Tháng 12, tôi đi Sapa tránh nóng. Tôi đã từng đặt chân tới nơi đây khoảng 7 năm về trước, và nhận ra sự thay đổi chóng mặt của mảnh đất yên tĩnh này. Sapa là một vùng văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc Việt Nam; cùng với thời tiết, khí hậu, khung cảnh, thì nơi đây là một địa điểm tuyệt vời để đi du lịch, nghỉ dưỡng và tìm hiểu văn hóa vùng miền. Chính vì vậy, du khách nước ngoài rất hồ hởi đến thăm Sapa dù đường xá xa xôi, đi lại có nhiều khó khăn. Đến nay thì tất cả những bình yên vốn có của Sapa đang bị xâm hại và dần dần biến mất bởi những dự án xây dựng khách sạn, nhà nghỉ “tiêu chuẩn quốc tế.”
Phải nói trong những năm gần đây, khi nhận ra du lịch đang trở thành một ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh, mạnh, hái ra tiền, nhà nước đã thông qua nhiều chính sách và và dành những ngân khoản lớn nhằm quảng bá hình ảnh đất nước để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, với tầm nhìn hạn hẹp, tất cả các dự án mới được khởi công ở các điểm du lịch nổi tiếng bắt đầu trở thành thảm họa khi áp đặt “tiêu chuẩn quốc tế” mơ hồ, hời hợt. Sapa bắt đầu trở thành một đống đổ nát hổ lốn khi hằng ngày có hàng chục chiếc xe tải chở đất cát qua những tuyến đường nhỏ, rơi vãi dính chặt khắp mặt đường. Vào mùa đông, sương mù và mưa phùn khiến cảnh vật trở nên lầy lội và bẩn thỉu.
Tôi chưa tận mắt nhìn thấy cái “tiêu chuẩn quốc tế” mặt mũi hình thù ngang dọc như thế nào, nhưng đoán chắc cũng dạng “tầm cỡ.” Tuy nhiên, với dạng địa hình đồi núi và thung lũng, việc xây dựng một khu nghỉ dưỡng hoành tráng mất rất nhiều công sức khi phải san phẳng diện tích đất lớn, chưa kể hình ảnh khập khiễng với khung cảnh chung của vùng thị trấn vốn dĩ vô cùng đơn sơ và mộc mạc này. Tôi đã từng đến Bali (Indonesia), rất nổi tiếng về cả du lịch biển (Kuta) và du lịch núi rừng (Ubud), tuy nhiên mô hình quy hoạch 2 khu vực khác hẳn nhau dù chỉ cách nhau 2 tiếng đồng hồ lái xe. Vùng biển Kuta xập xình, tấp nập các quán xá thâu đêm cùng những khách sạn sanh trọng, hiện đại, trong khi Ubud trầm lắng với những tiệm bán đồ trang sức cổ, các hiệu sách cũ kỹ và quán cafe yên tĩnh. Ubud cũng nổi tiếng với các lớp học yoga và ngồi thiền thanh tịnh. Du khách đến và bị cuốn hút vào tầng lớp văn hóa của người Indonesia qua những bộ quần áo dân tộc thiểu số, cái cúi chào lấp ló bông hoa cài trên tóc, hay tiếng nhạc dân dã đầy mê hoặc. Sẽ chẳng lấy gì làm lạ nếu thấy các thanh niên tây mắt xanh, tóc vàng ăn dầm nằm dề hết ngày này qua tháng khác tại nơi này.
Sapa cũng mang một vẻ đẹp như thế, thậm chí còn hơn thế với địa hình và thời tiết đẹp như mơ, nếu được quan tâm và đầu tư đúng cách. Tuy nhiên trong tương lai gần, Sapa đã và đang trở thành món mồi ngon với những dự án quy hoạch “chuẩn quốc tế” chụp giật và sớm sẽ biến thành một vùng đất nham nhở chắp vá khi các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đặt cạnh khu nghỉ dưỡng có sân golf rộng mênh mông cùng những tòa nhà cao chót vót. Một phóng sự được trình chiếu mới đây có tên là “Ầm ĩ Sapa” đã cho thấy một Sapa méo xẹo khi một ngọn núi đã bị bạt ngang đầu để xây dựng quần thể khách sạn Fansipan. Trong 9 tháng đầu năm 2016, có khoảng 180 giấy phép xây dựng được cấp và phê duyệt, hơn 250 khách sạn mọc lên tại thị trấn này. Khu nghỉ dưỡng cao cấp của tập đoàn Sun Group đang khởi công giữa trung tâm Sapa, dự kiến cao 47m trong khi quy chế đô thị tại Sapa chỉ giới hạn ở độ cao 14,5m. Công trình “được duyệt” cứ rục rịch phát triển, nhưng người dân xung quanh không được thông báo trước. Phóng sự trên đã ngay lập tức bị yêu cầu rút xuống sau 24 giờ phát sóng. Còn nhớ, việc xây dựng, quy hoạch tại vùng núi Sapa đã từng gây tranh cãi trong dư luận khi dự án cáp treo Fansipan được phê duyệt năm 2015 và sau khi hoàn thành đã trở thành “thảm họa” khi đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương biến thành một khu chợ nhung nhúc người. Khác với đỉnh Everest, Phú sĩ hay Alpes, Việt Nam đã biến một Fansipan với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của đất nước thành những thứ tầm thường khi chỉ nghĩ đến những lợi ích kinh tế trước mắt. Và sắp tới là cả Sapa.
* Blog ‘Trong lòng Hà Nội’ của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét