Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Vì sao cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang bị bắt?

ĐSPL) – Quyết định bắt giữ nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo tin tức từ Tân Hoa Xã, quyết định khai trừ đảng đối với ông Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, được đưa ra tại "một cuộc họp vào ngày 5/12 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc". 
Ông Chu nguyên là ủy viên thường vụ Bộ Chính trí, bộ trưởng Bộ Công an và từng được coi là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc.
Vì sao cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang bị bắt? - Ảnh 1

Ông Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đã quyết định chính thức bắt giữ và tiến hành lập án điều tra các hành vi phạm pháp với ông Chu.
Quyết định điều tra trong đảng với Chu được công bố từ hồi tháng 7. Thông báo bắt giữ và chuyển sang cơ quan tư pháp được cho là bước đệm để tiến hành tố tụng hình sự.
"Các cuộc điều tra cho thấy ông Chu vi phạm nghiêm trọng về chính trị, tổ chức kỷ luật và bí mật của đảng", Tân Hoa xã cho biết. "Ông đã lợi dụng quyền hạn để trục lợi cho những người khác, nhận những khoản hối lộ lớn cho bản thân và gia đình".
Ngoài ra, ông Chu còn bị cáo buộc ngoại tình “với một số phụ nữ” và dùng quyền lực để đổi tình, tiền.
Chu Vĩnh Khang là ai?
Trước khi bước lên đỉnh cao quyền lực, Chu Vĩnh Khang từng là người đứng đầu ngành dầu khí Trung Quốc trong suốt 30 năm, rồi được thăng chức bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên (2000-2002) và bộ trưởng Công an (2002-2007). Năm 2007, Chu được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị, quản lý các vấn đề An ninh và tư pháp.
Vì sao cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang bị bắt? - Ảnh 2

Ông Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai.

Ông Chu Vĩnh Khang là đồng minh thân cận của “ngôi sao đang lên một thời” Bạc Hy Lai, người đã bị tuyên án tù chung thân năm ngoái. Vốn là một thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị, quyết định điều tra ông Chu Vĩnh Khang mang tính biểu tượng rất cao.
Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc “vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng”. Việc điều tra ông Chu đã phá vỡ điều kiêng kỵ “bất thành văn” là các cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc không bao giờ bị truy tố.
Ông Chu lên nắm chức lãnh đạo ngành an ninh với sự tiến cử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiền nhiệm Giang Trạch Dân. Đây là một chức vụ quan trọng, do ông Chu nắm trong tay các nguồn thông tin, các phương tiện trấn áp và chính điều đó đã trở thành mối đe dọa đối với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chu Vĩnh Khang vốn là ông chủ ngành công nghiệp dầu hỏa. Vụ triệt hạ ông Chu đưa ra một thông điệp cảnh cáo với các nhóm lợi ích rằng ngành công nghiệp này vẫn phải nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Ông Chu Vĩnh Khang có quyền lực bao trùm, nhưng không lại phải là “hoàng tử đỏ”.
Tờ Le Figaro phân tích chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình là một công cụ để lấy lòng dân, đồng thời làm suy yếu đối thủ tiềm tàng.
Vì sao cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang bị bắt? - Ảnh 3

Ông Chu Vĩnh Khang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Giới phân tích cho rằng nếu như Chu Vĩnh Khang bị đưa ra xét xử, có thể sẽ tồn tại nguy cơ tiết lộ những chi tiết làm tổn hại đến hình tượng và uy tín của đảng cầm quyền. 
"Chu Vĩnh Khang là một bài học phản diện", chuyên gia về Trung Quốc Joseph Fewsmith thuộc Đại học Boston cho biết. Nhưng chuyên gia cũng cho rằng việc thanh lọc các quan tham ở diện rộng không phải là cách làm chống tham nhũng lâu dài. 
Ngoài ra, Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung Quốc cũng khẳng định: “Hành động của ông Chu Vĩnh Khang là hoàn toàn đi người lại với bản chất và sứ mệnh của Đảng. Điều này đã làm tổn hại hình ảnh của Đảng và có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”.
Giới luật sư Trung Quốc cho rằng Chu Vĩnh Khang phải chịu trách nhiệm rất lớn cho sự yếu kém của nền tư pháp nước này, với chính sách duy trì ổn định bằng mọi giá. 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tham nhũng là một vấn nạn của Trung Quốc và có thể đe dọa đến sự tồn vong của Đảng.
Đăng Nguyễn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: