Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Vài suy nghĩ về vụ nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt





GS. Nguyễn Đăng Hưng: VÀI SUY NGHĨ VỀ VỤ NHÀ VĂN N.Q. LẬP BỊ BẮT
 
Nhà văn Nguyễn Quang Lập (bìa trái) và bạn bè, độc giả, người hâm mộ
***
Mấy ngày nay, từ khi nghe tin nhà văn Nguyễn Quang Lập, người chủ trương chiếu rượu nổi tiếng QUÊ CHOA bị bắt, tôi thấy cuộc sống tại Việt Nam của chính tôi có điều gì bất ổn.  Sau một vụ kiện phi lý, một vụ bôi nhọ vô cớ dài gần năm tháng, tôi đã có chút mệt mỏi.
 
Nay hay tin Bọ Lập, một nhà văn mà tôi ngưỡng mộ bị bắt, tôi lại càng cảm thấy bị hụt hẫng vì không hiểu được nguyên do… 
 
Tôi chưa hề gặp gỡ nhà văn Nguyễn Quang Lập, chưa hề giao lưu với ông. Chỉ biết ông là thuộc dòng chủ lưu trong giới văn nghệ học thuật Việt nam, đã từng đi bộ đội và là hội viên của Hội Nhà văn Việt NamHội Nghệ sĩ Sân khấu Việt NamHội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
 
Ông chính là con đẻ của thời đại xã hội chủ nghĩa, là người sống và lớn lên trong lòng chế độ.  Đọc những cuốn sách gần đây của ông như  “Ký ức vụn (2009, Bạn văn (2011), tôi thấy ông có cách viết hóm hỉnh, chân chất hồn nhiên và mới lạ, một hiện tượng đặc biệt trên văn đàn Việt Nam ngày nay.
 
Trên trang blog Quê Choa, nhà văn này đã sớm tỏ rõ ông chính là một trí thức thứ thiệt, có cái nhìn sắt bén về thế thái nhân tình, về hiện tình xã hội – chính trị Việt Nam. Ông không ngần ngại đăng tải những bài khá nhạy cảm, những lập trường phản biện khá dứt khoát có thể làm cho cơ quan chức năng khó chịu.
 Thái độ của ông chính là thái độ của một nhà văn chân chính, một kẻ sỹ có tinh thần trách nhiệm với xã hội mình đang sống, tuy bị tai nạn ngặt nghèo vẫn hết mình  cống hiến. Khác với Nguyễn Khải, phải chờ đợi đến cuối đời mới đi tìm cái tôi đã mất, Nguyễn Quang Lập nhìn lại chính mình, chính cái lò sản sinh ra mình ngay trong giai đoạn sung mãn nhất của cuộc đời một nhà văn.
 
Trong một khung cảnh một xã hội đang có những xáo trộn trầm trọng, kinh tế, giáo dục trên đà khủng hoảng, trong giai đoạn nhà cầm quyền hằng khuyến khích trí thức phản biện, hiến kế để vươn lên và hoà nhập cùng thế giới phát triển, sự có mặt của những người như Nguyễn Quang Lập sẽ tạo lòng tin, sẽ là cơ may cho dân tộc…
 
Thế mà chợt một ngày đầu đông, có tin ông đã bị “bắt quả tang đang tải bài vở đăng những nội dung được cho là xuyên tạc, chống nhà nước”.
 
Tôi thật sự hụt hẫng và không thể không viết ra vài lời gọi là giải toả những bức xúc triền miên xâm chiến hồn tôi trong mấy ngày nay. 
 
Lập trường tôi về  điều luật 258 đã được tỏ rõ qua bài :Vài suy nghĩ về vụ xét xử nhà báo Trương Duy Nhất”  đăng tải vào đầu tháng ba năm nay. 
Tôi cho rằng điều luật này đã phương hại đến uy tín của nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế vì nó phủ nhận quyền căn bản của công dân Việt Nam đã được ghi trong hiến pháp, đã vi phạm bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, điều khoản về quyền tự do tư tưởng, tự do thu nhận, quảng bá tin tức và truyền đạt ý kiến mà Việt Nam đã ký kết.
 
Nhưng tác hại của nó không chỉ có thế. Nó có thể đem lại những hậu quả ngược lại với những gì nhà cầm quyền mong mỏi. Nó làm tắt lịm những tiếng nói chân thật của những công dân tốt, của những trí thức tâm huyết với hướng đi lên của dân tộc. Nó tạo điều kiện cho sự bất cập, trầm trọng hoá những mâu thuẫn, ngăn cản sự đồng thuận xã hội, đẩy lùi những giải pháp ôn hoà có lợi cho sự phát triền hài hoà của xã hội theo hướng tích cực.
 
Bà Hồ Thị Hồng, vợ blogger Bọ Lập đã cho bạn bè hay lời cuối cùng của ông ngày bị bắt: “Anh Nguyễn Quang Lập dặn, yên tâm, nếu sau 9 ngày không thấy về thì chắc khoảng 3 năm”.
 
Một trí thức có khí phách như vậy sẽ không dễ nhận những tội mà mình không hề vi phạm.
 
Mong thay nhà văn Nguyễn Quang Lập bảo tồn được sức khoẻ, sớm trở về với gia đình và bè bạn.
 
GS Nguyễn Đăng Hưng
 
Sài Gòn ngày 10/12/2014
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: