TTO - Dân mạng lan truyền thông tin một vụ nổ hạt nhân, được cho là vụ nổ tàu ngầm hạt nhân, đã xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Vậy thật, giả ra sao?
Nhiều người dùng mạng xã hội Twitter đang lan truyền một thông tin gây chấn động với nội dung: "Một chiếc tàu ngầm hạt nhân vừa phát nổ ở khu vực ngoài khơi Trung Quốc thuộc Biển Đông. Theo các báo cáo, vụ nổ xảy ra ở độ sâu 50m với sức nổ 10 - 20 kiloton (tương đương 10.000 - 20.000 tấn TNT)".
Thông tin trên khiến nhiều người không khỏi tò mò vì với năng lượng giải phóng 10 - 20 kiloton, vụ nổ này tương đương vụ Mỹ thả quả bom nguyên tử "Little Boy" (Thằng nhỏ) xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào Thế chiến 2.
Trang IndoPacific_SCS_Info thậm chí đặt nghi vấn trên Twitter: "Hay là Trung Quốc đã cho kích nổ một thiết bị hạt nhân chiến thuật để gửi cảnh báo tới Mỹ vì vụ Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong, một động thái mà Trung Quốc xem là ‘cuộc tấn công’ vào công việc nội bộ của nước này?".
Trang này nói rằng khu vực xảy ra vụ nổ là nơi có sự xuất hiện dày đặc các tàu ngầm Trung Quốc thuộc đủ loại, gồm tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN).
Tuy nhiên, trang Gizmodo Australia dẫn lời các chuyên gia khẳng định Chính phủ Trung Quốc gần như chắc chắn không bí mật kích nổ một vũ khí hạt nhân chiến thuật nào đó ở vùng biển ngoài khơi nước này để gửi cảnh báo tới Mỹ như dân mạng đồn thổi.
Theo trang này, nguồn gốc của tin đồn dường như đến từ Hal Turner, người dẫn chương trình radio và là một nhà bình luận chính trị ở New Jersey, Mỹ.
Một bài đăng trên trang web của ông này (Halturnerradioshow.com) tuyên bố rằng "các nguồn tin quân sự" không xác định tuyên bố vào khoảng 18h22 ngày 20-11 theo giờ bờ đông Mỹ, một vụ nổ hạt nhân đã xảy ra ở độ sâu 50m dưới vùng biển ngoài khơi Trung Quốc thuộc Biển Đông.
Trang Halturnerradioshow.com viết rằng vụ nổ "đã gây ra một trận sóng xung kích dưới nước đột ngột" và có sức mạnh "10 - 20 kiloton". Sau đó, bài viết trên trang này còn cập nhật thêm tuyên bố nói rằng Mạng lưới giám sát môi trường toàn cầu uRADMonitor đã phát hiện bức xạ "đáng kể" ở vùng biển phía nam Trung Quốc, thậm chí gần với Hong Kong và đảo Đài Loan.
Một chuyên gia về an toàn bức xạ giấu tên nói với Gizmodo rằng những số liệu của uRADMonitor dường như phản ánh mức "bức xạ phông thông thường" và gọi các tuyên bố này là "sự suy đoán thiếu căn cứ". Chuyên gia này cũng cảnh báo uRADMonitor không phải là nguồn đáng tin.
Trong khi đó, ông Robert Rosner, nhà khoa học tại Đại học Chicago (Mỹ), lại nói rằng không có chuyện có thể xác định một vụ nổ hạt nhân dưới mặt nước dựa vào các thiết bị dò tìm trên mặt đất. Ông cũng nói rằng "không có ai ngốc đến mức tiến hành một vụ thử nghiệm như vậy ở vùng biển này".
Ông Rosner nói thêm khu vực Biển Đông hiện đang là nơi người ta giám sát chặt chẽ các hoạt động địa chấn, sau những vụ sóng thần chết chóc như vụ động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương hồi năm 2004. Một vụ nổ mạnh tới 10 - 20 kiloton "chắc chắc sẽ đáng chú ý".
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét