Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2019

Sân bay Long Thành: Không để nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối!


Đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tổng mức đầu tư sân bay Long Thành hơn 16 tỷ USD là quá lớn và đề nghị pháp luật phải nghiêm minh để Dự án không bị các nhóm lợi ích, lợi ích “sân sau” chi phối; tránh mất vốn, mất người, mất uy tín như một số dự án khác.

Sáng nay (12/11), Quốc hội thảo luận tại nghị trường về Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Nhiều đại biểu nêu ý kiến  trái triều về dự án này.

Tránh “trùm màn, đắp chiếu”

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), đây là công trình thế kỷ có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế – xã hội.
“Dự án sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhưng nếu làm không tốt nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án “trùm màn, đắp chiếu” đang tồn tại.” – ông Nghĩa nói và cho biết phải đảm bảo Dự án là một “phần thưởng” quý báu chứ không thể là một dự án “bỏ thì thương, vương thì tội”. 

Sân bay Long Thành: Không để nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối! - 1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM)

Đại biểu đoàn TPHCM đề nghị phải đề cao trách nhiệm và sự thận trọng trong việc đầu tư Dự án này. Ông Nghĩa tán thành chủ trương giao dự án cho các nhà đầu tư trong nước nhưng cho rằng phải có chính sách quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý nguồn vốn, nhất thiết đảm bảo các nguyên tắc khi thực hiện đầu tư dự án.
“Pháp luật phải nghiêm minh, không để Dự án bị các nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối.” – ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng Dự án cần thực hiện nhanh nhưng phải cạnh tranh lành mạnh, không loại trừ khả năng phải thuê, phải mua của nước ngoài về công nghệ, lực lượng thi công và giám sát Dự án.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn TPHCM đề nghị phải đảm bảo Dự án chất lượng cao, hiệu quả và trình độ công nghệ đón đầu thế giới, vì đây là sân bay trung chuyển nên phải cạnh tranh rất mạnh với các sân bay trong khu vực, nếu không cạnh tranh được thì lỗ nặng.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh quan điểm phải nghiên cứu kỹ ý kiến chuyên gia trong nước và nước ngoài “không phải là các chuyên gia được hưởng lợi từ dự án”. Cùng đó, làm rõ thẩm quyền của Chính phủ và Quốc hội, lấy ý kiến rộng rãi hơn trong nhân dân để đưa ra biểu quyết vào đầu năm 2020.

Đắt có xắt ra miếng?

Dự án có tổng mức đầu tư là 16 tỷ USD (cả 3 giai đoạn, giai đoạn 1 là hơn 4,7 tỷ USD), với 2 đường băng, công suất thiết kế là 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn đó là mức đầu tư quá lớn và đưa ra so sánh với một số sân bay trong khu vực có công suất thiết kế tương đương nhưng giá rẻ hơn.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho biết, 2 công trình sân bay hiện đại vận hành 2019 là Đại Hưng (Bắc Kinh – Trung Quốc) với diện tích 4.700 ha, 7 đường băng, 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, nhưng vốn đầu tư là 11,5 tỷ. Sân bay Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ có 4 đường băng, 90 triệu khách, vốn đầu tư 12 tỷ USD.

Sân bay Long Thành: Không để nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối! - 2
Các đại biểu trao đổi về dự án sân bay Long Thành bên hành lang Quốc hội, sáng 12/11

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bạc Liêu) cho rằng: Nếu giao Dự án cho một doanh nghiệp trong nước thì sẽ có một tương lai, có một ngành công nghiệp hàng không đột phá trong giai đoạn sắp tới. “Tôi đã từng chất vấn Thủ tướng Chính phủ rằng điểm nghẽn của chúng ta hiện nay là pháp luật và tôi đề nghị cần có 1 Nghị quyết về vấn đề này.” – ông Hồng nói.
Đại biểu đoàn Bạc Liêu cũng đề cập tới vốn đầu tư của Dự án và đặt câu hỏi: Các cụ nói đắt xắt ra miếng, chúng ta đã tính toán rất kỹ nhưng liệu có đảm bảo khả năng các con số “đóng đinh” trên giấy tờ như hiện nay không?
“Nếu sử dụng vốn đầu tư không có bảo lãnh của Chính phủ thì không tác động đến nợ công. Quan điểm của tôi khác, nếu cần thiết phải dùng nợ công, phải tăng nợ công. Theo báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội, nợ công của chúng ta ngày càng giảm đến mức an toàn, vậy tại sao chúng ta không được phép tăng nợ công trong trường hợp này để đầu tư cho Long Thành…” – đại biểu Hồng nêu rõ.

Bộ trưởng GTVT cam kết gì?

Giải trình trước Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1, giai đoạn 2. Khi sân bay vừa hoàn thành, lượng khách thông qua có thể đạt ngay 20 – 25 triệu khách/năm, đến năm 2030 là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm.
Theo ông Thể, những sân bay khác như Cần Thơ xây dựng và khai thác 10 năm mới có 1 triệu khách/năm, lượng khách qua sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) trong năm đầu khai thác cũng rất thấp.

Sân bay Long Thành: Không để nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối! - 3
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình giải trình trước Quốc hội sáng 12/11

Người đứng đầu ngành GTVT cho biết, trong hơn 1 năm qua, liên danh tư vấn Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Việt Nam đã tập trung cao độ để hoàn thành dự án. Tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao. Hiện Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra độc lập về dự án.
“Chúng tôi cố gắng rà soát làm sao đảm bảo tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế, không có lãng phí và trượt giá như những dự án khác.” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết trước Quốc hội.
Về năng lực của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), theo ông Thể doanh nghiệp này đang có khoảng 25.000 tỷ đồng “nhàn rỗi”. Trong giai đoạn từ 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Riêng tiến độ liên quan đến việc giao thầu, Chính phủ đồng tình cao phải nhanh chóng chọn nhà đầu tư để bắt đầu làm hồ sơ thiết kế và triển khai các bước tiếp theo, khởi công Dự án vào năm 2021.

Châu Như Quỳnh/Dantri

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: