Điều đầu tiên để “Thoát Trung” là phải gạt bỏ tư tưởng sợ Trung Quốc
Trong những ngày vừa qua, với sự gây hấn của Trung Quốc ở bãi Tư Chính, thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trên MXH xuất hiện khá nhiều bài viết về đề tài “Thoát Trung” của một số cây bút có tên tuổi. Các bài viết đó rất sâu sắc và tâm huyết, phân tích lịch sử “thoát Trung” trong quá khứ, những cơ sở lý luận và thực tiễn để “thoát Trung”, nội dung “thoát Trung” là gì và cách làm như thế nào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh quốc phòng vv.
Tôi thấy rất hay và đồng tình, nhưng vì không phải là một chuyên gia trong nghiên cứu quốc tế như các tác giả nói trên, nên tôi không dám đi sâu vào đề tài này. Tôi chỉ thêm một điều thôi: Đó là để Thoát Trung “trước tiên phải gạt bỏ tư tưởng sợ Trung Quốc” đã.
Bởi vì một bộ phận không nhỏ lãnh đạo và dân chúng có suy nghĩ: Trung Quốc nó mạnh thế, to thế, mình lệ thuộc toàn diện vào nó, kiện nó hoặc buộc phải đánh nó thì bây giờ không chỉ thua về quân sự, không chỉ mất Tư Chính mà mất vĩnh viễn luôn cả Hoàng Sa, Trường Sa, chưa kể chỉ cần Trung Quốc đóng cửa biên giới, cấm vận là bà con nông dân chết chắc, và các ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ vv cũng sẽ lao đao.
Đó là những mối lo chính đáng, nhưng nghĩ đi phải nghĩ lại: trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta có vũ khí gì trong tay và tương tự như vậy là kháng chiến chống Mỹ ?. Vậy mà chúng ta, với lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sự ủng hộ quốc tế, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của một chính đảng lúc đó thực sự là của dân, do dân và vì dân, chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc to. Lịch sử Việt Nam chống sự xâm lược của Trung Quốc cũng cho chúng ta niềm tin vào chiến thắng.
Vả lại, nếu chỉ vì lo lắng như vậy mà để Trung Quốc lấn tới, lấy được Tư Chính và thực thi được “đường lưỡi bò” thì khác gì chúng ta chấp nhận mất biển, mất đất và lãnh thổ của cha ông để lại. Chưa kể, nếu ba đặc khu được thông qua, đường cao tốc Bắc-Nam và đường sắt cao tốc mà rơi vào tay Trung Quốc, cộng với hàng trăm dự án mà Trung Quốc đang tiến hành ở Việt Nam, thì tương lai dân tộc ta sẽ ra sao? Ai cũng có thể hình dung ra cái tương lai khủng khiếp đó.
Nhưng có những cơ sở lý luận và thực tiễn không bao giờ được quên: chính nghĩa cuối cùng nhất định sẽ thắng phi nghĩa, dân tộc Việt Nam trong chiều dài lịch sử của mình đã chứng minh “không sợ” và đã “đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào”, từ các triều đại phong kiến phương Bắc, đến Nhật, Pháp, Mỹ và bọn bành trướng Trung Quốc. Chưa kể, thời đại ngày nay đã khác trước rất nhiều, với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội vv, các thế lực xâm lược không dễ lừa mị được dư luận quốc tế. Chỉ cần có một đường lối đối ngoại đúng đắn, thì sức mạnh to lớn của thời đại sẽ thuộc về chúng ta. Trong bối cảnh hiện nay, điều đó lại càng thuận lợi.
Nhưng câu chuyện ở đây không phải là “đánh nhau” với Trung Quốc, vì không ai dại gì mà đánh nhau với cái thằng láng giềng to vật vã, vừa tham vừa thâm, lại nhiều tiền của. Vấn đề ở đây là phải bảo vệ được ngôi nhà của mình trước mưu đồ thôn tính của thằng láng giềng đó. Nhưng để bảo vệ được nhà mình, trước tiên phải “từ bỏ tư tưởng sợ Trung Quốc”. Đây không phải là câu nói của tôi. Người viết status này chỉ trích phát biểu của tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng viên Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an, mà thôi.
Còn tôi nghĩ thêm, cũng cần loại ngay khỏi hàng ngũ lãnh đạo ở TƯ và địa phương những thế lực , “sợ địch“, thờ địch” và “thân địch”, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo các cấp trở thành một khối thống nhất. Không có sự thống nhất ở giai tầng lãnh đạo thì chả bao giờ thoát Trung được. Đầu tiên là phải thoát khỏi sự sợ hãi. Tiếp đến là phải tin dân và dựa vào dân. Rất nên nhớ “dễ ngàn lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Nội dung “thoát Trung” gồm những gì ? Cách “thoát Trung” như thế nào thì các chiến lược gia và các nhà nghiên cứu đã nói cả rồi. Tôi chả dám “múa rìu qua mắt thợ”.
(Lởi cuối: bài viết này không nhằm kích động một cuộc chiến tranh với Trung Quốc).
LVK.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét