Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Thật may quá là may!


MAY MÀ ĐẠI TÁ THÍCH THƠ ( để quên đi dịch NCoV)
Đầu năm 1981, sau giai đoạn tân binh, tôi được điều động vào trường Lục quân 3 (LQ3) làm giáo viên khoa văn hóa cơ bản.
Ban đầu trường đóng tại Phù Cát, cách Quy Nhơn ba bốn mươi cây số gì đó. Nơi ấy toàn cát trắng, rất nhiều dừa. Dừa Bình Định nổi tiếng. Đã 40 năm rồi tôi vẫn không sao quên được nước giếng Phù Cát luôn thơm ngát hương dừa, sáng dậy rửa mặt nước giếng mà hệt như rửa nước rừa. Khi nhìn xuống đáy giếng nước ở đây, bạn sẽ thấy tua tủa rễ dừa. Bữa cơm của chúng tôi ngày ấy thường có món thịt kho dừa. Trường LQ3 ở Phù Cát không lâu thì chuyển vào Dục Mĩ (Ninh Hòa) cách Nha Trang vài ba mươi cây số. Nơi đây chính là căn cứ Lam Sơn của quân đội VN cộng hòa, cạnh quốc lộ 26 lên Ban Mê Thuột, ngay dưới chân đèo Phượng Hoàng nổi tiếng.
Trường LQ không học văn nên tôi thất nghiệp. Ông chủ nhiệm chính trị bảo: “thôi cậu thỉnh thoảng nói chuyện thơ văn cho bộ đội nghe”. Tôi tuân lệnh, nhưng xin ông ấy đi đọc sách để lấy cớ đi chơi các nơi. Ngày ấy Hiệu trưởng trường LQ3 là đại tá Hà Vi Tùng, một người rất thích thơ phú. Thỉnh thoảng ông ấy vẫn trò chuyện với tôi về văn chương. Theo nội quy của trường, chỉ có sĩ quan cấp úy trở lên mới được mặc thường phục và ra ngoài khu vực dân sự. Còn lính tráng và hạ sĩ quan chỉ chủ nhật mới được thay nhau ra vào. Tôi là binh nhất nhưng toàn mặc sơ vin nên vệ binh gác cổng cứ nghĩ là sĩ quan. Vì không có việc nên ngày nào tôi cũng ra quán bên ngoài trường uống cafe và nghe nhạc một cách thoải mái y như là sĩ quan cấp úy.
Thế rồi lần ấy đến lượt nói chuyện thơ văn chống bành trướng Trung Quốc cho tiểu đoàn bộ, tôi buộc phải đeo quân hàm... binh nhất. Nói chuyện hôm trước, sáng hôm sau tôi lại quen thói cũ diện sơ vin ra quán. Vừa đi ra cổng 2 vệ binh chặn lại và lập biên bản về tội giả làm sĩ quan cấp úy, thêm vào đó là tội... để tóc dài. Hóa ra là mấy ông vệ binh này nghe tôi nói chuyện hôm qua, nhớ mặt, biết tôi chỉ là thằng lính quèn nên ra tay. Họ làm căng lắm, tôi giải thích là mình không biết và đã ra vào nhiều lần như thế rồi… Càng chống chế họ càng làm mạnh, ghi án phạt: "nhốt vào nhà giam, sau đó phải đi lao động dọn nhà vệ sinh"... Đang tranh cãi thì tôi thấy 1 chiếc xe U-oat vào cổng, đỗ lại. Một người trong xe vẫy tay cậu vệ binh lại và hỏi gì đó. Rồi thấy cậu này bảo tôi lên xe. Ban đầu tôi hơi chột dạ, nhưng khi vào xe, tôi mới nhận ra đại tá Hà Vi Tùng. Xe chạy về nhà hiệu bộ, ông bảo tôi vào phòng, uống cà phê. Thế rồi chẳng thấy ông ấy nói gì về chuyện vừa xảy ra cả; chỉ thấy đưa tôi mấy bài thơ bảo đọc và nhận xét xem. Trò chuyện khoảng 1 giờ, ông cười và nói: “thôi cậu về đi, để tôi cấp cho cậu cái thẻ ra vào cổng”. Tôi ra về, trên đường cứ nghĩ: may mà đại tá thích thơ, không thì “toi” với đám vệ binh. Thật may quá là may!
Lần thứ 2 trong đời lính, tôi thấy học văn xem ra không đến nỗi vô tác dụng.
HN, đầu năm con Chuột -2020

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: