặt nạ và chuẩn bị cho nổ bình gas nhưng đã muộn vì bọt khí foam đã phủ căn nhà. Chúng dùng xe cuốc phá toang ba cánh cửa. Lính đặc nhiệm xông vào. Anh Truyền bị những thanh bá trắc đập thẳng vào hai ống quyển và hai bên be sườn, anh té quỵ xuống, hai nhân viên đặc nhiệm đè anh trói thúc ké, họ vừa trói vừa nói: ĐM mầy có biết cưỡng chế căn nhà mầy tụi tao phải tốn hàng trăm triệu tiền hóa chất hay không.
Họ vừa trói, vừa chửi vừa đánh, đánh từ nhà đánh lên xe cấp cứu và tiếp tục đánh trên đường đưa anh tới bệnh viện Quận 2. Hàng trăm người dân kéo theo, rơi nước mắt như khóc cho chính con cháu ruột thịt của mình. Mấy ngày sau, họ cho anh xuất viện nhưng không dám trao giấy chứng thương. Anh Truyền bị tràn dịch khớp gối, phải vào phẫu thuật trong bệnh viện Sài Gòn. Cái giá tử thủ với nhà chức trách là như thế. Mất nhà, mất đất, mang thương tật, mất thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, sống cùng quẫn trong căn phòng tạm cư không biết đến bao giờ! Ba năm qua, anh cùng với bà con Thủ Thiêm mang đơn kêu cứu ra Hà Nội không biết bao nhiêu lần, có lần ăn dầm nằm dề cả hai tháng trời. Nhưng vô vọng!
oOo
Cách chỗ anh Truyền vài chục mét là căn phòng tạm cư của chị Phan Thị Thủy, 63 tuổi. Đã 17 năm sống trong khu ổ chuột nầy, sống trong sự chồng chất khổ đau và bế tắc. Mười bảy năm trước, chị Thủy đã có một gia đình đầm ấm, một quán cà phê nho nhỏ trên đường Lương Định Của, gần chợ Anh Khánh. Chồng chị Thủy, anh Trần Vĩnh Phúc, thiếu tá công an, làm việc ở quận 2. Hai vợ chồng cùng đứa con gái đang sống một cuộc sống bình thường thì nhân tai trút xuống.
Một ngày của năm 2000, chị nhận được thông báo giải tỏa không đền bù vì nhà chị mua bằng giấy tay. Chị làm đơn khiếu nại, nhưng khổ nỗi anh Phúc là đảng viên, là sĩ quan, cái vòng kim cô ấy buộc phải tuân hành. Chấp nhận dọn vào căn phòng tạm cư, nhưng chị vẫn cùng bà con đi khiếu kiện, thậm chí kéo nhau hàng chục, hàng trăm người đi biểu tình trước Văn phòng Chính phủ trên đường Lê Duẫn. Mỗi lần chị đi thì người ta gọi anh Phúc lên, bảo anh phải gọi chị về. Nhưng anh không thể mở lời khuyên can vợ bởi chính anh là người đau xót trước căn nhà trị giá tiền tỷ bị tước đoạt vô lý. Cuối cùng, sau nhiều lần kiểm điểm, anh Phúc bị kỷ luật với hình thức giáng cấp xuống hàm đại úy. Bị tổn thương, anh Phúc xin nghỉ việc về phụ vợ bán cà phê.
Hai vợ chồng cùng với con gái, con rể và đứa cháu ngoại không thể sống nổi trong căn phòng chật hẹp 21 mét vuông, anh Phúc mượn thêm một căn liền vách để chứa vật dụng và mở quán “cà phê chạy”, ai kêu đâu chạy đó.
Vốn có bằng Đại học Luật, anh Phúc làm thủ tục xin cấp chứng chỉ nghề với mơ ước mở văn phòng luật sư, nhưng việc không thành, anh đành trở lại lầm lũi, âm thầm với cái quán “cà phê chạy”. Chị Thủy sau một thời gian dài đi kiện, người ta bán cho chị căn hộ tái định cư 41 mét vuông trên lầu 3 ở Bình Trưng, cách đó gần mười cây số với giá 70 triệu đồng. Chị không nhận và tiếp tục đi kiện với lý do, nhà chị 70 mét vuông trên đường Lương Định Của, giờ trở thành đất vàng, bị giải tỏa không đền bù giờ phải mua lại căn hộ 41 mét vuông, quá bất công. Nhưng rồi bất công chồng chất bất công, người ta ra quyết định cưỡng chế, bắt chị phải ra đi và phạt 25 triệu đồng với lý do chiếm nhà tái định cư trái phép. Chị kiên quyết không đi và cũng không nộp phạt. Cứ tiếp tục cùng bà con làm đơn khiếu kiện.
Anh Phúc bắt đầu thay đổi tính tình như một người trầm cảm, mất ngủ, bỏ ăn. Có lần anh lẩm bẩm với chị: “Phải chi tôi đừng nghỉ việc thì bây giờ tôi còn khẩu súng…” Chị can anh, thôi đừng nghĩ bậy. Buổi sáng ngày 24 tháng 4 năm 2015, không thấy anh dậy sớm pha cà phê như mọi bữa, chị bước qua gọi cũng không thấy anh trả lời, nhìn thấy đèn sáng trong nhà tắm nhưng không nghe tiếng động. Chị bước tới mở cửa thì, trời ơi, anh đã treo cổ…

VI. Đau Xót Chốn Tâm Linh

Mục sư Nguyễn Hồng Quang, bảo vệ luận án Tiến Sĩ Thần Học tại Hoa Kỳ, tâm sự rằng không hiểu vì sao, sau khi rời lực lượng Thanh Niên Xung Phong, ông muốn đi tu nhưng chưa có khái niệm rõ ràng về một tôn giáo nào. Ông nghiên cứu đạo Cao Đài, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo… nhưng vẫn cứ phân vân. Rồi ông đi học hớt tóc với ý định mang bộ đồ nghề đi lang thang hớt tóc miễn phí cho trẻ bụi đời, người điên và người cơ nhỡ. Nhưng rồi như một cơ duyên, người dạy ông hớt tóc, sau khi nghe ông nói rằng ông muốn đi tu nhưng chưa biết chọn tôn giáo nào, ông ta giới thiệu với ông về giáo phái Tin Lành Mennonite, một trong năm trường phái chính của Châu Âu và Bắc Mỹ, được hình thành từ năm 1525 và du nhập vào Việt Nam từ năm 1954.
Mục Sư Nguyễn Hồng Quang kể lại chuyện ông bị cưỡng chế nhà nguyện và bị hành hung.
Từ cơ duyên đó, ông Quang trở thành tín đồ Mennonite. Năm 1992, ông sang Thủ Thiêm, cùng với người mẹ và người em trai mua gần ba ngàn mét vuông đất nông nghiệp. Ông Quang còn nhớ, ở đó có cả cái chuồng trâu và ao rau muống của người chủ cũ. Cuộc sống ban đầu dựa vào những công việc đồng áng, đặt trúm, đặt lọp, đặt lờ, giăng lưới, cắm câu. Dần dần, ông Quang tu bổ nhà cửa, dựng lên một cơ sở từ thiện và tôn giáo gồm một nhà nguyện, một thư quán hướng đạo, một phòng y tế, có cả một nơi dành cho học sinh sinh viên nghèo, bệnh nhân nghèo và người già neo đơn, không nơi nương tựa… Ở đây lúc nào cũng có hơn một trăm người tá túc, ông Quang vận động nguồn gạo, họ tự trồng rau, kiếm cá và tự quản, người mạnh chăm sóc người bệnh và phân công công việc cho nhau như một đại gia đình.
Trải qua gần hai mươi năm, kẻ đến người đi, có những sinh viên nghèo trở thành kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, có những kẻ xì ke, bụi đời trở thành lương thiện, có những bệnh nhân trở nên lành lặn, và, có những người xấu số được tiễn đưa trong ấm cúng, đàng hoàng trong tiếng cầu kinh của Giáo phái Mennonite.
Thế rồi tang thương ập đến, ông Quang cùng với hơn một trăm con người cơ khổ ấy phải chịu chung số phận với hàng vạn đồng bào trên đất Thủ Thiêm. Ngày 14 tháng 12 năm 2014, hàng trăm nhân viên công lực tới bao vây, họ dùng loa phóng thanh đọc lệnh cưỡng chế rồi xông vào bắt trói, đánh đập hàng chục người, quăng lên xe công vụ chở đi. Trong đó có bà Trần Thị Chuốt, 73 tuổi. Bà Chuốt vào đây chữa bệnh cùng với đứa cháu ngoại bị bại liệt. Sau khi lành bệnh, bà tình nguyện ở lại làm tạp vụ và chăm sóc cho đứa cháu tật nguyền. Hôm ấy bà phản đối không chịu đi, liền bị nhân viên công vụ hốt quăng lên xe, họ quăng bà từ trên cao rớt xuống, bị gãy be sườn và chấn thương nặng, họ đưa bà đi cấp cứu, nhưng bà không qua khỏi. Ông Quang lên phường xin đưa bà về chỗ cũ làm đám tang theo nghi thức của đạo, nhưng ông liền bị nhốt lại, sau đó người ta đưa xe công vụ tới chở bà Chuốt đi hỏa táng.
Mục Sư Nguyễn Hồng Quang bị hành hung.
Hai hôm sau ông Quang được thả ra, ông trở về chỗ cũ thì hỡi ơi, hơn năm trăm mét vuông nhà tiền chế, ao cá hàng chục tấn, vườn kiểng, vườn cây cổ thụ… tất cả thành đống xà bần vụn nát.
Nhà sư Thích Không Tánh sau khi xuất viện trở về, ông quỵ xuống trước ngôi chùa Tiên Trì bị kobe cào nát.
Cùng số phận với khu vườn nguyện của ông Quang, chùa Liên Trì, đình Thần An Khánh cũng bị san bằng. Hôm cưỡng chế chùa Liên Trì, nhà sư Thích Không Tánh bị ngất xỉu tại chỗ, người ta đưa ông đi cấp cứu, đến khi trở về, ông chỉ còn biết cầm cây nhang quỵ xuống đống gạch ngói đổ nát. Tất cả tượng Phật và hài cốt Phật tử cùng với vật dụng thờ cúng trong chùa, người ta chở vào nhà kho.
Đình An Khánh bị giải tỏa thành đống đổ nát.
Ông Lê Văn Tốt, Trưởng Ban Quý Tế Đình Thần An Khánh nói rằng, hôm giải tỏa ngôi đình ông không đủ can đảm để chứng kiến, ông ngồi nhà mà nghe nhói trong tim, ruột gan như ai cào ai cấu. Ông Tốt đưa chúng tôi xem bức ảnh của một người nào đó tặng ông, bức ảnh chụp lúc giải tỏa lăng mộ Tiền Hiền Trần Thông Quân và phu nhân. Ông nói ở nước ta hiếm có ngôi đình nào có được lăng mộ của tiền hiền, vậy mà, vì lòng tham, người ta sẵn sàng quật mồ của tổ tiên, người đã có công gầy dựng nên đất Sài Gòn – Gia Định. Một không gian cho Lễ Hội Kỳ Yên tưởng nhớ TIỀN HIỀN KHAI KHẨN – HẬU HIỀN KHAI CƠ gần hai ngàn mét vuông đã bị tước đoạt, tất cả vật dụng thờ cúng, sắc phong, hài cốt và linh hồn của tiền nhân giờ phải náo nương, ở trọ trên Đình Long Phú.
Người ta đã quật cả ngôi mộ Tiền Hiền có công khai khẩn đất Thủ Thiêm.
Đau xót biết chừng nào? Quả báo nầy sẽ thuộc về ai?

VII. Tao Bắn…!

Ba ngôi nhà còn sót lại giữa cái hoang tàn đổ nát như sau một trận bom trên đường Lương Định Của, thuộc khu phố 1, phường Bình An là nhà của chị Vinh, ông Lực và thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải. Chúng còn sót lại, có lẽ là vì, với chị Vinh và ông Lực, người ta không dám ném ra đường một người phụ nữ tật nguyền phải nương nhờ vào đôi nạng gỗ và một ông già chín mươi mốt tuổi đời, bảy mươi tuổi đảng bị tai biến nằm liệt giường. Còn với thiếu tướng Hải, có lẽ vì người ta sợ cái câu: “Đứa nào tới, tao bắn…!”
Thiếu Tướng Hồng Minh Hải kể chuyện “Tao bắn…!” Hình: Đ.D
Khi chúng tôi tới thăm ông, ông hỏi các anh chị là nhà báo nhưng thuộc phe nào? Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông nói báo chí bây giờ nhiều phe quá, chẳng biết tin ai. Khi cuộc tiếp xúc đến hồi thân thiện, ông Hải kể rằng, năm 1968, sau khi đậu Tú Tài, ông được tuyển vào không quân trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, lúc bấy giờ ông đang là biệt động thành Sài Gòn. Cấp trên yêu cầu ông nên đi học sĩ quan để tiếp tục “hoạt động trong lòng địch” khi ra trường, nhưng ông từ chối, bỏ học vào chiến khu rồi theo đơn vị trinh sát đặc công. Sau chiến tranh Campuchia, ông được phong hàm Thiếu Tướng, Tư Lệnh Phó binh chủng đặc công miền Nam.
Khi xảy ra câu chuyện Thủ Thiêm, bí thư kiêm chủ tịch quận Tất Thành Cang tới nhà ông thương lượng rất chân tình, rằng sẽ đổi căn nhà 160 mét vuông của ông bằng hai nền nhà gần siêu thị điện máy Chợ Lớn trên đường Lương Định Của, nghĩa là ông sẽ được đền bù thỏa đáng. Ông nhẩm tính, hai nền nhà kia trị giá tương đương chín tỷ đồng, ông sẽ lên quận 9 mua được hơn hai ngàn mét vuông đất vườn chỉ hơn năm tỷ, còn lại xây nhà, hai vợ chồng cùng hai đứa con ông sẽ có cuộc sống thanh nhàn, vui thú điền viên. Nghĩ thế, ông bằng lòng trao đổi. Nhưng một hôm, ông Cang gọi ông lên cáo lỗi rằng quỹ đất không còn, chỉ đổi với ông một nền. Sau một hồi tranh cãi, ông đứng lên nói thẳng: “Người lớn với nhau không thể nói hai lời. Vậy thì tao không đi đâu cả, tụi bây cứ tới cưỡng chế, nhưng nên nhớ phải mặc áo giáp và đội nón sắt đàng hoàng, đứa nào bước vô tao bắn…! Máu tao đã đổ ngoài chiến trường nhiều rồi, giờ nầy tao không còn tiếc gì nữa, nhưng trước khi chết tao sẽ bắn nát đầu bọn cướp.”
Ông trở về, hàng ngày nhìn cảnh xe ủi, xe cuốc cùng với nhân viên công lực đi cướp bóc, đập phá nhà cửa xung quanh mà trào dâng căm phẫn, thương xót cảnh tan nhà nát cửa của bà con. Nhiều lúc không kềm chế được, ông muốn ra tay…. Nhưng ông kịp nghĩ, nếu bắn thì phải bắn mấy thằng “đầu sỏ”, chớ cái đám nầy chỉ là tay sai… Ông Hải đã bỏ ra nhiều ngày để nghiên cứu địa hình gia cư của những tay “đầu sỏ”, vào lối nào, ra lối nào, nhà có chó dữ hay không… Ông đã lên “phương án tác chiến”, đặt ra những tình huống bất trắc, và, ông viết sẵn mấy bản cáo trạng kể tội từng người. Xử xong người nào, đặt bản cáo trang lên ngực người đó rồi rút lui. Ông nói, khẩu súng của ông sẽ chừa sẵn hai viên đạn cho mình nếu gặp tình huống bất trắc.
Tôi hỏi vì sao ông không cùng với bà con đi kiện mà nghĩ tới chuyện mạo hiểm như vậy? Ông nói tôi là lính, không thích dây dưa, khi đã xem chúng nó là kẻ thù của nhân dân thì tôi ứng xử theo cách của người lính, hoặc là tấn công, hoặc là rút lui, hoặc là phòng thủ và tử thủ. Ngắn gọn như thế, không cần phải dài dòng…
Thế là hết Thủ Thiêm ơi!
Từ chị Phượng chủ tịch phường xin lỗi nhân dân đến anh thiếu tá công an Trần Vĩnh Phúc treo cổ tự tử, giờ tới lượt thiếu tướng Hồng Minh Hải luôn sẵn sàng trong tư thế tấn công, huống chi đến hàng trăm, hàng ngàn con người thấp cổ bé miệng từng ngày ứa gan kêu cứu, gần hai mươi năm khổ đau chờ công lý đến mỏi mòn.
Hôm qua có một cô gái nhắn tin: “Chú ơi, con đã đọc nhiều câu chuyện đau lòng của chú viết về Thủ Thiêm, con mong chú kể tiếp câu chuyện của con, khổ lắm, nhà con bị cưỡng chế đập nát hết, con che tấm bạt dưới gốc cây lót tạm cái giường để hai mẹ con tá túc nhưng cũng bị họ cưỡng chế thêm lần nữa…”
Tôi đành phải nhắn tin xin lỗi cô gái, cháu ơi, làm sao chú đủ sức đủ tài để kể hàng trăm, hàng ngàn tấn thảm kịch Thủ Thiêm, bởi tội ác cứ nối dài tội ác và đau thương cứ chồng chất đau thương. Chú xin lỗi cháu! Mỗi con người, mỗi gia đình trên ĐẤT THỦ THIÊM giờ đây giống như những trang tiểu thuyết mà bản thân chú không đủ sức đủ tài để kể ra.

Đôi Điều Với Các Anh

Các anh là ai? Tôi biết các anh một cách mập mờ, loáng thoáng mà thiếu tướng Hồng Minh Hải đã viết sẵn cáo trạng định xử các anh.
Hầu hết các anh đều ít nhứt cũng có tấm bằng đại học, dù nó thật hay giả, dù các anh đã học phổ thông hay bổ túc văn hóa thì điều chắc chắn rằng các anh đã học qua dòng văn học hiện thực phê phán mà trong đó có những tác giả lừng danh một thời như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan… với những tác phẩm tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến. Những tác giả ấy cũng đã bị phê phán rằng họ chỉ nhìn thấy hiện thực tối tăm, chỉ nhìn thấy cái tiền đồ tối đen như mực của chị Dậu mà không nhìn thấy cái tiền đồ rạng rỡ của dân tộc bởi chỉ vài năm sau, Đảng Cộng sản ra đời!
Những giọt nước mắt uất hận.
Nhưng, nếu giờ đây Ngô Tất Tố có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng nhân vật chị Dậu mà ông hư cấu làm gì so sánh được với những con người có thật như chị Vinh, chị Phượng, bà Giáp, cô Mỹ… ở Thủ Thiêm?
Giờ đây nếu Nguyễn Công Hoan có đội mồ sống dậy ông sẽ nói rằng câu chuyện Nghị Lại bày mưu cướp đất của anh Pha mà ông hư cấu làm gì so sánh được với câu chuyện có thật của ông Hùng, anh Truyền bán gas, ông Nguyễn Hồng Quang… ở Thủ Thiêm?
Giờ đây nếu Nam Cao có đội mồ sống dậy, ông sẽ nói rằng Chí Phèo trước khi chết còn giết được Bá Kiến, huống chi anh thiếu tá Công an Trần Vĩnh Phúc treo cổ chết âm thầm.
Những nhà văn tài hoa ấy không thể hư cấu nổi một nhân vật như thiếu tướng đặc công Hồng Minh Hải, không thể hư cấu nổi chuyện phá đình, quật mộ tiền nhân, đập chùa, cướp bóc cả một cơ sở tâm linh và từ thiện của Mục sư Nguyễn Hồng Quang… Nói chung, không thể có một nhà văn nào trên Trái đất nầy có đủ sức tưởng tượng để hư cấu ra những câu chuyện mà chính các anh đã tạo ra ở Thủ Thiêm, một hiện thực đầy bi thương và tội ác, thậm chí rất man rợ xảy ra ngay trên đất nước nầy, bên cạnh một thành phố được nhân danh là VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, NGHĨA TÌNH, những khẩu hiệu mà chính các anh đã đẻ ra, treo đầy trên phố xá.
Cùng các anh (không quý mến)!
Tôi có đứa con gái út, cách đây gần mười năm, lúc đó cháu học lớp mười trường Quốc tế Mỹ tại Sài Gòn, có lần cháu dịch một bài luận văn của cháu làm từ tiếng Anh sang tiếng Việt để nhờ tôi góp ý (Tôi còn nhớ rõ đó là thời điểm các anh đang cướp Eden bằng khói cay để giao cho Vincom). Đại khái thầy giáo người Mỹ ra một đề văn nghị luận chính trị xã hội như thế nầy: “Bạn hãy chọn một vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm đ bày tỏ hai thái độ: Một là đồng tình, hai là phản biện”. Cháu đã viết: Hiện nay, dư luận xã hội ở Việt Nam đang quan tâm nhất là vấn đề đất đai, những mâu thuẫn xảy ra giữa nông dân với chính quyền và các nhà đầu tư ở các dự án xây dựng khu công nghiệp và khu đô thị.
Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, muốn phát triển, ngoài mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao thì mục tiêu công nghiệp hóa và đô thị hóa là hai mục tiêu lớn và chính đáng. Nhưng vấn đề đặt ra là đất ở đâu để phát triển các khu công nghiệp và đô thị? Chỉ có một câu trả lời duy nhất là sử dụng đất nông nghiệp. Vì vậy, việc sử dụng đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp và đô thị là một vấn đề tất yếu, không có sự lựa chọn nào khác.
Đó là thái độ đồng tình.
Tuy nhiên, đất nông nghiệp là quyền lợi, là sự sống của người nông dân mà mục tiêu phát triển công nghiệp và đô thị là để phát triển kinh tế xã hội, vì vậy, trước khi sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng các dự án khu công nghiệp và khu đô thị thì chúng ta phải làm cho người nông dân, những chủ sở hữu đất nông nghiệp đó có đời sống tốt hơn trước, họ phải là người hưởng lợi đầu tiên trong các khu công nghiệp và đô thị đó. Nhưng với cách làm của Chính quyền Việt Nam hiện nay, khi dùng biện pháp gọi là “Thu hồi, giải tỏa, đền bù”, họ đã đẩy người dân ra khỏi quyền lợi ngay trên mảnh đất vốn là sự sống của họ, nghĩa là trả cho họ một số tiền tượng trưng rồi lấy đất của họ giao cho doanh nghiệp kinh doanh, người đã giàu thì giàu thêm, người dân vốn đã nghèo còn bị tước đoạt quyền lợi, thậm chí lâm vào cảnh khốn cùng. Đó là những nghịch lý đã trở thành bức xúc trong dư luận xã hội.
Cùng các anh (không quý mến)!
Đó là góc nhìn, là suy nghĩ của một đứa bé mười lăm tuổi, cháu chưa biết làm chính trị và cũng chưa có khái niệm về chính trị.
Còn tôi, cha của cháu bé ấy, chỉ nhân danh là người kể chuyện, có thể kể hay và cũng có thể kể rất dở. Chỉ được cái là kể rất chân tình và chân thành, chân thật, kể một cách không né tránh dù có những câu chuyện cay đắng, phũ phàng.
Tôi kể về bài tập làm văn ngây thơ và hồn nhiên của con tôi như một câu chuyện để tham khảo cho các nhà chức trách. Tôi kể chuyện bà con Thủ Thiêm để chúng ta cùng chia sẻ nỗi đau, cũng chẳng hy vọng gì sự chia sẻ từ những trái tim lạnh và “bàn tay sắt”. Tôi kể câu chuyện về những dự định của thiếu tướng đặc công Hồng Minh Hải để các anh, ai là người trong cuộc biết được mà tự vệ, đề phòng. Mười lăm ngàn hộ dân với hơn sáu vạn con người ở Thủ Thiêm đã xem các anh là kẻ thù không đội trời chung, các anh đã tự dựng cho mình tấm bia ở Thủ Thiêm, sẽ vĩnh cửu ngàn năm vì nó là bia miệng.
Cuối cùng, xin chào các anh (Không thân mến)!
Người nông dân cầm bút VÕ ĐẮC DANH
Sài Gòn, tháng 5 năm 2018

Phần nhận xét hiển thị trên trang

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tại sao đến giờ này tên ác ôn Tất Thành Cang vẫn chưa tan thành cứt? Ai, kẻ nào bảo kê tên ác ôn đó???

Nặc danh nói...

Loại thằng Cang chỉ đáng chôn xuống hố phân là được. Vấn đề ai là thầy nó, ai chỉ đạo nó cướp đất giết người?