Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Dính bẫy thu nhập trung bình:Việt Nam khó tránh 'rác công nghệ'


(Doanh nghiệp) - Xu thế chấm dứt công nghệ cũ và thay thế cái mới của các nước trong đó có Trung Quốc là có nên phải cảnh báo để doanh nghiệp tỉnh táo hơn.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ với Đất Việt bên hành lang Quốc hội chiều 28/11. Theo ông Lịch: Việc Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra nhận định năng lực sáng tạo của Việt Nam còn yếu và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình không phải là mới và nguy cơ nhập công nghệ cũ vẫn có thể xảy ra nếu không tạo được cuộc chơi để thị trường thanh lọc.
Chỉ lo dự án công
PV: Thưa ông Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế trong Báo cáo đánh giá KHCN và đổi mới sáng tạo vừa được công bố đã chỉ thẳng: Năng lực khoa học, công nghệ và sáng tạo của Việt Nam còn yếu, hệ thống sáng tạo quốc gia còn non trẻ và manh mún. Nếu không cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo trong nước, Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Ông bình luận như thế nào về nhận định này? Theo ông nhận định mà WB đưa ra có thỏa đáng với Việt Nam?
TS Trần Du Lịch: - Thực sự việc Việt Nam mắc vào bẫy thu nhập trung bình là dựa trên hệ thống lý luận là qua 4 giai đoạn để công nghiệp hóa của một đất nước. Giai đoạn đầu là khai thác tài nguyên thô, làm gia công, dựa vào công nghệ, thương hiệu của nước ngoài là khởi đầu từ nông nghiệp đi lên.
Giai đoạn thứ hai là người ta bắt đầu tạo ra công nghệ sản xuất linh kiện phụ kiện, công nghiệp hỗ trợ để tạo ra giá trị nội địa hóa cao.
Phần lớn các nước phát triển ở mức giai đoạn hai, là khi người ta có thu nhập khoảng 5.000-7.000 USD/đầu người. Đa số các nước phát triển trên thế giới đến giai đoạn này thì dừng lại. Tức là nó không vượt qua được để đến với giai đoạn 3 là giai đoạn làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm riêng của mình (giống như Hàn Quốc chẳng hạn).
Giữa giai đoạn 2 và giai đoạn 3 thì người ta gọi đó là bẫy thu nhập trung bình. Tức là người ta sa vào đó mà không thoát ra được.
Mấy chục năm vừa qua phần lớn các nước đang phát triển bị rơi vào bẫy này mà không thoát ra được. Có nghĩa là không thể trở thành một nước công nghiệp được và bị gọi là thu nhập trung bình.
Từ cơ sở này người ta mới đánh giá Việt Nam nếu như không làm chủ được công nghệ để bắt đầu sản xuất linh kiện, phụ kiện trong công nghiệp hỗ trợ; không tạo ra công nghệ để tạo ra sản phẩm của mình thì tới giai đoạn hai là dừng lại.
Có thể thấy những cảnh báo đó không phải bây giờ WB nêu chúng ta mới biết mà nhiều chuyên gia trong nước những năm gần đây đã nhắc nhiều và cá nhân tôi trên nhiều diễn đàn cũng đã nói chuyện này.
Tức là chúng ta nhìn thấy rõ điều này và phải thẳng thắn nhìn nhận cho tới nay Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 1 - tức là gia công và dựa vào công nghệ nước ngoài. Thậm chí kể cả giống lúa, giống trái cây cũng dựa vào công nghệ nước ngoài.  
TS Trần Du Lịch: hiện nay Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 1 - tức là gia công và dựa vào công nghệ nước ngoài.
TS Trần Du Lịch: hiện nay Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 1 - tức là gia công và dựa vào công nghệ nước ngoài.
PV: - Thưa ông rõ ràng thực tế này đã được nhìn nhận trong khi đó thời gian qua Việt Nam đã nhập khá nhiều công nghệ được cho là lạc hậu từ nước ngoài và trở thành 'bãi rác công nghệ' của thế giới, đặc biệt là nhập công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Thế nhưng việc ngăn công nghệ lạc hậu đến nay vẫn chưa có 'rào' hữu hiệu trong khi Thông tư 20 của Bộ KHCN nhằm hạn chế rác công nghệ thì không thực hiện được. Theo ông phải hiểu mâu thuẫn này như thế nào? 
TS Trần Du Lịch: - Thực sự về điều này thì hiện nay Luật Khoa học công nghệ đã có quy định về tiêu chuẩn, chất lượng.
Có một mâu thuẫn là khi doanh nghiệp làm thì thường chọn nhập cái gì thấy có lợi cho họ thì họ làm mà không quan tâm đó là công nghệ cao hay thấp. 
Với các nước trong chính sách đều hướng các doanh nghiệp đi theo hướng lựa chọn công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên ở ta tôi thấy rằng đang thiếu cái đó.
Đây là góc độ về quản lý nhà nước trong thời buổi kinh tế thị trường là nhà nước phải định hướng được doanh nghiệp phát triển loại gì, công nghệ gì... thì chính sách cần tác động lên thị trường. Từ đó doanh nghiệp sẽ chịu sự tác động chi phối của thị trường và chắc chắc doanh nghiệp sẽ chọn cái gì có lợi thì họ làm theo.
Cho nên nếu ta kêu gọi chưa chắc doanh nghiệp đã làm theo bởi vì đã là doanh nghiệp thì cứ cái gì có lợi nhuận cho họ thì họ làm. Doanh nghiệp cần tiền hơn là cần "oai".
Thực sự quy định ngăn chặn thì đã có và cũng khá chặt chẽ. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng hiện nay có nhiều nhà máy ở nước ngoài, máy móc thì mới nhưng công nghệ lại cũ.
Chúng ta đã có một thời vướng bài học từ vụ xi măng lò đứng rồi. Do vậy cái này còn tùy thuộc vào các hoạt động của doanh nghiệp nữa.
Tuy nhiên giờ tôi chỉ lo các dự án nhà nước thôi, chứ còn với dự án tư nhân người ta tự biết phải làm gì để cạnh tranh được và như thế rõ ràng.
Cũng phải thấy rõ một điều là chúng ta không nên áp đặt ngay mà phải có quá trình và để doanh nghiệp tự tính toán chứ không phải cái gì nhà nước cũng cấm.
Do vậy chúng ta đưa ra những ngăn chặn thiết bị cũ thì được để tránh biển Việt Nam thành bãi rác. Còn công nghệ thì phải thích nghi.
Cảnh báo nhập công nghệ cũ
PV: - Trong khi chúng ta vẫn còn chưa có những tiêu chí rõ ràng cho việc nhập công nghệ thế nào là lạc hậu thì hiện nay Trung Quốc đang thực hiện thải công nghệ lạc hậu để vươn kịp với nền sản xuất thế giới. Nhiều chuyên gia cũng dự đoán rất có thể Việt Nam sẽ không tránh được việc nhập rác Trung Quốc lần hai. Cá nhân ông có lo ngại điều này? Theo ông liệu Việt Nam có thể tìm cho mình cửa thoát?  
TS Trần Du Lịch: - Phải nói là nhiều nước có xu hướng này chứ không riêng gì Trung Quốc. Tức là nó có thời kỳ gần chấm dứt công nghệ cũ và thay thế công nghệ mới nên họ tìm cách xuất khẩu nhanh cái cũ đi.
Tôi nghĩ trong chuyện này chúng ta phải có cảnh báo để doanh nghiệp tỉnh táo hơn. Hiện nay về mặt quản lý nhà nước cũng đã quy định rõ nhưng chúng ta không thể nào làm áp đặt theo kiểu chỉ cho phép cái này mà không cho phép cái kia.
Chúng ta chỉ có thể ngăn thiết bị cũ, còn về công nghệ thì phải để cho thị trường chấp nhận. Còn nhà nước cũng không thể nói doanh nghiệp cần chọn công nghệ này công nghệ kia. Các doanh nghiệp sẽ phải tự chọn để có thể cạnh tranh được với thị trường.
Ví dụ khu vực của nhà nước thì nên hướng tới khu vực công nghệ cao còn khu vực tư nhân để họ có lựa chọn.
Tôi tin rằng với việc lựa chọn ông nghệ mà không cạnh tranh được thì không dại gì họ làm.
Nói như vậy để thấy rằng không nên nói chung chung là nước phải cấm cái này, cái kia... Với công nghệ chúng ta đừng bao giờ áp đặt mà phải để cho chính thị trường sẽ có yêu cầu.
Do vậy doanh nghiệp nhà nước tôi cho rằng nhà nước phải đi trước bởi vì nhà nước đầu tư không thuần túy chỉ là câu chuyện lợi nhuận.
Nếu khu vực nhà nước làm tốt thì thị trường sẽ phải theo vì họ không cạnh tranh được
PV: Theo ông nếu tiếp tục nhận công nghệ lạc hậu, hậu quả của nền kinh tế sẽ là gì? Và vấn đề trách nhiệm với việc này nên nhìn nhận như thế nào?
TS Trần Du Lịch: - Nếu chúng ta nhập công nghệ cũ, lạc hậu thì không thể cạnh tranh được và khấu hao vô hình rất nhanh.
Đương nhiên khi doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ thì hàng hóa không thể cạnh tranh và hậu quả cuối cùng là nền kinh tế phải gánh chịu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
  • Bích Ngọc (thực hiện

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: