Ngày 20/2 vừa qua, tờ The Hill đăng tải bài viết “Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến người Trung Quốc và thế giới phát ốm”. Tác giả là ông Joseph Bosco, cựu giám đốc về Trung Quốc cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 2005 đến 2006, giám đốc hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2009 đến năm 2010. Ông là thành viên hội đồng tư vấn của Viện toàn cầu Đài Loan và là thành viên của Ủy ban về Nguy cơ Trung Quốc (CPDC).
Dưới đây xin được giới thiệu toàn văn bản dịch. Bản gốc xem tại đây.
Sau khi gây ra sự đau khổ cho con người trên diện rộng, khiến vô số người chết ở Vũ Hán và các tỉnh thành khác ở Trung Quốc, virus corona của Trung Quốc đã lây lan sang các quốc gia khác, làm đình trệ việc đi lại và thương mại, và làm dấy lên nỗi lo có cơ sở về một đại dịch toàn cầu.
Thảm họa y tế công cộng này sẽ không thể mang lại điều gì tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu cộng đồng quốc tế có thể tập trung tầm nhìn và sự can đảm, phối hợp với nhau trong các chính sách quốc gia thì chúng ta có thể biến nó thành một sự chuyển biến mang tính lịch sử. Sự bất tài toàn trị và không trung thực của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gây ra thảm họa về sức khỏe cộng đồng, thảm họa này có thể sẽ là công lý tối hậu nếu nó dẫn đến sự sụp đổ về chính trị tại Trung Quốc. Chính phủ các nước phương Tây có thể làm cho điều này xảy ra.
Từ lâu đã có quá nhiều lý do về đạo đức và an ninh để mong chờ một cuộc cải tổ chính trị lớn ở Trung Quốc. Rốt cuộc, đó chính là nguyên nhân ban đầu khiến tổng thống Richard Nixon mở cửa cho Trung Quốc vào năm 1972. Ông ấy đã viết trong chiến dịch của mình rằng: “Thế giới sẽ không an toàn cho tới khi Trung Quốc thay đổi.” Ông đã nói rằng quốc gia đó không thể tự ý “nuôi dưỡng những ảo tưởng, nuôi dưỡng thù hận và đe dọa các nước láng giềng.” Để rút cạn “thuốc độc” của Mao Trạch Đông, ông đã cảnh báo rằng “thế giới phải mở cửa với Trung Quốc và Trung Quốc phải mở cửa với thế giới.”
Vào những năm 1980, Đặng Tiểu Bình cho biết “cải cách chính là cuộc cách mạng lớn thứ hai của Trung Quốc”, và đã tiến hành một số mở cửa đối với nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng những hy vọng rằng cải cách chính trị sẽ theo sau cải cách kinh tế đã bị cuốn bay bởi vụ thảm sát Thiên An Môn. Trong những mối liên hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài, Đặng Tiểu Bình đã cảnh báo với các đồng chí của mình rằng phải “che giấu khả năng, chờ đợi thời cơ.”
Vào năm 1995 và 1996, Giang Trạch Dân đã giải thích thêm cho lời khuyên khó hiểu của Đặng Tiểu Bình bằng cách chứng minh rằng việc sử dụng vũ lực vẫn còn hiệu quả như lời dạy của Mao: “Quyền lực chính trị đi lên từ nòng súng.” Trung Quốc đã bắn tên lửa về phía Đài Loan để bày tỏ thái độ phản đối kiên quyết đối với nền dân chủ. Và khi Hoa Kỳ đưa hàng không mẫu hạm đến Đài Loan, một quan chức quân đội Trung Quốc đã cảnh báo, “Các ông nên quan tâm tới Los Angeles hơn là Đài Loan.” Một vài năm sau, một tướng Trung Quốc đã nói về việc xóa sổ “hàng trăm thành phố của Hoa Kỳ.”
Năm 2000, 30 năm sau chính sách mở cửa của Nixon – một chính sách mà người Mỹ tưởng rằng sẽ giúp bắt đầu quá trình tự do hóa nước Trung Quốc Cộng sản, Washington lại một lần nữa cố gắng dỗ dành quốc gia này cải cách. Nhưng sai lầm thay, chính quyền của Clinton đã làm việc này bằng cách bỏ qua đánh giá nhân quyền hàng năm để bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Clinton hoàn toàn gỡ bỏ mọi sự cân nhắc về nhân quyền ra khỏi các đặc quyền thương mại, cứ như thể hai việc này hoàn toàn không có quan hệ gì với nhau, và để cho Đảng Cộng sản Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Lúc đó, tôi từng phản đối việc này, và Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Jesse Helms đã hỏi lại rằng liệu việc phản đối này có khiến “Trung Quốc thay đổi” hay không. Tôi nói, tôi sợ rằng hành động của tổng thống sẽ thay đổi nước Mỹ hơn là thay đổi Trung Quốc.
Rồi Trung Quốc tham gia vào WTO, và như dự đoán, quốc gia này đã được hưởng nhiều lợi ích và thoát khỏi các cơ chế ràng buộc [nhằm khiến họ cải cách chính trị]. Và trong khi việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới được kỳ vọng là sẽ mang đến cải cách chính trị thì thực tế, phương Tây thậm chí còn không thể khiến Trung Quốc tuân thủ các quy tắc thương mại mà quốc gia này tỏ vẻ là đã chấp thuận.
Trong sự thỏa hiệp rõ ràng của phương Tây, Tập Cận Bình đã lên nắm quyền và thấy không cần thiết phải tuân theo chiến lược “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình nữa. Trung Quốc công khai phô trương khả năng của mình và thực hiện ý đồ xâm lược với Biển Hoa Đông, Biển Đông, và một lần nữa với cả Đài Loan. Bắc Kinh cũng đã vặn vẹo hình mẫu “một Trung Quốc, hai chế độ” từng được lập ra nhằm mục đích hướng dẫn quan hệ của Bắc Kinh đối với Hồng Kông và Đài Loan.
Đối với các dân tộc bị áp bức ở Tây Tạng và Đông Turkestan/Tân Cương, Tập Cận Bình đã phát động các cuộc đàn áp trên diện rộng, với mạng lưới các trại tập trung giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và họ phải chịu sự tra tấn và tẩy não một cách tàn bạo.
Trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc, tất cả các nhóm tôn giáo đều phải chịu đàn áp nặng nề. Tội ác chống lại loài người đã xảy ra với phong trào tâm linh Pháp Luân Công: đó là tội ác thu hoạch nội tạng sống trên quy mô công nghiệp, vượt quá sự tàn bạo của Đức Quốc xã.
Giờ đây với dịch viêm phổi Vũ Hán – sau những đại dịch khác bắt nguồn từ Trung Quốc (SARS và cúm gia cầm), cùng cuộc khủng hoảng “ma túy” opioid tới từ Trung Quốc – thế giới nên, nói một cách thẳng thắn, nên phát ốm về những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gây ra để “trả ơn” cho sự hào phóng và nuông chiều của thế giới dành cho quốc gia này.
Việc Trung Quốc khăng khăng loại Đài Loan ra khỏi WHO là một hành động không thể tha thứ và phản tác dụng, đặc biệt khi Đài Loan có hồ sơ năng lực và trách nhiệm công vượt trội hơn.
Đối với “một thế kỷ sỉ nhục” mà Trung Quốc từng trải qua do sự xâm lược của phương Tây, món nợ ấy đã được chúng ta trả nhiều hơn mức cần thiết. Người Trung Quốc có lý do để phẫn nộ vì 70 năm ô nhục dưới chế độ này. Từ Thiên An Môn đến Hồng Kông, rồi hàng ngàn công dân biểu tình mỗi năm, và sự phẫn nộ hiện nay đối với tình hình dịch bệnh mới nhất, tất cả đều chứng minh một cách rõ ràng rằng đây là thời điểm để Trung Quốc thay đổi.
Tây phương, dẫn đầu là Hoa Kỳ, nên công khai ý định ủng hộ cải cách chính trị nội bộ ở Trung Quốc. Việc Bắc Kinh lên án “nước ngoài không can thiệp nội bộ Trung Quốc” đã trở thành vấn đề quá quen thuộc. Đó là hành động đạo đức giả vì Trung Quốc vẫn luôn tận dụng cơ hội để can thiệp vào các cơ quan chính quyền và truyền thông ở phương Tây.
Tây phương cần công khai nỗ lực vận động cải cách chính trị ở Trung Quốc, và không gì tinh tế và hiểm hóc hơn một chiến dịch thông tin rộng khắp bằng phát thanh và truyền thông số. Người dân ở tất cả các vùng lãnh thổ của Trung Quốc sẽ được nhận thông tin về những điều đang xảy ra trên khắp thế giới, bao gồm cả hàng xóm độc tài của Trung Quốc là Bắc Triều Tiên và những điều xảy ra tại chính Trung Quốc. Khi nắm được sự thật, người dân Trung Quốc sẽ có thể đứng lên và quyết định số phận của họ.
Vì hạnh phúc của người dân Trung Quốc, và vì lợi ích riêng của Tây phương, nỗ lực này đáng lẽ phải được thực hiện sớm hơn.
Tác giả: Joseph Bosco
Minh Nhật biên dịch / Trithucvn |
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét