(PLO)- Theo tiết lộ của ông Gorbachev thì người có trách nhiệm chính là ông Boris Yeltsin - Tổng thống Cộng hòa Nga thuộc Liên bang Xô viết và là tổng thống Nga đầu tiên.
Ông Mikhail Gorbachev trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1985, là tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên bang Xô viết trong thời gian 1990-1991. Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Der Spiegel (Đức) mới đây, cựu lãnh đạo Liên bang Xô viết Gorbachev tiết lộ những người mà ông cho là chịu trách nhiệm trong việc Liên bang Xô viết sụp đổ. Theo tiết lộ của ông Gorbachev thì người có trách nhiệm chính là ông Boris Yeltsin - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga và là tổng thống Nga đầu tiên.
“Những người tổ chức cuộc đảo chính hồi tháng 8-1991 và những người nắm lợi thế từ sự thất thế của tổng thống Liên bang Xô viết chịu trách nhiệm về sự chấm dứt perestroika (quá trình cải cách kinh tế, chính trị của Liên Xô) và sự sụp đổ của Liên bang Xô viết” - ông Gorbachev nói với tạp chí Der Spiegel, nhân dịp 30 năm tưởng niệm sự kiện bức tường Berlin sụp đổ.
Tổng thống Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga Boris Yeltsin (vẫy cờ) trong một cuộc tụ họp ở Moscow vào tháng 8-1991. Ảnh: SPUTNIK
Ông Gorbachev nói dù ông hiểu rủi ro của tiến trình perestroika - sự cải cách kinh tế, chính trị Liên Xô mà ông khởi xướng từ giữa thập niên 1980 - có thể bị thất bại, ông và các lãnh đạo khác cũng nhận ra tính cần thiết của việc phải cải cách.
“Không thể sống như chúng ta đã sống trước đó. Và một yếu tố quan trọng của tiến trình perestroika là cách nghĩ mới về chính sách đối ngoại vốn bao gồm cả các giá trị chung của việc giải trừ hạt nhân, cũng như sự tự do lựa chọn” - ông Gorbachev nói.
Ông Gorbachev nhấn mạnh ông không hối tiếc vì đã khởi xướng quá trình perestioka nhưng cũng thừa nhận đã gặp phải nhiều sai lầm trong quá trình cải cách. Trong bất cứ trường hợp nào, ông Gorbachev cũng tin rằng Nga sẽ không bao giờ quay lại hệ thống chính phủ trước đó.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 3-1985, ông Gorbachev phát động một chiến dịch lớn đẩy các nhân vật bảo thủ khỏi các vị trí lãnh đạo và từ những năm 1987-1988, ông Gorbachev giới thiệu một số giải pháp cải cách thị trường đưa tới những hình thức hợp tác và tăng cường tự do hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp.
Trong thời gian 1989-1990, ông Gorbachev tiến hành một số cải cách chính trị dẫn tới việc xuất hiện, gia tăng quan điểm dân tộc chủ nghĩa và phân lập trong các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết, trong đó có Cộng hòa Nga do ông Yeltsin dẫn đầu.
Tổng thống Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev (trái) và Tổng thống Mỹ George Bush ký tài liệu song phương trong một chuyến thăm chính thức của ông Gorbachev tới Mỹ. Ảnh: SPUTNIK
Tháng 8-1991, một số thành viên dưới trướng ông Gorbachev phát động một cuộc đảo chính chống lại ông nhằm dừng lại các cải cách kinh tế - chính trị của ông, theo Sputnik.
Các cải cách này bao gồm việc thành lập một hiệp ước liên minh mới, cho phép thành lập thêm hơn 20 vùng tự trị trong Liên bang Xô viết có quyền gần ngang với các nước cộng hòa thuộc liên bang. Nếu hiệp ước này được thực hiện thì Liên bang Xô viết có thể được chia thành hàng chục nước mới chứ không phải 15 nước trước đây. Kế hoạch đảo chính thất bại, ông Gorbachev trở về Moscow nhưng quyền lực bị suy yếu đáng kể.
Ngày 8-12-1991, lãnh đạo các nước Cộng hòa Nga, Ukraine, Belarus gặp ở Belarus và cùng ký một thỏa thuận tuyên bố Liên bang Xô viết sụp đổ. Ngày 25-12-1991, ông Gorbachev lên truyền hình tuyên bố từ chức và Liên bang Xô viết chính thức sụp đổ.
Dù gặp chỉ trích trong nước vì thất bại trong cải cách kinh tế - chính trị nhưng ông Gorbachev vẫn được ghi nhận như một lãnh đạo có tầm nhìn với các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc Chiến tranh lạnh và tăng cường hợp tác toàn cầu.
Trong tuần rồi, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã cám ơn ông Gorbachev về vai trò của ông Gorbachev trong việc giúp nước Đức thống nhất. Theo ông Steinmeier, sự khuyến khích về cá nhân của ông Gorbachev là một thành phần chính trong việc giúp chấm dứt sự chia rẽ giữa người dân Đức nói riêng và người dân châu Âu nói chung.
(PLO)- Ông Gorbachev nói việc ông Trump muốn rút khỏi Hiệp định vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) mà ông ký với ông Reagan hơn 30 năm trước là một sai lầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét