Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Chàng trai dân tộc H’Mông bán mì tôm dạo kiếm tiền học đại học

Dân tríNhà nằm sâu trong rừng nên ngay từ năm học lớp 3, Khang A Tủa sống trong túp lều tranh gần trường để theo đuổi việc học. Nỗ lực vượt khó, cậu học trò người dân tộc H’Mông thi đỗ 2 trường ĐH. Mỗi tối, Tủa đi bán mì tôm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt.

 >>  Bán chè nuôi giấc mơ giảng đường

Chàng trai dân tộc H’Mông bán mì tôm dạo kiếm tiền học đại học
Đỗ 2 trường đại học, chàng trai người dân tộc H’Mông Khang A Tủa chọn học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. 
Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên chàng sinh viên người dân tộc H’Mông Khang A Tủa. Độc giả có thể chia sẻ với em Khang A Tủa qua số điện thoại: 0168 649 4370
Khang A Tủa sinh ra và lớn lên trong một gia đình người dân tộc H’Mông tại bản Háng Tầu Dê, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tủa là con cả trong gia đình có 5 con, cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Do một năm chỉ thu hoạch được một vụ lúa nên cứ vào tháng 6 là gia đình hết gạo ăn. Những lúc như vậy, ai trong bản thuê gì bố mẹ Tủa cũng làm nhằm kiếm bát cháo cho anh em sống qua ngày.
Ở lều, ăn rau má để học chữ
Nhà xa trường nên ngay từ năm học lớp 3, Tủa đã phải xa nhà đi học. Không có tiền thuê nhà trọ, Tủa và em trai đã sinh sống trong một chiếc lều dựng gần trường học.
Chia sẻ thêm về điều này Tủa cho biết: “Thời điểm đó, gia đình em rất nghèo, bố mẹ chỉ có thể cho hai anh em 5.000 đồng/1 tuần để mua thức ăn, vì vậy bữa cơm của anh em em chủ yếu là gạo trắng và rau má. Nhiều lúc chán nản muốn bỏ học, nhưng được thầy cô động viên, em lại tiếp tục đến trường”.
Vượt qua thời điểm khó khăn ấy, lên cấp 2, Tủa thi đỗ vào trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải với tổng điểm đứng thứ 2 của xã. Vì nhà nằm cách trường 20km nên Tủa đã ở nội trú tại trường.
Do những năm cấp 1, việc học tập của Tủa thường xuyên bị bỏ dở, lại chủ yếu học bằng tiếng H’Mông nên khi xuống trường huyện học em khá khó khăn trong việc học tiếng kinh. Nhiều khi đi học, nhìn thời khóa biểu Tủa không hiểu gì nên em đã cầm hết tất cả sách vở mình có để đến lớp.
Nhờ ý chí và sự say mê học tập, Tủa đã vượt qua mọi khó khăn và kết quả là 2 năm học lớp 8 và lớp 9, em đều đạt thành tích học sinh giỏi. Ngoài ra, Tủa còn là học sinh duy nhất của trường nhận học bổng của chương trình “ Đèn đom đóm”.
Cấp ba, Tủa theo học tại trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tỉnh Thái Nguyên. Tại ngôi trường này, Tủa vẫn tiếp tục say mê với việc học, ngoài thành tích học sinh giỏi lớp 11 và 12, năm lớp 11 em còn nhận 2 giải Khuyến khích của cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tủa đã xuất sắc đỗ thủ khoa của trường với số điểm 53,5.
Clip tâm sự của em Khang A Tủa hiện là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội:


"Chỉ mong bán được thật nhiều mì tôm"
Do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nên trong đợt tuyển sinh đại học vừa qua Tủa không có cơ hội đi ôn thi như nhiều bạn bè khác. Thời điểm Tủa thi xong tốt nghiệp THPT, bố em không may gặp tai nạn, vì vậy em đã trở thành lao động chính trong gia đình để đi cày, bừa và phụ giúp mẹ cấy lúa.
Kỳ thi tuyển sinh vừa qua, một mình lặn lội xuống Hà Nội thi đại học, với số tiền 2 triệu đồng, Tủa đã phải ăn mì tôm để có đủ tiền chi phí cho 2 đợt thi. Bõ công học tập, Tủa đã trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (với tổng điểm 18,5) và Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên (với tổng điểm 19,5).
Quyết định theo học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngày nhập học, Tủa chỉ có vẻn vẹn số tiền 3 triệu đồng vay từ ngân hàng. Kể từ đó, để có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt, Tủa quyết định đi bán mì tôm dạo vào các buổi tối trong ngày.
Chia sẻ thêm về điều này, Tủa cho biết: “Ngày nào cũng vậy, em đi bán mì tôm từ 18h tới 23h đêm tại các trường ĐH như Bách khoa, Xây dựng, Thủy lợi và Giao thông Vận tải. Mỗi lần đi bán, em cho 2 thùng vào ba lô đeo trên lưng và 4 thùng ôm trước ngực. Nhờ việc bán mì tôm mà hàng tháng em kiếm được từ 1 triệu tới 1,2 triệu đồng, vì vậy, em không phải xin bất kì một khoản tiền nào từ gia đình”.
Tủa đi bán mì tôm dạo vào buổi tối.
Tủa đi bán mì tôm dạo vào buổi tối.
Sau các buổi sáng tan học, Tủa đến của hàng tạp hóa mua mì tôm rồi về nhà học bài và đi bán mì vào buổi tối.
Khi hỏi đến mong muốn hiện tại của mình, Tủa nói: “Mùa đông trên quê em rất lạnh, năm nào cũng vậy, bố mẹ và các em em đều không có đủ quần áo ấm để mặc. Vì vậy, em mong mình sẽ bán được thật nhiều mì tôm để Tết về có tiền mua quần áo ấm cho gia đình”.
Nhữ Trang

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: