Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Về một vài dư luận xung quanh việc xét kết nạp Hội viên mới (2014) của Hội Nhà văn Việt Nam


PV - 31-12-2014 05:35:29 PM
  
VanVN.Net - Vừa qua trên báo Đại Đoàn Kết và một số trang báo mạng xuất hiện vài ý kiến về việc xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014. Nhìn chung, dư luận rộng rãi đều cho rằng những năm trước đây chất lượng kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam đều rất tốt, cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra với một vài trường hợp do không đủ số phiếu bầu, hay những trường hợp chỉ thiếu một phiếu mới đủ tỉ lệ quá bán cũng chưa được xem xét lại. Quy trình xét kết nạp Hội viên từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến việc xem xét bỏ phiếu ở các Hội đồng chuyên môn đều được tuân thủ nghiêm ngặt. Để làm rõ hơn những ý kiến này, phóng viên VanVN.Net có cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Nguyễn Hoa, Ủy viên BCH, Trưởng Ban công tác Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.

 PV: Trên báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 24.12.2014, có đăng bài “Cửa rộng – cửa hẹp và cái danh hội viên” của tác giả Vi Cầm (sau đó được một vài trang báo mạng trích dẫn) có nêu một vài ý kiến về việc rộng – hẹp trong việc kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, là Trưởng Ban công tác Hội viên, ông bình luận gì về điều này?

Nhà thơ Nguyễn Hoa: Tiêu chí và quy trình kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam là rõ ràng, được ghi rõ trong điều lệ của Hội. Hội luôn đánh giá cao việc có rất đông những người viết văn làm thơ, nghiên cứu phê bình và dịch thuật văn học là người Việt Nam tán thành tôn chỉ mục đích của Hội, chấp nhận điều lệ Hội, luôn phấn đấu để có nhiều sáng tác, nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng tốt để được trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế, danh sách những người có đầy đủ điều kiện tối thiểu (có hai tác phẩm được xuất bản thành sách), làm đầy đủ hồ sơ gửi về xin được kết nạp Hội luôn kéo dài. Năm 2014 có tới 616 hồ sơ. Việc hằng năm BCH Hội Nhà văn Việt Nam thường chỉ xét kết nạp được vài chục trường hợp là rất bình thường. Rộng hay hẹp là do yêu cầu về chất lượng của đội ngũ những người xin tham gia vào Hội ở thời điểm đó. Hội Nhà văn là một Hội chuyên ngành sâu về văn học, nên có những yêu cầu cao về chất lượng là điều tất yếu.

PVCũng trong bài báo trên, tác giả có chỉ đích danh một trường hợp, đó là nhà thơ Tân Linh, từng tuyên bố với phóng viên rằng: ông chưa làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam, vậy nên khi nghe tin mình có tên trong số những người đã đủ số phiếu cần thiết để được kết nạp năm nay, ông rất ngạc nhiên. Điều này có mâu thuẫn với điều mà ông nói về quy trình rất chặt chẽ trong việc kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam hay không?

Nhà thơ Nguyễn Hoa: Trước hết, đến thời điểm này, danh sách chính thức những nhà văn nhà thơ được kết nạp Hội năm 2014 vẫn chưa được chủ tịch Hội phê duyệt. Ông Tân Linh đúng là người đã có đủ số phiếu cần thiết để được xét công nhận là Hội viên. Việc xuất hiện thông tin về những phát ngôn của ông Tân Linh lập tức đã được Thường trực BCH Hội Nhà văn Việt Nam xem xét. Chúng tôi đã trực tiếp liên lạc với ông Tân Linh để hỏi thực hư về những phát ngôn của ông. Cũng rất nhanh chóng, ngày 26.12.2014 ông Tân Linh đã có bản tưởng trình gửi về Hội, giải thích về sự hiểu lầm của phóng viên báo Đại Đoàn Kết và xin lỗi BCH Hội về sự sơ xuất của ông. Là người trực tiếp phụ trách việc thụ lý hồ sơ xin vào Hội của các ứng cử viên, tôi xin bảo đảm rằng không có chuyện ông Tân Linh không có đủ hồ sơ theo yêu cầu mà đã được xem xét kết nạp. Ông Tân Linh sẽ phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn của mình với các cơ quan báo chí. Vụ việc này cũng đang được Thường trực BCH Hội Nhà văn Việt Nam xem xét.

PVVâng. Xin cảm ơn ông!


Đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam của ông Tân Linh


Bản tường trình của ông Tân Linh, Hội Nhà văn Việt Nam nhận ngày 29/12/2014


Phần cuối bản tường trình của ông Tân Linh

Cùng thời điểm diễn ra việc báo chí đăng phát những thông tin chưa được kiểm chứng về việc kết nạp Hội viên năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam còn có việc ông Đông La (tên thật là Nguyễn Văn Hùng) gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và một số các đồng chí lãnh đạo có thẩm quyền về việc ông đã bị đối xử không công bằng trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn hội viên mới kỳ này. Để làm rõ điều này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Khuất Quang Thụy, Ủy viên BCH, Trưởng Ban kiểm tra của Hội.

PVĐược biết ông Đông La đã có đơn khiếu nại gửi cho chủ tịch Hội, (ông Đông La cũng đã gửi thư và những lời phản ánh đến hộp thư của VanVN.Net), với tư cách là Trưởng Ban kiểm tra của Hội, ông có ý kiến như thế nào về trường hợp này?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi cũng đã được thông báo chuyện này, ông Đông La không gửi đơn trực tiếp cho Ban Kiểm tra của Hội, nên chúng tôi chưa thực hiện quy trình kiểm tra. Nhưng với trách nhiệm của mình, tôi cũng đã tự tìm hiểu vấn đề, hỏi ý kiến các đồng chí có trách nhiệm, nên có thể nêu ý kiến sau: Ông Đông La thuộc nhóm những tác giả hoàn thiện hồ thơ xin vào Hội muộn so với thời điểm đã công bố trên các phương tiện truyền thông. Cụ thể, ngày 3/12/2014, hồ sơ của ông Đông La mới được chuyển đầy đủ về Ban công tác Hội viên. Vì chậm so với thời điểm quy định, nên Ban công tác Hội viên đã phải xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực BCH. Trực tiếp Chủ tịch Hội, sau khi cân nhắc, đã quyết định đưa toàn bộ nhóm hoàn thiện hồ sơ chậm, trong đó có ông Đông La vào diện được các Hội đồng xem xét. Tại Hội đồng Lý luận Phê bình, ông Đông La đã đủ số phiếu để chuyển lên BCH xem xét. Trong phiên họp bầu chọn Hội viên mới, BCH đã thực hiện đúng quy trình bỏ phiếu kín. Khi kiểm phiếu, ông Đông La là một trong số những người chưa hội đủ số phiếu quá bán để lọt vào danh sách những người được công nhận kết nạp kỳ này. Đây là chuyện bình thường, không chỉ riêng ông Đông La, mà còn có rất nhiều trường hợp không hội đủ số phiếu một cách đáng tiếc.

PVTrong đơn khiếu nại, cũng như trong thư gửi VanVN.Net ông Đông La có kêu ca rằng: Tại hội nghị BCH, một vài ủy viên đã có những phát biểu bất lợi cho ông, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ông không đủ phiếu. Ông bình luận như thế nào về điều này?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi đã đọc kỹ đơn khiếu nại của ông Đông La, trong đó, ông không chỉ chỉ trích một vài người trong BCH, mà còn nêu tên nhiều người khác đã phát ngôn không có lợi cho ông ở chỗ này chỗ khác. Điều đó tôi không bình luận. Nhưng tôi có thể bảo đảm rằng tại cuộc họp xét kết nạp Hội viên, ngoài những phát biểu đánh giá tình hình chung, xem xét lại đội ngũ ở một vài địa phương đặc biệt, để các Ủy viên BCH cân nhắc trước khi bỏ phiếu sao cho lực lượng các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không có mặt quá tập trung ở những thành phố, đô thị lớn. Hội nghị cũng có bàn đến những trường hợp vì những lý do khác nhau mà những năm trước đã bị thiếu phiếu một cách đáng tiếc (như trường hợp các tác giả đã được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, và của các địa phương, đoàn thể khác.) Không có chuyện trường hợp của ông Đông La được đưa ra bình luận trong hội nghị.

PV: Vậy theo ông, việc ông Đông La nêu trong đơn khiếu nại rằng: Do BCH Hội Nhà văn Việt Nam bỏ phiếu chọn Hội viên mới chưa tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ là đúng hay sai?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Nguyên tắc hàng đầu trong việc điều hành mọi hoạt động của BCH Hội Nhà văn Việt Nam là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu BCH vi phạm nguyên tắc này thì không phải đợi đến ông Đông La mà hàng trăm Hội viên sẽ lên tiếng. Trong những nhiệm vụ lớn hằng năm của Hội, như xét tặng giải thưởng và kết nạp Hội viên thì nguyên tắc này càng được đề cao. Trong đơn ông Đông La cũng đề nghị các cơ quan cấp trên của Hội Nhà văn Việt Nam dùng nguyên tắc “tập trung” để xem xét và thay đổi kết quả việc bỏ phiếu của BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là ý kiến riêng của ông, tôi tin rằng các cơ quan cấp trên, nếu có đưa trường hơp của ông ra xem xét thì sẽ không chỉ sử dụng nguyên tắc tập trung mà còn đề cao một cách đầy đủ biện chứng nguyên tắc tập trung dân chủ để tìm hiểu sự việc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Ở ĐÂY
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: