TTO - Ủy hội Sông Mekong (MRC) cảnh báo tình trạng hạn hán nghiêm trọng đến cực đoan có thể sẽ xảy ra tại các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong từ nay tới tháng 1-2020, trong đó Thái Lan và Campuchia bị hạn nghiêm trọng nhất.
Phân tích sơ bộ dữ liệu của MRC cho thấy nguyên nhân dẫn đến đợt hạn này là do lượng mưa thấp trong mùa mưa, cùng với việc mưa gió mùa bắt đầu muộn và kết thúc sớm và do hiện tượng El Nino đã làm nhiệt độ cao bất thường và nước bốc hơi với lượng lớn.
Bình thường trong một năm, mưa gió mùa thường xảy ra từ cuối tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, nhưng năm nay, mưa đã bắt đầu muộn gần hai tuần và kết thúc sớm trước khoảng ba tuần.
Tiến sĩ Lâm Hùng Sơn - Giám đốc Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán Khu vực của Ban Thư ký MRC - lãnh đạo công tác phân tích, cho biết: "Năm nay, điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài có thể tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và mùa vụ. Nếu hạn hán vẫn tiếp tục, tình trạng thiếu nước tiêu dùng có thể xảy ra".
Phân tích của MRC đã sử dụng khung thời gian ba tháng và tìm hiểu về cả khả năng và mức độ xảy ra hạn hán và lượng mưa so với dữ liệu lịch sử - gọi là Chỉ số chuẩn hóa lượng mưa (SPI), và mức độ khô hạn của lớp đất bề mặt, được gọi là Chỉ số khô hạn tổng hợp (CDI) tại bốn quốc gia thành viên MRC là Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
Kết quả phân tích cho thấy hạ lưu sông Mekong có thể phải đối mặt với hạn khí tượng - tình trạng khi các hình thái thời tiết khô diễn ra phổ biến tại các khu vực nhất định trong một khoảng thời gian và hạn nông nghiệp hay hạn do thiếu mưa - tình trạng khi các cây trồng, mùa vụ có thể bị ảnh hưởng.
Phân tích đưa ra dự báo: vào tuần thứ ba và thứ tư của tháng 11-2019, một diện tích rất lớn của hạ lưu sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt khô hạn này.
Đáng kể hơn, tình trạng hạn hán dự báo sẽ xấu đi từ tháng 12-2019 đến đầu tháng 1-2020, khi hầu hết các khu vực trong lưu vực đều có ít hoặc không có mưa.
Các khu vực phía Bắc và Đông Bắc của Thái Lan và khu vực Đông Bắc của Campuchia có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Một phần của Trung và Bắc Lào bao gồm Vientiane, Xaysomboun, Xayaburi và Luang Prabang cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Dù không có chỉ số về hạn hán ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nhưng xâm nhập mặn có thể là một vấn đề gây ảnh hưởng đến nông nghiệp. Trên thực tế, hạn hán năm 2019 đã khiến mực nước sông Mekong xuống mức thấp nhất trong gần 60 năm qua.
Hầu hết các khu vực tại lưu vực đã ghi nhận lưu lượng dòng chảy cực kỳ thấp trong khu vực kể từ tháng 6-2019.
MRC dự báo tình trạng hạn sẽ đỡ dần kể từ tuần thứ hai của tháng 1 khi dự kiến tình hình mưa sẽ cải thiện hơn một chút.
Ủy hội Sông Mekong (MRC) là một tổ chức liên chính phủ về đối thoại và hợp tác cấp khu vực tại hạ lưu sông Mekong, được thành lập năm 1995 trên cơ sở Hiệp định Mekong giữa Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Ủy hội có vai trò là một diễn đàn khu vực về ngoại giao nước cũng như một kênh tri thức về quản lý tài nguyên nước vì sự phát triển bền vững trong khu vực. Trung Quốc và Myanmar là các đối tác đối thoại của MRC.
Thông báo của MRC cũng cho biết trong tuần tới, Hội đồng MRC - cơ quan quản trị cấp cao nhất, cấp bộ trưởng của MRC - sẽ họp và thảo luận về vấn đề hạn hán trong cuộc họp thường niên tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Dự kiến, Hội đồng sẽ phê duyệt Chiến lược Quản lý Hạn hán nhằm xác định các biện pháp giảm nhẹ cần thiết nhất cũng như các cơ chế chia sẻ thông tin và phổ biến thông tin về hạn hán.
Trong các tuần tới, MRC và Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Lan Thương của Trung Quốc sẽ bắt đầu chuẩn bị thực hiện nghiên cứu chung về tình hình này, hướng tới đưa ra khuyến nghị hành động để tăng cường chia sẻ thông tin và dữ liệu, cải thiện liên lạc và phối hợp vận hành hồ chứa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét