Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Trung Quốc quyết mạnh, Donald Trump rắn tay, thế giới vào cuộc đua mới


Các quốc gia đồng loạt có những động thái và kế hoạch ứng phó với tác động tiêu cực của dịch viêm phổi Covid-19. Một cuộc đua mới có thể gây ra biến động mạnh trên các thị trường tài chính thế giới.

Trung Quốc nới lỏng, bắt đầu xu hướng toàn cầu
Ngày 17/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định giảm lãi suất 10 điểm cơ bản từ mức 3,25% xuống còn 3,15%/năm trong khoản vay trị giá 200 tỷ NDT (khoảng 29 tỷ USD) khoản vay trung hạn (MLF) nhằm giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới nền kinh tế.
Trong cùng ngày, PBOC cũng bơm 100 tỷ NDT vào thị trường thông qua thỏa các hợp đồng repo đảo ngược thời hạn 7 ngày vào thị trường sau khi khoản 1.000 tỷ NDT đáo hạn. Trước đó, PBOC đã hạ 0,1 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn và nhiều lần bơm thêm hàng trăm tỷ USD giúp tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Việc giảm lãi suất ngắn hạn rồi trung hạn và bơm thanh khoản được xem là động thái mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) của Trung Quốc, dự kiến sẽ được điều chỉnh vào 20/2 tới.
Hàng loạt động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế của PBOC được thực hiện trong bối cảnh dịch viêm phổi Covid-19 khiến hàng chục triệu người bị phong tỏa và tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Trung Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu. Báo cáo của Ngân hàng UBS dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 1 của Trung Quốc có thể chậm lại ở mức 3,8%, cả năm 2020 xuống còn 5,4%, thậm chí xuống dưới 5%.
Trung Quốc quyết mạnh, Donald Trump rắn tay, thế giới vào cuộc đua mới
Trung Quốc kích hoạt nới lỏng chính sách tiền tệ.
Hôm 9/2, Ngân hàng TƯ Philippines Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) trở thành thành viên mới nhất tại Đông Nam Á tham gia chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm ứng phó với dịch Covid-19. BSP đã cắt giảm lãi suất cơ bản đồng peso 25 điểm cơ bản xuống còn 3,75%/năm để hỗ trợ nền kinh tế. Đây là quyết định cắt giảm lần thứ 3 kể từ giữa tháng 5/2019 sau 7 năm giữ chính sách thắt chặt.
Trước đó, ngày 5/2, Ngân hàng TƯ Thái Lan cũng đã hạ lãi suất xuống chỉ còn 1% nhằm kích thích tăng trưởng một kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành du lịch, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Còn tại Singapore, dự kiến ngày 18/2, Chính phủ Singapore sẽ tung một gói ngân sách để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch Covid-19, ước tính có thể lên tới hơn 500 triệu USD.
Thống đốc Ngân hàng TƯ Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda hồi đầu tháng 2 cho biết, còn quá sớm để đưa ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ và vẫn theo dõi sát sao những tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Tuy nhiên, số liệu vừa được công bố hôm 17/2 cho thấy GDP của Nhật Bản đang suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong 6 năm là một tín hiệu cho thấy BoJ có thể nhanh chóng hành động.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sớm kêu gọi các ngân hàng phải giữ ổn định lãi suất và hỗ trợ các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch bệnh corona.
Trung Quốc quyết mạnh, Donald Trump rắn tay, thế giới vào cuộc đua mới
Trung Quốc mạnh tay chống lại suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Donald Trump rắn tay, thế giới ít lựa chọn
 
Theo Kitco, quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể kích hoạt một cuộc đua giảm lãi suất thêm nữa trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, mức độ có thể không mạnh như trong 2019.
Năm 2019, hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTW) các nước cũng cuốn vào một cuộc đua nới lỏng tiền tệ, liên tục hạ lãi suất cơ bản và bơm tiền trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên cao. Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế liên tục đổ vỡ và tới cuối năm mới có được thỏa thuận 1 phần.
Thời điểm hiện tại, việc NHTW các nước rục rịch điều chỉnh chính sách tiền tệ, quay đầu giảm lãi suất hoặc duy trì lãi suất thấp để phòng ngừa tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Châu Âu hiện gặp nhiều khó khăn không chỉ vì ảnh hưởng từ sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) mà còn phải "lên dây cót" cho một cuộc chiến thương mại với Mỹ sau khi bị ông Donald Trump cho là “tồi tệ hơn Trung Quốc”.
Trước đó, hồi cuối 2019, do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đà giảm tốc của nền kinh tế, Eurozone đã buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải hạ lãi suất tiền gửi 10 điểm cơ bản (xuống -0,5%) và khởi động chương trình mua trái phiếu mới.
Tuy nhiên, trong năm 2020, khả năng PBOC và ECB hạ sâu lãi suất để hỗ trợ mạnh nền kinh tế không phải dễ, bởi áp lực từ tổng thống Donald Trump. Bởi Mỹ sẽ phải chống lại đồng NDT và euro yếu, qua đó thâm hụt thương mại với hai thị trường này là rất lớn.
Trung Quốc quyết mạnh, Donald Trump rắn tay, thế giới vào cuộc đua mới
Thế giới không còn nhiều dư địa cho cuộc đua hạ lãi suất.
Trong nước, khoảng hơn hai năm qua, ông Trump cũng gây sức ép lên chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về vấn đề lãi suất cao và đồng USD mạnh. Trong năm 2019, Fed đã giảm lãi suất 3 lần sau hơn một thập kỷ thắt chặt. Mức lãi suất chuẩn của Mỹ hiện ở 1,5-1,75%, so với chính sách lãi suất âm ở châu Âu.
Một số tín hiệu cho thấy, Fed có thể cắt giảm lãi suất vào khoảng giữa năm nay.
Trong tình thế kinh tế có thể suy giảm tăng trưởng, nhiều nước có thể sẽ phải kích hoạt các kế hoạch nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, dư địa không còn nhiều. Áp lực không chỉ từ phía chính quyền Mỹ mà dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những hiệu ứng sợ hãi từ xã hội và có thể đẩy nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng sụt giảm tăng trưởng do cầu tụt giảm nhưng giá cả hàng hóa dịch vụ tăng cao. Điều đó khiến các nước rơi vào thế kẹt khi chọn chính sách.
Nhiều báo cáo cho rằng, áp lực buộc ngân hàng nới lỏng các khoản vay với doanh nghiệp có thể không giúp giải quyết thực trạng khó khăn do sản xuất kinh doanh trì trệ, doanh thu giảm mạnh, mà còn làm tăng nợ doanh nghiệp và các rủi ro tín dụng với hệ thống ngân hàng.
Tại Việt Nam, chính phủ cũng đã có những động thái khá sớm. Về chính sách tài khóa có miễn thuế nhập khẩu một số nhóm hàng vật tư, thiết bị... Ở khía cạnh chính sách tiền tệ, NHNN đã sớm có văn bản định hướng xem xét cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất,... đối với các doanh nghiệp ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều ngân hàng thương mại đã vào cuộc bằng chính sách giảm lãi suất, miễn phí dịch vụ...
M. Hà

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: