Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Chẳng lẽ vì người Việt thắng giặc Tàu đến 13 lần nên đòi dẹp môn Sử?



 
Đọc lại toàn bộ trang Lịch sử Việt Nam từ khi vua Hùng dựng nước, không người Việt nào lại không tự hào với truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên chúng ta.
Trong mấy ngàn năm qua, người Việt chuyên trồng lúa nước, hiếu hòa, ở phương Nam, luôn bị giặc Tàu cướp bóc, xâm lăng và mưu toan sát nhập thành một quân huyện của chúng! Ngày nay mưu toan này của chúng vẫn không hề thay đổi.
Không kể những cuộc xâm lấn nhỏ, đã có 13 lần giặc phương Bắc xua đại quân xâm lấn phương Nam, đặc biệt Việt Nam. Nhưng trong tất cả 13 lần đó, Dân Việt đều đại thắng các đoàn quân Phương Bắc. Đã mười ba lần, Dân Việt đại thắng! Đó là mà một điều mà người Tàu lấy làm “nhột” và “phật ý” nhất nên rất muốn dân Việt chẳng nên nhớ sử Việt?
1. Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân (1218 TCN)
Theo sách vở Trung Hoa, năm 1218 TCN, Ân Cao Tôn vua nhà Ân hay còn gọi là nhà Hậu Thương đã đánh Quỷ Phương, vùng Động Đình. Ân Cao Tôn đóng quân tại đất Kinh, phía tả ngạn sông Dương Tử. Sau 3 năm, Ân Cao Tôn “không thắng”.
Đại Việt sử ký toàn thư phần Ngoại kỷ toàn thư, kỷ Hồng Bàng Thị ghi chép lại về Thánh Gióng như sau:
Chuyện kể rằng: vào đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm làm ăn và có tiếng là phúc đức. Hai ông bà ao ước có một đứa con. Một hôm bà ra đồng trông thấy một vết chân to quá, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai và mười hai tháng sau sinh một thằng bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng lạ thay! Ðứa trẻ cho đến khi lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.
Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ. Bèn truyền cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Ðứa bé nghe tin, bỗng dưng cất tiếng nói: "Mẹ ra mời sứ giả vào đây". Sứ giả vào, đứa bé bảo: "Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt biết phun lửa, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này".
Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn.
Càng lạ hơn nữa, sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, thành thử ra chạy nhờ bà con, hàng xóm. Bà con đều vui lòng gom góp gạo thóc nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước.
Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt biết phun lửa, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, lao vào thiên binh vạn mã toát lên bá khí cường liệt dị thường, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Ðám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn). rồi lên đỉnh núi Sóc Sơn cưỡi ngựa bay về trời. Vua nhớ công ơn, phong là Phù Ðổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà.
Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Ðổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng tư làng mở hội to lắm. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là Làng Cháy.
2. Chiến thắng giặc Tần (214 TCN)
Năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng tóm thu 6 nước, thống nhất thiên hạ lên ngôi Hòang đế Đại Tần, sai tướng Đồ Thư kéo 50 vạn quân tinh nhuệ xâm lăng vùng đất Bách Việt ở phương Nam, nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông.
Cuộc chiến chống Tần của người Việt diễn ra trong nhiều năm. Quân Tần tổ chức tấn công tiêu diệt không hiệu quả, dần dần lương thực bị tuyệt và thiếu, muốn tiến hay lui đều bị người Việt bủa vây đánh úp.
Khi quân Tần bị nguy khốn, người Việt tổ chức tấn công, giết được tướng Đồ Thư. Quân Tần bị thua nặng.
Tại Trung Nguyên, Tần Thủy Hoàng qua đời, Tần Nhị Thế kế vị. Trước tình hình các nước Sơn Đông nổi dậy khôi phục chống Tần và ngoài mặt trận phía nam bất lợi, Nhị Thế buộc phải ra lệnh bãi binh xâm lược nước Việt năm 208 TCN.
3. Chiến thắng giặc Tây Hán (181 TCN)
Sau khi Tần Thuỷ Hoàng mất, nhà Tần hỗn loạn, khởi nghĩa nổi lên khắp nơi. Nhâm Ngao sắp chết, khuyên Triệu Đà chiếm lấy vùng Bách Việt để tự lập làm vua. Năm 208 TCN Triệu Đà chiếm Âu Lạc, sáp nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải. Năm 207 TCN, Triệu Đà lập ra nước Nam Việt, tự xưng làm vua là Nam Việt Vương. Sau khi nhà Tần sụp đổ (206 TCN), Triệu Đà tiếp tục tiến đánh và thu phục quận Quế Lâm vào lãnh thổ Nam Việt.
Ở Trung Hoa, Lưu Bang lên ngôi Hoàng đế là Hán Cao Tổ, cử Lục Giả đi sứ để phong Vương cho Triệu Đà. Ban đầu Triệu Đà không phục. Sau Lục Giả thuyết phục nên Triệu Đà mới nhận và được gọi là Triệu Vũ Vương.
Khi Hán Cao Tổ mất, Triệu Đà xưng Đế và phái binh mã đánh quận Trường Sa (tỉnh Hồ Nam ngày nay). Năm 181 TCN, triều Hán sai Long Lân hầu Chu Táo kéo quân Hán đánh Nam Việt. Triệu Đà đã đánh thắng quân nhà Hán, thanh thế của ông càng lẫy lừng.
Theo sách vở Trung Hoa, quân Hán không chịu được thủy thổ phương Nam, nhiều người phải bịnh tật, bởi vậy phải thua chạy về bắc. Sau đó, triều Hán xét việc Nam chinh không lợi, nên không đánh nữa!
Hán Văn Đế lên ngôi, lại sai Lục Giả sang khuyên Triệu Đà thần phục nhà Hán. Triệu Đà nghe theo, bỏ Đế hiệu, thần phục và triều cống nhà Hán.
4. Hai Bà Trưng chiến thắng quân Đông Hán (40 CN)
Năm 30 CN , Hán Quang Vũ áp đặt chế độ trực trị trên vùng đất Việt Lạc. Do đó, toàn dân Việt vùng lên kháng chiến, và bầu Trưng Trắc là Thủ lĩnh với tên hiệu là Trưng Nữ Vương. Sau 10 năm, Dân ta đã đánh đuổi toàn bộ quân Tàu ra khỏi vùng đất Việt Lạc, chiếm lại 65 thành.
Sau cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng năm 40, phần đất thuộc bộ Giao Chỉ (gồm 4 quận Hợp Phố tức Quảng Đông, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam) tách ra khỏi lãnh thổ nhà Đông Hán, trở thành một vùng đất độc lập. Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lấy đất Mê Linh làm kinh đô, phong chức tước cho những người cùng tham gia khởi nghĩa. Chính quyền của 2 bà tuy còn sơ khai nhưng cũng đã là một nhà nước độc lập, tự chủ.
Tại phương Bắc, Hán Quang Vũ Đế mới hoàn thành việc thống nhất Trung Quốc sau chiến tranh kéo dài từ cuối thời nhà Tần. Trong nước chỉ còn những cuộc nổi dậy chống đối nhỏ, vì vậy vua Hán có thời gian chú tâm đến Giao Chỉ.
Năm 42-43 CN, nhà Đông Hán cử tướng Mã Viện làm Phục Ba Tướng quân thống lĩnh 2 vạn quân chỉ huy chống lại quân nổi dậy của Hai Bà Trưng ở đất Việt.
Giao chiến lâu ngày, quân Hai Bà Trưng thiếu trang bị và kinh nghiệm, không địch nổi đạo quân thiện chiến của Mã Viện nên chung cuộc đành thua trận.
Mã Viện sau khi chiếm được đất Việt đã tâu về triều đình nhà Hán rằng luật lệ của người Việt khác với người Hán và xin thi hành Pháp chế để ước thúc họ. Ngoài ra Mã Viện cho rằng chế độ quận huyện trước kia lỏng lẻo, nay phải thi hành chặt chẽ hơn, bèn tâu với Hán Quang Vũ Đế chia đất Tây Vu là đất của con cháu An Dương Vương thêm 2 huyện mới là Phong Khê và Vọng Hải.
5. Lý Bôn chiến thắng giặc Lương ( 541 CN)
Lý Bôn tên thật là Lý Bí có tài văn võ đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa năm 541 CN, năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, thứ sử La châu là Ninh Cự, thứ sử An châu là Úy Trí, thứ sử Ái châu là Nguyễn Hán cũng hợp binh đánh Lý Bí. Nhưng Lý Bí đã chủ động ra quân đánh trước, phá tan lực lượng quân Lương ở phía nam, làm chủ toàn bộ Giao Châu, đánh đuổi được quân nhà Lương đô hộ giành độc lập.
Năm 544 ông xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch là vị hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lý .
Đây là lần đầu tiên sách sử Trung Hoa ghi lại quốc hiệu và niên hiệu của dân ta. Nhà Tiền Lý kéo dài 61 năm, từ 541 tới 602 CN.
6. Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán (938 CN)
Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán - một trong 10 nước thời Ngũ đại Thập quốc nằm liền kề với Tĩnh Hải quân - giành lại quyền tự chủ cho người Việt ở Tĩnh Hải quân, tự xưng là Tiết độ sứ.
Năm 937, Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để cướp ngôi Tiết độ sứ. Con rể và là một tướng khác của Đình Nghệ là Ngô Quyền bèn tập hợp lực lượng ra đánh Công Tiễn để trị tội phản chủ.
Công Tiễn sợ hãi, bèn sai người sang cầu cứu Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm nhân cơ hội đó bèn quyết định đánh Tĩnh Hải quân lần thứ hai.
Lưu Nghiễm cho rằng Dương Đình Nghệ qua đời thì Tĩnh Hải quân không còn tướng giỏi, bèn phong con trai thứ chín là Lưu Hoằng Tháo làm "Bình Hải tướng quân" và "Giao Chỉ vương", thống lĩnh thủy quân.
Ngô Quyền cho quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi thuỷ triều lên, bãi cọc không bị lộ. Ngô Quyền dự định nhử quân địch vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền địch mắc cạn mới giao chiến.
Vào một ngày cuối đông năm 938, trên sông Bạch Đằng, vùng cửa biển và hạ lưu, cả một đoàn binh thuyền do Hoằng Tháo chỉ huy vừa vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng.
Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ.
Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Nghe tin Hoằng Tháo tử trận, Nghiễm kinh hoàng, đành thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui. Từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược Tĩnh Hải quân.
Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng là vương, trở thành vị vua sáng lập ra nhà Ngô. Kinh đô của triều đại mới không nằm ở Đại La mà chuyển sang Cổ Loa, kinh đô của nước Âu Lạc từ thời An Dương Vương một nghìn năm trước.
7. Lê Đại Hành chiến thắng giặc Tống ( 981 CN)
Cuối năm 979, Đinh Tiên Hoàng và thế tử Đinh Liễn bị ám sát. Tháng 5 năm 980 CN, sứ nhà Tống ở Đại Cồ Việt là Lư Tập về nước báo cáo; triều đình nhà Tống biết được tình hình rối ren ở Đại Cồ Việt. Tháng 8 năm 980, Hầu Nhân Bảo, quan trấn thủ châu Ung của Đại Tống dâng thư lên hoàng đế Đại Tống báo cáo việc Đại Cồ Việt có nội loạn và là thời cơ để đánh chiếm và xin được về kinh đô để trình bày rõ hơn. Hoàng đế Đại Tống theo lời khuyên của Lư Đa Tốn không triệu Hầu Nhân Bảo về kinh đô để giữ bí mật việc chinh phạt Đại Cồ Việt.
Mùa thu năm 980, quan trấn thủ châu Lạng báo tin cho triều đình việc quân Tống chuẩn bị đánh xuống Đại Cồ Việt. Lê Hoàn được Thái hậu Dương Vân Nga trao lại quyền lực của triều Đinh, liền lên ngôi vua và gấp rút chuẩn bị kháng chiến.
Với một trận Chi Lăng, quân ta phá tan quân bộ Tàu, giết Hầu Nhân Bảo. Đoàn quân giặc theo đường biển vội vàng rút lui.
8. Lý Thường Kiệt đại thắng quân Tống ( 1076 CN)
Năm 1010, Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý. Để củng cố khu vực biên giới phía bắc, nhà Lý dùng chính sách gả công chúa cho các thủ lĩnh miền núi để gắn chặt mối quan hệ với họ. Trải qua 3 triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông, nước Đại Việt phát triển ổn định, khá vững mạnh.
Ở phương bắc, nhà Tống từ khi thành lập (960) đã phải khắc phục những hậu quả do thời chia cắt Ngũ đại Thập quốc để lại. Ngoài việc đánh dẹp các nước cát cứ, nhà Tống phải đối phó với nước Liêu lớn mạnh ở phương bắc - quốc gia của người Khiết Đan được vua nhà Hậu Tấn cắt cho 16 châu Yên Vân ở phía bắc từ năm 936 nên lãnh thổ bành trướng nhiều về phía Trung Quốc và thường nhân đó can thiệp vào trung nguyên. Đến thời Tống Thái Tông, dù dẹp hết các nước trong Thập quốc nhưng nguy cơ uy hiếp từ phía nhà Liêu vẫn luôn tiềm ẩn với nhà Tống.
Sang thời Tống Nhân Tông, nhà Tống lại bị thêm sự uy hiếp của nước Tây Hạ của người Đảng Hạng phía tây bắc mới nổi. Nhà Tống phải cống nộp nhiều của cải và bị mất nhiều phần lãnh thổ cho Liêu và Tây Hạ. Trong nước, triều Tống bị rối loạn bởi những cải cách của Vương An Thạch.
Chủ trương tiến đánh các nước phía nam Trung Quốc để giải tỏa các căng thẳng trở thành một chiến lược của nhà Tống.
Năm 1072 CN, vua Lý Nhân Tôn lên ngôi. Vì vua mới 7 tuổi, nên việc quân đều ở trong tay danh tướng Lý Thường Kiệt.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản kéo 10 vạn quân tái chiếm vùng châu Khâm, châu Liêm và châu Ung, xưa kia vốn thuộc vùng đất Việt Lạc, nay thuộc Quảng Đông, Quảng Tây.
Năm 1076, vua Tống sai Quách Quì và Triệu Tiết kéo hơn 30 vạn quân sang xâm lấn Đại Việt. Nhưng chúng bị đánh tan ở sông Như Nguyệt. Giặc Tàu kéo tới hơn 30 vạn, chỉ còn 2 vạn 8 trở về !
9. Trần Thái Tông đại thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất (1258 CN)
Năm 1254, quân Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý, ở vùng Vân Nam. Mông Cổ đương thời là đế quốc to lớn và hùng mạnh nhất thế giới, chiếm đóng từ Á sang Âu.
Năm 1257, từ Vân Nam, tướng Ngột Lương Hợp Thai đem 3 vạn quân Mông Cổ và hơn 1 vạn quân Đại Lý tấn công Đại Việt, chiếm Thăng Long, đốt phá và giết mọi người trong thành
Vua Trần Thái Tông lo sợ, hỏi ý kiến Trần Thủ Độ. Trần thủ Độ khẳng khái : “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ Hạ đừng lo !”.
Cuộc chiến mở đầu với thất bại của quân Đại Việt trong trận Bình Lệ Nguyên, nhưng cuối cùng quân Đại Việt đã đại phá quân Mông Cổ trong trận Đông Bộ Đầu, còn bị quân Đại Việt chận đánh tan tành ở vùng Qui Hóa. Cuộc chiến này đã kết thúc với chiến thắng của nước Đại Việt, ghi dấu công lao của vua Trần Thái Tông trong việc lãnh đạo quân dân chiến đấu chống quân xâm lược.
10. Trần Hưng Đạo đại thắng Nguyên Mông lần thứ hai (1284 CN)
Năm 1258, quân Mông Cổ từng thất bại ở Đại Việt trong việc tìm cách mở một hướng từ phía Nam để đánh vào lãnh thổ Nam Tống.
Năm 1271 Hốt Tất Liệt trở thành Đại Hãn của đế quốc Mông Cổ, đổi quốc hiệu thành Nguyên. Năm 1279, quân Nguyên chiếm trọn đất Trung Hoa. Đế quốc Mông Cổ bao trùm 40 quốc gia từ Á sang Âu.
Năm 1279, Nam Tống hoàn toàn bị Đại Nguyên thôn tính. Tháng 8 năm này, hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt ra lệnh đóng thuyền chiến chuẩn bị đánh Đại Việt và Nhật Bản.
Năm 1284, Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan, cùng với các danh tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi, kéo 50 vạn quân xâm lăng Đại Việt. Quân Nguyên còn có thủy binh từ Chiêm Thành đánh lên. Khi đó, toàn thể quân Đại Việt chỉ có 20 vạn.
Trước tình hình nguy biến, nhiều người muốn hàng hoặc tìm kế hoãn binh. Nhưng các tướng Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư cương quyết xin đem quân trấn giữ.
Vua Trần Nhân Tôn liền triệu tập các bô lão trong dân tại điện Diên Hồng để hỏi ý kiến. Toàn thể đồng thanh “quyết chiến”
Trước thế giặc quá mạnh, quân Đại Việt phải rút về Vạn Kiếp. Ở phía Nam, quân Nguyên từ Chiêm Thành cũng đã chiếm Nghệ An.
Vua Nhân Tôn lại lo sợ, ‘muốn hàng để cứu muôn dân’. Nhưng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đáp : “Bệ Hạ nói câu ấy thật là lời nhân đức. Nhưng Quê hương Dân tộc thì sao ? Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin chém đầu tôi trước đã !”
Thoát Hoan dùng đại bác bắn phá, và vào được Thăng Long. Triều đình ta chạy về Thanh Hóa.
Khi đó tướng Trần Bình Trọng bị bắt. Thoát Hoan dụ hàng và hỏi : “Có muốn làm Vương không ?” Trần Bình Trọng quát to : “Ta thà làm quỷ Nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc !”
Tháng 5 năm 1285, tướng Trần Nhật Duật phá được quân Toa Đô ở cửa Hàm Tử.
Sau đó, tướng Trần Quang Khải đưa quân đi thuyền từ Thanh Hóa ra đánh tan quân Nguyên ở bến Chương Dương, rồi dùng phục binh chiếm lại Thăng Long.
Đức Hưng Đạo Vương thì đem quân đánh ở Tây Kết, và giết được Toa Đô. Quân ta bắt được 3 vạn quân Nguyên và vô số chiến thuyền, khí giới.
Hưng Đạo Vương lại sai phục kích chận mọi đường quân Nguyên có thể rút lui, và tự mình dẫn đại quân lên Bắc Giang đánh Thoát Hoan. Quân Nguyên thua chạy, tới bến Vạn Kiếp bị phục kích, chết quá nửa. Thoát Hoan chui ống đồng trốn thoát về Tàu.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, in năm 1697 CN, quân Nguyên kéo qua 50 vạn và sáu tháng sau, chỉ còn 5 vạn rút về.
11. Nhà Trần đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba (1287 CN)
Cuối tháng 12 năm 1287, Thoát Hoan lại theo hai đường thủy bộ, kéo thêm 50 vạn quân xâm lấn, với hơn 800 chiến thuyền, cùng với đoàn tàu 100 chiếc chở lương thực. Phía Đại Việt có khoảng từ 20 tới 30 vạn quân.
Quân Nguyên chiếm được Thăng Long, nhưng sợ bị cắt đường liên lạc, nên tập trung ở Vạn Kiếp. Bộ chỉ huy của Đại Việt rút về vùng Đồ Sơn, Hải Phòng.
Tướng Trần Khánh Dư đưa quân phục ở bến Vân Đồn và phá tan đoàn thuyền lương.
Tháng 3 năm 1288, cạn lương, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi mở đường theo sông Bạch Đằng. Hưng Đạo Vương lại dùng kế đóng cọc bịt sắt đóng xuống sông Bạch Đằng (theo kế của Ngô Quyền năm 938 CN).
Với trận Bạch Đằng, quân Đại Việt tiêu diệt hoàn toàn thủy quân của giặc Nguyên. Nghe tin thủy quân tan vỡ, Thoát Hoan kéo chạy về qua vùng Bắc Giang và Lạng Sơn, và cũng bị quân Đại Việt chận đánh tan tành.
Sau ba lần thất bại khi mang quân xâm lược Đại Việt và cả ba lần đều đại bài, từ đó nhà Nguyên thui chột và chấm dứt mộng xâm lược nước ta đến khi nhà Minh lên thay thế.
12. Lê Lợi chiến thắng quân Minh (1428 CN)
Ở Trung Hoa, Nhà Minh do Chu Nguyên Chương lãnh đạo kháng chiến chống lại quân Nguyên, khôi phục giang sơn cho người Hán và lập nên triều đại nhà Minh.
Năm 1406, Triều đình nhà Minh cho quân xâm lấn nước ta. Nhà Hồ do Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần thua. Giặc Minh, với Trương Phụ, bắt đầu chính sách đồng hóa dân ta với dân Tàu...
Năm 1418, Lê Lợi vốn là một nông dân ở Lam Sơn, Thanh Hóa thu nạp anh tài khắp vùng để khởi nghĩa, tự xưng là Bình Định Vương, gửi hịch kể tội giặc Minh và nêu rõ mục đích đánh đuổi quân giặc cướp nước.
Năm 1426, sau 8 năm gian khổ, với nhiều lần nguy cấp, Bình Định Vương thắng trận Tụy Động, và bao vây thành Đông Quan, Thăng Long.
Cuối năm 1427, giặc Minh lại đưa thêm 2 đạo quân sang đánh Đại Việt. Đạo quân do Liễu Thăng cầm đầu với hơn 10 vạn lính, 2 vạn ngựa. Đạo quân do Mộc Thạnh dẫn 5 vạn lính và 1 vạn ngựa. Nhưng tại Chi Lăng, quân ta giết Liễu Thăng, phá tan toàn bộ quân tiếp viện của giặc, bắt sống hơn 3 vạn quân Tàu. Mộc Thạnh nghe tin, bỏ chạy. Quân Nam theo đánh, giết hơn 1 vạn giặc Minh.
Nghe tin, Vương Thông đang chiếm đóng Đông Quan (Thăng Long), viết thư cầu hòa, và xin cho chúng rút quân về Tàu. Số tù binh, hàng binh và vợ con được thả về Tàu lên hơn 10 vạn người.
13. Vua Quang Trung đại thắng quân Thanh (1789 CN)
Năm 1788, Tôn Sĩ Nghị kéo 20 vạn quân Nhà Thanh, chia làm 3 đạo, tiến đánh Đại Việt, chiếm đóng Thăng Long.
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đang ở Huế, được tin, tính chuyện tiến đánh. Quan quân xin Ngài lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung.
Vua Quang Trung kéo quân ra tới Nghệ An, nghỉ 10 ngày để mộ thêm lính. Tất cả được 10 vạn quân và 100 con voi.
Vua Quang Trung cho ăn Tết sớm, đêm 30 sẽ kéo quân đi, và hẹn ngày mùng 7 Tết sẽ ăn Tết lại tại Thăng Long.
Trận đánh thần tốc đã phá hết các đồn giặc, đến nỗi chúng không kịp báo tin cho nhau. Chỉ trong mấy ngày, quân Nam đánh chiếm từ Giản Thủy, tới Phú Xuyên, Hà Hồi, Ngọc Hồi... Sáng mùng 5 Tết, quân Nam vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị không kịp mặc giáp, lên ngựa tháo chạy. Giặc Tàu tan hàng hỗn loạn chạy theo, làm gãy cả cầu phao rớt xuống sông chết đuối chật sông Hồng. Các đạo quân giặc ở phía Bắc cũng tất tả rút chạy. Tất cả quân Tàu bị quân Nam đánh cho tan tác chỉ trong vòng 5 ngày!
---------------------
Với bề dày lịch sử vẻ vang của dân tộc như thế, dầu sử sách của Tàu cố tình che giấu bớt những lần thất bại nhưng không thể không ghi nhận những lần mang đại quân với binh hùng tướng mạnh sang xâm lược nước ta trong hoàn cảnh lúc đó về dân số, tài nguyên, phương tiện chiến tranh so với Tàu có thể nói là nước ta không tương xứng!
Trong tất cả các cuộc chiến đấu chống giặc Tàu phương Bắc xâm lược, cha ông chúng ta đều tự lực cánh sinh, huy động sức lực của toàn dân trên dưới một lòng đoàn kết chống giặc giữ nước và chung cuộc đều đuổi giặc chạy ra khỏi bờ cõi.
Rất tiếc chỉ vì những động cơ chính trị và những toan tính riêng tư mà ngày nay lịch sử nước Việt chưa được giảng dạy một cách đầy đủ cái hào khí ngày xưa của tổ tiên chúng ta đã dày công dựng nước và giữ nước!
Lịch sử là một môn khoa học nên cần phải tuân thủ qui luật khách quan, không thể bóp méo vo tròn, tùy tiện cắt xén, thêm thắt đơm đặt theo kiểu một chiều.
Chính vì lịch sử ngày nay đã bị xuyên tạc và không bảo đảm tính khách quan của một khoa học để chúng ta nhìn nhận những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ nên người học hiện nay hầu như không còn hứng thú để học và nghiên cứu bộ môn này! Số học sinh am hiểu về sử Việt một cách hệ thống chẳng còn là bao nhiêu. Bộ môn Sử vô hình trung biến thành một môn chính trị tuyên truyền khô khan nhàm chán khiến học sinh bỏ thi môn này ngày càng nhiều, và ngay chính những người có trách nhiệm của ngành Giáo dục cũng nhận ra điều này!
Thời gian qua, cả đất nước, nhất là những người dân Việt quan tâm đến đến vận mệnh nước nhà trước âm mưu Bắc thuộc lần nữa của giặc phương Bắc trong thế kỷ XXI hết sức bất bình và lên tiếng về một “dự án” cải cách giáo dục, trong đó dự định sẽ “tích hợp” môn Sử vào một số môn học khác! Như thế là người ta đã cố tình “khai tử” môn sử Việt, không muốn xem môn sử Việt là một môn học chính thống, là môn học nuôi dưỡng tâm hồn quật khởi, yêu nước tự hào với những hào khí mà cha ông mình đã từng thể hiện trong quá khứ và qua đó giáo dục thế hệ trẻ ngày nay học tập những gương người xưa nhằm bảo vệ giang sơn!
Theo quan điểm cá nhân tôi thì đã có những tay “biệt kích” văn hóa, giáo dục đã nằm vùng ngay trong lòng đất nước chúng ta, đã phác họa ra những mưu mô hết sức xảo quyệt nhằm mục tiêu cuối cùng là làm thui chột ý chí của người Việt chúng ta. Những “con ngựa thành Trojan” hết sức nguy hiểm, là những công cụ thôn tính nước Việt một cách …hòa bình, không cần tốn một viên đạn.
Kẻ thù của chúng ta thì âm mưu vẫn không thay đổi nhưng tình hình thế giới ngày nay có khác với cách đây hàng ngàn năm, hàng trăm năm nên những “bộ óc chiến lược” của giặc cũng phải “biến “ theo tình thế …
Khí thế chống Tàu trong thời gian qua của đại bộ phận người Việt của chúng ta vẫn không hề thay đổi, có thể nói là nhờ vào tinh thần của những bài học lịch sử trong quá khứ mà cha ông để lại cho chúng ta.
Thời nào chúng ta cũng có những anh hùng dân tộc như Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ …. Nhưng thời nào cũng tồn tại bọn người tham sống sợ chết, bán nước cầu vinh như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống …
Chúng ta phải xem lịch sử như một tấm gương có hai mặt sáng-tối và có như thế, những thế hệ hiện tại và tương lai mới có thể giữ gìn được truyền thống tốt đẹp của người xưa, khinh bỉ phỉ nhổ những kẻ vong ơn bội nghĩa với dân tộc, cam tâm cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ và chính lịch sử dân tộc là một điểm tựa vững chắc cho thế hệ hiện tại cũng như tương lai bám vào để xây dựng và bảo vệ quê hương…
Với tinh thần trên, tôi đã tổng hợp những chiến công trong quá trình chống giặc Tàu phương Bắc như trên như là một ý nguyện cho thế hệ trẻ hiện nay làm một hành trang mang theo trên con đường bảo vệ quê hương …
- FB Hoài Nguyễn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: