Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

Chuyện về vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên



Theo wikipedia, năm 1976, Chu Văn Tấn được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, không lâu sau đó, quan hệ Việt - Trung trở nên căng thẳng và xấu đi nhanh chóng, cao điểm là việc Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan trốn sang Trung Quốc và cuộc chiến tranh Việt - Trung vào năm 1979. Do có quan hệ gần gũi với Hoàng Văn Hoan, ông bị nghi ngờ và bị cách chức, bị cô lập chính trị và quản thúc tại gia, xa gia đình cho đến ngày qua đời. Sau này ông được phục hồi danh dự cũng không công khai như khi bị cách chức. Ông mất năm 1984 tại Hà Nội. Khi mất, Ông được an táng tại Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Hiện nay phần mộ của Ông đã được gia đình cải táng và đưa về nghĩa trang của gia đình tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Chuyện về vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
03/09/2019 Trần Kiến Quốc - Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Chính phủ lâm thời, gồm 15 thành viên: Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao - Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm thứ trưởng Quốc phòng - Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phạm Văn Đồng cùng các bộ trưởng: Trần Huy Liệu, Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Phạm Ngọc Thạch, Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Tố và 2 Ủy viên chính phủ Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân.

Thiếu tướng Chu Văn Tấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng 
Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc (2.1951) . Ảnh TL
Ngày 2/9/1945, Chính phủ ra mắt quốc dân. Ngày 3/9, họp phiên đầu tiên.
Bài viết sau đây xin giới thiệu về một trong những thành viên chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Bộ trưởng Quốc phòng Chu Văn Tấn.
Ông sinh năm 1910 trong một gia đình thổ hào người Nùng, thuộc tổng Lâu Thượng, châu Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Cụ Chu Văn Hòa, thân phụ ông, từng tham gia nghĩa quân Hoàng Hoa Thám chống Pháp. Năm 1927, tốt nghiệp tiểu học ở Thái Nguyên, ông đi dạy học ở Bắc Hà. Thời gian (1931-1932), từng làm nhân viên địa chính và cai quản lính dõng cho chính quyền thực dân Pháp tại Võ Nhai.

Là người có học vấn và có tinh thần tự trị, ông thường xuyên đấu tranh với những quan chức thực dân để giảm áp bức và sưu thuế, vì vậy rất có uy tín với dân chúng trong vùng. Chính vì vậy, những người Cộng sản đã tìm cách bắt liên lạc và vận động ông tham gia cách mạng nhằm tranh thủ một thủ lĩnh địa phương để lôi kéo đồng bào các dân tộc trong vùng. Năm 1934 Chu Văn Tấn chính thức gia nhập hàng ngũ những người cộng sản. Dưới sự hướng dẫn của những người Cộng sản, ông bí mật xây dựng các đội tự vệ bán vũ trang Tràng Xá, Võ Nhai. Năm 1936, Chu Văn Tấn gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương với bí danh là Tân Hồng.

Khởi nghĩa Bắc Sơn

Năm 1940, Chu Văn Tấn tham gia Đội Du kích Bắc Sơn gồm 32 chiến sĩ, do Lương Văn Tri làm chỉ huy, còn ông là phó. Sau khi khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri bị phục kích hy sinh, ông chỉ huy tiểu đội thoát vây về được Pắc Bó. Thời gian sau, nhận chỉ thị của Trung ương, Chu Văn Tấn trở về Võ Nhai, xây dựng Trung đội Cứu quốc quân 2, với 47 chiến sĩ. Cùng với Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, Cứu quốc quân của Chu Văn Tấn nhanh chóng phát triển, đánh du kích ở Tràng Xá, phát triển về Đại Từ, cướp được nhiều vũ khí của quân Pháp. Đội quân du kích của ông nổi tiếng khắp vùng làm cho các đội quân của Pháp hễ nghe tới tên ông đều tỏ ra khiếp sợ, coi đó là mối hiểm họa cực kỳ to lớn đối quân đội Pháp.

Tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (5/1945), 2 tổ chức này hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Tháng 8/1945, Chu Văn Tấn có tên trong danh sách Chính phủ lâm thời và là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên.

Chuyện ghi lại của một cán bộ cấp dưới

Thân tình với đại tá Kim Sơn - chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân, Ủy viên thường trực Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng quân – tôi được nghe ông kể: “Đầu tháng 8/1944, Đội du kích Tam Đảo, Quân Chu (sau này là trung đội Việt Nam giải phóng quân Phạm Hồng Thái) có vinh dự được đón “một đồng chí thượng cấp của đoàn thể” đến thăm. Đó là đồng chí Tân Hồng, cùng đi còn có 2 đồng chí Chu Phóng và Hà Châm. (Sau này tôi mới biết đồng chí Tân Hồng là Chu Văn Tấn). 

Là “thượng cấp” nhưng đồng chí có một tác phong vô cùng bình dị; cùng ăn những bữa cơm đạm bạc với măng chua, rau rừng; cùng ngủ với chúng tôi trên sàn nứa không có manh chiếu trong cái lán trống tuềnh toàng giữa rừng sâu. Có đêm đồng chí ngồi nói chuyện với chúng tôi tới khuya bên ngọn lửa bập bùng. Cứ nhẩn nha nói những chuyện thật giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc: Tại sao dân ta lam lũ thế này mà vẫn đói, vẫn rách? Rồi giải thích vì giặc Nhật, thực dân Pháp áp bức, nên chúng ta phải đánh đổ chúng… Rồi phải làm sao cho nhiều người dân hiểu điều này. Do vậy, đội du kích phải mở rộng vùng hoạt động ra các làng xã lân cận: lên phía bắc, xuống phía nam, làm thông “con đường Nam tiến”, bắt liên lạc với các đồng chí trong trại giam Bá Vân, với cơ sở của đoàn thể ở Phổ Yên, ở Hiệp Hoà và bên Vĩnh Yên, Phúc Yên…

Lần thứ hai, chúng tôi lại được gặp đồng chí vào ngày 21/4/1945, khi đồng chí cùng đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đi dự Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ ở Hiệp Hoà, Bắc Giang trở về Thái Nguyên. Cùng đi với còn có đồng chí Lý (Hoàng Hữu Kháng) – một trong 12 đồng chí vượt ngục chợ Chu, sau này là người bảo vệ của Bác Hồ. Các đồng chí lại giao cho chúng tôi nhiệm vụ phải đánh Nhật để mở rộng khu vực giải phóng, giữ vững đường liên lạc với Trung ương ở dưới xuôi, đưa đón các đoàn cán bộ của đoàn thể và Mặt trận ở dưới xuôi lên căn cứ địa Việt Bắc và trở về. Đồng chí Văn còn căn dặn về chủ trương của đoàn thể đối với người Pháp là thành lập Mặt trận nhân dân Đông Dương chống phát xít Nhật…

Lần thứ ba, tôi được gặp đồng chí Chu Văn Tấn ở Định Biên Thượng trong buổi lễ đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất Cứu quốc quân với Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân diễn ra ngày 15/5/1945, theo nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Khi này đồng chí Võ Nguyên Giáp là tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, còn đồng chí Chu Văn Tấn là chính trị viên.

Tại hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào tháng 8/1945 dưới sự chủ trì của Bác Hồ đã “thống nhất lực lượng vũ trang toàn quốc” thành Việt Nam Giải phóng quân vẫn do 2 đồng chí phụ trách.

Tháng 6/1945, thành lập Khu giải phóng gồm các tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và các địa phương phụ cận. Ban chỉ huy Khu giải phóng gồm các đồng chí: Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Đức Thanh (Đàm Minh Viễn - anh trai đồng chí Đàm Quang Trung) và đồng chí Phạm Văn Đồng. Sau này tôi mới biết đồng chí Chu Văn Tấn đã là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1936, đã sinh hoạt trong các chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Thái Nguyên; được Trung ương Đảng chỉ định tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ từ năm 1941.

Vị tướng có biệt danh “Hùm xám Bắc Sơn”

Có một điều ít ai biết rằng, người Pháp luôn đặt câu hỏi về vị tướng mang biệt danh “Hùm xám Bắc Sơn” đã từng khiến họ mất ăn mất ngủ. Thời gian 1967-1968, ông Gérald Guillaume - đạo diễn người Pháp, sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - chân dung một lãnh tụ. Viết xong kịch bản và quay xong những thước phim nhựa tư liệu về Hồ Chí Minh, ông Gérald đề đạt nguyện vọng dựng thêm bộ phim về một nhân vật lãnh đạo khác nhưng phải “rất Việt Nam”. Nghe xong, Hồ Chủ tịch vui vẻ: “Đồng chí Vũ Kỳ sẽ lo thủ tục đưa đoàn lên Việt Bắc, làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn”!”.

Biệt danh "Hùm xám Bắc Sơn" chính là do binh sĩ Pháp đặt cho Chu Văn Tấn từ thời kỳ chỉ huy Cứu quốc quân hoạt động ở Đại Từ. Đạo diễn Gérald lên Thái Nguyên, vào Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Đoàn làm phim được thượng tướng Chu Văn Tấn tiếp đón thịnh tình. Sau đó đích thân ông đưa đoàn về phỏng vấn và thực hiện quay tại Phú Thượng, rồi dẫn đi lấy tư liệu ở các địa danh lịch sử mà Đội Du kích Bắc Sơn, Trung đội Cứu quốc quân từng chiến đấu. Trở về Hà Nội, đạo diễn Gérald Guillaume tâm sự: “Ông Chu Văn Tấn là một con người vĩ đại theo đúng nghĩa của từ này!”.

Trở thành Bộ trưởng Quốc phòng

Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc gồm các ông Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào ngày 14 và 15/8/1945 đã quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc. Hội nghị đã bầu bổ sung Chu Văn Tấn vào BCH Trung ương. Một ngày sau đó, 16/8, Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào đã bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh đứng đầu và Chu Văn Tấn được bầu là Ủy viên… 

Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa - cướp chính quyền, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên ra mắt quốc dân đồng bào. Chu Văn Tấn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày 2 tháng 3 năm 1946. Năm 1948, Chu Văn Tấn là một trong 9 vị thiếu tướng đầu tiên được Hồ Chủ tịch ký quyết định phong hàm. Năm 1959, Chu Văn Tấn cùng Văn Tiến Dũng là 2 thượng tướng đầu tiên, được phong vượt cấp từ thiếu tướng lên. 

Thượng tướng Chu Văn Tấn từng là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ (1941-1945); Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa I, II và III (1945-1976). Ông từng đảm đương các chức vụ: Khu trưởng Khu 4, Tư lệnh kiêm Bí thư Liên khu 1, Tư lệnh kiêm Bí thư Khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc, đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V (1960-1976), trong đó từ khóa III đến khóa V làm Phó chủ tịch Quốc hội....

Ông mất ngày 22/5/1984 tại Hà Nội.

Tình bạn của 2 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Được dự hội ngộ của ông Trần Kháng Chiến và ông Chu Thành, con trai của 2 vị tướng Trần Tử Bình và Chu Văn Tấn, mới hay, cuối năm 1940 Trần Tử Bình từng nhận chỉ thị của Trung ương “tổ chức đánh chiếm thị xã Phủ Lý (tỉnh lị Hà Nam), ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn” nhưng sau đó có lệnh dừng. Tuy chưa gặp mặt nhưng Trần Tử Bình đã rất quý trọng Chu Văn Tấn. Sau ngày 9/3/1945, lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, Trần Tử Bình đã tham gia tổ chức cho hơn 100 tù chính trị vượt ngục Hỏa Lò thành công, sau đó về chiến khu Hòa Ninh Thanh. Tới Hội nghị quân sự Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) từ 15 tới 20/3/1945, ông Trần Tử Bình mới gặp ông Chu Văn Tấn. Sau đó Chu Văn Tấn lên Thái Nguyên xây dựng An toàn khu còn Trần Tử Bình về chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Sau ngày 19/12/1946, 2 ông cùng công tác ở Bộ Tổng tư lệnh trên Việt Bắc. Sau chiến thắng Việt Bắc Thu đông 1947, 2 ông lại cùng được cụ Hồ phong quân hàm thiếu tướng, rồi năm 1950 cùng tham gia xét xử Vụ án tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu. Tình bạn càng trở nên thân thiết.

Hòa bình lập lại, năm 1959, Chu Văn Tấn được phong hàm thượng tướng, còn Trần Tử Bình nhận nhiệm vụ đi làm đại sứ ở Trung Quốc. Tuy xa cách nhưng 2 ông vẫn giữ liên lạc.

Vừa nhận nhiệm vụ xây dựng Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1), Chu Văn Tấn còn nhận nhiệm vụ động viên, tổ chức đồng bào các dân tộc miền núi xây dựng con đường mang tên Đường Hạnh Phúc, dài 20 km, vượt dốc đá tai mèo, nối liền thị xã Hà Giang với Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc thuộc 8 tỉnh miền Bắc đã lao động quần quật trong 6 năm ròng (1959-1965), với trên 2 triệu lượt ngày công để hoàn thành con đường này. Riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi, đánh lấn từng centimet để thông đường trong 11 tháng. Và 14 thanh niên xung phong đã bỏ mình tại đây.

Là đại sứ ở Bắc Kinh, có quan hệ với các đồng chí trong Đảng cộng sản Nhật, ông Trần Tử Bình đã nhờ bạn mua cho chiếc đài Sony dùng 3 pin đại, để nghe tin tức từ trong nước. Một lần về nước, biết bạn mình thường xuyên phải đi công tác xa nhà, xa cơ quan, không có điện, không có phương tiện nghe tin tức; vậy là ông Bình đưa chiếc đài quý của mình cho bạn. Chỉ là chiếc radio 3 băng (sóng trung, sóng ngắn và FM) nhưng ngày đó rất giá trị. Vậy mà họ sẵn sàng chia sẻ, nhường nhịn nhau không hề toan tính.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2019

http://baovannghe.com.vn/chuyen-ve-vi-bo-truong-quoc-phong-dau-tien-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-19590.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: