Không thể tiêu tiền
Trong chuyến du lịch đầu tiên tới Trung Quốc , nữ du khách 30 tuổi Courtney Newnham từ Portland (Mỹ) háo hức xếp hàng chờ mua kẹo hồ lô ở một xe bán hàng rong ven đường.
Sau đó cô nhận ra rằng không có khách hàng nào đưa tiền mặt cho chủ cửa hiệu. "Mọi người chỉ quét một mã QR rồi đi luôn. Lúc đó tôi rất kinh ngạc," cô kể lại. Newnham sau đó đã rời đi mà không mua được gì cả.
Trung Quốc chưa bao giờ là một địa điểm thân thiện với du khách, nhưng gần đây, mọi thứ ngày càng bị gói gọn trong khuôn hình vuông của mã QR - một loại mã được nhiều công ty dùng để phát triển phương thức thanh toán bằng ứng dụng điện thoại.
Đây cũng là cách người dân Trung Quốc thanh toán tiền taxi, trả tiền khám bệnh, thanh toán tiền ăn và đặt vé máy bay. Thậm chí ăn xin thời hiện đại cũng xin tiền bằng mã QR. Khi không sử dụng tới ví tiền thật, cuộc sống của 1,4 tỉ người dân Trung Quốc đang trở nên dễ dàng và gọn gàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, 140 triệu lượt du khách tới quốc gia này mỗi năm lại không nghĩ vậy.
Họ không thể dùng các ứng dụng quen thuộc để mua hàng. Google bị chặn ở Trung Quốc. Uber đã rút lui. Yelp cũng không hoạt động ở Trung Quốc.
Hai nền tảng thanh toán phổ thông nhất ở đại lục là WeChat Pay (của Tencent) và Alipay. Điều phiền toái ở chỗ, không thể sử dụng được hai ứng dụng này nếu không có tài khoản ngân hàng Trung Quốc.
Thẻ tín dụng cũng không mấy hữu dụng. Trong kì du lịch gia đình, Alex Lee - 44 tuổi, nhà đồng sáng lập của một công ty ở California - đưa người nhà tới mát-xa ở một tiệm spa ở Hàng Châu. Khi ông đưa thẻ tín dụng để thanh toán, lễ tân mới lấy một máy quẹt thẻ từ trong kho ra và nhìn chằm chằm vào máy như thể đây là "cổ vật của người ngoài hành tinh".
"Cô ấy quẹt lên quẹt xuống, quẹt xuôi quẹt ngược," ông Lee kể lại. Sau đó, ông đã phải tự mình quẹt thẻ.
Vấn đề nan giải
Susanna Sjogren, một giáo viên 50 tuổi ở Stockholm, đã tới Trung Quốc du lịch nhiều lần nhưng cũng phải thừa nhận rằng càng ngày bà càng khó làm quen với văn hóa sử dụng tiền ở đây.
Đầu tiên, một người bán hàng ở trên Vạn Lí Trường Thành không chịu nhận tiền mặt khi bà Sjogren muốn mua chai nước.
Sau đó, bà dùng tờ 50 NDT để trả cho tài xế taxi nhưng không thể lấy lại tiền thừa bởi tài xế không có tiền lẻ, chỉ có thể trả lại qua WeChat Pay.
"10 năm trước, tiền mặt có thể giải quyết mọi chuyện. Bây giờ WeChat xuất hiện ở khắp mọi nơi. Tôi cảm giác mình 'cổ đại' như một con khủng long khi tới Trung Quốc."
Không chỉ người nước ngoài mới cảm thấy choáng ngợp bởi sự thay đổi nhanh chóng của xã hội Trung Quốc. "Tôi thậm chí không thể mua đồ ăn!" - Gong Cheng, một thợ sửa xe ô tô 61 tuổi ở Thâm Quyến, phàn nàn. Ông đã phải thuyết phục những người lạ thanh toán tiền mì gói hộ mình bằng ứng dụng điện thoại và sau đó đưa họ tiền mặt.
Josh Copley, một người Nam Phi dạy tiếng Anh ở Bắc Kinh, nói mình đã mất liên lạc với gia đình trong 2 ngày sau khi tới Trung Quốc bởi WhatsApp và Gmail đều bị chặn.
Một vài tuần sau, Copley mắc kẹt ở ngoài quán bar vào lúc 4 giờ sáng. Anh phải nhờ một cặp đôi Trung Quốc gọi giúp taxi bằng ứng dụng nội địa và trả họ tiền mặt.
Elena Shortes, một sinh viên tham gia khóa học hè ở Bắc Kinh và Đại Liên, nói mỗi lần đi giặt quần áo, cô phải đi cùng 1 bạn Trung Quốc bởi máy giặt ở kí túc xá cho sinh viên nước ngoài chỉ được thiết kế để nhận thanh toán qua WeChat.
"Chúng tôi cảm thấy như những đứa trẻ không thể tự mình làm được việc gì. Lúc nào tôi cũng phải nói 'Hãy giúp tôi với!" - Shortes nói.
Những nhà chức trách đang cố gắng giải quyết tình hình. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố việc các doanh nghiệp từ chối nhận tiền mặt là hành vi phạm pháp. Chi nhánh ngân hàng Thượng Hải cho biết đang thanh tra vấn đề rào cản thanh toán đối với người nước ngoài.
Tuần trước, Tencent tuyên bố thử nghiệm chương trình WeChat Pay cho người nước ngoài. Tuy nhiên, một số người cho biết thẻ Visa và Mastercard của họ đều chưa hoạt động được trên WeChat.
Gần đây, một nữ du khách nước ngoài phàn nàn vì sự cố "dở khóc dở cười" trong một nhà vệ sinh trên Vạn Lí Trường Thành. Cô không thể lấy giấy vệ sinh khi trên màn hình hiện đại xuất hiện mã QR.
"Nhà vệ sinh chỉ cấp giấy nếu tôi có thể quẹt mã QR," cô nói.
Về vấn đề này, một giám đốc điều hành của công ty sản xuất máy quét QR nói: "Khi tới Nhật Bản, mọi người đều trải nghiệm văn hóa của họ. Tới Trung Quốc, khách nước ngoài cũng được biết tới văn hóa của chúng tôi nhờ vào cách quét mã QR. Nếu bạn không biết làm, thì hãy nhờ một người Trung Quốc".
Theo Tất Đạt / Trí Thức Trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét