Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

THƠ CỦA MỘT NGƯỜI ĐẠP XÍCH LÔ Ở HUẾ


Ở Huế, nói đến Nguyễn Văn Phương rất ít người biết nhưng Phương Xích Lô thì trong giới văn nghệ sĩ và những người hành nghề đạp xích lô hầu như ai cũng biết. Không chỉ ở Huế mà một số người làm thơ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt... cũng biết tiếng anh. Phương từng là “đệ tử” của Bùi Giáng. Lối sống bụi bặm, hoang dã, tự nhiên, thực ảo, say tỉnh và phong cách cuồng ca của anh ít nhiều chịu ảnh hưởng thi sĩ họ Bùi.
Bài thơ đầu tiên để người đọc biết đến Phương Xích Lô là bài Gửi bác xích lô Hà Nội do nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chọn đăng ở tạp chí Sông Hương. Bút hiệu Phương Xích Lô cũng do nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và anh chị em trong toà soạn Tạp chí Sông Hương thời ấy đặt cho. Rồi Tạp chí Cửa Việt (thời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường còn làm Tổng biên tập) chọn in chùm thơ ba bài của Phương, có cả ảnh chân dung và lời giới thiệu hết sức trang trọng. Thơ Phương được nhiều người biết đến từ đó. Tôi đặc biệt yêu mến những bài thơ của Phương viết về nghề đạp xích lô:
Những lúc về khuya, còn ai thấy bác
Người phu già lăn bóng dọc đường trăng...
(Gửi bác xích lô Hà Nội)
Một hình ảnh vừa rất hiện thực vừa rất lãng mạn. Chính vì cũng làm “nghề như bác”, “cùng đời xích lô dãi nắng, dầm sương” nên Phương vừa thông cảm vừa đồng cảm:
Có những lúc gác xe vào quán rượu
Mượn Lưu Linh đuổi hết nỗi nhọc nhằn
Rồi đón khách nơi đầu ga cuối chợ
Ngày có, ngày không lặng lẽ qua dần...
Tất cả những người làm nghề đạp xích lô trên mọi miền đất nước đều tìm thấy hình bóng của mình trong những câu thơ ấy của Phương. Đây là hình ảnh người đạp xích lô Nam Bộ ra tham quan Huế:
Đời đã từng trải qua nhiều nỗi khổ
Anh hiểu sâu về những giọt mồ hôi
Khi gặp dốc cao anh liền nhảy xuống
Chia sẻ cùng tôi chút nặng nhọc một thời
Tuy cuộc sống có khó khăn, vất vả nhưng Phương vẫn hài hước, ngang tàng, hóm hỉnh:
Rơi xuống cuộc đời không chao đảo
Vững vàng ba bánh đỡ xích lô
(Xích lô hành)
Hay :
Vắng khách đôi khi về chở gió
Không tiền, không bạc vẫn cười vang
(Giọt nước Hương Giang)
Ở Phương có hai con người: giả và thật, say và tỉnh. Có điều, con người tỉnh phần nào bị khuất lấp đi bởi “ngàn cuộc say” của Phương:
Ta say hề, đêm nay ta xỉn
Ngất ngưởng đi về giữa khói sương...
(Độc tuý hành)
Thế mới có biệt danh “Phương Say”, “Phương Điên”. Thì chính Phương cũng tự coi mình là một “thằng điên”:
Ngồi buồn
Vẽ cái thằng tôi
Thằng tôi vô định
Mấy thời tỉnh điên
Tục chẳng tục
Tiên không tiên
Lúc vui xuống phố
Khi phiền lên non
(Chân dung tự hoạ)
Kể từ khi tổ ấm gia đình tan vỡ, Phương biết đời mình chẳng khác gì trăng kia đã khuyết, sông kia đã cạn:
Thưa em
Tôi đã lụi tàn
Không còn rung động điệu đàn năm xưa
Chỉ còn chiếc bóng trong thơ
Về bên núi vắng
Nằm chờ hoá thân...
(Thưa em)
Con người thực của Phương như: Chút lửa trên đống tro tàn/ Chút trong veo lọc qua ngàn cuộc say... Mặc dù là “chút lửa” thôi, dù là “chút trong veo” thôi nhưng nó cho ta biết vẻ đẹp tâm hồn của Phương mà cả “đống tro tàn” hay cả “ngàn cuộc say” cũng không thể làm lu mờ được. Vẻ đẹp đó trước hết là cái tình người của Phương. Anh không chỉ chia sẻ vui buồn với những đồng nghiệp đạp xích lô mà còn chia sẻ niềm cảm thông sâu sắc của mình đối với người bạn ngồi bán thuốc lá vỉa hè, chị quét rác trong đêm, với em bé gùi thông ra chợ:
Thông nhen lửa
Cho đời ai ấm?
Lối em về
Lạnh mấy đồi xa...
(Lối em về)
Phương viết về những mối tình tan vỡ:với một lối so sánh vô cùng độc đáo:
Em đá vào tôi một trái buồn
Còn tôi đá lại trái cô đơn
Đôi ta đều bỏ khung thành trống
Chẳng thấy bên nào có thủ môn
(Trái buồn)
Với người vợ đã từng lôi Phương như “lôi một con trâu ra tòa ly dị”, Phương không những không hề oán giận mà còn luôn quan tâm, tưởng nhớ đến nàng:
Ta chợt nhớ mười ngón tay gầy guộc
Em bên trời còn gảy tiếng đàn tranh ?
(Xin lại)
Con người dở tinh, dở điên ấy lại yêu ghét hết sức phân minh, rạch ròi. Phương yêu mến, cảm phục sự chân thật của người đạp xích lô Nam Bộ, Phương ca ngơi vẻ đẹp thầm lặng của người quét rác: Em như quỳnh nở trong đêm vắng/ Hương thầm tỏa nhẹ dưới trăng thanh... Với một tâm hồn nghệ sĩ, phương có những phát hiện hết sức tinh tế vẻ đẹp thiên nhiên của Huế, Hà Nội, Đà Lạt... Trên đỉnh Huyền Không, Phương nhìn thấy:
Lan nở am mây đùa nắng tía
Thơ ghi vách núi giỡn trăng vàng
Phương ghi lại những ký ức của mình về Hà Nội:
Hồ Gươm say theo chiều Lý Bạch
Thiên hạ bảo thất tình
Nước hồ mát như da con gái
Ta về làm rể Thuỷ Tinh
(Ký ức Hà Nội)
Và Phương “lục bát” với Hương Giang :
Dòng sông như vị thiền sư
Chiều nay
Lặng lẽ vô tư nhìn trời...
So sánh nước hồ Gươm “mát như da con gái”, còn sông Hương “như vị thiền sư” là hết sức bất ngờ và mới lạ. Đó là bản năng thi sĩ của Phương, là tài thơ bẩm sinh của Phương.
Bốn mươi chín bài thơ trong tập Chở gió mà những người bạn thơ thân thiết của Phương: Nhất Lâm, Phạm Nguyên Tường, Lương Ngọc An... đã bỏ công sức sưu tầm, chọn lọc, công bố chính là “chút lửa trên đống tro tàn/ Chút trong veo lọc qua ngàn cuộc say”. Chở gió là tinh chất cuộc đời Phương, để Phương có thể tự tin mà nói với thiên hạ rằng: Trông lên hơn hẳn lũ công cò!

Mai Văn Hoan

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: