Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Thành phố viển vông

Kết quả hình ảnh cho ảnh lưu quang vũ

Có nhiều cách người ta đến với (Lưu Quang) Vũ, mà với nhiều người, LQV có lẽ chỉ là Vũ, như một mối tình không bao giờ nghĩ đến một cái đích, nhưng không bao giờ mất đi. Gọi là mối tình đầu, tình thứ hai hay thế nào cũng được. Quả đúng, bất cứ khi nào yêu được thì hãy cứ yêu đi, đừng băn khoăn gì cả, đừng nghĩ gì ngoài nó. Bởi thế, người đàn bà nào của Vũ cũng là tha thiết tận tim, bàng hoàng cơ thể. Người đàn bà nào cũng có thể tự thấy mình là người xứng đáng với tình yêu hơn hết, khi được Vũ yêu và khi yêu Vũ. Đừng ghen tuông, dù luôn khát khao tuyệt đối, và thường trực ghen tuông, vì tất thảy sẽ là “người đàn bà không có tên”, nhưng như khí trời để thở, như tình yêu để yêu, như thơ để sống… Chẳng có gì không là tận hiến và tận cùng đòi hỏi.

Vì lẽ nào mà Vũ đến với tôi? Không lẽ vẫn là từ người cha yêu thơ theo cách của một kẻ cô đơn tìm đến từ ngữ, có thể chỉ là việc tìm đến từ ngữ. (Cho nên với ông, thơ là Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Lưu Quang Vũ, Tú Xương mà cũng là cả Tố Hữu). Khi tôi 11 tuổi, vừa vào lớp 6, tôi đã thấy tình yêu trong câu chuyện này của bố (mà tôi không bao giờ biết hư thực): Vũ trở về nhà trong đêm sau một chuyến đi xa, đầu đội mũ cát, quần áo bạc bụi đường, mở cửa, và thấy người vợ (là ai?) đùa vui với một người khác, Vũ kéo mũ sụp xuống, lặng lẽ đi ra và không bao giờ quay lại nữa. Tiểu sử của Vũ chẳng bao giờ xác minh cho tôi chuyện này. Đó có thể chỉ là một nhầm lẫn, một mơ hồ của trí nhớ, của bố tôi, và rồi là của tôi. Vũ không phải là Lưu Quang Vũ, Vũ là một nhân vật.

Thế mà đến năm 2003, tôi 17 tuổi, tôi mới được tự mình đọc những bài thơ của Vũ, trong một cuốn sách (Cuốn “Lưu Quang Vũ thơ và đời”, nxb Văn hóa Thông tin 1997, bìa sách đơn giản với hình ảnh Vũ buồn bã, mơ mộng, sâu thẳm mà lại ngây thơ như một cậu bé ở giữa, màu trắng bao quanh) mà tôi mua được khi lang thang giữa trưa nắng gắt một mình, buồn bã, bé nhỏ và luôn hồi hộp, ở một thành phố mà tôi luôn nhớ về nó với câu thơ này: “Thành phố ngày anh mười bảy tuổi; Viển vông, cay đắng, u buồn”. Hồi đó, lớp chúng tôi đặt báo Văn nghệ, và tôi đọc câu thơ đó từ báo. Trong kí ức tôi thuở nhỏ, Hải Dương luôn là một thị xã hơn là thành phố, nơi tôi không bao giờ quên cảm giác lạ lẫm khi xe ô tô chạy qua cái chắn ngang cầu Phú Lương cũ, thường phải dừng lại khi có đoàn tàu chạy qua (mà sau này, chẳng bao giờ được đi ô tô phía cầu cũ đó, cây cầu và chuyến ô tô định mệnh nào đó đã là số phận của Vũ, của Xuân Quỳnh, bé Quỳnh Thơ để Vũ, như Hàn Mặc Tử, không bao giờ già cho nổi trong trí nhớ.). Nhưng Hải Dương hồi 17 tuổi của tôi đã là một thành phố, và không có câu thơ nào với tôi chính xác hơn thế : “Viển vông, cay đắng, u buồn”, dù kẻ nào cũng có thể mượn câu đó để cho là đúng với mình hơn hết. Đó là thành phố nơi tôi bắt đầu những tình bạn đặc biệt mà từ văn chương, chúng tôi kéo nhau lại với đời sống, hay từ đời sống được níu giữ lại nơi miệng vực của tâm trạng dễ tuyệt vọng và sẵn sàng đau đớn của tuổi trẻ mà chúng tôi tìm đến văn chương. Đó là thành phố của những hàng chè “trăm năm” (chè “năm trăm VNĐ/cốc), của những hàng bàng hoa trắng và quả mọng vàng ươm thơm phức trao tay nhau, của nhà ga cũ kĩ những tiếng rao, của những “chợ Con”, của ngõ nhỏ nơi tôi thấy mình như một gã trai “ vào mua bao thuốc/ngồi hút mà buồn tênh/em yêu hay không yêu/việc gì mà phải khổ?”, thành phố của con chim sẻ tóc xù, của bác thợ mộc, của cây táo ra hoa, của cái rạp hát không bao giờ mở cửa để “ngồi trong nhà hát đợi màn lên”, của những quán sách cũ lẻ loi, của hiệu sách sơ sài mà thèm khát…, thành phố của những mùa hoa ngâu rộm vàng ven hồ Bạch Đằng và thơm trong sổ thơ “Nắp đàn khóa sợi dây vẫn hát/Bao giờ ngâu nở hoa”... Thành phố nơi đầu tiên tôi biết tuyệt vọng mà không thôi khao khát lại. Thành phố mà một người bạn đã dành cho tôi những câu thơ này:

Em gầy như huệ trắng xanh
Ngọn lửa nhỏ giữa đôi bờ vực thẳm
Em kì diệu em âm thầm kiêu hãnh
Em cô đơn như biển lạ lùng ơi…

Khi đó, tôi gầy hơn bây giờ nhiều, có lẽ tôi cũng mãnh liệt hơn, cô đơn hơn, khao khát hơn, kiêu hãnh hơn, khi đó tôi chưa bị cái đời sống của nhiều quan hệ giao tiếp cười nói làm che lấp cái tôi, khi đó giữa những người bạn, bao giờ tôi cũng khiến họ vừa yêu thương vừa ngại ngùng không đến gần, khi đó tôi là đứa trẻ lạc loài, xa lạ giữa lớp học ồn ào, là một linh hồn, là một thứ hoa dại… Khi đó, tôi gần như tự thấy mình không có khả năng duy trì một đời sống bình thường giữa mọi người, lúc nào cũng bất ổn, ngổn ngang, thất thần. Sau này, có những lúc, tôi đã sợ sự hoạt bát vui vẻ mà tôi thêm vào gương mặt mình khi đã lân la làm thân với đời sống.

Ở thành phố đó, (chúng) tôi yêu Vũ. Chúng tôi chép tặng nhau những bài thơ của Vũ. Tôi đọc ngẩn ngơ hàng ngày những câu trong bài “Bầy ong trong đêm sâu” như dành cho tôi:

Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh
Thắp một ngọn đèn hồng như ánh lửa
Đêm sâu quá đêm nào biết ngủ
Chỉ con người đến ngủ giữa đêm thôi
Mà có ngủ đâu người ta đợi mặt trời
Đợi lâu quá nên để cơn mơ chờ đợi vậy…
… Con ong vàng bé nhỏ đến tìm em
Con ong trắng bơ vơ trong tổ nắng
Con ong đỏ là con ong thơ thẩn
Bay đi tìm hương nhụy mất từ lâu…

Nick yahoo đầu tiên của tôi là ongdo86 mà bạn bè thường đọc là Ông đồ.

Nhiều bài thơ khác của Vũ ám hơn, như những bài về chiến tranh. Nhưng những bài về tình yêu, hay chính là về tâm hồn thật là Vũ của tuổi 17 của tôi hơn. Kể từ đó, tình yêu với tôi thường cũng là dằn vặt, về bản thân mình và về tuyệt đối. Tôi yêu một quả chuông đập giữa hồi chuông vô tận của trời xanh, tôi yêu cách tôi hồi hộp, bồn chốn sống, lúc nào cũng thế.

Nhưng tôi không tin người yêu thơ Vũ có thể trả lời câu hỏi: Vì sao yêu thơ Vũ? Tôi đã nhiều lần bị hỏi câu này, có lần có lẽ đã làm mất toi mấy chục phút phỏng vấn của anh bạn ở đài truyền hình Hải Phòng, vì không sao ghi hình nổi và không sao nói năng suôn sẻ nổi (chỉ vì anh bạn nhất nhất bắt trả lời và bắt đọc thơ, hồi kịch của Vũ được diễn ở nhà hát Tuổi trẻ mấy năm gần đây). Nếu nói đến cách tạo dựng hình ảnh siêu thực, thì sự siêu thực của Vũ không thật quái lạ. Nếu nói cái mới về ngôn ngữ, cảm xúc…

Mọi thứ phân tích dường như là vô nghĩa.

Ở thơ Vũ, người ta có lẽ đã để xảy ra nơi tâm hồn mình sự nhập thân hay sự tự đồng nhất kì lạ, dù người đọc là nữ hay nam, là kẻ cô đơn hay có xung quanh bao niềm vui bè bạn, điều chỉ có khi người làm thơ như trút hết mình nơi đó. Hay Vũ đã “giết” người bằng những từ gây nguy hiểm mà cũng là những từ làm nên sức mạnh của tuổi trẻ, vì nó luôn tìm đến sự sâu thẳm, tận cùng, tuyệt đối, mà không bị màu mè, làm dáng, lão hóa hay sến rớt khi Vũ dùng: bàng hoàng, tận cùng, dằn vặt, bơ vơ, cô đơn… Thơ Vũ và Vũ trẻ, thực sự, ở sự khao khát cái tuyệt đối và sự thất vọng quá sâu đó, nhưng không bao giờ mòn mỏi. Mòn mỏi là trạng thái đáng sợ nhất của đời sống.

Rất nhiều năm sau tôi không đọc thơ LQV nữa, khi tôi lên đại học, Vũ vẫn là một kỉ niệm, một mối tình, mà Lưu Quang Vũ lại là một cái tên kí dưới các bài thơ mà, khi người ta nói đến nhiều thì tôi thấy xa xôi.

Nhưng cái thành phố viển vông cay đắng u buồn ấy, thì mãi mãi còn đeo bám tôi như số phận. Tôi đã hoài niệm nó ngay khi chưa rời xa nó. Cũng như tôi bây giờ vẫn thường bị tách khỏi đời sống hiện tại bằng căn bệnh hoài niệm mãn tính này.

Sao những ngày này, một tiếng nói của bạn cũng làm tôi nhớ đến mềm lại cả không gian Hà Nội bụi bặm này, khi lá bay vàng mặt phố như bầy cá nhỏ đùa bỡn, bằng lăng bỗng muốn nổi loạn và chẳng còn gì đáng kể ngoài tình bạn và tình yêu, (và thơ.)

Tôi chưa tin có người nào viết được về thơ Vũ mà không giết đi thơ Vũ, hay làm một việc thừa. Và thể nào cũng có kẻ ghen tuông với tình yêu tôi dành cho Vũ.

 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: