Dọn nhà khai quật được tấm hình này. Đây là tôi phỏng vấn Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương về vụ án Minh Phụng. Cuộc phỏng vấn không đăng báo được, vì ông Bộ trưởng nói ông chỉ nói quan điểm riêng của ông, không đưa lên báo. Quan điểm của ông là : Cái gì hình sự thì hình sự, cái gì dân sự phải dân sự, doanh nghiệp và người lao động cần được tạo điều kiện hoạt động bình thường.
Cũng trong ngày hôm ấy, tôi có dự tổ thảo luận tại Quốc hội, có ông Nông Đức Mạnh phát biểu, lúc này ông là Chủ tịch Quốc hội. Ông Mạnh cũng nói, cái gì hình sự thì hình sự, cái gì dân sự phải dân sự, cùng một quan điểm như ông Lê Minh Hương. Nhìn thấy tôi ghi lời ông, khi giải lao ra hành lang, ông bảo tôi không được đưa lời ông lên báo.
Đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu vì sao vụ án này lại “nhạy cảm” chính trị đến vậy.
Vụ án Minh Phụng gây chấn động một thời, đến giờ không thể nói là không còn dư âm. Dù theo luật hồi đó hay là bây giờ thì ông Tăng Minh Phụng cũng không đáng chết. Quyết tâm làm giàu nhanh dẫn đến phiêu lưu không dự lường được rủi ro do sự bất cập bất trắc từ luật pháp đã dẫn ông đến cái chết oan uổng. Giờ thì ai cũng biết, tổng tài sản của Minh Phụng nếu tính theo giá thị trường thì vượt xa tổng nợ mà Công ty này phải trả. Chính sách hai giá về đất đai và ý chí chính trị muốn triệt hạ “tư sản ngóc đầu dậy” trong kinh tế thị trường hồi ấy là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của ông.
Báo Thanh Niên muốn tìm cách gỡ nỗi oan để cứu Minh Phụng nhưng bất lực. Chính tôi được phân công đi phỏng vấn hoặc ghi lại phát biểu của các nhà lãnh đạo nói những tiếng nói công minh giảm nhẹ tội cho Minh Phụng, nhưng dù chỉ một chút công bằng cũng không làm sao có thể đăng báo.
Rất nhiều người lao động, rất nhiều người nghèo đã gửi đơn xin tha chết cho Minh Phụng, nhưng dù họ đông đến bao nhiêu cũng không làm thay đổi ý chí chính trị của một số nhà lãnh đạo cao nhất lúc bấy giờ.
HOÀNG HẢI VÂN
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét