Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Vay vốn Trung Quốc nước nghèo bị siết nợ suốt 99 năm


Việc những nước nghèo vay vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến sập bẫy nợ, sau đó chịu sự phụ thuộc. Trước cáo buộc này, truyền thông Trung Quốc đã phản pháo lại phương Tây.

Những năm gần đây, sáng kiến "vành đai con đường" của Trung Quốc triển khai đang nảy sinh nhiều trở ngại. Có tới 8 quốc gia cùng tham gia xây dựng chuỗi vành đai gặp phải khó khăn đặc biệt về kinh tế sau khi nhận gói đầu tư từ nước này.
Các chuyên gia e ngại, việc những nước nghèo vay vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến sập bẫy nợ, sau đó chịu sự phụ thuộc.
Trường hợp điển hình được nhắc tới là Sri Lanka. Sau khi không thể đàm phán được khoản nợ lên tới 8 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka đã phải trao cảng biển chiến lược Hambantota cho chủ nợ Trung Quốc sử dụng 99 năm.
Cảng biển Hambantota đã được chính phủ Sri Lanka cho thuê 99 năm. Ảnh: AFP
Mặc dù Trung Quốc luôn hứa hẹn không sử dụng cảng biển Hambantota của Sri Lanka với mục đích quân sự nhưng lời hứa này không được giới chuyên gia tin tưởng. Vị trí của Hambantota quá quan trọng đối với hải quân Trung Quốc trong quá trình mở rộng quyền lực ở Ấn Độ Dương.
Tương tự, Kenya cũng có nguy cơ phải gán cảng Mombasa vì không trả nổi khoản nợ 3,8 tỷ USD vay Trung Quốc để xây tuyến đường sắt.
Còn Turkmenistan và Angola đã phải cấp cho Trung Quốc đặc quyền tiếp cận nguồn tài nguyên khí đốt và kinh doanh dầu mỏ.
Trước nguy cơ hiện hữu, nhiều quốc gia đã từ chối sử dụng các khoản vay của Trung Quốc để tránh đi vào vết xe đổ. Tháng 8/2018, Malaysia quyết định hủy dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD và hai dự án đường ống dẫn dầu trị giá 3 tỷ USD, các dự án trên đều nằm trong kế hoạch xây dựng "vành đai con đường".
Theo truyền thông Trung Quốc, phương Tây đã đưa ra các thông tin sai lệch về vấn đề nợ công của những nước nghèo.
Sân bay quốc tế vắng như chùa bà Đanh tại Sri Lanka. Ảnh: NYT
Thực tế, số tiền Sri Lanka nợ Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số nợ công của nước này. Chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka là các ngân hàng thương mại phương Tây chứ không phải Trung Quốc.
Mặt khác, nguồn vốn vay của Trung Quốc có lãi suất rất ưu đãi là 2%, thay vì con số 6,3%, như truyền thông phương Tây đã nêu.
Hiện tại, Trung Quốc chỉ mới có duy nhất một căn cứ quân sự ở nước ngoài đặt tại Djibouti, một quốc gia Đông Phi. Nếu so sánh với con số 800 căn cứ của Mỹ trên toàn thế giới thì Mỹ mới là cái tên Sri Lanka cần lo lắng.
Ngoài ra, đối với cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc thường xuyên gây tổn hại môi trường tại quốc gia bản địa, truyền thông Trung Quốc cho rằng đây là vấn đề hết sức bình thường tại những nước nghèo và không thiếu các công ty nước ngoài khác cũng đang hoạt động như vậy.
Mặc dù thông tin về mức lãi suất ưu đãi của Trung Quốc dành cho các nước nghèo còn chưa rõ ràng, song điều chắc chắn là vay nợ từ quốc gia này đang tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm.
Thứ nhất, hầu hết các công trình xây dựng bằng vốn vay ưu đãi đều do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Việc này thường kết thúc bằng hậu quả chậm tiến độ, đội giá lên rất nhiều so với dự toán ban đầu. Đến lúc đó, lãi suất ưu đãi 2% cũng chẳng có nghĩa lý gì nếu so với mức đội vốn 100%.
Tuyến đường sắt nối Kenya - Uganda phải dừng giữa nơi đồng không mông quạnh. Ảnh: Bloomberg.
Thứ hai, các công trình trong kế hoạch xây dựng "vành đai con đường" thường có giá trị sử dụng không cao. Cảng biển Hambantota được đầu tư vài tỷ USD nhưng có công suất hoạt động vô cùng thấp. Năm 2012, chỉ có 34 lượt tàu thuyền tới cập cảng.
Một công trình khác là sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa cũng chỉ đạt vài chục lượt khách mỗi ngày. Nguyên nhân được cho là vị trí xây dựng quá gần so với sân bay chính cách đó chỉ hơn 200 km. Hiện tại, sân bay này đã được chuyển mục đích sử dụng sang làm kho bãi chứa hàng.
Cuối cùng, cách Trung Quốc rót vốn cũng đẩy các quốc gia vay nợ lâm vào tình trạng sống dở, chết dở.
Từng hứa hẹn cho vay tiền xây dựng tuyến đường sắt dài 470 km kết nối Kenya và Uganda, bỗng nhiên Trung Quốc đổi ý dừng cấp vốn khiến hai quốc gia này té ngửa. Hiện tại, việc thi công tuyến đường sắt bị ngừng giữa chừng khiến nó không thể đi vào hoạt động. Dự án đình trệ càng lâu thì thiệt hại về kinh tế càng lớn, tuy nhiên chính phủ Kenya vẫn chưa biết kiếm tiền từ đâu để tiếp tục triển khai.
Giới phân tích cho rằng, cảng biển Mombasa của Kenya sẽ là mục tiêu siết nợ sắp tới của Trung Quốc.
Hoàng Hiệp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: