TƯỞNG AI, HÓA RA…
Thoạt nhìn thấy quen quen, tưởng ai, hóa ra là Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (中華民國 - Đài Loan) Thái Anh Văn (蔡英文).
Vào quán ăn bình dân, làm một suất cơm như chị công nhân đi ăn trưa.
Ngồi xổm bên rãnh thoát nước, vặn vòi rửa đĩa như một bà nội trợ nhà quê.
Trong khi chờ tàu, lấy hai chân kẹp cái túi xách, dựa lưng vào tường tranh thủ đọc tài liệu.
Tất cả đều thật, chứ không phải diễn. Truyền thông nói nhiều về sự giản dị của Thái Anh Văn. Nhưng thực ra có lẽ đối với bà chuyện đó là bình thường, là tự nhiên, là tính cách vốn có của một chính khách dưới chế độ Tự do, Dân chủ.
Thái Anh Văn sinh năm Bính Thân (1956), chưa kết hôn. Người bạn thân duy nhất của bà là con mèo tên là Hương Hương. Có người bảo, vị hôn phu của bà ấy chính là sự độc lập của Đài Loan.
Một phụ nữ bề ngoài không khác gì thường dân, nhưng đã thách thức mưu đồ của Tập Cận Bình khét tiếng, đe dọa dùng vũ lực sáp nhập Đài Loan vào Trung Hoa đại lục. Cùng gần 24 triệu dân của mình, Tổng thống Thái Anh Văn quyết không khoan nhượng ý đồ của chính quyền Bắc Kinh. Xem ra, câu thơ của ông Tố Hữu áp vào đây thấy hợp: “Ra thế, to gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu”
Tại Mỹ, hồi cuối tháng 3/2019, Thái Anh Văn tuyên bố, “không muốn Đài Loan thành Hong Kong thứ hai của TQ”. Bà còn nói, “chúng tôi tìm kiếm hòa bình, không thù địch. Nhưng chúng tôi phải có khả năng bảo vệ TỰ DO, DÂN CHỦ và lối sống của mình”. Gần đây, bà Thái còn tuyên bố sẵn sàng đón nhận người Hong Kong tham gia biểu tình muốn sang sống ở Đài Loan. Hồi tháng 7 năm nay, bà sang Mỹ, bất chấp sức ép của TQ… Hóa ra, giá trị của Tự do, Dân chủ là nguyên nhân gốc rễ, là mấu chốt của sự quyết liệt từ phía Đài Loan, từ người dân đến Tổng thống, không ai chịu để sáp nhập vào Trung Quốc thấy nói độc tài, toàn trị. Chẳng con chim nào đang bay giữa bầu trời Tự do lại muốn chui vào lồng, dù đó là cái lồng sơn son, thiếp vàng.
Ở nơi có Tự do, Dân chủ, để làm nên nhân cách và trí tuệ của một chính khách, tuyệt nhiên không phải là trang phục, là xe hơi đắt tiền hay đội quân tiền hô hậu ủng. Những cái đó chỉ là hình thức đối ngoại, là tự tôn quốc thể khi cần. Còn sinh hoạt đời thường và tiếp xúc với cấp dưới, với nhân dân, thì những chính khách có văn hóa càng cao thì càng giản dị, gần gũi… Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là một người như thế, bởi người tiếp cận nền văn hóa Tự do, Dân chủ từ thủa hàn vi. Không ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791 để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 của Việt Nam.
Xem ra, phàm những người tiếp cận được nền văn hóa Dân chủ, Tự do đúng nghĩa thì họ thường có phong cách giản dị, khiêm nhường, xa lạ với thói kiêu ngạo, giả dối.
Cái thói kiêu ngạo, vênh vang, giả dối là sản phẩm của chế độ Phong kiến, vua quan, nhất là Phong kiến Phương Đông. Ở thời ấy, các quan từ tri phủ đến triều đình về địa phương, người dân nghe thấy trống chiêng, nhìn thấy võng lọng là sụp mặt xuống ven đường, chổng mông lên, khi quan nha qua rồi mới được đứng dậy ngửa mặt nhìn trời.
Thời nay, cán bộ lãnh đạo đi công vụ xuống cấp dưới, thường kéo theo cả bầu đoàn xe tháp tùng hoành tráng, tiền hô, hậu ủng rầm rầm… Người dân giạt ra, nhường đường cho đoàn ô tô của các quan. Hội trường tiếp đón ở địa phương căng pa nô, biểu ngữ “nhiệt liệt chào mừng” đỏ chót. Đoàn xe đi qua, dân ghé tai hỏi nhau, không biết ông nào mà oai thế nhỉ? Có người tỏ ra thạo tin bảo, là ông ấy, ông nọ đấy. Trong đám đông có người nói, TƯỞNG AI, HÓA RA là cái lão… “đầu củ chuối”. Trên báo đài, lão ta nói năng sáo rỗng, xa rời cuộc sống, chả được câu nào vào lòng dân. Có người bảo, đúng là “trông thấy mặt, muốn tắt TV” !
Gần đây, hình như Trung ương đã có chỉ đạo nên bệnh hình thức, giải quyết khâu oai… có vẻ đỡ hơn, pa nô “nhiệt liệt chào mừng” cũng thấy giảm nhiều. Nhưng cái thói “kiêu ngạo cộng sản”, rất chi phong kiến thì chưa thể hết.
Tất cả đều nằm trong phạm trù VĂN HÓA. Văn hóa là bộ mặt của một chế độ xã hội.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét