Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ

Ngô Minh

             Cách đây mấy năm, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tập chân dung văn nghệ sĩ viết theo lối văn chương độc đáo của nhà văn Nguyễn Quang Lập có tựa là Bạn văn. Cuốn sách dày 456 trang gồm những bài viết tài hoa mà Nguyễn Quang Lập viết đăng báo trong hai ba năm nay. Sách phác thảo gần 100 chân dung văn nghệ sĩ quen biết của nhà văn, có người đã mất, có người đang sống và viết trên khắp cả nước. Đây là những bài đã được in trên báo Tuần San Thanh niên, chuyên mục Giai thoại . Sau đó in trên blog Quê choa của Bọ Lập trong entry Bạn văn.  Blog Quê choacủa Nguyễn Quang Lập là một trong ít blog nóng nhất trên thế giới mạng hiện nay. Chỉ mới 4 năm, từ 2007 đến nay đã có  mấy chục triệu người truy cập. Một trong Entry của Blogquechoa lôi cuốn công chúng mạng nhất là chân dung văn nghệ sĩ, tức bạn văn. Lối văn chương này Nguyễn Quang Lập gọi là “khẩu văn”, tức là văn nói, một phong cách sáng tạo mới của Lập, rất  phù hợp với cuộc sống nghe nhìn nhiều hơn đọc hiện nay. Đây là cuốn sách thứ hai Lập đến với bạn đọc theo lối văn này. Cuốn trước là Ký ức vụn rất được độc giả chào đón.
             Trong Bạn văn có chân dung  người nổi tiếng và người không mấy nổi tiếng , nhưng tất cả đều được vẽ bởi những nét phác thảo hóm hỉnh, sâu sắc mà đậm chất  dân gian nên rất nổi bật. Có cả những câu chửi thề, nói tục. Lập viết tục nhưng không tục, vì đó là “một thứ mắm muối dư vị rất riêng, được Bọ Lập gia giảm có liều lượng vừa đủ  làm cho câu chuyện mặn mòi , làm đậm đà cho nhân vật được nói đến “ (Lời thưa đầu sách của Phạm Xuân Nguyên). Ví như tính cách mẹ Đốp rất quyết liệt của nữ nghệ sĩ xinh đẹp, chị MYZ trong bài Người đẹp: ”...Một đạo diễn từ Hà Nội vào làm vở, thấy chị thì thích lắm , làm bộ quan trọng , gọi chị ra riêng, nói anh muốn giao vở này cho em, có có thích không , chị nói em thích lắm. Ông này nói tối nay đi ăn tối với anh nhé, chị cười  nói ăn tối xong rồi sao nữa anh, ông này cười cười, nói em còn hỏi anh câu đó. Chị nói thôi, để em tụt quần  cho anh chơi ngay bây giờ, ăn uống làm gì cho mất thời giờ. Nói xong thì tụt quần liền. Ông đạo diễn vội vàng quay mặt, bỏ đi liền. Từ đó không dám ho he gì nữa.”
            Văn nghệ sĩ là những người lắm tài, nhiều tật, Nguyễn Quang Lập không hề né tránh cái “tật” đó mà viết về nó vừa ngộ nghĩnh, vừa sắc bén, cười ra nước mắt. Mỗi chân dung chỉ ba bốn trang sách khổ 13 x 20 cm, mà người nào ra người nấy, không lẫn và rất dễ đọc, vì ngắn. TrongBạn văn  có rất nhiều cái tên cứ nhắc đến là muốn mở sách đọc ngay như Trần Dần, Xuân Diệu, Nguyễn Minh Châu, Hữu Thỉnh, Xuân Sách, Phan Tứ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Phùng Quán, Thạch Quỳ, Hoàng Ngọc Hiến , Trần Vàng Sao, Đỗ Trung Quân., Hồng Ánh, Trọng Đài.v.v..
                Mỗi người một nét nhấn, rất ngắn, rất hài hước, mà đọc là nhớ như khảm vào tâm trí. Nhà văn Nguyễn Minh Châu luôn thu mình lại , khi đi hội thảo thì :”Vào cuộc người ta nói đông nói tây, anh cứ ngồi khóm róm, nơm nớp sợ người ta gọi đến tên mình, y chang cậu học trò không thuộc bài. Anh nói ông ạ, trên đời này tôi hãi nhất là người ta bắt tôi đi nói chuyện...” Còn nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ  xinh đẹp, hay thương  người và cả tin, khi đi sáng tác  ở Nha Trang, có ông nhà văn đeo lấy tán. Dạ không chịu. Thế là “ ông này giả đò đi thẳng ra biển, nói Dạ không yêu anh thì anh chết đây, rồi cứ thế lội ào ào. Chị hoảng quá, hai tay vẫy vẫy như khoát nước, cuống quýt hét ầm lên , nói yêu yêu vô đi vô đi, yêu yêu vô đi vô đi . Viết về tài đọc sách của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Bọ Lập viết :” nó đọc nhanh kinh hoàng...Đọc đâu nhớ đấy, nhớ rất kỹ, rất chi tiết thế mới phục. Cùng một cuốn sách,  mình nhằn mất cả tuần, nó chỉ xơi vài giờ là xong, thế mà động đến chi tiết nào mình đều phải hỏi nó”. Còn nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì  “ Đi đâu có khát nước cháy cổ anh cũng cố chạy về nhà  uống nước chứ chẳng chịu mất cho quán nước một xu, còn bảo vào quán uống chén trà thì anh cười lắc đầu , nói trà ở nhà mình cũng có, vô đó mần chi...”.v.v..
            Nguyễn Quang Lập quan sát rất sắc sảo, chỉ một nốt ruồi dưới cằm của ông Tường ( nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) cũng biểu hiện khác nhau tùy theo tình cảm  của nhà văn. “Đêm đó tại Đại học Sư phạm Huế, hàng ngàn  sinh viên kín đặc hội trường lớn đón anh Sơn ( Trịnh Công Sơn). Hiếm khi nào thấy anh Tường xúc động, hồi hộp đến thế, cái nốt ruồi to dưới cằm anh giật giật liên hồi”. Mọi người ngưỡng mộ đến thế, nhưng đến khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn  lên sân khấu chỉ nói vài câu và hát đúng một bài Em là hoa hồng nhỏ, rồi xuống, làm Hoàng Phủ lại không vừa lòng, “ mắt anh Tường thoáng buồn, cái nốt ruồi đứng im phăng phắc” ( Chuyện nhỏ hai người bạn)
                  Viết chân dung  hài hước, ngắn thế, nhưng mỗi người Nguyễn Quang Lập cũng lẩy ra được những dấu lặng của  cuộc đời rất xúc động . Giữa thời khăn khó cơm áo, nhà thơ Thạch Quỳ, ông đồ gàn xứ Nghệ thì :”...Hồi này xứ Nghệ có phong trào nuôi hươu sao, một con hươu cái đến mấy chục triệu. Anh khoác vai chị ( chị Nhã, vợ) hôn đánh chụt , nói em có biết anh mơ gì không , anh mơ sáng mai ngủ dậy , bên anh không phải là em mà là một con hươu sao... Chị  không cười, nước mắt rân rấn. Anh cười khấc khấc khấc, chẳng phải cười, nghe như anh cố khạc ra  mấy cục đắng ngắt.”.
              Viết về “khẩu văn” của Nguyễn Quang Lập, nhà văn Bảo Ninh cho rằng :” Anh viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết được như thế....Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi “. Bảo Ninh nói  chí lý. Nhưng tôi lại  muốn nghĩ thêm. Bọ Lập viết dễ ,viết nhanh vì đã phát kiến ra được lối văn “khẩu ngữ” gần gũi với đông đảo người đọc. Chỉ có lối văn này mới tạo ra được phong cách hài hước, buồn cười mà cuốn hút người đọc.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: