Lãnh đạo là gì?
Thời trẻ, tui sống lang thang ở vài nước phương Tây (nên mới có cái tên lai căng Mai Cồ Leng), được chứng kiến cái sự “lãnh đạo” của các quan chức bên đó, thấy chẳng có chi đáng nói. Đến khi về nước, hàng ngày được sống dưới và theo sự lãnh đạo (hay gọi đầy đủ hơn, là lãnh-chỉ đạo) của các đòng chí ta, mới thấy nó khác nhau một trời một vực. Nhưng dù sao thì cũng thấy may, là mình đã được biết cái lãnh đạo kiểu tây, mới có cái để so sánh, để thấu hiểu cái sự lãnh-chỉ đạo của các đòng chí ta nó cao xiu đến thế nào.
Nhưng trước hết cần nói sơ sơ cái sự lãnh đạo bên Tây nó ra răng đã.
Bên Tây, trước hết nó có một cấy quan niệm rất là sai lầm, là con người được tự do muốn làm chi thì làm, miễn đừng phạm pháp. Anh/chị hay ông/bà cứ làm cái nghề của mình cho ổn thì được lãnh lương (và đóng thuế), rồi cứ rứa mà sống. Ngoài giờ làm việc, muốn mằn chi thì mằn. Ăn uống ngủ nghỉ hay đi du lịch là do chính mình tự quyết. Nói năng cũng do mình tự điều khiển cái mồm, miễn đừng phạm vào những tội liên quan đến sự nói như tội lăng mạ người khác, tội đe dọa dùng vũ lực. Việc lên tiếng phê phán đảng cầm quyền, hệ thống nhà nước hoặc phê phán đích danh các cá nhân, kể cả người đứng đầu nhà nước, không bị xem là tội.
Hàng ngày chẳng có anh quái nào chọc mũi vô cuộc sống của mình. Người dân sống như chỉ có mình với nhau, không biết đến quan chức là ai. Còn quan chức nhà nước, họ làm việc theo những gì ghi trong các bộ luật, theo những điều khoản quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của cái chức vụ mà mình đảm nhiệm. Quan cấp trên kiểm tra quan cấp dưới, làm không được thì có cơ chế để bãi nhiệm. Mỗi khi có sự kiện đột xuất, cấp trên có thể triệu tập cấp dưới họp bàn để đưa ra quyết sách. Nhưng việc họp không phải việc thường xuyên diễn ra.
Về đến nước ta, tui đụng ngay phải sự chỉ đạo của các quan chức đủ loại. Vốn quen với cái kiểu “tự do quá trớn” của dân Tây, lúc đầu tui điên lắm. Nhưng rồi đồng nghiệp và người nhà dần dần dạy cho tui cách thích nghi với sự lãnh-chỉ đạo của cấp trên. Lâu dần, tui cũng quen. Đến giờ thì thấy thiếu sự lãnh-chỉ đạo hàng ngày của các đòng chí nớ giống như thiếu chỗ dựa. Giờ mà cho tui tự do kiểu phương Tây thì chẳng khác chi 4 bức tường áp sát cơ thể từ 4 phía bỗng sụp đổ, con người ta bỗng lâng châng và té. Thiện tai!
Bây chừ tui xin điểm qua những việc làm thể hiện sự lãnh-chỉ đạo của các đòng chí ta.
Việc thứ nhất là HỌP. Họp cơ quan. Họp đơn vị. Họp đoàn thanh niên. Họp công đoàn. Mỗi tháng mỗi “tổ chức” họp vài lần. “Họp giao ban” thì tiến hành hàng tuần. Hàng năm hay vài năm thì có ĐẠI HỘI, toàn thể hoặc đại biểu. Nói chung, tuần mô cũng được họp ít nhất vài ba lần. Có thể bỏ làm để họp, chớ không được bỏ họp để làm. Trong mỗi cuộc họp, dứt khoát có một khoảng thời gian (trung bình cỡ 1 tiếng) dành để một đòng chí lãnh đạo cho ý kiến chỉ đạo. Trong ý kiến chỉ đạo, đòng chí lãnh đạo nhắc lại những cái ưu việt của CNXH, nhắc lại công ơn của cấp trên, nhắc lại những lời dạy của lãnh tụ về lòng yêu nước, về cần kiệm liêm chánh chí công vô tư, nhấn mạnh phải luôn cảnh giác với các thế lực thù địch, kể cả bọn cho VN ta hàng chục tỷ Mỹ kim ODA,… Thật cám ơn các đòng chí suốt non thế kỷ lúc mô cũng nhắc đi nhắc lại những thứ đó. Những kẻ “mất lập trường” và “biến chất” (như Thằng Em Mất Dạy của tui chẳng hạn), thì biểu nghe những thứ đó làm cái “éo” chi, thêm ngu người. Nhưng tui thì tui dần dần hiểu ra: không có những cuộc họp dày đặc như rứa thì con xã hội có mà loạn hết à. (Hôm rùi, một đòng chí thượng cấp còn nhắc “làm kinh tế nhưng phải nhớ công tác tư tưởng” đó. “Không có công tác tư tưởng thì làm kinh tế CHAY à” (giống như ăn cơm không có cá thịt ấy mà).
Việc thứ hai là việc ra nghị quyết. Trung ương ra nghị quyết. Quốc hội ra nghị quyết. Chánh phủ ra nghị quyết. Các cấp tỉnh huyện xã ra nghị quyết. Cơ quan ra nghị quyết. Chi đoàn ra nghị quyết. Hội phụ nữ ra nghị quyết. Nghị quyết từ việc lớn nhất đến việc bé nhất. Xác định đường lối cách mạng – ra nghị quyết. Quét ngõ trước nhà mình cũng có hẳn nghị quyết, mà không phải của chi bộ thôn đâu nhé, mà của hẳn tỉnh đảng bộ! Quê tui mà không có cấy nghị quyết tỉnh đảng bộ về việc dọn vệ sinh thì có mà rác ngập khắp nơi. (Bên tư bản không có nghị quyết cấp ủy chắc chắn là rứa! Cho chúng chết!)
Việc thứ ba là các chuyến “thăm và làm việc”. Thường là của các đòng chí cấp trên xuống các cơ quan, địa phương cấp thấp hơn. Trong các “buổi làm việc” (mà các chị VTV hay đọc dấu hỏi thành dấu huyền), các đòng chí cấp trên lại nhắc lại những cái ưu việt của CNXH, nhắc lại công ơn của cấp trên, nhắc lại những lời dạy của lãnh tụ về lòng yêu nước, về cần kiệm liêm chánh chí công vô tư, nhấn mạnh phải luôn cảnh giác với các thế lực thù địch, kể cả bọn cho VN ta hàng chục tỷ Mỹ kim ODA,…
Việc thứ tư là việc nhắc nhở, đốc thúc. Ở trên tui đã nói về việc ra các loại nghị quyết. Dưng mà các đòng chí lãnh đạo ra cũng rất thực tế, các đòng chí ấy thừa hiểu cái bọn dân đen, không đốc thúc đến nơi thì chúng nó biến nghị quyết thành giấy lộn. Cho nên quét ngõ cũng phải rao loa hoặc cử người đến nơi đốc thúc. Treo cờ vào ngày lễ, ngày tết, cũng phải nhắc nhở, đốc thúc.
Đó, vài ví dụ để quý vị thấy sự lãnh đạo nó quan trọng ra răng. Không có hàng ngàn hàng vạn những việc làm thể hiện sự lãnh-chỉ đạo như rứa, thì cấy đất nước ni nó biến chất, hóa ra giống như Xinh, như Hàn, như Mẽo, thì có mà chết bỏ bầm.
MICHAEL LANG
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét