Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

"Nhà báo chẳng là cái thá gì…"


Nam Đồng/ Pháp luật TP.HCM

BLA: Bài viết dưới đây đăng trên báo Pháp luật TP.HCM, tác giả là ông Nam Đồng, sếp cũ của tôi. Khoảng 10 năm trước, tôi làm việc tại báo này với tư cách là phóng viên, sau đó là Biên tập viên. Bài viết là một góc nhìn về nhà báo, nghề báo và tình hình báo chí tại Việt Nam nói chung. ( Về cá nhân, xin thắp một nén hương thành kính phân ưu cùng gia đình người đã khuất)

Sáng 23-11, tin buồn về nhà báo Võ Như Lanh ra đi đã khiến giới báo chí bàng hoàng tiếc thương. Pháp Luật TP.HCM xin ghi nhận lại tình cảm của người làm báo cùng thời và thế hệ làm báo sau này về một người anh đáng kính.

Ảnh: Nguyên TBT báo Tuổi Trẻ Võ Như Lanh (bìa trái) giới thiệu quy trình hoạt động tòa soạn với nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nhân dịp khánh thành trụ sở của báo. Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Năm 1969, tôi là sinh viên ĐH Y khoa đồng thời là sinh viên năm ba của ĐH Vạn Hạnh và anh Võ Như Lanh học năm tư cùng trường. Môn khó nhất đối với tôi là môn nhân chủng học. Lúc này, chúng tôi là cơ sở cách mạng, tổ chức có chỉ đạo là lập ra những hình thức biến tướng, tức những hình thức trung gian tập hợp sinh viên để tuyên truyền cách mạng. Anh Lanh lúc đó cũng nhận chỉ thị tổ chức ra những nhóm biến tướng, là lớp bồi dưỡng về nhân chủng học. Lần đầu tiên tôi biết anh Lanh qua lớp đó.

Người thiết kế đường lối của Tuổi Trẻ

Anh Lanh lúc đó còn là chủ tịch sinh viên ĐH Vạn Hạnh, còn tôi là tổng thư ký sinh viên Phật tử Vạn Hạnh. Lúc ấy ở ngay Sài Gòn có thể nói có ba lãnh tụ đấu tranh nổi tiếng nhất là Huỳnh Tấn Mẫm (Tổng hội Sinh viên Sài Gòn), Lê Văn Nuôi (Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn), Võ Như Lanh (Tổng hội Sinh viên ĐH Vạn Hạnh - một trung tâm đấu tranh thuộc loại dữ dội tại ĐH Vạn Hạnh). Sau đó tôi thoát ly ra vùng giải phóng, anh Lanh bị bắt bỏ tù.

Khoảng năm 1973, anh Lanh được trao trả ở Lộc Ninh và tổ chức đưa anh đi Paris để vận động phong trào cách mạng ở nước ngoài. Sau giải phóng, tháng 9-1975, tôi cùng một số anh em nữa cùng về xây dựng nên tờ Tuổi Trẻ. Kiểu cách làm báo lúc bấy giờ cũng giống như làm báo “phong trào” của trước năm 1975. Đại khái là tập họp một số sinh viên-học sinh về 55 Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch bây giờ) ăn chung, ở chung và mỗi ngày có các má, các dì mang gạo, rau và thực phẩm đến để cùng nấu nướng. Còn công việc làm báo thì bất kể ngày đêm…

Mãi đến năm 1977, anh Lanh mới được phân công về làm tổng biên tập. Mặc dầu đã có gặp gỡ anh trước đó nhưng bây giờ làm việc chung, tôi có cảm nhận anh là một người thẳng thắn, có phần nóng nảy và quyết liệt. Bài báo đầu tiên của báo Tuổi Trẻ chống tiêu cực phản ánh ông Nguyễn Minh Xuân, Giám đốc Bến xe Miền Tây, nói về vụ đoàn thanh niên đấu tranh chống tiêu cực với ông giám đốc Bến xe Miền Tây. Ông Nguyễn Minh Xuân (giám đốc) nói rằng: “Còn Nguyễn Minh Xuân này thì không có đoàn thanh niên”. Anh Lanh trực tiếp biên tập và đặt lại cái tựa là “Còn đoàn thanh niên thì không còn Giám đốc Nguyễn Minh Xuân”. Quả nhiên điều này sau đó đã thành hiện thực.

Tiếp theo đó, hàng loạt bài chống tiêu cực ra đời trên Tuổi Trẻ.

Song dấu ấn của tôi đối với anh Lanh không phải ở những bài chống tiêu cực mà là anh là người đặt nền móng, phương hướng và những quy định cụ thể về đường lối tác nghiệp của báo Tuổi Trẻ. Điểm nổi bật nhất tôi không quên và nó có tác động lâu dài cả tới bây giờ, đó là quyết tâm thoát khỏi bao cấp của báo Tuổi Trẻ. Giữa cuối năm nay, tôi được tham dự vào nhóm phản biện viết lịch sử báo Tuổi Trẻ. Anh em chúng tôi (những người trong ban biên tập hồi ấy) đều nhìn nhận rằng anh Lanh như là một nhà kiến trúc sư thiết kế nên vóc dáng, đường lối và thực hiện tờ báo. Người tiếp nối để thực hiện bản vẽ này một cách khá trung thành là chị Kim Hạnh. Chị Kim Hạnh tận tụy, quyết liệt, sáng kiến đưa Tuổi Trẻ có những bước phát triển đột phá nhưng phải nói đường lối chiến lược và phương châm là từ anh Võ Như Lanh. Bên cạnh đó, người bạn tâm đầu ý hiệp là anh Trần Minh Đức (tức anh Ba Lãng), Chủ tịch HĐQT Công ty Thế kỷ 21 bây giờ. Những ngày anh Lanh làm tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, báo còn nghèo lắm nhưng anh em sống gắn bó với nhau, mỗi người một tính khí, nhiều trận cãi nhau nảy lửa nhưng đều cùng mục đích chung và sau đó không ai vướng bận gì trong lòng cả.

Có một kỷ niệm nhỏ mà bây giờ tôi muốn sám hối trước vong linh anh Lanh, đó là có lần nhận định về một công việc liên quan tới một con người, tôi với anh Lanh đụng độ nhau nảy lửa. Vốn coi anh như là một người chân chính, tôi chỉ vào mặt anh và nói rằng: “Anh là một thằng Nhạc Bất Quần!” (một nhân vật quân tử dỏm trong Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung). Anh hồn nhiên trả lời: “Tôi không biết Nhạc Bất Quần là ai cả”.

Ngày ấy, báo Tuổi Trẻ rất nghèo nhưng lâu lâu vẫn tổ chức mượn xe chở nhau đi Vũng Tàu. Tổng Biên tập Võ Như Lanh ra lệnh: “Nhà thì mượn để ở, ăn thì đi chợ mua về tự nấu”.

Chị Hằng Nga lúc ấy lột vỏ tôm xước cả móng tay, càu nhàu: “Mình phải gọi cha Lanh là Tư tự nấu” (bởi anh Lanh còn có bí danh là Tư Cường).

Nhà báo chẳng là cái thá gì…

Sau này, tôi về làm báo Pháp Luật TP.HCM, có tổ chức nhiều khóa đào tạo phóng viên. Trong nhiều bài giảng, tôi luôn nhớ đến những ý của anh Lanh ngày tôi còn làm báo Tuổi Trẻ: “Nhà báo, anh là cái gì? Anh có quyền ban ơn, giá họa tới cho người khác? Anh chỉ là người đưa tin, anh ráng đưa tin trung thực đi. Hoặc giả anh chống tiêu cực ư? Đừng có làm ông Bao Công phán kẻ này chết, kẻ kia sống. Chắc gì anh đúng, đừng có ảo tưởng. Nhà báo chẳng là cái thá gì…”.

Có lần anh kể tôi nghe một câu chuyện có một nhà doanh nghiệp bị nhà báo “làm tay sai cho một thế lực khác” viết sai lệch và có tác hại cho doanh nghiệp. Khi bài báo in ra, nhà doanh nghiệp đó đau khổ vì phải chịu một hậu quả rất nặng nề trên thị trường. Anh Lanh hỏi: “Sao ông không viết thư đến báo nói rõ là bài báo sai?”. Ông doanh nghiệp ấy nói: “Tôi như thằng đứng dưới đất, ông nhà báo đứng trên lầu nhổ nước miếng vào mặt tôi. Tôi phun nước miếng lại thì tôi là người hứng đủ”. Câu chuyện ấy tôi vẫn đem vào giảng dạy trong quá trình đào tạo nhiều lớp phóng viên.

Khi giã từ báo Sài Gòn Giải Phóng về làm Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, anh nói với tôi: “Báo mình sẽ không chống tiêu cực”. Tôi ngạc nhiên. Lúc đó chống tiêu cực trên báo chí như là công việc vinh quang, tại sao anh nói vậy? Anh cười: “Mình làm báo tuần như một dạng tạp chí, cái lớn là truyền thông về chủ trương, chính sách và tác động tới chủ trương, chính sách chứ không phải đi vào những điều cụ thể. Vả lại chuyện cụ thể, tôi nói cho ông nghe, chả có tác động gì đâu, nếu có cũng nhỏ lắm. Đó là chưa kể đa số chuyện chống tiêu cực là cử điểu giữ tha nhân tiểu tiện (cầm chim cho người ta đái)”.

▲▲▲

Anh Tám Hùng (Đặng Thanh Tâm), Phó Tổng Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, bốn ngày trước gặp tôi có nói giọng buồn: “Mấy hôm nay bác sĩ chỉ truyền đạm cho ảnh thôi, bất cứ thứ gì đưa vào thực quản ảnh đều nôn ra…”. Im lặng một lúc ảnh nói: “Chắc tụi mình phải chia tay với bạn mình thôi”.

Anh Ba Lãng cách đây năm ngày vào thăm thấy anh Lanh gầy quá, anh nói rằng tôi nói ông có nghe được không. Nghe được, ông bóp cái tay tôi đang cầm tay ông đó. Anh Lanh lúc đấy không nói được, bóp tay anh Ba Lãng. Anh Ba Lãng nói tiếp: “Lúc trước tôi bị bệnh chỉ có 33 kg, vậy mà tôi sống thêm 37 năm, bây giờ ông hơn tôi hồi đó, sá gì mình sẽ còn gặp nhau dài dài”. Anh Lanh mỉm cười. Chị Mười Thanh (vợ anh Lanh) nói: “Hai tháng rồi mới thấy ảnh nở nụ cười”…

Tôi mong rằng người bạn thân yêu của tôi mang nụ cười ấy xuống cõi vĩnh hằng.

NAM ĐỒNG - Nguyên Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ,
Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM

---------------------
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: