'Mỹ sẽ không đứng yên nếu TQ tiếp tục ép VN'
Cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Hoa Kỳ và 10 thành viên ASEAN từ 2 - 6/9/2019 , ở ngoài khơi Vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau ở cực Nam của Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý.
Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày có sự tham dự của ít nhất tám tàu hải quân và một số phi cơ được cho là có nhiều ẩn ý chính trị, nhất là đối với Hoa Kỳ, Việt Nam và Trung Quốc.
Trong bài viết ''Trung Quốc có nên lo lắng về tập trận hàng hải chung Mỹ-Asean?'', Tiến sĩ Collin Koh, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, phân tích ý nghĩa của cuộc tập trận hàng hải chung với Mỹ lần đầu tiên có sự hiện diện của cả 10 nước thành viên ASEAN với Hà Nội, Washington, và Bắc Kinh.
TS Collin Koh: Tập trận hàng hải ASEAN-US với tất cả các quốc gia ASEAN mang tính biểu tượng lớn. Điều đó có nghĩa là bất chấp sự bất mãn của Trung Quốc đối với những gì nước này xem là hành động bên ngoài xen vào tình hình Biển Đông, ASEAN rất muốn thấy sự tham gia của Mỹ trong một hiện diện quan trọng về quốc phòng và an ninh khu vực.
Riêng với Hà Nội, cuộc tập trận này cũng có thể tạo thành một hình thức ngăn chặn Bắc Kinh vượt qua ngưỡng sử dụng vũ lực để tìm cách thay đổi hiện trạng tranh chấp lãnh hải với Việt Nam.
BBC: Theo ông, với Hoa Kỳ, cuộc tập trận này mang ý nghĩa gì?
TS Collin Koh: Từ thời Tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã muốn có cuộc tập trận này nhưng mãi đến giờ mới thực hiện được. Cuộc tập trận này và tầm quan trọng của nó cần được nhìn thấy trong bối cảnh cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Trung Quốc gần một năm trước, và đề xuất của Trung Quốc trong Dự thảo Duy nhất Bộ quy tắc Ứng xử về Biển Đông (SDNT), hịện đang được các nước ASEAN đàm phán. Đề xuất này quy định rằng "các bên không được tham gia tập trận với những nước ngoài vùng, trừ khi tất cả các bên liên quan được thông báo trước, và không phản đối."
Về cơ bản, cuộc tập trận hàng hải ASEAN-US khẳng định vị thế của Hoa Kỳ đối với các cam kết an ninh liên tục trong khu vực.
BBC:Bài viết của ông đề cập đến vị thế của Hoa Kỳ theo Báo cáo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố gần đây. Theo ông thì những điểm quan trọng nhất mà Việt Nam và Trung Quốc cần rút ra từ báo cáo này là gì?
TS Collin Koh: Điểm nổi bật của Báo cáo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là chính sách tham gia quốc phòng và an ninh của Hoa Kỳ vào trong khu vực này không hề thay đổi mà còn sẽ tiếp tục được tăng cường. Về phía Việt Nam, Hà Nội có thể khai thác cơ hội này để nhờ Mỹ để đối phó với khẳng định chủ quyền ngày càng quyết liệt của Trung Quốc tại vùng Biển Đông. Còn với Trung Quốc thì Bắc Kinh phải thấy là trong việc vẫn cam kết giúp duy trì hòa bình và an ninh khu vực, Mỹ đã rất quan tâm với những hành vi của Trung Quốc tại vùng biển này.
Điều này có thể có nghĩa là Bắc Kinh phải nhận ra rằng họ không thể hoàn toàn thống trị để đạt được những gì họ muốn trong khu vực, mặc dù họ đã phát triển mạnh mẽ.
BBC: Ông có thể giải thích ý nghĩa chính trị của cuộc tập trận này đối với các cuộc xung đột ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhìn theo quan điểm của Bắc Kinh?
TS Collin Koh: Mỹ muốn hợp tác khai thác năng lượng với Việt Nam. Nhìn trong bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ chiến lược vừa chớm nở giữa Hà Nội và Washington, cuộc tập trận này không chỉ báo hiệu sự bền vững của hiện diện an ninh của Hoa Kỳ ở vùng Biển Đông, mà còn có thể ám chỉ rằng Mỹ sẽ không đứng yên nếu Bắc Kinh tiếp tục tìm cách ép buộc Việt Nam phá vỡ các quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Điều này có thể phục vụ như một tín hiệu cảnh báo xác thực cho Trung Quốc. Ngay cả khi Bắc Kinh không rút lại mối đe dọa vũ lực ở cường độ thấp, ít nhất điều này có thể ngăn cản họ bắt tay vào các hành động quyết liệt hơn.
BBC:Ông viết rằng ''ASEAN có thể là phe chiến thắng lớn nhất trong cuộc tập trận này''. Tại sao?
TS Collin Koh: Tất nhiên, ASEAN có thể khẳng định tính trung lập của mình, và quan trọng hơn, khẳng định khái niệm bao gồm (inclusivity) của nó - khác với quan điểm loại trừ (exclusivity) của Bắc Kinh - đối với kiến trúc khu vực. Tham gia tập trận với Mỹ cho thấy ASEAN và các quốc gia thành viên sẽ bảo vệ quyền tự chủ về chiến lược của họ trong việc lựa chọn với ai, và khi nào, họ muốn tham gia vào các hoạt động quốc phòng và an ninh bao gồm các cuộc tập trận chung. Và họ sẽ không phải chịu ảnh hưởng của bất kỳ quyền lực bên ngoài nào.
Về lâu dài, điều này chỉ có lợi cho ASEAN, và các cuộc tập trận có tính chất tương tự như vậy cũng có thể được tiến hành với các cường quốc khác.
BBC: Việc cuộc tập trận chung mở rộng đến mũi Cà Mau của Việt Nam, theo ông, có mang ý nghĩa gì không?
TS Collin Koh: Việc cuộc tập trận có thể kéo đến mũi Cà Mau, theo tôi, có thể có nghĩa là Trung Quốc phải xem xét yếu tố Biển Đông đằng sau cuộc tập trận hàng hải giữa các nước ASEAN và Mỹ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng việc tập trận đến tận đây được thiết kế có chủ đích truyền tải một thông điệp như vậy.
Tôi không có thông tin riêng tư về lý do tại sao cuộc tập trận lại đến gần Cà Mau, nhưng có lẽ sẽ không sai khi cho rằng ít nhất một số quốc gia thành viên ASEAN sẽ không thoải mái nếu việc tập trận đến Cà Mau rõ ràng là có ý định gửi tín hiệu Biển Đông tới Bắc Kinh, vì họ ngại bị cáo buộc tham gia nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo.
BBC:Với chuyến đi dự kiến của TBT Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ vào tháng 10, ông có nghĩ là chủ đềquan hệ chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam sẽ được mang ra bàn thảo luận không?
TS Collin Koh: Tôi tin như vậy. Như đã nói, Hoa Kỳ có lợi ích trực tiếp trong việc hợp tác năng lượng với Việt Nam, đặc biệt là dự án ngoài khơi của ExxonMobil tại vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, khía cạnh này sẽ tạo thành một phần của cuộc thảo luận về mối quan hệ chiến lược rộng lớn hơn. Nó cũng có thể bao gồm thảo luận về cách Hoa Kỳ có thể tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực xây dựng năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và thậm chí là chuyển giao phần cứng tiềm năng như tàu tuần tra.
BBC:Ông có nghĩ rằng Việt Nam đã sẵn sàng cho quan hệ chiến lược với Mỹ chưa, tại saocó hay không? Và trong mỗi kịch bản, yếu tố then chốt nào sẽ ảnh hưởng quyết định của Hà Nội?
TS Collin Koh: Trước bối cảnh những gì đang xảy ra ở Biển Đông cho đến giờ, tôi tin rằng Việt Nam, dù có thể không có ngay một hiệp ước liên minh với Mỹ, vẫn rất muốn, và sẵn sàng để tìm hiểu cách tăng cường thêm nữa quan hệ đối tác chiến lược của hai bên. Yếu tố Trung Quốc và tình hình căng thẳng trên Biển Đông sẽ là động lực chính cho kịch bản như vậy. Nhưng có thể vẫn có những thách thức cản trở việc này.
Bất chấp mong muốn đến gần nhau hơn về mặt chiến lược mà cả Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có, đặc biệt là trong quan điểm của họ về một trật tự thế giới dựa trên quy tắc, và đương nhiên, Việt Nam hoan nghênh việc duy trì sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực, vẫn có những khác biệt chính trị chưa được giải quyết về vấn đề nhân quyền. Khía cạnh này cho đến này chưa được đề cập đến, và dường như đã được gác qua một bên, khi cả hai nước đang tìm cách nhấn mạnh sự tương đồng, thay vì khác biệt, trong quan hệ đối tác của họ. Tuy nhiên, chúng ta không thể giảm khả năng là vấn đề này tái xuất hiện để ám ảnh giới tinh hoa về chính sách ở cả hai thủ đô.
Hà Nội có thể có một hướng đi là sẽ tiếp tục giữ quan điểm cởi mở trong việc đối thoại với Mỹ về vấn đề nhân quyền, nếu chủ đề này thỉnh thoảng xuất hiện trong tương lai. Một cơ chế đối thoại lành mạnh sẽ rất hữu ích trong việc làm để giảm thiểu bất kỳ phản ứng bất lợi nào có thể có trên quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét