Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Hải Phòng, bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954.
Là phóng viên báo Tiền phong ở Hà Nội đến 1959 với bút danh Tân Sắc.
Bị tù cải tạo 5 năm trong vụ án "xét lại chống Đảng" (1968 đến 1973).
Sau đó làm công chức ở xí nghiệp đánh cá Hạ Long hơn 20 năm. Ông trở lại văn đàn qua bài viết "Nguyên Hồng, thời đã mất" đăng trên tạp chí Cửa biển tại Hải Phòng tháng 3/1990.
Bùi Ngọc Tấn qua đời vào lúc 6g15 ngày 18/12/2014 tại nhà riêng vì bệnh ung thư phổi.
Hưởng thọ 80 tuổi.
Lễ nhập quan lúc 10 giờ ngày 19/12 tại 30 ngõ 800 đường Thiên Lôi, Hải Phòng. Lễ viếng bắt đầu lúc 11 giờ cùng ngày. Lễ động quan và di quan lúc 10 giờ ngày 20/12, mai táng tại nghĩa trang Ninh Hải.
Những tác phẩm chính của nhà văn Bùi Ngọc Tấn:
Nguyên Hồng, thời đã mất, 1993
Một thời để mất, hồi ký, 1995
Một ngày dài đằng đẵng, tập truyện ngắn
Những người rách việc, tập truyện ngắn, 1996
Chuyện kể năm 2000, tiểu thuyết, 2000 (đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh)
Rừng xưa xanh lá, ký chân dung, 2004
Kiếp chó, tập truyện ngắn, 2007
Biển và chim bói cá, tiểu thuyết, 2008 (đã được dịch ra tiếng Pháp, đoạt giải Henri Queffelec năm 2012)
Viết về bè bạn, ký, 2012 (in gộp Rừng xưa xanh lá, Một thời để mất và phụ lục)
Ra mắt trong tháng 12/2014: Hậu chuyện kể năm 2000 (hay Thời biến đổi gien)
Tháng 3/2014, ông tham gia Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, được tín nhiệm cử vào Ban Đại diện của tổ chức này.
“Viết là để mình được có dịp đối thoại với cái vĩnh cửu, là cố làm cho ra được vài trang sách chống chọi lại được với thời gian, là cố gắng không để mình bị "đo ván" dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Văn nghệ, theo tôi, quý trước hết vẫn là ở lòng nhân, là tình yêu thương con người. Tôi viết văn không phải để "cạnh khóe" ai, không phải viết cho bõ tức. Với tôi mỗi lần viết là để mình tốt hơn lên”.
(BNT trả lời báo Tuổi trẻ online, 23/01/2005)
Bùi Ngọc Tấn là một trong số không nhiều cây bút Việt Nam đương đại chiếm trọn lòng yêu quý và kính trọng của giới cầm bút cũng như bạn đọc người Việt trong, ngoài nước. Là một hình ảnh tiêu biểu cho các nạn nhân của chế độ toàn trị, ông đã sống gan góc, âm thầm biến những trải nghiệm đen tối của riêng mình thành những dòng viết tỏa ánh sáng nhân văn đến mọi người. Những trang viết trữ tình thâm thúy, hài hước đến cười ra nước mắt đã vượt lên trên mọi giá trị thông thường – sự điềm tĩnh kỳ lạ chứa đựng trong nó một sức mạnh ghê gớm đối diện với toàn bộ thiết chế của “cái Ác” trên đất nước ta, đạt tới cõi cao xanh là lòng yêu cuộc sống, yêu con người, yêu cái Đẹp đến đắm say.
Tình cảm của đồng nghiệp, bạn đọc, của giới văn hóa dành cho nhà văn đã thể hiện ở sự cưu mang tác phẩm Chuyện kể năm 2000, bất chấp những ngăn cản, sách nhiễu, trừng phạt của chính quyền; ở sự chăm sóc tận tình trong những tháng ngày ông lâm trọng bệnh.
Bùi Ngọc Tấn đã sống trọn vẹn cuộc đời khổ nạn và cống hiến, ông là hình ảnh của một dân tộc bị bạo quyền vùi dập, tước quyền sống, nhưng không khuất phục, vẫn bền gan nuôi ngọn lửa tự do nội tâm và khát vọng làm CON NGƯỜI đích thực. Ông là minh chứng cho chân lý: SỰ THẬT có thể bị bóng tối che phủ một thời gian, thậm chí dài, nhưng dứt khoát sẽ có ngày bùng lên tỏa sáng; con người có thể bị nỗi sợ cầm tù, nhưng rồi sẽ có ngày vùng thoát ra được để sống hiên ngang ngẩng đầu. Yếu tố thúc đẩy cái ngày ấy đến nhanh chính là những tiếng nói chân thực nhìn suốt đến đáy tâm khảm, những trang viết vắt kiệt cùng tâm huyết, chinh phục lòng người như của Bùi Ngọc Tấn.
Anh Tấn ơi!
Từ tận đáy lòng, tất cả chúng tôi cầu mong Anh ra đi thanh thản, vì Anh đã ở cõi đời này đủ để nếm trải hết cay đắng ngọt bùi và trả xong cho đời món nợ của mình. Anh ra đi trong vòng tay của người vợ thủy chung, của những đứa con hiếu nghĩa, của bạn bè gần xa không nguôi thương tiếc Anh.
Xin Anh nhận từ những người làm và đọc Bauxite Việt Nam một nén nhang thành kính.
Bx Việt Nam
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét