Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Đắc Lộ bản cập nhật 2019 : vẫn chưa yên với "chữ quốc ngữ" suốt từ 1650s


Thập niên 1650 là một thập niên đáng ghi nhớ trong lịch sử chữ quốc ngữ, với việc giáo sĩ Đắc Lộ đã miệt mài trong suốt mấy năm ở châu Âu để cho ra đời bộ 3 tác phẩm quan trọng:
Từ điển Việt - Bồ - La,
- Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài,
Hành trình và truyền giáo.

Bộ sách được chuẩn bị từ mấy chục năm trước, nhưng đến thập niên 1650 mới được in thành sách và phổ biến rộng rãi ở châu Âu.
1. Niên đại 1650s luôn là cột mốc vĩ đại trong lịch sử Việt Nam (trên nhiều phương diện). Còn riêng về lịch sử chữ quốc ngữ, bộ 3 tác phẩm của Đắc Lộ cũng là một cột mốc vĩ đại.

2. Bộ sử chính thống của Đại Việt phải đến 1680s mới được nhà nước Đại Việt đem in khắc gỗ. Tức là muộn lại so với 1650s tới khoảng 30 năm. 

3. Loạt bia đá chính thống của nhà Lê Trịnh ở Văn Miếu - Quốc tử giám, tức bia đề danh bia kí (ghi tên các vị đỗ tiến sĩ ở các đời vua Lê trung hưng - Lê mạt), cũng là phải tới thập niên 1650s mới được khắc tiếp. Khắc cùng lúc tới mấy chục tấm bia đề danh tiến sĩ, vì phải đến lúc đó mới có được điều kiện.

Sắp tới, mấy hôm nữa, tôi sẽ công bố một bài viết về thập niên 1650 đáng ghi nhớ này trong lịch sử Việt Nam.

Đến năm 2019, vấn đề Đắc Lộ với chữ quốc ngữ vẫn chưa yên.

Đi một ít tư liệu. Cập nhật dần theo thứ tự ngược.


---




1.


Đăng lúc: Thứ sáu - 05/08/2005 07:20 - Người đăng bài viết: Administrator

Từ CHLB Đức, GSTS Thái Kim Lan, uỷ viên hội đồng biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam, đã gửi về bài viết này và đề nghị giới thiệu để góp phần đính chính những nhầm lẫn tai hại về A. Rhodes dẫn đến việc đề nghị 'tri ân' không xứng đáng với nhân vật lịch sử này. Nhận thấy bài viết của Bùi Kha là rất đáng tham khảo, BBT chúng tôi cho đăng toàn văn, mong nhận được sự trao đổi của các nhà khoa học trong và ngoài nước để có thể đi đến nhận định thống nhất về việc nên hay không tôn vinh A. Rhodes trên đất nước Việt Nam chúng ta.

Mấy ngày qua nhiều anh em gởi email cho tôi với tựa đề "Khôi phục lại tượng đài Alexandre de Rhodes" các bạn nghĩ sao ? Kèm theo bài viết của PGS Hà Đình Đức đăng trên TTX Việt Nam và nghe nói bài viết này cũng được báo Hà Nội mới đăng lại khoảng hai tháng trước.
Đúng ra tôi không nên viết để nêu rõ những nhầm lẫn trong bài của PGS Hà Đình Đức vì tháng 7/1996 tôi đã viết bài đối luận về những sai lầm trong bài "Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau"  của GS Chương Thâu đăng trong Nguyệt san Công giáo  năm 1995. Bài đối luận của tôi có tựa đề. "Góp ý với Giáo sư Chương Thâu về vai trò của linh mục Alexandre de Rhodes và nguồn gốc chữ Quốc ngữ",  về sau đổi gọn thành  "Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ, biện chính với Giáo sư Chương Thâu".  Tháng 2/2004, bài viết này được in lại trong cuốn "Bùi Kha, tuyển tập" gồm 4 bài: A.d. Rhodes, Trần Lục, Trương Vĩnh Ký và Ngô Đình Diệm.
Vì bài viết nói trên quá dài, 55 trang sách, nên tôi thấy cần viết thêm bài này, cô đọng vài điểm chính của bài viết trước, cách đây 8 năm, cũng chỉ nhằm để thảo luận với PGS Hà Đình Đức về linh mục Alexandre de Rhodes, người cố ý hay vô tình vinh danh sai lầm qua nhiều thế hệ!
1. PGS Hà Đình Đức viết: "Cách đây hơn 60 năm, tại khuôn viên nhỏ cạnh đền Bà Kiệu trên Hồ Gươm đã từng có nhà bia Alexandre de Rhodes - người có công trong việc chế tác chữ Quốc ngữ...".
Sáu mươi năm trước, tức là khoảng 1940, thời kỳ Việt Nam còn bị ách thống trị của thực dân Pháp và của giáo hội Công giáo Pháp thì việc ca tụng A.d. Rhodes (một giáo sĩ người Pháp) chắc chắn mang nhiều tính chất chính trị, tôn giáo và thiên vị hơn là tính sử học khách quan đúng đắn.
2. "Ông để tâm nghiên cứu về phong tục tập quán, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên nước ta...Ông đã sọan ra nhiều truyện ký dịch ra nhiều thứ tiếng như: "Phép giảng tám ngày", "Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La tinh", "Diễn giải vắn tắt về Hành trình truyền giáo Đàng Ngoài", "Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài"...
PGS Hà Đình Đức chép lại đoạn ghi trong bia ký như trên nhưng đã không đọc để biết mục đích "nghiên cứu về phong tục tập quán, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên nước ta..." của vị linh mục này là với hậu ý gì ? PGS cũng không đọc để biết các cuốn "Phép giảng tám ngày", "Hành trình tuyên giáo"... viết gì trong đó ? Với những lời lẽ kích động "tiến lên",  xấc xược ngạo mạn đầy rẫy trong mấy tác phẩm của ông, nhất là trong cuốn "Phép giảng tám ngày" của vị giáo sĩ Dòng Tên này có đáng được xem là những tác phẩm văn hoá có giá trị hay không ? Vấn đề này tôi đã phân tích trong bài viết cách đây 8 năm, nên không nhắc lại ở đây nữa. Và cuối cùng là cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La"  không phải là sản phẩm hoàn toàn của A.d. Rhodes mà ông chỉ thêm phần La tinh vào hai cuốn từ điển đã có sẵn của người khác.
3. "Đến năm 1993, nhân 400 năm ngày sinh của Alexandre de Rhodes, Câu lạc bộ Sử học đã tổ chức cuộc toạ đàm về Alexandre de Rhodes. GS Nguyễn Lân nhắc đến nhà bia tri ân Alexandre de Rhodes bên Hồ Gươm đã bị phá bỏ do tư tưởng hẹp hòi không phù hợp với đạo đức của dân ta, một dân tộc trọng tình nặng nghĩa, uống nước nhớ nguồn...Sau Cách mạng tháng Tám, ta vẫn giữ tượng bán thân của nhà vi trùng học Pasteur ở vườn hoa trước viện Vệ sinh dịch tễ, trước viện này có phố mang tên bác sĩ Yersin..."
Qua đoạn văn trên chúng ta thấy ý kiến của GS Nguyễn Lân rất đúng là "đạo đức dân ta, một dân tộc trọng tình nặng nghĩa, uống nước nhớ nguồn". Nhưng trọng tình nặng nghĩa và uống nước nhớ nguồn trong trường hợp nhà vi trùng học Pasteur và bác sĩ Yersin thì đúng, còn trường hợp đối với linh mục A.d. Rhodes tại Hà Nội thì hoàn toàn sai, và việc phá bỏ nhà bia tri ân A.d. Rhodes tại Hà Nội và bãi bỏ tên đường mang tên ông ta tại TP. Hồ Chí Minh là một việc làm sáng suốt áp dụng đúng cho bản chất và con người chính trị đội lốt tôn giáo, A.d. Rhodes, mà tôi sẽ chứng minh trong bài này.
4. "Năm 1995, nhân kỷ niệm 335 ngày mất của Alexandre de Rhodes, Trung tâm KHXH & NVđã tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Alexandre de Rhodes. GSTS Nguyễn Duy Quý đã kết luận: trước mắt, đối với Alexandre de Rhodes - như chúng ta đã có kiến nghị với Chính phủ - để thiết thực ghi nhận những đóng góp của ông, chúng ta sẽ tiến hành đưa tấm bia ghi công ông trong việc điển chế hoá chữ Quốc ngữ vào khuôn viên Thư viện Quốc gia và sẽ khôi phục là tên phố Alexandre de Rhodes ở TP Hồ Chí Minh".
Đoạn văn này, một lần nữa, cho thấy các nhà khoa học trong cuộc hội thảo nói trên đã không tìm hiểu rõ ràng nên đã sai lầm trong việc kiến nghị với Chính phủ để ghi nhận, thay vì lên án linh mục A. D.Rhodes. Nguyên nhân chính dẫn đến việc khôi phục lại địa vị của Alexandre de Rhodes như trên, GS Chương Thâu trình bày rõ hơn trong bài "Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau". Theo bài viết này thì trong cuộc hội thảo tháng 3/1993, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Cầu, GS Sử học Đinh Xuân Lâm và cả GS Chương Thâu đã đồng ý với linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch cụm từ "Pluisieurs Soldats" là "mấy chiến sĩ" và còn chú thích, chiến sĩ ở đây được hiểu là "Lính thừa sai", tức là "các giáo sĩ" chứ không phải là lính chiến là các người có súng để đánh giặc. Vì việc dịch sai lầm nên mới đưa đến có kiến nghị phục hồi vị trí (sai lầm) cho ông A.d. Rhodes như vừa nói trên.
Trong bài " Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ biện chính với Giáo sư Chương Thâu" tôi đã đưa ra 6 luận điểm bằng sử liệu để chứng minh việc dịch sai lầm ấy. Sau đây tôi chỉ tóm lược 3 điểm chính.
a. Từ điển Larousse dịch "Plusieurs"  là "nhiều"  và chữ  "Soldats" là "lính chiến" (tiếng Anh: soldiers). Và chữ "Missionnaires" mới có nghĩa là "thừa sai"  hay "giáo sĩ"
b. Linh mục Alexandre de Rhodes viết rất rõ: "Tôi nghĩ nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi nhiều binh lính (Plusieurs Slodats) để chinh phục toàn cõi Phương Đông (La conquête de tout I"Orient".
Nước Pháp hay nói đúng hơn là Chính phủ Pháp thì không thể có lính thừa sai mà chỉ có lính chiến (soldats) mà thôi. Và chỉ trong Giáo hội Pháp mới có "lính" ("thừa sai" missionnaires).
c. Tại sao linh mục Alexandre de Rhodes không xin Giáo hội Pháp mà xin Chính phủ Pháp ? Vì sắc lệnh 1493, Giáo Hoàng Alexander Borgia chia thế giới làm hai, cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có quyền đi chiếm thuộc địa và truyền đạo. Vì vậy mà Giáo hội Pháp không có quyền chen chân vào các nước Phương Đông nơi mà Giáo hoàng Alexander Borgia đã chia cho Bồ Đào Nha. Vì thế, linh mục A. D.Rhodes không thể nhờ cậy gì vào Giáo hội Pháp trong việc chinh phục toàn cõi Phương Đông (laconquête de tout I"Orient) mà phải nhờ Chính phủ Pháp là vì vậy. Chính cụm từ "la conquête de tout I"Orient"  cũng được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, GS Sử học Đinh Xuân Lâm và GS Chương Thâu trong buổi hội thảo nói trên dịch là "Nước Cha trị đến" thì thật là quá gượng ép, nhằm cưỡng từ đoạt lý.
Tôi không những đồng ý với Bộ Văn hoá và Chính phủ Việt Nam, đã có lần, bãi bỏ việc vinh danh Alexandre de Rhodes mà còn nên liệt kê rõ công, nếu có, và tội của ông giáo sĩ này để làm gương cho hậu thế.
Công, nếu có, hay tội của Alexandre de Rhodes thường được căn cứ vào ba câu hỏi chính sau đây:
A. Sáng chế chữ quốc ngữ:
Alexandre de Rhodes có phải là người sáng chế chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La tinh hay không ? Chính ông Alexandre de Rhodes, chứ không phải là người nào khác, trả lời KHÔNG qua đoạn trích dẫn do chính ông viết trong "Lời nói đầu" của cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La"  như sau:
"Quyển từ điển tam ngữ này, gồm  tiếng An Nam, Bồ Đào và La tinh tôi đặt nó vào trong tay và để trước mắt bạn được, là nhờ vào sự tài trợ của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin...
Tuy nhiên trong công việc này (học chữ Quốc ngữ - B.K) ngoài những điều mà tôi học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần hai mươi năm thời gian mà tôi lưu trú lại hai xứ Cô-sinh (Đàng trong - B.K) và Đông Kinh (Đàng ngoài - B.K) thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào, thuộc Hội Dòng Giê - su rất nhỏ bé, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ đào, nhưng cả hai ông đều chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông tôi còn thêm tiếng La tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn..."
(Từ điển Việt - Bồ - La, Alexandre de Rhodes, NXB Khoa học xã hội, Tp Hồ Chí Minh, 1991, trang 3, phần Việt ngữ).
Ông A.d. Rhodes cho thấy rõ là ông không phải là người sáng chế chữ Quốc ngữ và ông cũng chưa bao giờ là tác giả hoàn toàn cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La" mà ông chỉ có công thêm phần La tinh vào mà thôi. Vậy, chúng ta có cần phải gán cho Alexandre de Rhodes cái công sáng chế chữ Quốc ngữ là việc làm mà chính ông đã khẳng định là KHÔNG qua đoạn văn chính ông viết thư trên ? Alexandre de Rhodes "lương thiện" như thế vì trước ông đã có "Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha" của Gaspar de Amaral, "Từ điển Bồ Đào Nha - An Nam"  của Antonio Barbosa, "Nhập môn tiếng Đàng Ngoài" (Manuductio ad Linguam Tunckinensem) của giáo sĩ Thuỵ Sĩ gốc Đức Onofre Borges.
Thêm nữa và gần đây nhất, bài viết của Nguyễn Phước Tương cũng đưa ra những sử liệu cho thấy Rhodes không phải là người sáng chế chữ Quốc ngữ. Tạp chí "Huế, xưa & Nay "  số 62 (tháng 3,4/2004), trong bài viết "Sự phát minh chữ Quốc ngữ: vai trò tiên phong của Francisco de Pina và vị trí quan trọng của người Việt", tác giả Nguyễn Phước Tương đã trích dẫn lá thư dài 7 trang của vị giáo sĩ Bồ Đào Nha này gửi cho Khâm sai  Jérónimo Rodriguez vào năm 1623 (được nhà ngôn ngữ học người Pháp Roland Jacques tìm thấy trong Thư viện Quốc gia của Cung điện Hoàng gia Ajuda ở Lisbone và công bố trong công trình của mình vào năm 1995 và 2002), cùng những trước tác ngữ học và văn học bằng tiếng Việt La tinh của ông ("Chuyên luận về Từ vựng và các thanh tiếng Việt", "Ngữ pháp tiếng Việt", "Tập các loại chuyện cổ tích", "Tuyển tập các bài viết hay ở Đàng trong"), cũng như ghi lại quá trình lĩnh hội và xử lý tiếng Việt để chứng minh hai điều: (a) Nếu phải xác định ai là người tiên phong và đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ, trước khi Rhodes đặt chân tới nước ta, thì người đó phải là linh mục Bồ Đào Nha Fracisco de Pina; và (b) Chính De Pina đã dạy cho Alexandre de Rhodes tiếng Việt và sau khi De Pina chết, chính Rhodes, "một người dị nghị trong hàng ngũ đồng nghiệp về trình độ tinh thông tiếng Việt "đã" giữ lại các công trình đó cho mình và đã mang theo trong chuyến ra Đàng Ngoài vào năm 1627.
B. Tư tưởng chính trị
Ông Alexandre de Rhodes có vận động Pháp đánh chiếm Việt Nam hay không? Chính ông ta trả lời Có trong đoạn văn mà cũng chính ông viết như sau trong cuốn "Hành trình và truyền giáo" (Divers Voyages Et Mission), bản dịch của Hồng Nhuệ, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Tp Hồ Chí Minh, 1994)
"Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Phương, đưa về quy phục chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Roma ngày 11/9/1652 sau khi tới hôn chân Đức Giáo hoàng" - (gần cuối tr.263).
"Tội đi quan Marxaay và Lyon rồi tới Paris; theo tôi thì Paris là thu gom hay đúng hơn là bản mẫu tất cả những gì đẹp nhất tôi đã thấy ở khắp trái đất này" - (cuối tr. 263).
Trên đưòng từ Lyon tới Paris tôi nghiệm thấy có sự quan phòng rất đặc biệt của Chúa tôi vẫn coi như kim chỉ nam và mẫu mực. Để ra mắt ở Pháp tôi cần có thiên thần hộ vực để đưa tôi lọt vào triều đình vua cao cả nhất hoàn cầu. Thế là tôi gặp ở Roanne đức Henri de Maupa, giám mục thành Puy, tu viện trưởng Saint Denis, đệ nhất tuyên uý của Hoàng hậu. Ngài có nhã ý cùng đi với tôi trong cuộc hành trình nhỏ bé này. Trong mười lăm ngày, tôi thấy nơi ngày rất nhiều nhân đức và thương yêu, suốt đời tôi, tôi quý mến công ơn và sẽ đề cao cuộc hội ngộ may mắn nhất trong suốt các hành trình của tôi" (đầu tr.264.).
Đoạn văn trên đã cho thấy, chính linh mục Alexandre de Rhodes đã nhờ Giám mục thành Puy, Henri de Maupa cũng là tuyên uý của Hoàng hậu vợ vua Luis, dẫn vào triều đình để vận động xin giúp nhiều lính chiến (Plusieurs Slodats) để chinh phục toàn cõi Đông phương (trong đó có Việt Nam). Tuy sự vận động đó chưa thành hình vào thời điểm của ông, nhưng nó đã mở đường cho Pháp xâm lăng nước ta 206 năm sau. Lính Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 1/9/1858.
Thế mà một số các nhà nghiên cứu của ta, bảo hoàng hơn vua, lại cứ muốn "cưỡng ép" ông Rhodes (Đắc Lộ) phải đóng vai cha đẻ chữ Quốc ngữ cho bằng được, và tìm cách chối bỏ cái tội mà ông đã vào trong triều đình Pháp vận động để Pháp đánh chiếm nước ta để rồi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để vinh danh một người không những tầm thường mà là một tên gián điệp, vì động cơ chính trị của ông là bước khởi dẫn cho gần một trăm năm nước ta bị Pháp đô hộ và hệ quả của nó vẫn còn di hại cho đến ngày nay.
Trong suốt gần 100 năm Pháp thuộc, chính quyền Pháp và Giáo hội Công giáo Pháp  (cũng như Việt) đã cố tình "dạy" cho dân ta rằng người sáng chế chữ Quốc ngữ là một ông cố đạo người Pháp tên là Alexandre de Rhodes mà không nhắc đến các giáo sĩ người Bồ Đào Nha chủ yếu là vì hai lý do: (a) Về mặt tôn giáo, thách thức sắc lệnh năm 1493 của Giáo hoàng Alexander Borgia chia thế giới làm hai, gạt bỏ Giáo hội Pháp dành cho Bồ Đào Nha độc quyền truyền bá đạo Chúa tại các nước phương Đông; và (b) Về mặt chính trị, ghi công Rhodes đã góp phần đắc lực vào công cuộc xâm lược và đặt nền móng đô hộ tại Việt Nam của Pháp thông qua những hoạt động gián điệp và đào tạo một đội ngũ tay sai bản xứ của ông ta.
Như vậy, Rhodes biểu tượng rõ ràng cho cả cuộc xâm lăng văn hoá (sẽ trình bày rõ hơn trong phần C dưới đây) lẫn nền đô hộ chính trị. Và đối với Giáo hội Công giáo Pháp và bản địa thì việc vinh danh Rhodes, vì ông là người đi chinh phục toàn cõi phương Đông, trong đó có Việt Nam, để mang về cho Vatican những con người sẵn sàng phản bội với tổ quốc của chính họ. Còn người Pháp cũng như tay sai của họ, việc đúc tạc bia cho Rhodes là chuyện đương nhiên phải làm để nhớ cái công ơn sáng kiến chinh phục cõi phương Đông, và cung cấp cho Pháp một đội ngũ trung thành không thể thiếu trong cuộc xâm lược và đô hộ nước ta. Còn dân Việt ta đã đánh đuổi được quân xâm lăng Pháp ra khỏi bờ cõi để dành lại nền độc lập chính trị và chủ quyền quốc gia, thế mà giờ này, năm 2004, ngay tại Thủ đô Hà Nội, vẫn còn có một số nhà nghiên cứu đòi vinh danh một tên gián điệp của thực dân ?
C. Khí cụ chữ Quốc ngữ
Các giáo sĩ Tây phương sáng chế chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La tinh với mục đích gì ? Chúng ta nên thấy rõ chiến lực chính trị của Giám mục Puginier mặc dầu ông không sống đồng thời với linh mục Alexandre de Rhodes, nhưng chiến lược lịch sử thì giống nhau, vì đây là một trong những công cụ đã được sáng chế bởi những giáo sĩ đi trước Giám mục này.
Mục đích việc sử dụng chữ Quốc ngữ của Giám mục Puginier.
"Từ lâu, tôi chủ trương dạy chữ và dùng chữ châu Âu để viết tiếng An Nam, nhưng khốn thay, tôi không được ủng hộ trong việc thực hiện kế hoạch mà đã sáu lần tôi đề nghị. Nhưng tôi sung sướng thấy từ hai năm nay, chúng ta hoạt động tích cực trong mục đích này: ngoài trường dạy tiếng Pháp của phái bộ là trường đầu tiên thiết lập ngày 8/2/1884, Chính phủ còn lập nhiều trường khác từ ngày 5/4/1885.
Cần phải dạy càng sớm càng tốt cho người An Nam viết và đọc được tiếng họ bằng chữ Âu châu, việc này dễ hơn và tiện lợi hơn dùng chữ Nho. Trong vài năm sau, cần phải bắt buộc mọi giấy tờ chính thức không được viết bằng chữ Nho như trước nữa, phải viết bằng tiếng trong nước, mỗi viên chức ít nhất phải được dạy học và viết tiếng An Nam bằng chữ châu Âu. Trong lúc đó việc dạy chữ Pháp sẽ tiến triển nhiều hơn và chúng ta chuẩn bị một thế hệ để cung cấp các viên chức có học tiếng nước chúng ta. Như thế có lẽ trong vòng 20 hay 25 năm chúng ta có thể bắt buộc mọi giấy tờ đều viết bằng tiếng Pháp, do đó chữ Nho sẽ dần dà bị bỏ rơi mà chúng ta chẳng cần phải cấm đoán gì.
Khi chúng ta đạt được thành quả lớn lao đó, chúng ta xóa đi nước Trung Hoa một phần lớn ảnh hưởng tại An Nam và phe trí thức An Nam là phe rất căm ghét sự thiết lập thế lực Pháp, cũng sẽ bị tiêu diệt dần dần.
Vấn đề này có tầm quan trọng rất lớn, sau khi đạo Thiên Chúa được thiết lập, tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần ban đầu bằng tiếng An Nam, rồi bằng tiếng Pháp như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông"
Ngoài việc Thiên Chúa giáo hoá xứ này và xoá bỏ chữ Nho, Giám mục Puginier còn đề nghị một số biện pháp thực tế khác để củng cố nền thống trị Pháp ở Bắc Kỳ: cho định cư tại ven biên giới Việt Nam, tiếp cận Trung Hoa các nhóm dân thân hữu và trung thành với nước Pháp, sử dụng các dân tộc ít người trong công việc bình định, đào tạo một đội quân Pháp theo mẫu quân đội Ấn Độ xưa kia, tạo lập một nông trại kiểu mẫu do tu sĩ dòng Luyện Tâm đảm đương, giảm bớt chi phí và thuế má để chinh phục (lòng quý trọng và thương yêu) của dân chúng...
Giám mục kết luận: "Tôi đã làm việc gần 30 năm trong phái bộ và tôi biết khá nhiều về đất nước này để đảm bảo được rằng nếu Chính phủ chấp thuận theo kế hoạch mà chúng tôi hân hạnh đưa ra, thì không bao lâu nữa Bắc Kỳ sẽ thành một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông mà tôi một lòng tha thiết muốn xây dựng"
"Là giám mục Hà Nội, người cầm đầu phái bộ lớn nhất Bắc Kỳ đã giúp nhiều cho đoàn quân chiếm đóng Pháp nhờ sự hiểu biết rộng lớn về đất nước này, Puginier lúc nào cũng là vị cố vấn được nghe theo nhiều nhất, là kẻ hợp tác mà giới chức Pháp luôn tôn trọng. Tóm lại, ông ta là Laviegerie ở Đông Dương" (Cao Huy Thuan "Christianisme Et Colonialisme Au Vietnam 1857 - 1914), Paris, Frace - 1968. Pp.425 - 426; Luận án Tiến sĩ của Cao Huy Thuần, "Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam 1857 - 1914",  bản ronéo  tiếng Pháp. tr.425-426).
Như thế, chữ Quốc ngữ được các giáo sĩ người Bồ, nhất là Fracisco de Pina, chứ không phải Alexandre de Rhodes, sáng chế, trước hết, là để dễ dàng biến đổi những người Việt hiền lành theo lời kêu gọi "Chẳng thà mất nước không thà mất Chúa"  như linh mục Hoàng Quỳnh khẳng định, hoặc như Giám mục Puginier cũng đã xác nhận "Không có giáo sĩ và giáo dân thì người Pháp cũng như cua bị bẻ gẫy hết càng", và về sau chữ Quốc ngữ đã trở thành một khí cụ đồng hoá dân tộc ta như Giám mục Puginier cho thấy như trên.
Nhân dân ta đã nhanh nhẹn biết sử dụng loại vũ khí chữ Quốc ngữ để dễ mở mang dân trí nhằm đánh đuổi thực dân ra khỏi nước. Vì tiến trình không tốt đẹp giữa cứu cánh và phương tiện chữ Quốc ngữ, nên nhiều nhà nghiên cứu đưa ra nhiều ý kiến tương đồng:
Tiến sĩ Trần Chung Ngọc: một bọn cướp vào nhà, chúng dùng khí giới uy hiếp, giết người. Nhưng khi có người đã giành được khí giới của chúng và giải phóng các nạn nhân. Vậy chúng ta có cần phải biết ơn những tên cướp đó không ?
Cựu thẩm phán Charlie Nguyễn, một trí thức đạo Dòng hỏi: kẻ thù vào nhà dùng dao cướp của giết người, chúng để lại dao, ta dùng dao vào việc tiện ích. Vậy chúng ta có cần phải tạc tượng để ghi ơn chúng ?
GS Trần Thanh Đạm cũng luận: thực dân Pháp vào Việt Nam, chúng xây phi trường để cho máy bay oanh tạc nghĩa quân kháng chiến. Nay chúng ta sử dụng phi trường đó để vận chuyển, chẳng lẽ chúng ta phải biết ơn thực dân ?
Tóm lại, bài viết được đăng trên một hãng thông tấn có giá trị của Nhà nước (TTXVN), nhưng hầu như PGS Hà Đình Đức đã không đọc mấy tác phẩm của Alexandre de Rhodes, mà chỉ lặp lại vài đoạn khắc "công lao"  của vị linh mục này trên tấm bia ký dựng năm 1941.
Cũng thế, qua bài viết của GS Chương Thâu "Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau", chúng ta cũng thấy được thêm nhiều hội thảo viên đã chưa đọc mấy tác phẩm của Alexandre de Rhodes, nhất là cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La" và "Hành trình và truyền giáo" nên đã bị các GS Chương Thâu, Nguyễn Đình Đầu, Đinh Xuân Lâm và linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên...chi phối. Vì vậy, GS Chương Thâu cho biết, "Chính trong cuộc hội thảo đó của Hội Sử học đã đưa ra nhiều kiến nghị với các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá...) nhằm "khôi phục" vị trí xứng đáng cho linh mục A.d.Rhodes".
Việc kiến nghị thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng này đã làm cho Thủ tướng và Bộ văn hoá trở thành khó xử trước một vấn đề lịch sử, mà cho đến nay các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước vẫn chưa cử một ban đặc biệt chuyên môn để nghiên cứu lại các nhân vật được vinh danh nhầm như Alexandre de Rhodes, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký...để công bố cho quốc dân biết công và tội của họ.
        Nguồn: Văn hiến Việt Nam, số 7(39), 2004, tr. 12-15


Từ Giao blog


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: