Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Nhật ‘hỗ trợ khẩn’, giúp Việt Nam phòng chống virus Corona


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Nhật Bản năm 2017. Đứng bên cạnh ông là Thủ tướng Shinzo Abe.
Nhật Bản mới trao tặng lô hàng với tổng trị giá khoảng 20 triệu yên (gần 180 nghìn đôla) để giúp thực hiện các xét nghiệm phát hiện nhanh chủng virus Corona mới (COVID-19) ở Việt Nam, vốn cũng đã nằm trong các nước nhận 37 triệu đôla của Mỹ.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho VOA Việt Ngữ biết rằng nhiều loại sinh phẩm đã được phía Nhật chuyển cho phía Việt Nam, sau khi nhận được “đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương”.
Cơ sở y tế này, nơi có lắp đặt phòng xét nghiệm an toàn sinh học nhờ nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật, đã được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại khu vực miền Bắc.
Ông Konaka Tetsuo (trái), Trưởng văn phòng đại diện JICA ở Việt Nam, trao tặng vật phẩm hỗ trợ chống COVID-19 cho ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Ông Konaka Tetsuo (trái), Trưởng văn phòng đại diện JICA ở Việt Nam, trao tặng vật phẩm hỗ trợ chống COVID-19 cho ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
JICA cho hay rằng phía Việt Nam đã đánh giá cao “hành động tức thời” của Nhật Bản nhằm giúp ngăn chặn COVID-19.
Một nhân viên sân bay ở Việt Nam.
Một nhân viên sân bay ở Việt Nam.
Tin cho hay, trước khi chủng virus Corona mới bùng phát, hai chuyên gia Nhật Bản đã được cử tới làm việc dài hạn tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để nâng cao năng lực xét nghiệm không chỉ ở Viện này mà còn cả Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và các trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh.
JICA nói rằng “bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người dân Việt Nam là điều quan trọng đối với Nhật Bản, vì sự tương tác giữa người dân hai nước đang ngày càng trở nên thường xuyên và tích cực hơn”.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cũng bày tỏ hy vọng với VOA Việt Ngữ rằng thông qua viện trợ khẩn cấp lần này, JICA “hy vọng rằng sự hợp tác và mối quan hệ giữa hai nước sẽ được thúc đẩy vượt ra khỏi lĩnh vực y tế”.
Cùng với Nhật, mới đây, chính phủ Mỹ thông báo cung cấp hỗ trợ khẩn cấp trị giá 37 triệu đôla để giúp Việt Nam và hơn 20 nước đối phó với sự lây lan của COVID-19.
Đây là một phần của khoản ngân quỹ lên tới 100 triệu đôla mà Mỹ cam kết trong tháng Hai nhằm khống chế và ngăn chặn sự lây lan của virus Corona tại 25 nước Hoa Kỳ nói là “ưu tiên” trên thế giới.
Trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, kêu gọi “người có tiền góp tiền, người có vật góp vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ‘thương người như thể thương thân’, ‘lá lành đùm lá rách’ của cả dân tộc”.
Tính tới ngày 26/3, Bộ Y tế Việt Nam đã ghi nhận ít nhất 148 ca nhiễm virus đang gây quan ngại trên toàn thế giới. Theo chính quyền trong nước, chưa có ai tử vong ở Việt Nam.
Trong khi đó tại Nhật Bản, con số người nhiễm và thiệt mạng cao hơn hẳn Việt Nam. Bộ Y tế xứ sở mặt trời mọc cho biết đã ghi nhận ít nhất 1.200 ca nhiễm COVID-19 và 43 ca tử vong.
Đại sứ Việt Nam tại Tokyo Vũ Hồng Nam mới đây đã kêu gọi người Việt ở Nhật Bản “bình tĩnh và có các ứng xử tích cực trước dịch bệnh”, đồng thời cho biết rằng chính phủ Việt Nam “rất quan tâm tới sức khỏe cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới, trong đó có người Việt Nam tại Nhật Bản”.
Theo JICA, sau khi Việt Nam phải đối phó với rất nhiều bệnh truyền nhiễm mà cơ quan này nói là nguy hiểm như đại dịch SARS năm 2003 và cúm gia cầm H5N1 năm 2004, từ năm 2006, chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ các dự án viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để “thiết lập phòng an toàn sinh học cấp 3, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm y tế về an toàn sinh học và xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: