“60% – 70% dân số Đức có thể nhiễm virus corona” – Ý nghĩa thật sự của phát biểu trên là gì?
Đó là phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo hôm 11-3 tại Berlin. Nhưng thật ra bà chỉ dẫn lời một chuyên gia Đức, Giáo sư Christian Drosten, phát biểu ngày 28.2.2020, lúc đó nước Đức chỉ có 68 ca nhiễm virus. Ông Drosten nói: “60% – 70% dân số Đức có thể nhiễm virus corona”.
Giáo sư Christian Drosten là một nhà virus học, Viện trưởng Viện virus học Charité – Đại học y khoa Berlin. Ông là một trong những người đồng phát hiện ra virus SARS, có liên quan mật thiết đến virus corona chủng mới hiện nay. Ông Drosten cũng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, khi nói đến virus corona chủng mới.
Với phát biểu trên, Giáo sư Christian Drosten muốn nói đến khả năng “miễn dịch cộng đồng” tại nước Đức. “Miễn dịch cộng đồng” trong tiếng Đức là “Herdenimmunität” và trong tiếng Anh là “Herd Immunity”.
Theo khoa hoc, để có được “miễn dịch cộng đồng” thì trong cộng đồng cần phải có một số lượng người có khả năng kháng virus này (miễn dịch với nó).
Khi những người có khả năng kháng với bệnh này chiếm số lượng khá nhiều trong cộng đồng, thì số người này giống như những lá chắn có khả năng “cô lập” những người đang bị nhiễm bệnh trong cộng đồng và “bảo vệ” số ít những người còn lại trong cộng đồng có khả năng sẽ bị nhiễm.
Với tỉ lệ nhiễm của virus corona hiện nay được ước tính khoảng 2,28 (tức là tính trung bình, một người nhiễm virus có thể lây bệnh cho 2,28 người khác) thì cần khoảng 60% – 80% người trong cộng đồng có khả năng kháng virus này, hay nói cách khác là cần 60% – 80% người trong cộng đồng nhiễm virus này (vì theo nghiên cứu cho thấy người bị mắc bệnh cúm Vũ Hán sau khi khỏi bệnh sẽ miễn nhiễm với virus này).
Nói tóm lại, theo nhà virus học, Giáo sư Christian Drosten, đại dịch cúm Vũ Hán chỉ thật sự chấm dứt khi nước Đức đạt đến trạng thái “miễn dịch cộng đồng”. Chỉ có 2 cách để đạt đến trạng thái này:
1. Tiêm vaccine phòng ngừa cho người dân (nhưng hiện nay chưa có vaccine chủng ngừa virus Vũ Hán).
2. Cơ thể của phần lớn người dân (60% -70% dân số) tự tạo ra kháng thể chống lại virus này sau khi họ nhiễm bệnh và khỏi bệnh.
Vấn đề con số tử vong
Theo cái nhìn của các nhà khoa học, bệnh do virus corona nguy hiểm vì tính lây lan rất nhanh và là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện chưa có vaccine chủng ngừa và cũng chưa có phát đồ điều trị, nhưng nó chỉ là một loại bệnh cúm. Chẳng hạn như cúm mùa ở Đức, đến mùa lạnh là những người có sức đề kháng kém rất dễ nhiễm virus của cúm mùa, gây viêm phổi làm nhiều người chết hàng năm.
Theo ước tính của Viện Robert Koch (một cơ quan của Nhà nước Đức về các bệnh truyền nhiễm), mỗi năm có khoảng từ 4 đến 16 triệu người Đức bị nhiễm virus cúm mùa và con số tử vong có thể lên đến hàng chục ngàn người khi bị dịch cúm nặng, thí dụ đợt dịch cúm nặng mùa Đông năm 2017-2018, ước tính đã có 25.100 người chết ở Đức.
Điều đó có nghĩa rằng, bệnh do virus corona rồi đây cũng sẽ như những bệnh cúm khác, nó sẽ là một căn bệnh quen thuộc, người ta vẫn bị nhiễm và vẫn được điều trị đến khi khỏi bệnh nhưng không vì thế mà mất đi tính nguy hiểm của nó.
Hiện nay, nếu bị nhiễm virus Vũ Hán thì chưa chắc sẽ đổ bệnh nặng, 80% tự hồi phục mà không cần điều trị gì hoặc máy móc y khoa trợ sức, chính vì thế mà nước Đức để bệnh nhân (xét nghiệm dương tính với virus) cách ly ở nhà, hằng ngày có nhân viên y tế đến nhà chăm sóc. Biện pháp này cũng làm cho bệnh viện và nhân lực không bị quá tải, dành chỗ cho những trường hợp bị bệnh nặng.
Và cũng không phải ai đổ bệnh nặng là chết, đối với trẻ em và thanh niên (thuộc nhóm những người trẻ tuổi có sức đề kháng mạnh) cơ hội sống rất cao, trên 99%.
80% số ca tử vong là người trên 60 tuổi và đa số là người có bệnh lý nền (bệnh khác đã có sẵn trước khi nhiễm virus). Đây là nhóm người có tuổi tác xế chiều, tàn tạ, có sức đề kháng kém; hoặc cơ thể đã bị bệnh tật làm suy yếu từ trước, kể cả không bị nhiễm virus, họ cũng không còn có thể sống lâu.
Chiến lược trì hoãn, mua thời gian
Trở lại chuyện “miễn nhiễm cộng đồng“, dân số Đức hiện nay có 83 triệu người, thì 60% – 70% dân số là 50 – 58 triệu. Với tỉ lệ tử vong chung của Covid-19 là 2-3%, thì nước Đức sẽ có hàng triệu người chết” để tạo được “miễn nhiễm cộng đồng“.
Giáo sư Christian Drosten nhấn mạnh rằng, yếu tố thời gian có vai trò rất quan trọng trong vấn đề con số tử vong. Ông nói, nếu quá trình kéo dài nhiều năm thì con số người chết vì bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc một bệnh nào khác; hoặc chết một cách tự nhiên vì già lão, sẽ làm cho con số tử vong vì nhiễm virus nhỏ đi rất nhiều, sẽ bằng con số tử vong bình thường. Nói cách khác, số lượng người tử vong vì virus sẽ được rải đều theo dòng thời gian kéo dài vài năm, thay vì để nó xảy ra chỉ trong vòng 1 năm.
Thành ra, chiến lược của Đức là dùng các biện pháp cố gắng kìm hãm tốc độ lây lan của dịch bệnh để trì hoãn, mua thời gian.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã mô tả nhiệm vụ chính yếu trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh corona là kiềm chế sự lây lan của virus. “Chúng ta phải tranh thủ thời gian“, bà nói.
Hiện tại không có thuốc chữa trị và không có vắc-xin phòng ngừa. Và theo dự báo của các chuyên gia rằng 60 – 70 phần trăm dân số Đức sẽ bị nhiễm bệnh trong thời gian dài, điều quan trọng hơn hết là trì hoãn sự lây lan càng lâu càng tốt.
Cách thức trong cuộc chiến chống virus phải được xác định là không để cho hệ thống y tế bị quá tải.
Chiến lược của Đức là dùng các biện pháp để kìm hãm tốc độ lây lan, như thế số người mắc bệnh được rải theo dòng thời gian kéo dài vài năm để tránh đỉnh của dịch lên cao quá ngưỡng, vượt quá mức khả năng của hệ thống y tế Đức. Tức là không có thời điểm nào số người mắc bệnh vượt quá khả năng của hệ thống y tế Đức. Nhờ đó mà người bị bệnh nặng có điều kiện được chữa trị chăm sóc đầy đủ, làm cho con số tử vong sẽ giảm bớt càng ít như có thể.
Cho đến nay (ngày 14-3) Đức đã thành công trong việc giảm tối đa con số tử vong: chỉ có 8 ca tử vong trong tổng số hơn 3.000 ca nhiễm. Chính con số tử vong quá ít này đã làm cho người Ý nghi ngờ Đức giấu giếm con số thật.
“Những gì chúng ta làm không phải là không quan trọng. Không phải là vô ích. Không phải là uổng công“, bà Merkel nói.
Đó là việc bảo vệ người già và những người có sẵn bệnh khác từ trước, mà sự nhiễm bệnh dịch COVID-19 của họ có thể có diễn biến nghiêm trọng hơn.
Mức độ của cuộc khủng hoảng dịch virus corona vẫn chưa thể lường trước được, bà Merkel cảnh báo. Vẫn chưa biết thật sự những gì sẽ xảy ra trong quá trình đi tới “miễn nhiễm cộng đồng“.
So với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, điều này có giá trị: “Chúng ta vẫn phải hành động với nhiều điều chưa biết, nhờ vậy mà tình hình đã khác“. Thủ tướng Merkel nói.
Hiếu Bá Linh, tổng hợp
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét