Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

Cấu trúc kinh tế giữa Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam có gì khác biệt?


Nguyễn Quang Thái – Bùi Trinh
Thứ Sáu, 13/9/2019, 10:06
(TBKTSG) – Nghiên cứu các bảng I/O (Input/Output table – bảng cân đối liên ngành) của Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ(1) cho thấy tỷ lệ giữa chi phí trung gian và giá trị tăng thêm so với GDP.
Theo bảng 1, nền sản xuất của Mỹ hiệu quả nhất, 100 đô la Mỹ giá trị sản xuất sẽ tạo ra 57 đô la giá trị tăng thêm. Trong khi đó, đối với Việt Nam, 100 đô la giá trị sản xuất chỉ tạo ra 28 đô la giá trị tăng thêm và tỷ lệ này của Trung Quốc là 33 đô la giá trị tăng thêm/100 đô la giá trị sản xuất.
Như vậy, có thể thấy Việt Nam là nước hoàn toàn gia công và Trung Quốc cũng cơ bản là gia công nhưng ở một trình độ cao hơn. Từ con số này, có thể thấy hàm lượng giá trị gia tăng mà phía Việt Nam nhận được trong chuỗi giá trị là rất khiêm tốn. Trung Quốc có thể có quy mô GDP (theo báo cáo) rất lớn, nhưng cấu trúc kinh tế nói chung là yếu kém hơn khá nhiều so với Mỹ.
Xét về hệ số co giãn của lao động và hệ số co giãn của vốn cũng cho thấy Việt Nam và Trung Quốc là những quốc gia thâm dụng vốn, đặc biệt Việt Nam phải cần một lượng vốn rất lớn để tạo ra một đồng tăng lên của giá trị gia tăng, trong khi Mỹ có cấu trúc về lao động và vốn cân bằng hơn rất nhiều.
Một điều ngạc nhiên là Việt Nam mặc dù có cấu trúc về lao động và vốn lệch lạc, nhưng tỷ lệ đầu tư trong GDP giảm từ 46% trong năm 2007 xuống còn 28% trong năm 2017 mà GDP vẫn tăng trưởng cao (theo Tổng cục Thống kê – TCTK). Điều này chỉ có thể lý giải là năng suất lao động của Việt Nam tăng một cách mạnh mẽ hoặc tăng lương một cách ngẫu hứng mà không phụ thuộc vào tăng năng suất lao động.
Năng suất lao động của Việt Nam cơ bản bị chi phối bởi các ngành độc quyền hoặc mang đậm tính chất “quan hệ” như khai thác khoáng sản, điện và kinh doanh bất động sản. Mặc dù vậy năng suất lao động của Việt Nam vẫn thua Lào (với số liệu hiện thời).
Qua các bảng I/O, có thể thấy do tiêu dùng của dân cư rất thấp, chỉ khoảng 50% GDP trong giai đoạn 2005-2017, đóng góp vào GDP của xuất khẩu thuần khoảng 2-3%, nên Trung Quốc tăng trưởng dựa rất nhiều vào đầu tư, tỷ lệ đầu tư trên GDP của Trung Quốc luôn trên 40%. Năm 2005 tỷ lệ này của Trung Quốc là 43%, đến năm 2017 tỷ lệ này lên 46%.
Việt Nam có tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng của dân cư cao ngang Mỹ, nhưng khác ở chỗ sản xuất của Việt Nam là gia công.
Như vậy, dù tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam là sản phẩm sản xuất trong nước hay sản phẩm nhập khẩu thì cũng không mang nhiều ý nghĩa, chỉ kích thích nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp mà thôi.
Nếu tính gộp đầu tư và chi tiêu chính phủ thì tỷ lệ này lên đến 60% trong năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư và chi tiêu dùng chính phủ của Mỹ trên GDP chỉ là 17%. GDP của Mỹ cơ bản dựa vào tiêu dùng dân cư (68%), tuy nhiên tiêu dùng cuối cùng của Mỹ có thể kích thích đến sản xuất trong nước trong trường hợp tiêu dùng cuối cùng sản phẩm trong nước, hoặc kích thích sản xuất của nước khác trong trường hợp tiêu dùng cuối cùng sản phẩm nhập khẩu.
Như vậy việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc trước tiên nhằm tăng cường sản xuất trong nước, thứ đến mới là gián tiếp làm suy trầm sản xuất của Trung Quốc
Việt Nam có tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng của dân cư cao ngang Mỹ, nhưng khác ở chỗ sản xuất của Việt Nam là gia công. Như vậy, dù tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam là sản phẩm sản xuất trong nước hay sản phẩm nhập khẩu thì cũng không mang nhiều ý nghĩa, chỉ kích thích nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp mà thôi.
Điều đó cho thấy Việt Nam sẽ không có lợi ích gì nhiều từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung Quốc. Nếu chấp nhận làm gia công đời đời kiếp kiếp thì cũng chẳng cần thay đổi gì. Nhưng một đất nước không thể lớn mạnh khi dựa vào các đại gia giàu lên nhờ đất, mà đất là cái có hạn không do con người làm ra và là sở hữu toàn dân!
Bảng 2 nhấn mạnh thêm các ý trong bảng 1, cầu cuối cùng của Mỹ lan tỏa đến giá trị tăng thêm rất cao trong hầu hết các nhân tố của cầu cuối cùng. Đối với Việt Nam, các nhân tố của cầu cuối cùng lan tỏa thấp đến giá trị tăng thêm, xuất khẩu của Việt Nam kích thích đến giá trị tăng thêm thấp nhất trong các yếu tố của cầu cuối cùng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: