Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã trả lời về phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đề cập đến nguyên nhân kinh tế gây ra sự sụp đổ của Liên Xô.
Theo đó, ông nhấn mạnh rằng quan hệ giữa các nước cộng hòa Liên Xô khi đó cần phải được cải thiện, cần được dân chủ hóa và cải cách.
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. (Ảnh tư liệu) |
Trước đó, ngày 20/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bài phát biểu tại diễn đàn “Nước Nga vẫy gọi”, cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô không liên quan đến sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở các nước Baltic, mà xảy ra do chính sách kinh tế thời điểm đó không hiệu quả.
“Đối với các lý do cho sự sụp đổ của Liên Xô, chỉ có điều này ít liên quan đến sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở các nước Baltic. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chính sách kinh tế kém hiệu quả của Liên Xô, điều đó thực sự dẫn đến sự phá sản trong lĩnh vực xã hội và đã kéo hậu quả sang lĩnh vực chính trị”, Tổng thống Putin nói.
“Điều cần thiết phải làm lúc đó là dân chủ hóa và tiến hành cải cách. Điều này đã chưa được thực hiện. Vì vậy, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, Ông Gorbachev nói với RIA Novosti. Ông tin rằng, bây giờ tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đều có thể tiến hành đối thoại với nhau.
“Không cần phải đổ đống chồng chất lên nhau từ bên này hay bên kia. Chúng ta phải nhớ lịch sử của chúng ta, lịch sử chung của Liên bang Xô viết. Và chúng ta đã cùng nhau bảo vệ nó và bây giờ chúng ta cần phải phát triển cùng nhau”, cựu lãnh đạo Liên Xô nói.
Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) đã chính thức “tan rã” vào ngày 26/12/1991 bởi bản tuyên bố số 142-H của Xô viết Tối cao. Tuyên bố này công nhận nền độc lập của 12 nước cộng hòa của Liên bang Xô viết còn lại và thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS).
Một ngày trước đó, 25/12/1991, tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã từ chức và bàn giao mật mã kích hoạt tên lửa hạt nhân của Xô Viết cho tổng thống Nga Boris Yeltsin. Vào hồi 7h32 tối cùng ngày, quốc kỳ Liên Xô đã được hạ xuống từ điện Kremlin và thay thế bằng quốc kỳ Nga.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét