Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Toàn cầu hóa kinh tế: Bóng đen che phủ toàn thế giới


Toàn cầu hóa kinh tế (TCHKT) đã tạo thành bóng đen khổng lồ che phủ thế giới. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham gia TCHKT, nhiều học giả phương Tây đã cho rằng TCHKT sẽ khiến Trung Quốc đi theo con đường dân chủ hóa. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm, bởi ĐCSTQ đã lợi dụng TCHKT làm công cụ để xưng bá thế giới. Chính sách thương mại mới của Mỹ hiện nay là tìm cách giảm các tác động tiêu cực của TCHKT đối với Mỹ, đồng thời ngăn chặn chiến lược của ĐCSTQ. 
quốc kỳ Trung Quốc
(Ảnh minh hoạ từ Shutterstock)
TCHKT có sai không?
Lâu nay TCHKT luôn được nhiều người xem là tiêu chí và cảnh giới cao nhất của tiến bộ xã hội loài người. Kể từ khi bùng nổ xung đột thương mại Trung-Mỹ, Tổng thống Mỹ Trump – một người không theo chủ nghĩa toàn cầu hóa – đã chịu vô số chỉ trích từ các giới xuất phát từ quan điểm TCHKT. Dù những chỉ trích biểu đạt khác nhau, nhưng về cơ bản tất cả hy vọng trở lại trạng thái ban đầu TCHKT, theo đó cần từ bỏ áp thuế đối với Trung Quốc vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Một bài báo của New York Times vào ngày 16/5 năm nay có tựa “Sự leo thang của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đe dọa nền kinh tế toàn cầu” là ví dụ điển hình cho quan điểm này.
Phải chăng khi một quan điểm được đông đảo người hưởng ứng là đại diện cho quan điểm đúng đắn? Thực tế trái lại, quan điểm này đại diện cho cách nhìn sai lầm đã được hình thành trong nhiều năm qua. Căn nguyên của quan niệm sai lầm này là sự hiểu lầm về những khiếm khuyết tự nhiên của toàn cầu hóa kinh tế và xu hướng phát triển của ĐCSTQ. Thêm nữa, quan niệm sai lầm này đã không chú trọng đến những hệ quả khôn lường của nền kinh tế siêu lớn dưới kiểm soát của chính quyền độc tài tham dự vào TCHKT, cũng không chú trọng đúng mức những tác động tiêu cực của các tập đoàn đa quốc gia khi họ đầu tư ra nước ngoài.
Sau Thế chiến Thứ hai, các nước thế giới thứ ba giành được độc lập, trong đó một số nước, đặc biệt là các nước châu Á, đã vào con đường phát triển kinh tế thần tốc. Quá trình này dần hình thành TCHKT. Ở cấp độ văn hóa, dòng chính là ảnh hưởng của văn minh thương mại và văn hóa phương Tây đối với các nước đang phát triển; nhưng nếu nhìn vào đầu tư và thương mại quốc tế, thì đó là đầu tư và công nghệ của các nước phát triển chuyển sang các nước phù hợp để đầu tư, trong khi các sản phẩm giá rẻ của các nước đang phát triển nhập vào các nước phát triển. Nền kinh tế những nước đang phát triển trở nên thịnh vượng nhờ cưỡi lên chiếc xe TCHKT. Từ quan điểm này, TCHKT có phải là một cấu trúc kinh tế quốc tế có lợi cho cả hai phía là nước đang phát triển và nước đã phát triển không? Nếu không thì sai lầm ở đâu?
Nhìn chung cho đến nay, dường như TCHKT không làm thay đổi ý thức về biên giới quốc gia. Biên giới quốc gia có nghĩa là chính phủ của một nước phải bảo vệ phúc lợi của người dân nước đó thay vì chú trọng đến nhu cầu của người dân bên ngoài biên giới. Mặt khác, cử tri ở các nước dân chủ bỏ phiếu cho chính phủ của họ chứ không phải chính phủ toàn cầu. Một trong những tiêu chí chính trong lựa chọn chính phủ của họ là liệu đảng cầm quyền có khả năng bảo đảm phúc lợi của người dân nước mình hay không, chứ không thể là hy sinh phúc lợi của chính người dân nước mình để thực hiện mục tiêu toàn cầu. Trong vấn đề này đã có điểm mù trong nhận thức của nhiều nhà kinh tế phương Tây, họ thường hiểu toàn cầu hóa kinh tế từ góc độ kinh tế vi mô, chỉ đứng ở lập trường của doanh nghiệp để nhìn vào mặt tốt của TCHKT mà quên nhìn vấn đề từ lập trường của cử tri các nước.
Sai lầm này được thể hiện ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, đa số nhà kinh tế học phương Tây cho rằng trong điều kiện thương mại tự do và đầu tư tự do toàn cầu, các công ty sẽ theo đuổi lợi ích tối đa, giúp mang lại sức sống lớn nhất cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, TCHKT không chỉ có sự tham gia của doanh giới phương Tây, mà còn có chính phủ độc tài như ĐCSTQ, vậy thì làm thế nào các công ty phương Tây ở Trung Quốc có thể phát huy khả năng dưới thao túng của ĐCSTQ?
Thứ hai, khi doanh giới của nước phát triển đầu tư và chuyển dây chuyền sản xuất vào các nước đang phát triển, quả thực có thể giúp họ giảm chi phí đầu tư và làm tăng lợi nhuận, nhưng điều này cũng đồng thời khiến cơ hội việc làm trong ngành sản xuất tại nước phát triển bị giảm mạnh. Những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài này kiếm được lợi nhuận lớn nhưng không nhất thiết nộp đủ thuế ở trong nước họ, có khi họ còn tận dụng trung tâm tài chính nước ngoài để trốn thuế. Hiển nhiên công ty chiếm được món hời nhưng người nộp thuế ở nước sở tại phải gánh chịu, cứ tiếp tục như vậy sẽ khiến làm thâm hụt tài chính của chính phủ các nước phát triển ngày càng nặng, buộc họ phải đi vay, khiến người nộp thuế trong tương lai phải trả.
Nền kinh tế siêu lớn chịu sự chi phối của chính quyền độc tài sẽ thao túng TCHKT
Các nhà kinh tế phương Tây không chú trọng đúng mức vấn đề mất cân bằng kinh tế giữa các nước ở tầm vĩ mô như là tác động tiêu cực của TCHKT, đây là một sai lầm khác mà họ mắc phải. Nhưng cho đến nay, TCHKT đã dần chứng minh những hậu quả có thể xảy ra khi một nền kinh tế siêu lớn của chính quyền độc tài thao túng TCHKT.
Nếu một nền kinh tế siêu lớn với lực lượng lao động chiếm 1/6 toàn cầu tham gia TCHKT, nền kinh tế siêu lớn này có thể tạo thành một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh bằng cách thu hút đầu tư và công nghệ từ nhiều quốc gia khác nhau. Sau đó bằng hàng hóa giá rẻ chèn ép giới doanh nghiệp sản xuất của các nước phát triển, qua đó chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, hệ quả khiến nền kinh tế toàn cầu phải phụ thuộc vào nền kinh tế của nước này. Ngay cả chỉ đơn thuần nhìn từ góc độ thương mại quốc tế, tình trạng này cũng là không bền vững, bởi vì sẽ gây tình trạng thu hẹp sản xuất và thâm hụt thương mại nghiêm trọng ở nhiều quốc gia, cuối cùng sẽ gây khó khăn cho thanh toán quốc tế và sẽ đến lúc cả nền kinh tế siêu lớn này cũng rơi vào khủng hoảng.
Mặt khác, tại các nước mà từ lâu đã luôn phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, hệ thống sản xuất của họ dần tàn lụi, việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lại thiếu ngoại tệ, khi đó họ không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc tìm kiếm sự trợ giúp của ĐCSTQ và chấp nhận sự thao túng của ĐCSTQ. Về lâu dài, tình trạng này tạo thành cục diện kinh tế chính trị quốc tế mà hai bên cùng thắng hay chỉ một bên thắng? Câu trả lời là rất rõ ràng.
Nhìn xa hơn, chính phủ cai trị nền kinh tế siêu lớn này là ĐCSTQ còn có mục tiêu chiến lược về ý thức hệ, là làm cho “chủ nghĩa xã hội đánh bại chủ nghĩa tư bản”, về mục tiêu chiến lược toàn cầu được hiện thực hóa bằng cách tấn công theo mọi hướng nhắm vào các nền dân chủ mạnh mẽ và quan trọng nhất thế giới để làm suy yếu hệ thống này, không nghi ngờ gì mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch này là nước Mỹ. Một trong những phương tiện quan trọng để tấn công và làm suy yếu Mỹ là sử dụng thị trường nội địa của nền kinh tế siêu lớn và năng lực sản xuất tích lũy trong quá trình TCHKT dưới thao túng của chính phủ độc tài, để kìm kẹp nước Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ lần này chỉ là diễn tập thực chiến lần đầu, chính quyền Bắc Kinh không chỉ cố gắng thuyết phục các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc mà còn tìm cách gián tiếp thao túng bầu cử Mỹ bằng các biện pháp chấm dứt hoặc khôi phục nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một mô hình quốc tế chưa từng thấy trong lịch sử, đó là cho dù Mỹ phải đối mặt với nhiều vi phạm khác nhau của ĐCSTQ nhưng lại không thể đối phó bằng chiến lược Chiến tranh Lạnh như cách dùng với Liên Xô trước đây. Bởi vì ĐCSTQ đã nhiều năm tham gia vào toàn cầu hóa kinh tế, tạo thành cục diện dựa vào nhau của hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ, khi xung đột giữa hai bên leo thang thì cả hai đều bị thiệt hại.
WTO và ĐCSTQ: Bên nào bị phụ thuộc hơn?
Các nước phương Tây từng nghĩ rằng khi ĐCSTQ gia nhập WTO thì họ sẽ tự giác tuân thủ tất cả các cam kết ban đầu, đây là một ảo tưởng của các quan chức và chính phủ các nước thuộc WTO. Thậm chí họ còn ảo tưởng rằng sau khi ĐCSTQ tham gia TCHKT sẽ chọn con đường dân chủ hóa. Bây giờ thì tình hình dường như ngược lại, các quy tắc của WTO không chỉ không ràng buộc được ĐCSTQ một cách hiệu quả mà ĐCSTQ còn bắt đầu thành công trong bỡn cợt các quy tắc của WTO.
Đáng chú ý là hầu hết các thành viên của WTO vì lợi ích ngắn hạn của mình mà không muốn đề nghị đàm phán thẳng thắn với ĐCSTQ, hệ quả là WTO đã liên tục nhượng bộ trước các vi phạm của Bắc Kinh. Theo nghĩa này, WTO đã mất khả năng kiềm chế các hành vi vi phạm, cho nên giá trị tồn tại của WTO cũng trở thành một dấu hỏi.
Trước khi Trung Quốc thúc đẩy thị trường hóa kinh tế thì TCHKT đã bắt đầu, nhưng khi đó chưa gặp phải những thách thức lớn, nguyên nhân không chỉ vì về cơ bản các nước tham gia là nước dân chủ tự do, mà còn vì họ không phải là nước lớn, không có dã tâm thách thức các quy tắc quốc tế, cũng không có khả năng thách thức. Sau khi TCHKT có Trung Quốc là một quốc gia hợp tác quan trọng thì mọi thứ đã thay đổi đáng kể.
TCHKT ban đầu là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp toàn cầu thuộc các nước tự do, còn WTO đã đặt ra các quy tắc nhằm phục vụ cho thực tế hợp tác kinh tế này. Cần nhấn mạnh rằng TCHKT không phải là hợp tác kinh tế giữa các chính phủ, mà là hợp tác giữa doanh nghiệp của các nước. Điều này rất quan trọng, và nước tham gia vào TCHKT là các nước tự do.
Cái gọi là nước tự do, ngoài việc thực hiện nền kinh tế thị trường thì chính phủ của các nước này không trực tiếp kiểm soát mọi hoạt động kinh tế, cũng như không sử dụng sự kiểm soát của chính phủ để đạt được các mục tiêu toàn cầu của chính phủ; nói cách khác, nhìn chung các nước tự do tham gia TCHKT không dùng TCHKT làm công cụ của chính phủ để xưng bá thế giới. Do đó, khi WTO đặt ra quy tắc chưa bao giờ tính đến vấn đề làm sao ngăn chặn một trong những nước tham gia TCHKT trở thành mối đe dọa cho trật tự chính trị và kinh tế thế giới. Đằng sau viễn cảnh đẹp về toàn cầu hóa kinh tế này còn tiềm ẩn một giấc mơ cũ của phe cánh tả trên khắp thế giới, đó là giấc mơ thế giới đại đồng.
Thật đáng tiếc, chính vì sự ngây thơ của các nền dân chủ lớn trên thế giới, TCHKT cuối cùng sẽ bị nổ tung vì chính “quả mìn” mà bản thân đã gieo rắc. Cái gọi là ngây thơ này bao gồm hai khía cạnh: thứ nhất là cho rằng tất cả các quốc gia thúc đẩy kinh tế thị trường sẽ đi vào con đường tự do và dân chủ; thứ hai là cho rằng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới sẽ không còn có khả năng xuất hiện một nước lớn gây đe dọa cho trật tự kinh tế và chính trị thế giới.
Thật vậy, trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh thì Liên Xô luôn đe dọa hòa bình và trật tự thế giới. Tuy nhiên, Liên Xô đã từ chối nền kinh tế thị trường, do đó các thành viên cùng phe Liên Xô đều tẩy chay giới doanh nghiệp của các nước tự do. Sau khi Liên Xô tan rã, nhiều người phương Tây ngây thơ đã vội ăn mừng và nghĩ rằng sẽ không còn quyền lực độc đoán nào trên thế giới đe dọa hòa bình và trật tự thế giới. Theo quan điểm của họ, nếu Trung Quốc đã thúc đẩy nền kinh tế thị trường thì sớm muộn cũng sẽ trở thành nước tự do, phe mềm mỏng của Mỹ và châu Âu đã bảo vệ quan điểm này.
Sai lầm lớn nhất của họ là không nhận thấy trước khi ĐCSTQ quyết định gia nhập WTO thì ĐCSTQ đã thúc đẩy kinh tế thị trường hóa (tư nhân hóa hoàn toàn các doanh nghiệp nhà nước và từ bỏ nền kinh tế kế hoạch), đã xây dựng một khuôn khổ thể chế cơ bản “chủ nghĩa tư bản Đảng Cộng sản” độc đáo. Thể chế này thông qua TCHKT, không chỉ thu hút các doanh nghiệp, thiết bị và đơn đặt hàng từ nhiều quốc gia, mà còn xây dựng thành “công xưởng thế giới”, đồng thời cũng khiến doanh giới phương Tây bị phụ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc.
Mặt khác, dưới một hệ thống như vậy, để bảo toàn quyền lực chính trị và mở rộng sức mạnh, chắc chắn ĐCSTQ phải nỗ lực gây ảnh hưởng và thao túng trật tự kinh tế quốc tế và thách thức “lãnh đạo” Mỹ của thế giới phương Tây, cho nên nó không thể trở thành đối tác thực sự với Mỹ cũng như là đối thủ cạnh tranh lành mạnh theo các quy tắc quốc tế, trái lại sẽ coi Mỹ như “kẻ thù tưởng tượng” về chiến lược, sẽ dùng các thủ đoạn phi bạo lực để liên tục làm suy yếu nước Mỹ, và về khách quan sẽ làm tan rã các quy tắc của WTO.
Ý nghĩa chiến lược của tranh chấp kinh tế và thương mại Mỹ-Trung
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump bắt đầu dọn dẹp những di sản tiêu cực do những người tiền nhiệm để lại, trong đó vấn đề quan trọng nhất là điều chỉnh lại quan hệ Mỹ-Trung. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, nền kinh tế ngày càng lớn mạnh hơn, tự cho rằng đã đủ sức mạnh “trỗi dậy” nên bắt đầu thao túng thương mại toàn cầu theo nhu cầu riêng, đánh cắp công nghệ các nước và ngày càng gây hại cho Mỹ, còn WTO thì nhu nhược trước kẻ khổng lồ bất chấp đạo lý.
Nhìn bề ngoài thì xung đột thương mại Mỹ-Trung tương tự như nhiều vụ xung đột thương mại đã xảy ra trên thế giới, nhưng một trong những vấn đề quan trọng ít được chú ý là ĐCSTQ có nhu cầu mạnh mẽ về tuyên truyền tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và ý thức hệ. Đối với Mỹ thì thực hiện hai mục tiêu lớn là tước đoạt kinh tế và cân bằng sức mạnh quân sự. Hai mục tiêu này tương hỗ nhau, cố  gắng chiếm lợi thế về kinh tế và khoa học công nghệ để từ đó tập trung nguồn tài lực tăng cường sức mạnh quân sự, tạo áp lực lên Mỹ.
Cách tiếp cận này có một số điểm tương đồng với quan hệ ngoại giao và thương mại của Nhật Bản với Mỹ trước khi Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ. Do đó Mỹ không thể đơn giản nhìn vào các vấn đề hiện tại từ góc độ kinh tế mà phải chú ý ngăn chặn chiến lược của ĐCSTQ. Mặc dù giới chính khách Mỹ không ai bày tỏ rõ ràng vấn đề này, nhưng tình hình đồng thuận tiềm ẩn đang trở nên rõ ràng hơn.
Có nên thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu? Về vấn đề này thì các nước có lập trường khá khác nhau. Đối với Trung Quốc, tốt nhất là hoàn toàn không thay đổi, vì như vậy họ có thể tiếp tục lời to nhờ gây bất công với nước khác. Nhiều nước phát triển vừa và nhỏ khác vừa lo ngại bị thiệt hại từ Trung Quốc, nhưng vẫn muốn tiếp tục chiếm lợi từ Mỹ, vì vậy do dự không muốn thay đổi. Chỉ có nước Mỹ bị lợi dụng quá nhiều mới có động lực để quyết tâm thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu. Thực tế cũng chỉ có Mỹ mới có khả năng thay đổi được trật tự kinh tế toàn cầu, vì chỉ có Mỹ có quyền lực lớn hơn Trung Quốc mới có điều kiện làm được.
Hiện nay trước tình trạng ĐCSTQ không giữ lời hứa, WTO chỉ biết giảng giải đạo lý, kiên nhẫn chờ đợi Trung Quốc tự thay đổi; còn Trung Quốc thì chỉ sẵn sàng thay đổi khi thấy có lợi hoặc ít nhất không thiệt hại cho Trung Quốc, họ không thể từ bỏ cách làm gian lận khiến họ mất lợi thế, ví dụ cam kết từ bỏ các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các nước khác. Trong hoàn cảnh này, với tư cách nước chịu nhiều thiệt hại nhiều nhất trong quá trình toàn cầu hóa, nước Mỹ phải tự đứng lên bảo vệ lợi ích của Mỹ, vì các nước khác không mấy quan tâm việc Mỹ thiệt hại ra sao, lợi ích của Mỹ thì chỉ có thể do chính người Mỹ phải tự bảo vệ mình.
Chính sách thương mại mới của Mỹ đã phơi bày diện mạo u tối của TCHKT mà đã bị che giấu bao nhiêu năm, còn WTO thì nhu nhược trước trước ĐCSTQ. Có thể khẳng định TCHKT đã đi qua thời kỳ đỉnh cao, giờ đây đang sa vào cái bẫy của chính nó, thế giới sẽ buộc phải nhận thức lại cấu trúc kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Trình Hiểu Nông / Trithucvn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: