Huệ Thiên
Hai kiến giải chính về quan hệ tộc thuộc của tiếng Việt là hai người Pháp: H.Maspéro và A.G.Haudricourt. H.Maspéro, trong Etudessur la phonétique historique de la langue annamite (1), một công trình nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc, đã dè dặt cho rằng tiếng Việt có thể là một ngôn ngữ Thái còn Haudricourt, trong một bài viết ngắn nhan đề Laplace du vietnamien dans les langues austroasiatiques (2), thì cả quyết rằng nó là một ngôn ngữ Nam Á. Theo nhận xét của S.E.Jakhontov thì kiến giải của Maspéro hình như phổ biến hơn nhưng kiến giải cua Haudricourt lại được xem là thuyết phục hơn (3).Còn Hoàng Tuệ thì cho biết rằng “ luận điểm của Haudricourt(…)là một đóng góp hết sức quan trọng”, rằng “ hiện nay trong các sách sử học, dân tộc học và ngôn ngữ học xuất bản trên thế giớivà ở Việt Nam, các tác giả điều nhất trí trong quan niệm dựa trên luận điểm của Haudricourt, quan niệm cho tiếng Việt thuộc họ Nam Á, nhánh Mon-Khmer, chi Việt- Mường”(4).
Luận điểm căn bản trong kiến giải của Haudricourt là: chỉ có thể dựa vào từ vựng cơ bản để phân loại tiếng Việt về mặt phổ hệ mà thôi: “Cái đó tính chất quyết định, đó là từ vựng cơ bản”(5).Trong một bài khác, vì buộc lòng phải thừa nhận rằng nguồn gốc của thanh diệu trong tiếng Việt hoàn toàn “không chứng minh được điều gì chống lại quan hệ tộc thuộc( của nó) với tiếng Thái” (6),Haudricourt lại võ đoán kết luận “Vậy quan hệ tộc thuộc của tiếng Việt phải được truy tầm bằng từ vựng cơ bản”(7).Ở một chỗ khác nữa, khi đề cập đến các ngôn ngữ đơn lập có thanh điệu, ông cũng khẳng định: “Quan hệ tộc thuộc trong loại hình ngôn ngữ này chỉ có thể căn cứ trên từ vựng”(8). Luận điểm trên đây là một luận điểm sai lầm.
Từ vựng cơ bản là bộ phận từ vựng bao gồm những từ diễn đạt các khái niệm thông thường nhất hoặc cổ xưa nhất mà loài người đã có thể biết được, đồng thời cũng thường có tần số xuất hiện cao trong sư giao tiếp của cộng đồng. Do những đặc điểm này mà những từ đó vẫn được nhiều người- trong đó tất nhiên có Haudricourt- quan niệm là những đơn vị sẵn có trong các ngôn ngữ đồng tộc khi chúng tách ra khỏi nguồn gốc chung chứ không phải là kết quả của những sự vay mượn ở các ngôn ngữ khác tộc, cũng không phải là kết quả của những sự vay mượn lẫn nhau giữa các ngôn ngữ đồng tộc sau khi chúng đã tách ra khỏi ngôn ngữ riêng biệt và độc lập. Đây là một quan niệm không đúng.
S.E .Jackhontov đã lưu ý rằng “về nguyên tắc, bất cứ từ nào cũng có thể được vay mượn” (9). Nhưng sau đó, tác giả lại phát triển thêm rằng “ những từ liên quan đến văn hoá thường dễ được vay mượn hơn cả; những lĩnh vực khác của từ vựng ( ví dụ những tên gọi bộ phận cơ thể, hay trạng thái thời tiết) thì hầu như không có yếu tố vay mượn” (10). Đến đây thì chính Jakhontov đã nói sai, ít nhất cũng là sai đối với tiếng Việt. Ngôn ngữ này có rất nhiều từ chỉ bộ phận cơ thể bất nguồn ở tiếng Hán, từ đầu, ức, sọ-lô, hàm, họng, hạng, thân, eo yêu,vế-bễ, (cùi) chỏ, trửu, cho đến tim- tâm, gan- can, tỳ, phổi- phế, thận…, rồi gân- cân, não, thịt-thoát, xương xoang v.v. Tiếng Khmer cũng vay mượn không ít từ chỉ bộ phận cơ thể của tiếng Sanskrit và tiếng Pali mà sau đây là chỉ là mấy trường hợp tiêu biểu: Khm.Kbal(đầu)<SKapàla; Khm. Kuj (dương vật)<Sk. Guhhya, P. Guyha; Khm. Kda (dương vật)<P. kàta; Khm. Kaj(thân thể)<Sk., P. Kayà; Khm. Kut (mông đít)< Sk., P guda (hậu môn); Khm. Can (chân)<Sk .,P. janghà,…Rõ ràng là đối với các từ chỉ bộ phận cơ thể, không phải là “hầu như không có các yếu tố vay mượn”, mà ngược lại, rất nhiều.
Những thí dụ trên đây trong tiếng Việt và tiếng Khmer đã góp phần khẳng định ý kiến của L. Hjelmslev: “Người ta không chỉ mượn một từ vì sự vật mà nó biểu hiện không có tên gọi trong ngôn ngữ đi mượn. Người ta vay mượn vì óc bắt chước, và những từ vay mượn thì phục tùng tất cả những sự thay đổi thất thường của thị hiếu. Người ta vay mượn vì cái từ của tiếng nước ngoài tao nhã hơn, hoặc ngộ nghĩnh hơn, hoặc vui tếu hơn, hoặc thú vị hơn và chỉ có tính võ đoán mới quyết định – không một sự tính toán nào dự kiến đươc nó- cái gì được xem là tao nhã, ngộ nghĩnh, vui tếu và thú vị”(11). Rõ ràng là sai lầm ý kiến cho rằng những từ thuộc từ vựng cơ bản không thể là những yếu tố vay mượn. Vậy không thể dựa vào từ vựng cơ bản để kết luận về phổ hệ của một ngôn ngữ. Đó là một điều dứt khoát. Liên quan đến vấn đề này, sau đây là ý kiến xác đáng và rành mạch của A.Meillet mà chính R.Jacobson cũng hoàn toàn tán thành nên đã dẫn lại trong bài viết của mình: “Người ta không bao giờ có thể thiết lập quan hệ tộc thuộc của các ngôn ngữ bằng sự khác biệt hoặc sự trùng hợp về từ vựng”(12).
Lấy từ vựng cơ bản làm nền tảng để xây dựng kiến giải của mình về phổ hệ của tiếng Việt, rõ ràng là Haudricourt đã làm một công việc phiêu lưu. Như lời cảnh báo của J.Vendryes, đây là “một phương thức nguy hiểm”(13). Huống chi phưng pháp so sánh của ông lại càng có nhiều điểm hoàn toàn không ổn. Để phản bác Maspéro, Haudricourt đã đưa ra 12 từ chỉ bộ phận cơ thể của tiếng Việt: (trốc=đầu, tóc, mắt, tai, mũi, miệng, răng, lưỡi, cổ,môi, cằm, tay) để so sánh với những từ tương ứng trong 10 ngôn ngữ được xem là Nam Á sau đây: Bahnar, Khasi, Khmer, Khmu, Kuy, Mnong, Môn,Mường,Phong và Samrê. Công việc so sánh của ông đã bộc lộ những khuyết điểm sau đây về mặt phương pháp:
1.Tiếng Kuy là một ngôn ngữ hãy còn được biết đến quá ít. Theo lời P.Lévy, tác giả của bảng từ vựng mà chính Haudricourt đã sử dụng, thì đây là một ngôn ngữ riêng biệt của một sắc dân đã từng bị người Khmer thống trị(14). Vậy hoàn toàn có khả năng là các yếu tố nguyên thuỷ của nó đã dần dần bị thay thế bằng những yếu tố vay mượn của tiếng Khmer. Trong trường hợp này, những từ “tương ứng” của tiếng Kuy không thể có giá trị để so sánh va phổ hệ. Huống chi trong bảng từ vựng ít òi của Lévy người ta còn thấy lẫn lộn cả những từ Kuy gốc Sanskrit (hẳn là mượn qua tiếng Khmer) như tévde (trời, thần)<Sk. Devatà;dak (nước)<Sk.phàla,…, thậm chí gốc Việt như dao (cây dao-d đọc như đ của tiếng Việt)<V.đao. Cả tiếng Samrê cũng chưa được biết đến mức có thể tin tưởng.
2.Tiếng Mường và tiếng Phong đã được khẳng định là những ngôn ngữ trong nhóm Việt- Mường. Bản thân chúng cũng cần được chứng minh là những ngôn ngữ Nam Á. Vậy đưa những từ của tiếng Mường và tiếng Phong vào bản so sánh để khẳng định nguồn gốc Nam Á của các từ Việt tương ứng là đã làm một việc làm hoàn toàn nghịch lý. Haudricourt đã làm chuyện nghịch lý ở nhiều chỗ. Trong một bài khác liên quan chặt chẽ đến bài đang xét vì cũng liên quan đến vấn đề phổ hệ của tiếng Việt, do không tìm được một cứ liệu nào của các ngôn ngữ Nam Á để chứng minh rằng thanh sắc trong từ bốn (quatre) của tiếng Việt là một hậu quả gây ra bởi sự tiêu vong của hiện tượng tắc thanh quản (occlusion glottale), Haudricourt đã giải quyết tuỳ tiện như sau: “Nhưng sự phối hợp không phải là không thể xảy ra vì người ta đã nhận thấy nó trong một ngôn ngữ Tạng- Miến là tiếng Lushai”(15).Ông quên rằng một sự chuyển biến ngữ âm rất có thể xảy ra ở một ngôn ngữ mà lại không hề hoặc không thể xảy ra ở những ngôn ngữ khác đồng tộc với nó. Nguyên âm [u]của tiếng Latin đã trở thành [ii] trong tiếng Pháp nhưng vẫn tiếp tục được phát âm là [u] cho đến nay trong tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, và tiếng România (Ru-ma-ni), cũng là những ngôn ngữ Roman (languesromanes) như tiếng Pháp.Trong nội bộ các ngôn ngữ đồng tộc mà còn như thế, huống chi haudricourt lại lấy cứ liệu trong tiếng Lushai là một ngôn ngữ Tạng- Miến để chứng minh cho hiện tượng đoán già đoán non là đã xãy ra trong một ngôn ngữ Nam Á. Cách làm tuỳ tiện đó rất xa lạ với phương pháp so sánh nghiêm túc.
3/ Nhiều từ trong bảng so sánh của Haudricourt đã không lọt qua được một sụ thẩm định từ nguyên học chặt chẽ. Trốc, chẳng hạn, đã được ông xe là Nam Á, đối đầu với gốc Hán, bắt nguồn từ ghi bằng chữ mà âm Hán –Việt hiện đại là độc. Về ngữ nghĩa, chữ này đã được Mathews’Chinese- English Dictionary giảng là “the bones on the top of the head; a skull” và Hán –Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “xương đầu xương sọ”. Còn về ngữ âm thi tr đ là một cặp tương ứng mà người ta có nhan nhản những thí dụ. Hơn nữa, trốc độc thì cũng gần giống như trường hợp (Thiên) Trúc=(Thân) Độc, đều là những hình thức phiên âm từ tiếng Sanskrit Sindhu để chỉ nước Ấn Độ. Vậy trốc cũng là một từ Việt gốc Hán.
Cần nói rõ rằng Haudricourt đã mặcnhiên thừa nhận 92 từ Việt được xem là có gốc Môn- Khmer (Nam Á) do Maspéro đưa ra trong công trình năm 1912. Nhưng thực tế thì ít nhất 2\3 của số đó là những từ Việt gốc Hán trong khi không ít từ tương ứng của tiếng Khmer (mà Maspéro đưa ra) lại có gốc Sanskrit hoặc Pali. Một số khác là những từ Việt đã được tiếng Khmer vay mượn nhưng lại bị gáng cho một nguồn gốc Môn- Khmer. Số từ tiếng Việt được tạm xem là có nguồn gốc Nam Á rốt cuộc chỉ còn lại rất ít.
Những từ Nam Á ít ỏi đó có vị trí như thế nào trong từ vựng của tiếng Việt hiện đại? Đó là một cơ tằng (substrat). Mà cơ tằng thì chẳng can dự gì đến việc sắp xếp phổ hệ của một ngôn ngữ. Tiếng Pháp hiện đại có một cơ tằng gồm khoảng 60 từ Gaulois. Đây là tàn tích của tiếng Gaulois, một ngôn ngữ Celtic mà tổ tiên người Pháp đã nói cách đây từ 2000 năm trở về trước. Nhưng không có bất cứ nhà ngữ học so sánh nào lại nói rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ Celtic chỉ vì nó còn giữ lại được 60 từ Gaulois. Tất cả đều khẳng định rằng nó là một ngôn ngữ Roman, thoát thai từ tiếng Latin thông tục và đồng tộc với tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Rômania (Ru-ma-ni) cũng là những ngôn ngữ Roman như nó. Vậy cũng sẽ là hoàn toàn vô lí nếu cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ Nam Á chỉ vì nó còn giữ lại được vài chục từ Nam Á ít ỏi.. Chỉ khi nào chính Haudricourt chấp nhận rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ Celtic thì tiếng Việt mới là một ngôn ngữ Nam Á mà thôi. Ra đời từ năm 1953, kiến giải của Haudricourt đã dăng quang trong Việt ngữ học Việt Nam và đã thống trị ngữ tộc học về tiếng Việt trong suốt bốn thập kỷ qua.
Vì kiến giải của Haudricourt bất ổn như thế cho nên cũng đã có người thử điều chỉnh nó. Phạm Đức Dương, chẳng hạn, đã dung hoà nó với thuyết của Maspéro mà cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ “hoà hợp” có cơ tầng Nam Á và có cơ chế Đồng Thái (16). Chúng tôi sẵn sàng đồng ý với tác giả rằng tiếng Việt có thể có một cơ tằng Nam Á nếu nói về lịch sử của nó. Nhưng khi nói về phổ hệ thì cái cơ tằng đó lại chẳng có vai trò gì. Lịch sử của một ngôn ngữ và phổ hệ của nó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Xin lại lấy tiếng Pháp làm thí dụ cho dễ thấy vấn đề. Khi viết về lịch sử của ngôn ngữ này, người ta luôn luôn nhắc đến cái cơ tằng của nó là tiếng Gaulois vì đây chính là tiếng nói của tổ tiên người Pháp về sau đã bị tiếng Latin thông tục thay thế. Nhưng khi viết về phổ hệ của nó, người ta chỉ nói rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ Roman thoát thai từ tiếng Latin thông tục. Chẳng có ai gán ghép nó vào Gaulois. Ngôn ngữ không phải là một thực thể sinh vật học cho nên không thể xét phổ hệ của nó theo kiểu sinh vật. Do đó, tiếng pháp cũng không phải là một ngôn ngữ “hoà hợp”, nghĩa là một thứ tiếng lai, có cơ tằng Gaulois và có cơ chế Roman. Chính Haudricourt cũng bác bỏ phát ngôn ngữ hoà hợp. Cách diễn đạt của Phạm Đức Dương, suy đến cùng, chẳng qua cũng chỉ là một cách thừa thận rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ Thái.
Quả thật như thế, theo chúng tôi, cứ vào các dữ kiện được biết cho đến nay thì tiếng Việt là một ngôn ngữ Thái vì cấu trúc và cơ chế của nó là Thái như chính Phạm Đức Dương đã khẳng định. Cái bản sắc cùng với tính phổ hệ của một ngôn ngữ được bộc lộ không phải thông qua từ vựng mà thông qua cấu trúc và cơ chế của nó. Đây là một luận điểm thông thường và hoàn toàn xác đáng. Chính là xuất phát từ luận điểm này mà J.Vendryes đã viết: “Từ vựng có thể biến đổi, thậm chi từ đầu đến cuối mà ngôn ngữ không hề bị làm cho biến chất một cách có thể cảm nhận được trong cấu trúc ngữ âm hoặc ngữ pháp của nó” (17). Còn Jacques Chaurand thì viết: “Một ngữ được đặc trưng bằng sự tập hợp của những nét căn bản về ngữ âm và về hình thái mà sự gắn bó trong nội bộ của một hệ thống là một sự bảo đảm để nó chống lại các cuộc đảo lộn có thể là sâu sắc và thô bạo” (18). Cuối cùng, E.Sapir thì viết: “Chúng ta không có quyền giả định rằng một ngôn ngữ có thể nhào nặn lại một ngôn ngữ khác một cách quá dễ dàng bằng ảnh hưởng hình thái học của nó” (19). Vì vậy không thể chấp nhận ý kiến của Phạm Đức Dương cho rằng cơ chế của một tiếng Việt là một cơ chế “mô phỏng” theo một ngôn ngữ Đồng Thái do kết quả của sự giao thoa trong quá trình tiếp xúc (20). Đó chỉ có thể là một cơ chế Thái tự thân nó mà thôi. Vậy, theo chúng tôi:
Tiếng Việt vốn là ngôn ngữ Môn – Khmer đã bị một ngôn ngữ Thái thay thế. Điều này phù hợp với giả thuyết của Vương Hoàng Tuyên cho rằng “trên đồng bằng Bắc – bộ, xưa kia là nơi cư trú của một giống người nói tiếng Môn – Khơ me thì có một sự di cư to lớn của một lớp người nói tiếng Thái ở Tây nam Trung – quốc tràn qua” (21). Chính ngôn ngữ Thái này đã thay thế cho ngôn ngữ Môn – Khmer kia để trở thành tiếng Việt ngày nay./.
Chú thích
(1) BEFEO, 1912, t.XII, nó, pp.1- 124.
(2) BSLP, 1953, t,49, fasc.1, no 138, pp.122-8.
(3)X. Về sự phân loại các ngôn ngữ ở Đông Nam châu Á, ngôn ngữ, s.1, 1991, tr.74
(4) André-Georges Haudricourt, Kiến thức ngày nay, s.68, tr.4.
(5) Bđd, tr.125.
(6), (7) De I’origine des tons en Vietnamien, JA, 1954, t. CCXLII, fasc. 1, p.82.
(8) Comment reconstruire le chinois archaique, linguistics Today, New York, 1954, p.231.
(9), (10), Bđd, tr. 73.
(11) Le langage, trad. Par Michel Olsen, les Editions de Minuit, 1969, p.90.
(12) Sur la théorie des affinités phonologiques entre les langues, in N.S. Troubetzkoy, Principes de phonologie, trad, parJ. Cantineau, Paris, 1967, p.353.
(13) X. Lelangage, Paris, 1921, p.364.
(14) X. Recherches Préhistoriques dans la région de Mlu Prei (Cambodge), Hanoi, 1943, p.3.
(15) Như (6), (7), tr.81.
(16) X. Vấn đề proto – Việt Mường trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á thời cổ đại, Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, Hà Nội, 1986, tr.289.
(17) Sđd, tr. 360.
(18) Histoire de la langage, trad. Par S.M. Guillemin, Paris, 1953, p.192.
(20) Bđd, tr.289.
(21) Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt – nam, Hà Nội, 1963, tr.193.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét