Quế Hương
Ngành y, thiên chức thật cao quý. Y đức của một người thầy thuốc, chính là hình ảnh mà người đó mang lại khi tiếp đón, phục vụ và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Một người bác sĩ có y đức là người đó luôn có thái độ niềm nở, tận tình, quan tâm, chăm sóc bệnh nhân mà không hề có ý đồ trục lợi hay mục đích bất lương. Tiếc thay, điều đó, cùng với lời thề Hypocrate đã bị các bác sĩ ném qua cửa sổ giảng đường từ lâu.
Hằng năm đến ngày 27/2, những cây bút du côn khắp mọi miền, lại ngợi ca tận mây xanh những “thiên thần áo trắng” ngồi ghế lãnh đạo quản lý. Còn nhân dân thì biết rõ, đằng sau lớp “cánh” thiên thần, là trái tim của loài ác quỷ. Gia đình Bộ trưởng Kim Tiến tham gia VN Pharma “buôn thuốc ung thư giả” hoặc “nghị sĩ” Giám đốc sở Kim Yến thao túng tệ hại ngành y Đà Nẵng, là hiện thân của những “con kền kền” ăn trên xác người.
Với những bác sĩ trẻ, vì đâu nên nỗi? Vì khi ngồi trên ghế đại học, đồng tiền đã len lỏi vào đó. Ra trường xin vào bệnh viện, phải “chung chi”. Thế là cứ “làm tình, làm tội” bệnh nhân, để lấy lại những gì đã bỏ ra. Cho nên nhiều bệnh nhân chết oan ức là vậy.
Hai trong số nhiều trường hợp sau đây, là một dẫn chứng:
– Cho rằng Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng vô trách nhiệm, lơ đễnh, đã không kịp thời cấp cứu, khiến con gái mình chết oan uổng, chị Dương Thị Minh Nguyệt, cư trú đường Phó Đức Chính, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, đã viết đơn khiếu nại gửi đến Bộ trưởng Y tế, các Cơ quan ban ngành TP. Đà Nẵng.
Theo chị Nguyệt, ngày 14/7/2015 con gái chị là Nguyễn Phương Vy, 28 tuổi, nhập viện, nhưng không được cấp cứu, chụp CT, can thiệp… chỉ vì gia đình chưa có tiền “đóng tạm ứng” cho bệnh viện. Hậu quả cháu xuất huyết tràn não, hôn mê sâu, tử vong.
– Ông Đặng Thiện tố cáo lên Bộ Y tế, thành uỷ Đà Nẵng, vụ vợ ông là bà Trần Thị Là, 47 tuổi, ngụ thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, bị gãy chân, nhâp viện ngày 6/3/2016. Vì gia đình quá nghèo, không có tiền “lót tay bồi dưỡng” nên BV đã để đến 10 ngày sau, ngày 15/3/2016 mới tiến hành phẫu thuật. Hậu quả bà Là chết vì bị nhiễm trùng.
Thành phố Đà Nẵng vốn nhỏ, người dân lại chân chất, cho nên đầu đường cuối hẻm, không có gì họ không biết. Chuyện kể rằng, những năm Trịnh Lương Trân làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bác sĩ, dược sĩ hay điều dưỡng xin vào, phải chung chi bằng vàng, một suất không dưới 5 cây vàng. Đến thời Giám đốc Phạm Hùng Chiến và Giám đốc Nguyễn Văn Thạnh, chung chi bằng tiền mặt, mỗi suất vào bệnh viện, quen biết thì 200 triệu, qua “cò” thì khoảng 300 triệu.
Tiền “bóp cổ” người xin việc, tiền “hoa hồng” của các hãng dược phẩm, tiền % chia chác từ tiêu thụ, mua sắm hàng ngàn tỷ tiền thuốc và trang thiết bị và tiền từ “hút máu” Bảo hiểm y tế… đã làm cho Phạm Hùng Chiến trở thành đại gia. Nhà mặt tiền ở Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Quang Trung, biệt thự trăm tỷ ở Đảo Xanh và một Hotel 10 tầng trên đại lộ Hồ Nghinh đứng tên con trai…
Từ một anh X-quang nghèo kiết xác trở về từ đất Bắc, sau gần 10 năm làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và hai nhiệm kỳ Giám đốc sở Y tế dưới thời Nguyễn Bá Thanh, Phạm Hùng Chiến giàu “nứt đố đổ vách”, tài sản xấp xỉ ngàn tỷ đồng.
Người thay Phạm Hùng Chiến, làm Phó giám đốc Sở Y tế, kiêm Giám đốc BV đa khoa Đà Nẵng là Nguyễn Văn Thạnh, cũng “ăn bẩn” như tiền nhiệm của mình. Trước khi nghỉ hưu năm 2017, Thạnh cũng kiếm “tàm tạm” khoảng 30 triệu đô la, theo ước tính của người dân về của nổi, của chìm của ông ta.
Cách đây mấy năm, một Giám đốc bệnh viện lớn ở Đà Nẵng chết vì ung thư, tài sản anh ta để lại cho người vợ trẻ là căn nhà lầu 5 tầng mặt tiền đường Nguyễn Thiện Thuật, nhiều lô đất trên khắp thành phố và tài khoản ngân hàng lên đến 150 tỷ VNĐ.
Một “con kền kền” khác cũng làm đồng bào không kém phần ghê sợ, đó là Lê Thị Minh Nguyệt. Minh Nguyệt sinh năm 1961, quê Sơn Trà, Đà Nẵng; bố tập kết, sinh Nguyệt tại Hà Nội. Nguyệt có 20 năm làm Giám đốc Trung tâm Y tế Sơn Trà (BV đa khoa quận). Từng ấy thời gian đủ để Nguyệt nhận “lót tay” chạy chọt của gia đình những sinh viên ra trường xin việc và câu kết cùng Trưởng phòng Kế toán tên Trần Ngọc Minh “vơ vét” hàng trăm tỷ đồng.
Tiền nhiều để làm gì? Để Nguyệt cặp bồ với “phi công” tài xế riêng của mình tên là Trương Minh Đông. Nàng sắm cho chàng một xe ô tô đời mới cùng một căn nhà ba tầng.
Từ một lái xe BV Sơn Trà, Nguyệt đưa Đông đi kiếm tấm bằng “cử nhân” cấp tốc, rồi đặt Đông vào vị trí bất ngờ với hàng trăm cán bộ, nhân viên BV: Phó phòng Hành chính – Tổ chức cán bộ BV Sơn Trà.
Luật pháp trên đất nước này lạ lắm, để cơ quan CA vào cuộc, thì đầu tiên phải có đơn tố cáo, mà đơn phải là “có tên, địa chỉ rõ ràng” thì cơ quan chức năng mới xử lý. Khi thanh tra vào cuộc, có kết luận, thích thì chuyển sang CA, nếu không chuyển, CA cũng chịu chết. Tiếp theo, nếu là cấp ủy viên thì phải báo cáo, chờ Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra đảng xử lý. Nếu ách lại tại đây, xem như tội phạm đã… an toàn!
Ngô Thị Kim Yến là ĐBQH khoá 14, thành uỷ viên. Khi Kim Yến làm Phó giám đốc sở, Nguyễn Xuân Anh là Phó Chủ tịch UBND TP, phụ trách Văn hoá xã hội, Y tế, Giáo dục. Kim Yến lên Giám đốc sở, “anh họ” Xuân Anh đã là Bí thư Thành uỷ.
Kim Yến gọi ông Năm Chi bằng cậu ruột, nhưng Chánh thanh tra TP là ông Trần Huy Đức lại gọi bà Trần Thị Thuỷ, vợ ông Chi, bằng cô ruột. Và đương kim Phó chủ tịch UBND TP, Hồ Kỳ Minh lại là con nuôi của vợ chồng ông Năm Chi.
“Dây nhợ” loằng ngoằng như thế, ai xử lý được Ngô Thị Kim Yến?
(Còn tiếp) / Tiếng Dân
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét