Tờ Hindustan Times của Ấn Độ hôm 17/2 đưa tin hải quan Ấn Độ gần đây đã bắt giữ một chiếc tàu chở hàng mang cờ Hồng Kông, ở cảng Kandla ở phía tây nước này, với lý do chở theo các thiết bị lưỡng dụng quân sự và dân sự, có thể được sử dụng để chế tạo thiết bị phóng tên lửa đạn đạo.
Tin cho biết, chiếc tàu hàng có tên “DA CUI YUN” (Đại Thúy Vân) đã khởi hành từ cảng Giang Âm, Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 17 tháng 1 và cảng đến là Qasim, Karachi, Pakistan. Tàu cập cảng Kandla thuộc bang Gujarat, Ấn Độ vào ngày 3 tháng 2.
Ngày 5/2, trước khi con tàu rời đi, cảng Kandla bất ngờ nhận được lệnh từ New Delhi yêu cầu không được để cho tàu nhổ neo. Các nhân viên hải quan đã xuống tàu kiểm tra và phát hiện ra rằng con tàu mang theo và không khai báo một thiết bị có kích thước 18m x 4m.
Tuy hiện không có thông tin chính thức để xác nhận điều này, nhưng tờHindustan Times cho biết vụ việc đã thu hút sự chú ý của các cơ quan tình báo và an ninh quốc gia cấp cao của Ấn Độ. Theo tin tiết lộ, các nhân viên tình báo của Ấn Độ trước đó đã nhận được thông tin ở Hong Kong báo rằng con tàu có thể mang theo các vật tư lưỡng dụng.
Thiết bị được Ấn Độ cho là "lưỡng dụng" có thể dùng cho việc chế tạo thiết bị phóng tên lửa đạn đạo (Ảnh: Guancha)
Một nhóm chuyên gia vũ khí hạt nhân thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã đến cảng Kandla hôm 17/2 để điều tra. Chủ tàu cho biết các mặt hàng là máy sấy công nghiệp và “Autoclave” (nồi hấp) - một loại thiết bị để khử trùng các vật phẩm có nhiệt độ và áp suất cao sử dụng hơi nước và có nhiều ứng dụng trong khoa học và công nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia về vũ khí hạt nhân Ấn Độ nghi ngờ rằng những thiết bị này là công cụ được sử dụng để chế tạo lớp lót bằng vật liệu composite sử dụng cho các bệ phóng tên lửa đạn đạo. Một số chuyên gia quân sự đã chỉ ra rằng khi một tên lửa đạn đạo được phóng, lớp lót của thiết bị phóng phải chịu được áp suất cao và nhiệt độ cao, do đó cần phải có nồi hơi áp suất cao để chế tạo vật liệu composite cho thiết bị phóng.
Truyền thông Ấn Độ nói rằng thiết bị này có thể được sử dụng để chế tạo lớp lót composite dùng trong tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn, nên thuộc loại “vật liệu lưỡng dụng quân, dân sự” và vi phạm các quy định quản lý xuất khẩu của Ấn Độ về hóa chất đặc biệt, tổ chức, vật liệu, thiết bị và công nghệ đặc biệt (Scomet).
Hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Pakistan ngày càng chặt chẽ (Ảnh: Đa Chiều)
Hiện tại, chiếc tàu hàng đã được chuyển đến neo đậu tại một cầu tàu khác bên trong cảng và tất cả hàng hóa đã được dỡ xuống. Ấn Độ có kế hoạch đưa một nhóm các nhà khoa học hạt nhân thứ hai tới trong tuần này để nghiên cứu thêm. Nếu việc thiết bị này sử dụng cho quân sự được tái xác nhận, nó sẽ bị tịch thu.
Hindustan Times còn đặc biệt lưu ý rằng, điểm đến của tàu chở hàng - cảng Qasim ở Karachi của Pakistan, là nơi có trụ sở của Ủy ban nghiên cứu không gian và ngoài vũ trụ (Suparco) chịu trách nhiệm về chương trình hạt nhân của Pakistan. Các quan chức an ninh Ấn Độ bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc giúp Pakistan phát triển năng lực vũ khí hạt nhân.
Thu Thủy
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét