Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Khởi đầu của những tháng ngày ‘thắt lưng buộc bụng’


Hình: AP
ĐOAN TRANG
Chỉ vài ngày sau lệnh ‘đóng cửa’ toàn tiểu bang California của thống đốc Gavin Newsom, nhịp độ thị trường lao động của ‘tiểu bang vàng’ giảm một cách đáng sợ. Không chỉ tiểu bang đông dân nhất và có nền kinh tế mạnh nhất Hoa Kỳ chao đảo, mà tình hình chung của toàn quốc không kém thê lương. Hàng triệu người bỗng dưng… thất nghiệp.
Rầu rĩ vì ‘Cô-Vi’
Nhận được email từ công ty, bầu trời trước mặt Vivian Tran, 38 tuổi, cư dân thành phố Huntington Beach, CA., như sụp đổ. “Vẫn biết công ty sẽ phải đóng cửa vì dịch bệnh, nhân viên sẽ phải ở nhà, nhưng nếu chỉ là thông báo nghỉ tạm thời, một tháng, hai tháng, mình còn chút hy vọng, đằng này công ty kêu các nhân viên nghỉ ‘cho đến khi có thông báo mới’, nghe nó… xa vời quá. Đại dịch thế này,… biết đến bao giờ?”, chị nói. Công ty của Vivian chuyên về dịch vụ quảng cáo. Bây giờ mọi hoạt động đều bị đình trệ, nhu cầu quảng cáo không còn.
Một nhóm người lao động khác, chiếm tỷ lệ khá đông trong số người Việt Nam tại Hoa Kỳ, những người làm nail và tóc, đang thật sự lao đao. Chị Lan, 45 tuổi, ở El Monte, CA., cho biết từ ngày sang Mỹ, chị chỉ có một nghề duy nhất là làm nail. “Tôi lớn tuổi, học không vô, nên chấp nhận làm nail thôi. Tiệm tôi đang làm đã đóng cửa từ thứ sáu tuần trước, chủ tiệm kêu mọi người về kiếm việc khác, vì có thể cô ấy sẽ… dẹp luôn tiệm. Thời chưa ‘mắc dịch’, lớn tuổi như tôi đã khó kiếm việc, huống chi bây giờ…”
Một nhà hàng thông báo đóng cửa. hình: Twiiter.
S.W Hair & Nails salon ở thành phố Westminster, CA., cũng đã đóng cửa từ thứ Bảy, 21-03. Chị Kim, chủ tiệm cho biết: “Tiệm tôi nhỏ, chỉ có bốn thợ, mọi người ở nhà hết rồi, không có khách thì cũng không đủ trả lương thợ, dù là một, hay hai thợ. Vả lại, với quy định mọi người đứng cách xa nhau 6 feet thì nếu có làm, chắc chắn nghề tóc, nghề nail bị phạt hết, nên tôi đóng tiệm luôn cho xong. Mấy người thợ của tôi rầu lắm, vì bây giờ tiệm nào cũng đóng, mà kiếm đâu ra việc ở chỗ khác trong mùa dịch bệnh này!”
“Quen rồi, ngày nào cũng gặp mấy đứa nhỏ. Cả tuần nay trường đóng cửa, nhớ tụi nó quá chừng!”, Susan, cô giáo dạy trẻ của một trường tư ở thành phố Orange, CA. than thở. Không những buồn vì phải xa học sinh, Susan còn lo vì cô không phải là giáo viên chính thức, mà chỉ làm việc theo hợp đồng. “Tôi được trường trả lương trong tháng đầu tiên ‘thất nghiệp’, nhưng còn những tháng sau, khi không có học sinh, nhà trường đâu có thu được tiền mà trả cho giáo viên!”, Susan rầu rĩ, nói.
Kỷ lục mới về đơn xin trợ cấp thất nghiệp
Khi lệnh ‘stay-at-home’ được ban hành, nhiều công ty, hãng xưởng, văn phòng đã cho nhân viên làm việc tại nhà để tránh di chuyển nhiều, làm chậm sự lây lan của coronavirus. Ở California và một số tiểu bang có nhiều người bị nhiễm coronavirus như New York, Washington, Connecticut,… hàng loạt nhà hàng, quán bar, rạp chiếu bóng, tiệm làm tóc, nail,… cũng đều phải đóng cửa.
Các nơi đóng cửa. Hình minh họa. (York Dispatch)
Theo khảo sát của Wall Street Journal, có khoảng 800.000 người sẽ bị mất việc làm trong tháng Ba. Không dừng lại ở đó, số người thất nghiệp sẽ vẫn cứ tiếp tục tăng vào những tháng kế tiếp. Bruce Kasman, chuyên gia nghiên cứu kinh tế tại JPMorgan tin rằng thị trường lao động sẽ mất từ ​​bảy đến tám triệu việc làm trong mùa xuân này, mặc dù một số trong số người thất nghiệp do dịch bệnh sẽ quay trở lại công việc, nhưng nền kinh tế chỉ có thể phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Sung Won Sohn, kinh tế gia của Đại học Loyola Marymount, cho rằng coronavirus sẽ làm mất gần 5,2 triệu việc làm vào năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 3,5%, sẽ nhanh chóng vọt lên 9%.
Vào thời điểm này, ngay sau khi có lệnh ‘đóng cửa’, lập tức một ‘làn sóng’ công nhân đổ xô đi ghi danh trợ cấp thất nghiệp.
Tiểu bang Ohio công bố số liệu cập nhật vào sáng thứ Sáu tuần trước, cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên gần 140.000 vào cuối ngày thứ Năm, so với khoảng 5.000 đơn của tuần trước đó. Đến trưa thứ Năm, tiểu bang New York cũng nhận 200.000 đơn xin trợ cấp, tăng 400% so với lúc trước khi có dịch bệnh.
Hầu như ở tiểu bang nào cũng đang phải gia tăng hoặc sắp xếp lại đội ngũ nhân viên để giải quyết đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Nhiều tiểu bang cho biết số đơn yêu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp vào lúc này lớn nhất chưa từng thấy.
Một nhóm các nhà kinh tế được khảo sát bởi Wall Street Journal dự đoán rằng sẽ có 875.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới được nộp vào cuối ngày thứ Bảy, 21-03, tạo một kỷ lục mới. Kỷ lục trước trong thời lạm suy (stagflation), là 695.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp nộp tính đến cuối ngày 02-10-1982.
Dọn dẹp rồi…đóng sớm thôi. Hình: USA Today.
Thời ‘thắt lưng buộc bụng’
Trong khi các ngành dịch vụ phải đóng cửa, nhân viên bị sa thải, thì một số ngành công nghiệp buộc phải thuê nhân công khi mô hình thay đổi. Amazon.com Inc. là một ví dụ. Amazon đã có kế hoạch thuê thêm 100.000 nhân viên ở Hoa Kỳ vì quá nhiều đơn đặt hàng online. Walmart Inc. cho biết họ sẽ trả tiền thưởng bằng tiền mặt với tổng trị giá 550 triệu USD cho công nhân làm việc theo giờ và thuê thêm 150.000 nhân viên tạm thời.
Nhiều người tin rằng nỗ lực cứu trợ chưa từng có của chính phủ có thể tránh được một số tình huống xấu nhất. Theo kịch bản này, thị trường lao động không đến nỗi thê thảm, việc làm có thể phục hồi lên 15.000 trong ba tháng của quý III và 175.000 trong quý IV. Tỷ lệ thất nghiệp hy vọng dừng lại ở mức 4,5%.
Rajeev Dhawan, giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế tại Đại học bang Georgia, so sánh đại dịch coronavirus với cuộc suy thoái năm 2008, cho thấy cách đây hơn chục năm, cuộc suy thoái kinh tế ‘giết chết’ công việc trong tất cả các ngành công nghiệp, từ xây dựng và sản xuất đến ngân hàng và luật pháp. Lần này, ông hy vọng tình trạng mất việc sẽ tập trung nhiều vào một số ngành: nhà hàng, khách sạn, hãng hàng không và bất động sản. Ông cho rằng những người lao động bị sa thải sẽ tìm được công việc khác, nhưng chỉ có thu nhập dưới mức trung bình. Ông tin rằng nền kinh tế có thể mất sáu triệu việc làm trong những tháng tới và tám triệu vào cuối năm nay.
Hiện tại, rất nhiều người đang chờ khoản trợ cấp của Chính phủ. Chị Vivian đi làm đóng thuế đầy đủ hàng năm, nên đang chờ nguồn tài trợ của chính phủ, dù theo chị, 1.000 USD hay 1.200 USD chẳng đáng bao nhiêu, không đủ cho chị trả tiền nhà, nhưng: ‘Có còn hơn không’, chị nói.
Kavin Shaw, 51 tuổi, y tá của một phòng nha ở Seattle, Washington, người mới bị thất nghiệp hồi tuần qua, đã nhanh chóng nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. “Tôi đang chờ để được giải quyết, nhưng thật ra khoản trợ cấp này không bao nhiêu so với thu nhập trước đây của tôi. Bây giờ tới thời phải ‘thắt lưng buộc bụng’ thôi!”


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: