Kể từ khi bệnh dịch bùng phát tới nay đã được 3 tháng, công việc và cuộc sống của nhiều người bị xáo trộn. Có người nói, dịch bệnh là lúc khảo nghiệm con người tốt nhất...
Trong dịch bệnh, có người hoang mang không ngớt, có người bình tĩnh an nhiên; có người lo lắng mỗi ngày, có người bình yên an ổn.
Đợi sau khi dịch bệnh kết thúc, đây là những người "thoát ra" được nhanh nhất.
1. Người có tầm nhìn xa
Trước khi bệnh dịch bùng phát, không ít người chủ quan, cho rằng chuyện này còn cách mình rất xa, không chịu chuẩn bị, mặc kệ mọi chuyện càng ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Còn có những người nhanh nhạy, nhận thức ra được tầm nghiêm trọng của vấn đề, có những hành động dứt khoát.
Một người bạn Trung Quốc của tôi chính là người như vậy, sau khi tin tức về bệnh dịch bùng phát không lâu, cậu ấy ngay lập tức hủy vé về quê, mua đủ đồ ăn và khẩu trang, ở trong nhà không ra ngoài.
Lúc đầu ba mẹ cậu ấy không hiểu vì sao, không chỉ mắng cậu ấy làm to chuyện, còn nhất định không đeo khẩu trang.
Sau đó bệnh dịch ngày một nghiêm trọng, một số nơi bắt đầu bị phong tỏa, tới lúc này ba mẹ cậu ấy mới biết sợ, nhưng lúc này thì khẩu trang sớm đã cháy hàng.
May mắn lúc đó cậu ấy gửi vài hộp khẩu trang mình mua trước đó về, ba mẹ cậu ấy mới yên tâm phần nào.
Tới lúc này ba mẹ mới khen, nói cậu ấy biết dự phòng.
Buxton có một câu nói nổi tiếng như sau: "Cuộc sống giống như bàn cờ vua, người có thể thông minh đoán trước được nước cờ mới là người chiến thắng."
Đời người giống như bàn cờ, người cứ đi một nước lại nhìn một nước, được chủ định sẵn là sẽ thua rất thảm hại, gặp chuyện nhìn trước được vài nước mới có thể giành chiến thắng.
Nhìn nhận vấn đề xa hơn người khác một bậc, làm việc mới nhanh được hơn người khác một bước.
Khi tầm nhìn của mọi người chỉ xa được tới hôm nay, còn bạn có thể nhìn xa được tới 3 ngày sau, vậy là bạn đã thắng rồi.
2. Người biết khống chế cảm xúc
Từ khi bệnh dịch xảy ra tới nay, cảm xúc của mọi người cũng lên xuống như tàu lượn siêu tốc.
Từ không quan tâm tới khủng hoảng cực độ, sau đó là bồn chồn lo lắng rồi mất phương hướng.
Hai hôm trước có một người bạn ca thán với tôi, nói ở trong nhà nguyên 1 tháng, đến chó cũng sắp phát điên rồi, huống chi là người.
Đặc biệt là mẹ cậu ấy, ngày nào cũng xem tin tức thật giả ra sao rồi cảm thán từ sáng tới tối.
Nhà có ai ho một vài tiếng thôi mẹ cậu ấy cũng lo cả nửa ngày, sợ bị nhiễm bệnh.
Vốn dĩ cả nhà lâu lắm mới có dịp ở cùng nhau lâu như vậy, nhưng vì cảm xúc lên xuống thất thường của mẹ mà suốt ngày to tiếng, tranh luận tới gà bay chó nhảy.
Cảm xúc tiêu cực ai chẳng có, gặp chuyện khủng hoảng, hoang mang cũng là chuyện thường tình.
Nhưng có những người có thể kịp thời khống chế cảm xúc, không để nó ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.
Còn có những người lại làm nô bộc cho cảm xúc, không những tự khiến mình không vui mà còn khiến cả những người xung quanh khó chịu.
Phát tiết là bản năng, có thể kiểm soát được cảm xúc mới là bản lĩnh.
Giống như John Milton từng nói: "Một người nếu có thể kiểm soát được sự bốc đồng, ham muốn và nỗi sợ hãi của mình, vậy thì anh ta còn thắng cả nhà vua."
Người kiểm soát được cảm xúc mới có thể giữ được cái đầu lạnh mọi lúc mọi nơi, từ đó đưa ra những phán đoán và quyết định đúng đắn.
Người kiểm soát được cảm xúc mới có thể khiến bản thân và cả những người xung quanh luôn thoải mái, vui vẻ.
Khi bạn kiểm soát được cảm xúc, sự nóng nảy của mình, phúc khí mới ở lại với bạn.
3. Người tự quản lý tốt bản thân
Vì bệnh dịch này mà mọi người bỗng nhiên có một kì nghỉ vô cùng dài.
Một kì nghỉ siêu dài nhưng lại không thể đi thăm người thân hay ra ngoài chơi, vốn dĩ có thể dùng khoảng thời gian này để làm rất nhiều chuyện, nhưng phần lớn mọi người lại xem nó như khoảng "thời gian vàng" để lãng phí.
Không có công việc bó buộc, không có trường học giám sát, rất nhiều người lập tức "lộ nguyên hình".
Hết ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại dậy lướt điện thoại, chán lại ngủ, ngủ no mòng con mắt thì thôi.
Không có việc gì để làm, thậm chí còn rảnh rỗi tới mức ngồi đếm hạt thanh long, tách hạt cà phê, dùng hạt dưa hấu vẽ tranh...
Đợi tới khi "kì nghỉ" kết thúc, ngoài việc cân nặng và tuổi tác không ngừng tăng ra thì chẳng thu hoạch được gì.
Còn những người tự giác, kỉ luật, biết quản lý bản thân lại coi đây như quãng thời gian tăng giá trị của bản thân, dùng khoảng thời gian này để hoàn thiện và đột phá.
Có người lợi dụng quãng thời gian này đọc hết mấy quyển sách, xem vài bộ phim ý nghĩa, sạc điện cho bản thân.
Có người lợi dụng quãng thời gian này tĩnh tâm lại suy nghĩ về sự nghiệp, xem bước tiếp theo nên đi thế nào.
Có người đăng kí tham gia vài lớp học trực tuyến, nghiêm túc học hành, trau dồi thêm kĩ năng mới.
Đợi khi "kì nghỉ" kết thúc, họ sẽ trở thành một người ưu tú, hoàn thiện hơn.
Thời gian rất công bằng, bạn bỏ ra bao nhiêu nỗ lực, sẽ có được ngần đó thu hoạch.
Có một câu nói rất thấm rằng: nếu ngay cả bản thân mình bạn cũng không quản nổi, vậy thì cả đời này chỉ có thể bị người khác quản.
Khi bạn học được cách quản lý bản thân, bạn sẽ không ngừng tiến bộ, không ngừng kéo rộng khoảng cách với người khác.
Dẫu sao thì chỉ có những người chiến thắng được bản thân mới có thể bất khả chiến bại.
4. Người có khả năng "xuôi theo chiều gió"
Bệnh dịch bùng phát khiến nguồn kinh tế của nhiều người chịu ảnh hưởng nặng nề.
Có một cư dân mạng than trời rằng công ty dừng sản xuất, không có lương, nhưng tiền nhà, tiền xe mỗi tháng vẫn phải trả, rồi còn tiền sinh hoạt hàng ngày phải lo, cả nhà đang từ kinh tế khá giả bỗng trở nên nghèo đói theo đúng nghĩa đen.
Có người khuyên anh ấy đi làm việc khác, anh ấy trả lời rằng: "Nhưng ngoài việc chuyên môn ra tôi không biết làm gì khác!"
Khi thu nhập ổn định, cả nhà cũng gọi là đủ sống, nhưng khi gặp phải tình huống bất ngờ, không có nguồn thu nhập, ngay lập tức trở nên rất căng thẳng.
Ngược lại có một người khác, hàng ngày ngoài công việc ra, cô ấy thích đọc sách, viết bài.
Khoảng thời gian trước khi công ty ngừng làm việc, có người hỏi cô ấy có lo không, cô ấy nói: "Không có gì phải lo cả, dù không có lương thì tôi cũng không bị ảnh hưởng nhiều lắm".
Thì ra, cô ấy hiện tại đang là cộng tác viên cho một tờ báo mạng, lương nghề tay trái hàng tháng thậm chí còn nhiều hơn lương công việc chính.
Chúng ta đều đã từng nghe qua câu nói này: "Đừng để tất cả trứng gà vào chung một rổ."
Ở thời đại này, không có cái gọi là "bát cơm sắt" ổn định, lối thoát của bạn càng nhiều, khả năng chống chọi với nguy cơ của bạn càng lớn.
Hay nói vui chính là khả năng xuôi theo chiều gió của bạn, không chỉ giỏi năng lực chuyên môn chính mà còn phải sở hữu cho mình nhiều kĩ năng, nhiều nghề tay trái khác nhau.
Không có công việc không đáng sợ, đáng sợ là ngoài công việc chính ra, bạn chẳng biết làm cái gì.
Thêm một vài kĩ năng, thêm một vài nguồn thu nhập, là thêm một "bảo hiểm nhân thọ" cho bản thân trong tương lai.
5. Người có tư duy sáng tạo, đột phá
Bệnh dịch đối với nhiều người là nguy cơ, nhưng rất nhiều người tìm thấy cơ hội trong nguy cơ này.
Cứ nhìn Trung Quốc để thấy rõ.
Năm 2003, khi dịch SARS bùng phát, hầu hết các doanh nghiệp cũng dừng sản xuất, nhiều người ở trong nhà không ra ngoài, ảnh hưởng rất lớn tới lĩnh vực tiêu dùng.
Chính vào lúc này, có người đã nhìn ra cơ hội: Nếu mua sắm trực tiếp bị ảnh hưởng, vậy thì tại sao không mua sắm online, mọi người sợ ra ngoài, vậy thì sẽ mang tới tận nhà cho họ.
Cứ như vậy, Jingdong bắt đầu chuyển đổi hình thức kinh doanh, Taobao ra đời, thương mại điện tử dần dần trở thành hình thức mua sắm chủ lưu tại Trung Quốc.
Nghèo thì thay đổi, thay đổi là sẽ thông, thông được là sẽ lâu dài, đạo lý này luôn thích hợp ở bất cứ thời đại nào.
Không có bất cứ môi trường nào luôn thuận buồm xuôi gió, khi môi trường xảy ra thay đổi, khi gió thuận biến thành gió nghịch, thứ nó khảo nghiệm con người không chỉ là năng lực, sự nhẫn nại, định vị mà còn cả khả năng vượt qua khó khăn.
Nếu một người quá cứng nhắc, bảo thủ, không biết biến hóa, vậy rất nhanh sẽ bị thời đại bỏ lại phía sau.
Chỉ có những người sáng tạo, đột phá mới có thể tìm ra được cho mình con đường mới, trở thành làn sóng tiên phong của thời đại.
Năm 1997, Netflix chỉ là một công ty nhỏ cho thuê DVD trực tuyến. Họ đã phá vỡ mô hình cho thuê ngoại tuyến truyền thống và trở thành ông vua của ngành cho thuê DVD thông qua các mô hình dịch vụ và vận hành ưu đãi, thuận tiện.
Vào năm 2007, ngay cả khi ngành công nghiệp cho thuê DVD vẫn đang phát triển tốt, Netflix đã quyết định đột phá một lần nữa, cho chuyển đổi từ cho thuê DVD sang phát trực tuyến các dịch vụ video.
Năm 2013, Netflix một lần nữa tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến với việc bước chân vào lĩnh vực sản xuất nội dung gốc, chuyển đổi từ phân phối nội dung sang sản xuất nội dung gốc.
Rất nhiều công ty lớn cùng thời với Netflix tại thời điểm đó đã biến mất trong làn sóng thay đổi của thời đại, chỉ Netflix, người chủ động phá vỡ quy tắc trò chơi, đã trở thành một huyền thoại lâu dài trong ngành.
Thời đại khi bỏ rơi bạn, sẽ không bao giờ nói tạm biệt.
Đừng đắm chìm trong những kinh nghiệm của quá khứ, đừng chôn mình trong những thành tựu trong quá khứ rồi ngủ quên. Thế giới đang thay đổi mỗi ngày, bảo thủ sẽ không cho ra lối thoát, đổi mới mới là bước ngoặt.
Trở thành một người chủ động, dám sáng tạo, dám đột phá, có như vậy mới có vĩnh viễn có thể bất khả chiến bại.
Có một câu nói rất hay, bạn trải qua giai đoạn dịch bệnh này ra sao, bạn sẽ trải qua cuộc đời như vậy.
Bệnh dịch cuối cùng rồi cũng sẽ qua đi, người nên tỏa sáng cuối cùng rồi cũng sẽ tỏa sáng.
Hi vọng tất cả chúng ta đều học hỏi được từ dịch bệnh này, tích lũy sức mạnh và phát triển trở thành một bản thân tốt hơn.
Theo Alexx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét