Dịch bệnh được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam cho đến cuối thế kỷ thứ 18 rất sơ lược. Suốt trong Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (từ khởi thuỷ đến 1789) chỉ đề cập chừng 10 lần xảy ra dịch bệnh, lần đầu thấy chép vào năm 1100 (Lý Nhân Tông, năm Canh Thìn)2. Trong số 10 lần ấy, với những ghi nhận tối giản của sử quan, người sau chỉ có thể biết được có 5 trận dịch với phạm vi lan rộng toàn quốc (toàn miền Bắc); 4 trận thuộc phạm vi địa phương như Lạng Sơn, Quốc Oai, Tam Đái [Yên Lạc, Vĩnh Phúc], Sơn Tây, Nghệ An; và 1 trận chủ yếu trong doanh trại quân Trịnh đóng ở Châu Ổ (Quảng Ngãi) hồi năm 1775 đã làm chết rất nhiều quân lính đến nỗi Hoàng Ngũ Phúc phải bí mật rút quân3. Trận dịch trầm trọng nhất được biết là tại các huyện thuộc Sơn Tây hồi tháng 10 năm 1757, dân chết do bệnh dịch và đói lên đến 8,9 phần.
Đại Nam thực lục (Thực lục) của nhà Nguyễn ghi chép có khá hơn những sách sử trước đó, không gian địa lý của thời này cũng tương ứng với nước ta ngày nay nên những ghi nhận này có thể phản ánh bao quát tình hình dịch bệnh toàn quốc trong thế kỷ 19. Có thể còn thiếu sót do chưa rà soát thật kỹ, trước mắt có thể thấy Thực lục chép khoảng 80 trận dịch lớn nhỏ trong thời gian gần 100 năm (từ năm 1801 đến năm 1895, trung bình hơn 1 năm xảy ra 1 trận)4. Tần suất kể trên khá dày nếu so với tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, thống kê trong một nghiên cứu cho biết dịch bệnh thời nhà Thanh (1644-1911) ghi nhận trong Thanh sử cảo là 98 trận lớn với cấp độ nguy hại nghiêm trọng (trong 267 năm, trung bình hai năm rưỡi 1 trận)5.
Tuy ghi chép vắn tắt nhưng Thực lục đã cho biết cụ thể nhiều số liệu quan trọng, đó là những báo cáo tổng kết sau dịch từ các địa phương gởi về, hoặc sự tổng hợp báo cáo đối với những trận dịch phạm vi toàn quốc. Ba trận đại dịch đáng lưu ý là trận dịch tả năm 1820, trận đại dịch (chưa rõ tên) năm 1849, và trận dịch đậu mùa năm 1888.
I. Phân loại sơ bộ và lược tả
Dịch tả
Năm 1820 (Canh thìn – Minh Mạng năm đầu), tháng 6 dịch khởi phát ở các trấn Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường (ứng với khu vực Tây Nam Bộ) rồi lan ra toàn quốc, đến tháng 12 mới ngưng, quân và dân đều mắc, số tử vong thống kê được là 206.835 người (dân số lúc này khoảng 7 triệu), triều đình phát chẩn 73 vạn quan tiền. Tuy không chép rõ tên dịch bệnh nhưng qua câu “Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp” thì có thể biết đây là trận dịch tả. Thi hào Nguyễn Du đương chức Hữu tham tri bộ Lễ, sắp đi sứ thì nhiễm bệnh dịch mà chết, Thực lục chép Nguyễn Du chết trong tháng 8, không nói bệnh chứng, nhưng riêng thấy trong bài thơ của danh sĩ Nguyễn Hành cảm tác khi hay tin chú mất có câu “Dịch lệ sao vội làm chết ông”, thì chắc rõ ông chết do dịch.6
Sau Việt Nam, Trung Quốc phải hứng chịu trận dịch này suốt năm 1821, phần “Chí”, mục “Tai dị” trong Thanh sử cảo ghi nhận dịch phát vào tháng 3 tại huyện Nhâm Khâu (Thương Châu, Hà Bắc, phía Nam Bắc Kinh khoảng 150km), sau đó bùng phát ở khoảng 30 địa phương của nhiều tỉnh, tuy không ghi con số thống kê tử vong cụ thể nhưng mô tả nhiều nơi ở mức đại dịch, người chết vô số, không đếm xuể.7 Trên bình diện quốc tế, theo giới nghiên cứu lịch sử bệnh truyền nhiễm Trung Quốc thì nguồn cơn trận dịch tả này khởi phát ở Ấn Độ vào năm 1817, sau đó theo các thuyền buôn lan về phía đông đến khắp Đông Nam Á rồi Trung Quốc, lan về phía tây đến các xứ ven Địa Trung Hải.
Thực lục chép “dịch phát ở Hà Tiên rồi lan ra toàn quốc”, và trong khi vua Minh Mạng còn đang lo cầu đảo với tâm trí rối bời bảo với các quan: “Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay”, thì Thượng thư bộ Lễ kiêm quản Khâm thiên giám Phạm Đăng Hưng tâu rằng: “Thần nghe dịch bệnh từ Tây dương sang”. Lời tâu của Phạm Đăng Hưng cho thấy triều thần đã có người biết dịch bệnh do truyền nhiễm từ xa, mà nay cũng có vẻ hợp với vấn đề nguồn gốc lây truyền dịch bệnh qua các thuyền buôn đến từ Ấn Độ mà các học giả Trung Quốc nêu ra.
Tháng 7 năm 1826, một trận dịch tả lớn bùng phát ở Gia Định (Nam Bộ) rồi lan rộng đến Quảng Bình, riêng Gia Định chết hơn 18.000 người. Tuy sự việc ở thành Gia Định không được chép rõ là dịch tả, nhưng cùng thời điểm xảy ra dịch bệnh, qua ghi chép về cái chết của Thái Bình công Mỹ Thuỳ (con của Hoàng thái tử Cảnh) thì xác định được đây là trận dịch tả. Thực lục chép: “Năm Bính Tuất, Tháng 7… Thái Bình công Mỹ Thùy mất, công là con Anh Duệ hoàng thái tử. Khi vua mới được tin công mắc chứng hoắc loạn cấp tính, tức thì sai đại thần đem ngự y tới thăm. Đến nơi thì công đã chết rồi”8 [ng.v, Phụ lục 2]. Về bệnh chứng được chép với tên hoắc loạn (霍乱), y thư cổ Trung Quốc là sách Tố vấn dùng để chỉ bệnh thổ tả, về sau cũng chỉ bệnh dịch tả truyền nhiễm; danh y Lê Hữu Trác cũng đã dùng từ hoắc loạn để chỉ bệnh thổ tả, do bản dịch Thực lục không dịch rõ ra chữ “thổ tả” và cũng không chú thích nên khó nhận biết.9
Những trận dịch chưa rõ tên
Trận dịch rất lớn xảy ra vào năm 1849 (Tự Đức năm thứ 2), số người chết gấp 3 lần so với trận năm 1820. Tháng 7, Kinh sư và nhiều tỉnh phát dịch, các trường thi Hương đều hoãn sang năm sau. Tháng 12, ghi nhận số người chết ở Vĩnh Long đến 43.400, ở Quảng Bình chết 23.300 người (còn ở nhiều tỉnh khác chưa báo cáo). Tháng 1 năm 1850, thống kê của bộ Hộ cho biết số tử vong trong năm 1849 là 589.460 người (dân số lúc này khoảng 7 – 8 triệu). Trận dịch này cực lớn nhưng thông tin rất ít, không nói tên dịch bệnh, chỉ nói dịch tràn lan do lệ khí (癘氣/ khí độc) phát tán. Cũng thấy Đại Nam liệt truyện Chính biên sơ tập chép: “(Tự Đức) Năm thứ 2. Mỹ Đường ốm chết. Kinh thành có lệ khí, xuống chiếu tìm cách để dẹp yên thiên tai.”. Trong thời điểm này, cách chép trong Liệt truyện có phải muốn nói Mỹ Đường (con lớn của Hoàng thái tử Cảnh) đã chết do dịch bệnh.10
Những năm kế tiếp lại thêm nhiều trận rất lớn ở các tỉnh từ Quảng Trị ra Bắc, như năm 1851 ở Lạng Sơn dịch bệnh kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11, tử vong đến 4.480 người; và thống kê trong hai năm 1852-1853 ở một số tỉnh Bắc Kỳ cho thấy số tử vong đến 9.074 người.
Những trận dịch phạm vi vùng miền hoặc tỉnh, phủ, huyện cấp độ khá lớn có thể kể vào các năm 1839-1840, 1863, 1875, 1876, 1887, 1888.
Trận dịch kéo dài trong 2 năm, từ tháng 2 năm 1839 đến cuối năm 1840 trên khắp các tỉnh toàn miền Bắc. Số liệu cho thấy trận dịch này tổng cộng (2 năm) ước có đến 60.000 người chết (nặng nhất là Hải Dương, chết hơn 23.000 người; kế đến là Bắc Ninh, chết hơn 21.500 người)
Từ tháng giêng đến tháng 5 năm 1863, dịch bệnh ở Thừa Thiên, Quảng Trị, Định Tường nghiêm trọng. Thừa Thiên và Quảng Trị chết 3.600 người, Định Tường chết 1.670 người, tháng 8 năm này dân Nam Kỳ lâm nạn đói.
Tháng 11 năm 1875, dịch bệnh cùng lúc phát ở nhiều tỉnh như Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên, Sơn Tây, Tuyên Quang, Phú Yên, Bình Thuận, nặng nhất là ở Khánh Hòa.
Địa bàn cấp huyện bị dịch bệnh nặng nề nhất là 2 huyện Hải Lăng và Minh Linh phủ Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), trong 2 năm 1876-1877 số tử vong lên đến 4.326 người. Năm 1887, ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa dịch phát từ tháng 4 đến tháng 9 mới lắng, số liệu riêng tỉnh Thanh Hóa chết đến 9.500 người.
Đậu mùa
Từ tháng 11 năm 1887 đến tháng 6 năm 1888, trận dịch đậu mùa hoành hành dữ dội ở tỉnh Quảng Ngãi, thống kê thấy cả đàn ông và đàn bà chết mất 13.934 người. Triều đình Huế phải phối hợp với thầy thuốc Tây lo việc chủng ngừa đậu mùa diện rộng cho người dân. Trận dịch được ghi rõ tên đậu mùa sớm hơn thấy chép vào tháng 6 năm 1848 ở Quảng Bình, làm chết hơn 2.100 người. [Phụ lục 5]
Bệnh đậu mùa trong ghi chép thấy xuất hiện năm 1801 qua cái chết của Đông cung Cảnh tại Gia Định, năm này không nói có dịch trong dân nhưng lại chép rõ bệnh chứng làm chết Đông cung [Phụ lục 1]. Tương tự, vào năm 1829 (Minh Mạng 10) cũng thấy chép “tháng 4, Quảng Oai công là Quân chết, Công bị đậu, sinh chứng hiểm. Vua sai ngự y ngày đêm điều trị, không khỏi mà chết.”, năm này cũng không thấy chép có dịch đậu mùa trong dân.
Một trận dịch khác được chép với tên dịch sởi (疹氣 / chẩn khí / sởi truyền nhiễm) vào tháng 5 năm 1842 (Thiệu Trị thứ 2) ở Thừa Thiên và Quảng Trị. [Phụ lục 4].
Tại Trung Quốc, trận dịch bệnh ghi rõ tên đậu mùa có thể là vào đầu thế kỷ 16, sách Đậu chứng lý biện của danh y Uông Cơ cho biết trận dịch đậu mùa khủng khiếp năm Minh Gia Tĩnh thứ 9 (1530) khiến dân chết hơn nửa phần11. Dịch đậu mùa được chép trong sử thì mãi đến cuối thế kỷ 17 mới thấy xuất hiện, Thanh sử cảo (Chí, Tai dị) chép vào năm Khang Hi thứ 20 (Tân dậu/1681) “Tấn Ninh (Vân Nam) có dịch, người và trâu bò chết nhiều; Khúc Dương (Hà Bắc) có dịch lớn”.12
Liên quan đến tên gọi bệnh đậu, cũng cần nhắc đến loại tin nhảm thời xưa, số là, Viên Mai chép trong Tùy Viên thi thoại (quyển 2): “Danh y Tô Châu Tiết Sanh Bạch nói: Trước thời Tây Hán, không nghe nói trẻ con mắc bệnh đậu. Từ lúc Mã Phục Ba (Viện) đi đánh Giao Chỉ, lính tráng mang bệnh về, gọi là lỗ sang (虜瘡/bệnh mụn rợ), không phải tên bệnh đậu (痘)”13
Viên Mai (Tử Tài) nổi tiếng văn đàn thời Thanh nhưng khi làm sách đã thu thập câu nói của Tiết Sanh Bạch giống như loại tin nhảm, không biết Tiết danh y nghe vụ này ở đâu, bởi từ Tây Hán về trước không riêng đậu mùa mà nhiều chứng dịch khác cũng đều chưa rõ tên, sử chỉ chép chung là dịch tật, dịch bệnh, ôn dịch. Mặc khác, Truyện Mã Viện trong Hậu Hán thư không thấy nói bệnh lỗ sang, mà chỉ nói: “Kiến Võ thứ 20, Giáp thìn (44 scn), Mã Viện chinh Giao chỉ, quan quân trải chướng dịch, mười phần chết hết bốn, năm”. Chướng dịch (瘴疫) hay chướng lệ (瘴癘) là bệnh do nhiễm khí độc rừng núi, về sau cũng chỉ sốt rét.
Cũng liên quan đến tên gọi bệnh đậu, thời nay, nói thêm về một thông tin thiếu chính xác trên trang Wikipedia, mục từ “Đậu mùa” ở trang này có đoạn viết là:
“Lịch sử Việt Nam có ghi lại một số những nhân vật chết vì bệnh đậu mùa. Trong đó có Hoàng tử Cảnh, người con cả của vua Nguyễn Thế Tổ (niên hiệu Gia Long). Hoàng tử Cảnh mất năm 22 tuổi, để lại một vợ và hai con. Vua Tự Đức cũng bị bệnh đậu mùa và bị vô sinh nên nhận một người con nuôi lên làm vua và chỉ tại vị được 3 ngày, đó là vua Dục Đức.”
Sử nhà Nguyễn cũng ghi hai nạn dịch lớn trước thời Pháp thuộc:
– ” Năm Canh Thìn (1820) tháng 11 (âm lịch) bệnh dịch lan tràn, khởi đầu từ Hà Tiên đến Bắc Thành. Nhiều người chết. Nhà nước chẩn cấp cho dân tổng cộng 73 vạn quan tiền.”
– ” Năm Canh Tý (1840) tháng 9 (âm lịch) ở Sơn Tây từ mùa xuân đến mùa thu có hơn 4.900 người chết dịch.” (Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1987. trang 425, 454.)”14
Hai trận dịch được dẫn trên đây không thể lấy làm tiêu biểu cho mục từ “Đậu mùa”, bởi trận đại dịch toàn quốc năm 1820 là trận dịch tả, còn trận dịch ở Sơn Tây năm 1840 hiện chưa xác định được tên dịch bệnh. Nếu cần nêu những trận dịch đậu mùa tiêu biểu trong lịch sử thì phải nói đến trận dịch ở Quảng Bình năm 1848 và ở Quảng Ngãi năm 1888.
Việc chủng đậu theo y thuật Tây phương được thực hiện lần đầu năm 1805 tại Macau, cùng lúc với sự kiện xuất bản tài liệu Anh Cát Lợi quốc tân xuất chủng đậu kỳ thư (Phép chủng đậu mới lạ ở nước Anh) bằng tiếng Trung do bác sĩ của công ty Đông Ấn (Anh) A. Pearson biên soạn. Việc này được tiếp tục vào những năm 1815 tại Quảng Châu, 1841 tại Thượng Hải, 1961 tại Triệu Khánh (Quảng Đông), 1863 tại Phật Sơn (Quảng Đông), 1864 tại Bắc Kinh, 1882 tại Cửu Giang (Giang Tây), 1883 tại Nghi Xương (Hồ Bắc), 1886 tại Trấn Giang (Giang Tô), 1890 tại Thành Đô (Tứ Xuyên).15
Dịch hạch
Dịch hạch tuy được biết đến ở phương Tây rất sớm nhưng ở Trung Quốc và nước ta thấy sử liệu ghi chép về nó khá hiếm hoi. Dựa vào nhiều nguồn, Trương Đại Khánh (sđd) thống kê được trong 50 năm (1840-1910), ở Trung Quốc có 3 loại dịch bệnh xảy ra nhiều nhất là: dịch tả (霍乱 / hoắc loạn) 45 lần, dịch hạch (鼠疫 / thử dịch) 34 lần, đậu mùa (天花 / thiên hoa) 11 lần.5 Một số chuyên khảo khác thì cho biết vào thời Minh Vạn Lịch, trong 10 năm (1579-1588) số tử vong do dịch hạch ở Sơn Tây và Hà Bắc lên tới 5 triệu người.16
Trong Thực lục, suốt các ghi chép không thấy nhắc đến tên bệnh dịch hạch, cũng không thấy những chi tiết miêu tả bệnh chứng để có thể suy đoán. Riêng thấy một trận dịch kéo dài từ tháng 5 năm 1894 đến tháng giêng năm 1895 ở phủ Thừa Thiên được ghi nhận, rơi vào thời điểm trùng hợp với trận dịch hạch ở Trung Quốc. Năm 1894 (Quang Tự thứ 20), dịch hạch khởi phát ở Hương Cảng, rồi lan bùng thành dịch lớn, trận này được cho là có quan hệ với trận dịch hạch ở Vân Nam hồi năm 1855. Tuy nhiên, đây chỉ là sự trùng hợp thời điểm, nếu nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử dịch bệnh thì cần có thêm nhiều tư liệu chắc chắn.
II. Việc mô tả bệnh chứng, xác định tên dịch bệnh
Sử nước ta nói chung và Thực lục nói riêng ghi chép về dịch bệnh quá đỗi sơ lược, thi thoảng mới chép rõ tên dịch bệnh, còn phần lớn chỉ nói chung chung là “dịch” (疫), “đại dịch” (大疫), “dịch khí” (疫氣), “dịch lệ” (疫癘), “lệ khí” (癘氣). Việc mô tả dấu hiệu và triệu chứng cá nhân người bệnh hoặc diễn biến dịch bệnh trong cộng đồng cũng rất ít khi được sử quan lưu ý. Cho nên, với gần 100 đoạn trích nói về khoảng 80 trận dịch lớn nhỏ được liệt kê, chỉ có 3 trận nêu tên dịch bệnh (2 trận dịch đậu mùa, 1 trận dịch sởi), còn 3 trận chỉ có thể gián tiếp nhận định qua những ghi chép liên quan. [xem bảng Biên niên dịch bệnh trích lục, đoạn từ 1801 đến 1895]
Các lần hiếm hoi ghi rõ tên bệnh có thể kể là: dịch đậu mùa (2 lần: Quảng Bình 1848, Quảng Ngãi 1888), dịch sởi (1 lần: Thừa Thiên – Quảng Trị 1842), cá nhân bị bệnh đậu tử vong (2 lần: Đông cung Cảnh năm 1801 và Quảng Oai công Quân năm 1829), cá nhân bị thổ tả cấp tử vong (1 lần: Mỹ Thùy năm 1826).
Trận dịch tả lớn năm 1820 gián tiếp có thể xác định qua ghi chép về phương thuốc chữa trị, nêu tên vị bạch đậu khấu (白荳蔻), vốn là thành phần gia thêm đối với trường hợp tiêu chảy nặng.
Trận dịch tả tháng 7 năm 1826 gián tiếp có thể xác định qua ghi chép bệnh chứng Thái Bình công Mỹ Thùy, hoắc loạn cấp chứng (霍亂急症).
Trận dịch tả trong trại lính ở Nghệ An tháng 7 năm 1827, gián tiếp có thể xác định qua thông tin “cấp 20 cân bạch đậu khấu để chữa trị”. Hồi tháng 6 năm này, cũng có dịch trong ngoài Kinh thành ở Thừa Thiên, do liên đới địa lý và trùng hợp thời điểm, nghi cũng là dịch tả.
Trận dịch sởi được chép do “chẩn khí” (疹氣) phát tán vào tháng 5 năm 1842.
Cái chết của Đông cung Cảnh năm 1801 được chép bệnh chứng “chẩn đậu” (疹痘)
Quảng Oai công là Quân chết hồi tháng 4 năm 1829, do bị lên đậu, biến chứng nặng (公發痘迭出險症).
Nói thêm, có vài đợt dịch trong những năm đầu thế kỷ 20 được chép trong Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên và Đệ thất kỷ, là: dịch cúm (năm 1902), thương hàn (1905), thương hàn và sốt rét (1907), hủi (1914), sốt rét và lỵ trong trại giam (1917). Tuy nhiên, do giai đoạn này nằm ngoài phạm vi khảo sát và một phần cũng do dịch giả bản dịch hai bộ Thực lục nói trên không công bố bản gốc, nên chưa biết rõ tên gốc chữ Hán của bệnh chứng được viết ra sao, nay tạm nêu ra chờ xét sau.15
Còn lại, trận dịch cực lớn năm 1849-1850 làm chết gần 10% dân số và hơn 70 trận lớn nhỏ khác vẫn chưa rõ tên dịch. Để đi sâu tìm hiểu vấn đề này và coi nó như một chuyên đề lịch sử thì cần phải tham khảo nhiều nguồn tư liệu, từ châu bản, từ sách thuốc cổ xưa của các nhà, địa phương chí, du ký, du khảo, tùy bút, thơ văn các loại v.v… , đây là công việc tốn rất nhiều thời gian.
III. Sự ứng phó dịch bệnh của triều đình
Liệu pháp tinh thần
Đọc qua Thực lục, sau những trận dịch bệnh, đa phần với con số tử vong khủng khiếp, điều dễ nhận thấy là thời ấy không có biện pháp phòng tránh nào được áp dụng mỗi lần dịch bệnh ập đến. Câu “Lúc bịnh thì vái tứ phương”, lời rủa “dịch ôn vật mày”, hay lời ví “đồ ôn hoàng dịch lệ”, “đồ mắc dịch mắc toi”… lưu truyền trong cửa miệng dân gian là sự phản ánh tâm thức hoảng sợ từ những trận dịch, là nỗi ám ảnh về sự chết chóc tràn lan do lây nhiễm.
Mỗi khi có dịch bệnh, Triều đình liền tổ chức cầu đảo (lập đàn cúng vái) hoặc lệnh cho quan địa phương có dịch cầu đảo, song song với việc phái thầy thuốc tới điều trị. Hầu hết những ghi chép về mấy trận dịch lớn đều nói việc vua sai các quan lập đàn cầu đảo hoặc đến những đền miếu thiêng cúng vái. Trong trận đại dịch năm 1849-1850, trước tình hình căng thẳng, vua Tự Đức sai 3 đại thần cùng lúc lo việc cầu đảo ở 3 đền miếu: “(Tự Đức năm thứ 2) Tháng 12, Phủ Thừa Thiên lệ khí cũng lại phát ra nhiều. Vua sai Tả tham tri bộ Hộ là Tôn Thất Thường đến miếu Đô thành hoàng; Phó đô ngự sử Đô sát viện là Bùi Quỹ đến miếu Hội đồng; Kinh doãn [~chủ tịch thành phố trung ương] là Vũ Trọng Bình đến đền Thai Dương phu nhân, đều làm lễ cầu đảo. Lệ khí rồi giảm bớt, gió mưa thuận thường. Vua khen, bọn Thường đều được thưởng…”. Tuy hình thức cầu đảo chỉ là liệu pháp tinh thần nhằm nhất thời giảm nhiệt cho cơn hoảng loạn, nhưng có lẽ nó cũng là sự thể hiện trách nhiệm của kẻ chăn dân nên thấy Thực lục cũng chép có lần quan địa phương không chịu tổ chức cầu đảo liền bị vua khiển trách. Đến năm 1874, có thể là do qua thời gian được tiếp cận kiến thức khoa học Tây dương, trong một trận dịch bệnh thấy Tự Đức nói: “Phàm cầu đảo không có công hiệu, nhưng cứ yên lặng ngồi nhìn thì không yên tâm, mà không có phép gì cho khỏi được. Chỉ dốc sức các phủ huyện đi xuống làng ấp gia tâm thăm hỏi, người bệnh thì cho thuốc, người đói thì cho cơm, xét khuyên những nhà giàu thương nhau chu cấp cho nhau, không đủ thì cấp gạo kho công cho chóng được yên”.
Lối tuyên truyền chân mệnh Thiên tử (vua do trời định) thời xã hội quân chủ cũng có điểm hay là nó đính kèm một số trách nhiệm vô hình ràng buộc, khi hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh xảy đến thì người đứng đầu nhà nước, đứng đầu địa phương phải biết tự nhận trách nhiệm và ít nhiều cũng bị điều tiếng về hành vi, đức độ. Cho nên cầu đảo là một hình thức van xin, mong trời nhẹ tay.
Tranh đoạt mối lợi đẩy dân vô đường cùng và để xảy ra án oan là những vấn đề tự vấn của nhà cai trị. Trong trận đại dịch năm 1849, đình thần đề nghị xét lại oan án, giảm hạn tù; phục hệ tôn thất và cấp lương bổng cho con cháu Mỹ Đường (dòng Hoàng thái tử Cảnh); cho con cháu công thần Trung hưng (thời theo Nguyễn Ánh bôn ba) dự ấm, cấp bổng; khoan miễn tội trước cho Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt và Lê Chất; bỏ lệ đưa con cháu nhà Lê vào định cư Tả Kỳ, trùng tu đền miếu nhà Lê; chọn Kinh lược đại thần để sửa đổi lề lối và quan lại. Vua Tự Đức đều nghe theo. Trong trận dịch năm 1852, Tự Đức nghĩ để xảy ra nhiều án oan, dân nhiều người cùng cực thì có thể sinh tai họa dịch bệnh, nên lệnh cho Phủ doãn Thừa Thiên lo giải trừ. Hay như trong trận dịch năm 1853 ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, vua Tự Đức sắc cho Tổng đốc Nguyễn Quốc Hoàn rằng: “quan lại mọt nát chưa trừ bỏ, nhân dân đau khổ chưa hồi lại, để đến nỗi can phạm khí hòa. Nay nên vì đức, vì dân, làm hết chức phận.”
Nói chung, quan niệm thời bấy giờ cho nguồn căn dịch bệnh là do phạm vào hòa khí của trời đất tuy có duy tâm nhưng cũng được nhiều điểm có lợi về đường nhân đạo.
Việc chữa trị
Tuy chưa đủ kiến thức ngăn chặn lây nhiễm nhưng việc tổ chức chữa trị của triều đình được nói đến khá tích cực. Nhiều ghi chép cho thấy trong một số trận dịch có sự hiện diện của Thái y viện (một cơ quan chuyên môn bào chế thuốc và chữa bệnh quốc gia); thuốc men được cấp phát miễn phí; tùy theo mức độ và địa điểm, có thầy thuốc do chính quyền trung ương hoặc địa phương điều động đến điểm dịch.
Một ghi chép hiếm hoi cho biết việc áp dụng biện pháp cách ly để điều trị tập trung hồi năm 1814: “(Gia Long năm thứ 13) Tháng 2, Quảng Đức [Thừa Thiên] có dịch. Sai quan coi dinh lập sở dưỡng tế ở xã Thế Lại cho người bịnh ở, cấp cho tiền gạo thuốc thang. Người chết thì cho tiền và vải để chôn (tiền 1 quan, vải 10 thước)”. Các ghi chép thời Minh Mạng và Tự Đức không thấy nói đến hình thức thiết lập một cơ sở điều trị biệt lập như vậy.
Cấp thuốc là hoạt động thường xuyên được nói đến qua các trận dịch, như hồi tháng 7 năm 1820 “Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp”, hồi tháng 4 năm 1843 “Hạt Thừa Thiên lại phát lệ khí. Sai viện Thái y đem thuốc ở kho chia nhau đi chữa bệnh.”; và sau này được nhắc lại nhiều lần; việc phổ biến bài thuốc chữa bệnh thấy được đề cập đôi lần, như hồi tháng 8 năm 1864 “Hà Nội phát bệnh dịch lệ. Sai quan tỉnh chế nhiều thuốc hoàn tán, chia cấp cho các nơi. Lại sai thông chép đơn thuốc, theo đó mà làm và chế nhiều thêm để cấp cho trại quân”.
Việc ban thưởng cho thầy thuốc giỏi thấy được ghi nhận sau trận dịch tả tháng 7 năm 1826, Thực lục chép: “(Minh Mạng thứ 7) tháng 7, Khi dịch bệnh rút lui, sai bộ Hộ xét những y sinh nào trị giỏi thì khen thưởng”.
Việc phòng dịch bằng biện pháp chủng ngừa phải đợi đến năm 1888, tuy nhiên công việc này do thầy thuốc Tây đảm trách chính, còn thầy thuốc ta chỉ phụ giúp thêm, Thực lục chép: “Cho Cơ mật viện bàn với viên Công sứ chọn phái quan thầy thuốc nước Pháp, đem cả thầy thuốc ta, người đã quen biết cách trồng đậu, đến trồng để đỡ tai hại cho dân”, nội dung này cho thấy thầy thuốc ta cũng có người đã được học phép chủng ngừa từ trước đó.
Việc trợ cấp
Chủ trương chung của triều đình là nhanh chóng trợ cấp để giảm bớt đau khổ cho người nhiễm bệnh trong cơn dịch và những nhà có người chết vì dịch. Tuy nhiên, do hạn chế phương tiện thông tin, nên tình hình dịch bệnh các nơi chỉ do quan địa phương tự lo liệu và báo cáo thiệt hại sau dịch. Những người chết vì dịch bệnh được trợ cấp trung bình từ 2 đến 3 quan tiền (việc chẩn cấp qua các trận dịch có sai lệch, thường thấy là phân 3 hạng: hạng tráng đinh 3 quan, người lớn và đàn bà 2 quan, trẻ con 1 quan). Trận dịch tả năm 1820, là năm có chép rõ tổng số tiền ngân sách chi cấp 73 vạn quan tiền, tức cấp đều mỗi người 3 quan, cho hơn 206.835 người. Những người trong quân đội thì được thêm trợ cấp khác.
Cá biệt cũng thấy trong trận dịch năm 1849, Phủ Thừa Thiên – nơi gần mặt trời – người nghèo còn được cấp cho quan tài và vải.
Một ý chỉ của vua Tự Đức vào tháng 7 năm 1874 cũng đề cập đến vấn đề vận động xã hội tương tế, khuyên những nhà giàu có giúp đỡ cho người nghèo mắc bệnh.
Sau dịch, nhà nước thường xét hoãn việc gọi lính, hoãn thu thuế hoặc giảm thuế cho các xã có dân bị chết dịch, xuất kho công bán gạo giảm giá. Tuy nhiên, những chính sách ứng phó dịch bệnh và an sinh xã hội sau dịch cũng có lúc bế tắc, gặp những năm trùng nạn, dịch bệnh đi kèm với thiên tai khác như hạn hán, lũ lụt khiến dân chúng mất mùa nhà nước thất thu thì tình cảnh tệ đi. Bi kịch nhất là trong thời điểm khủng hoảng chính trị trước sau năm 1863. Lúc này triều đình rối, chỉ tập trung lo việc đối phó với Pháp, tình hình dịch bệnh bị bỏ lơ, dịch bệnh từ năm trước (1862) mà đến năm 1863 mới tóm gọn nói chung vài dòng, còn cả năm 1862 không thấy Thực lục chép về dịch bệnh. Sau dịch thì đến tháng 8 dân Nam Kỳ xứ gạo bị nạn đói; và tiếp đến là dân Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Bình, Lạng Sơn, Hải Dương bị đói. Báo cáo tình hình chết dịch năm 1862-1863 cũng cho thấy thảm cảnh dân nghèo đói bệnh chết được chôn cất qua quít lộ bày thi thể, sự cùng khổ đến vậy chỉ càng khiến dịch bệnh lây lan.
Thất xuất trong việc cai quản
Bộ máy hành chánh với cơ cấu quan đầu tỉnh nắm toàn quyền cộng với sự hạn chế truyền tin lộ rõ nhiều bất cập khi xử lý dịch bệnh. Có rất nhiều vụ giấu dịch hoặc báo cáo chậm trễ được ghi nhận, như trận dịch tháng 8 năm 1839, “Năm huyện Nam Xang [nay là Lý Nhân, tỉnh Hà Nam], Thượng Phúc [Thường Tín], Thanh Trì, Thanh Oai, Thanh Liêm [nay thuộc tỉnh Hà Nam] thuộc Hà Nội lại phát lệ khí nhân dân nhiễm bệnh chết hơn 1.600 người. Các quan phủ huyện sở tại vì chậm báo cáo việc này, đều bị phạt. (cảnh cáo)”. Hoặc như hồi tháng 2 năm 1843, Hữu tham tri bộ Binh Phan Thanh Giản dâng sớ nói: “…Tôi nghe trong khoảng tháng 4 tháng 5 năm ngoái, ở Nam Kỳ đã có dịch lệ mà quan địa phương không đem tâu lên…”.
Trong năm 1840 có 3 vụ đáng lưu ý: tháng 5, các quan đầu tỉnh Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình không báo dịch, khi bị phát hiện mới chịu báo số thiệt hại, bị khiển trách; tháng 9 dịch ở Hưng Yên chết đến 3.000 người, dịch bệnh phát từ đầu xuân đến cuối thu mới báo cáo, không hiểu sao quan địa phương chỉ bị kỷ luật “khiển trách”; tháng 10 tỉnh Sơn Tây có dịch, chết 4.900 người, dịch bệnh phát từ đầu xuân đến cuối thu mới báo, vụ này giống như Hưng Yên, “Tổng đốc Nguyễn Công Hoan tâu báo chậm trễ, truyền Chỉ sức quở (khiển trách)”.
Hai vụ vi phạm với tính chất khác cũng đáng lưu ý: năm 1840, tháng 6, quan tỉnh Thanh Hóa báo cáo láo nâng số người chết dịch nhằm xin hoãn tuyển lính, “Vua ghét tội dối trá, bắt Thự đốc Trần Hữu Thăng, Bố chính Nguyễn Nhược Sơn đều cách chức, đưa về Kinh, giao cho bộ Lại nghiêm bàn định tội.”; sau trận dịch năm 1820, đến năm 1822 thanh tra phát hiện “Cai bạ Bình Thuận Nguyễn Văn Khiêm, trước đây làm bản sách tâu về việc cấp tuất cho người chết dịch, số người và số tiền không phù hợp, giao xuống cho bộ Hình nghị xử, phải cách chức”.
Qua những vụ vi phạm nêu trên, có thể tạm nhận định rằng, triều đình có vẻ nới tay đối với những vụ tắc trách gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến nhiều sinh mạng, chỉ khiển trách hoặc cảnh cáo đối với người đứng đầu địa phương; và cũng không mạnh tay lắm đối với trường hợp lợi dụng dịch bệnh để biển thủ của công. Những ghi chép dạng này trong Thực lục không nhiều, như một góc tối trong vùng tối, hình như chúng cũng vừa đủ cho người sau thấy được trọn vẹn một khung cảnh chung mà xã hội phải gánh chịu thêm hơn trong cơn dịch bệnh khổ đau.
IV. Kết luận
Tùy theo mức độ nhận thức và kiến thức y học, những ghi chép của người xưa cũng tiến dần theo chừng mực có thể. Trong Đại Nam thực lục, cho dù có khá hơn nhiều so với ghi chép trước nó, những hạn chế của sử quan ở phần miêu thuật tình trạng cá nhân người bệnh cũng như những diễn biến dịch bệnh trong cộng đồng khiến cho việc tìm hiểu về kiến thức y học hay dịch tễ học không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, đâu đó trong những ghi chép cũng có thể cho người sau góp nhặt được những kinh nghiệm cần thiết.
Nhưng ở góc độ khác, thông qua những trận dịch có thể tìm hiểu về một số mặt của mô hình quản lý xã hội đương thời. Sự ứng phó dịch bệnh qua việc tổ chức chữa trị rất tích cực; công tác hành chánh khá sát sao qua việc thống kê tử vong; chính sách an sinh xã hội qua những việc chẩn cấp ủy lạo, cho quân dân nghỉ ngơi, giãn thuế, miễn thuế, xuất kho bình ổn giá sau dịch v.v… đều có thể cho là đã cận nhân tình. Tuy có vài điểm đen thuộc ý thức cá nhân đáng chê trách, nhưng trên tổng thể, hoạt động quản lý xã hội thời nhà Nguyễn đã cho thấy được sự quý trọng sinh mạng dân đen.
Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến nhiều hoạt động xã hội, có thể có thể làm ngưng những hoạt động có tổ chức, như buộc quân đội giải tán, dập tắt thương vụ, xóa sổ địa bàn dân cư. v.v…. Bệnh tật và dịch bệnh luôn đồng hành với con người, cho nên y tế nói chung và dịch bệnh nói riêng là một bộ phận không thể thiếu trong xã hội sử. Nghiên cứu về dịch bệnh ở Việt Nam trong lịch sử có lẽ là một đề tài cần được thực hiện có tính chuyên môn hơn, so với sự khảo tả sơ lược này.
Phạm Hoàng Quân
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét