Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai trên đường đến “thiên đàng“

  

Mao Trach Dong
Thủ tướng Chu Ân Lai - người Mao Trạch Đông vừa muốn "dùng" vừa muốn "diệt"
Biên bản buổi hội kiến tại Trung Nam Hải giữa Mao Trạch Đông với thủ tướng Australia: Gough Whitlam (11.1973) do chính Chu Ân Lai cầm bút chép, có ghi câu “tự bạch” của Mao: “Tôi đã có hẹn với Thượng đế rồi” ! …

Ý Mao muốn nói để thủ tướng Gough Whitlam rõ là Mao đã 80 tuổi, già yếu nhiều bệnh, sắp lên “thiên đàng” (?) gặp thượng đế.
Nhưng sau đó, người đến “gặp thượng đế” (sớm hơn) không phải là Mao, mà là… Chu Ân Lai !
Chính Mao trực tiếp sắp đặt để đẩy chuyến xe “lên thiên đàng” của Chu khởi hành nhanh hơn và sớm hơn Mao.
Sao Mao muốn “nhường” Chu đến thiên đàng trước?
Bởi lúc đó (cuối 1973), các tướng lĩnh kỳ cựu và công thần khai quốc cỡ Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, Đào Chú và hơn 80% đảng viên chính trực đều đã bị Mao hãm vào tử địa. “Bên đời quạnh hiu” của mình, Mao thấy còn sót hai nhân vật đáng ngại mà Mao vừa muốn “dùng”, lại vừa muốn “diệt”: Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình.
Hai người đó gắn bó nhau trong hơn nửa thế kỷ và lúc nào Đặng Tiểu Bình vẫn xem Chu Ân Lai như “một người anh” (hơn Đặng Tiểu Bình 6 tuổi). Cả khi Đặng nắm quyền cao nhất Trung Nam Hải, vẫn thường nhắc đến Chu Ân Lai là vị lãnh đạo “được các đồng chí và toàn dân tôn kính” (trả lời phỏng vấn của ký giả A. Farasi - hãng truyền thông Italia - 1980)Giữa hai người, Chu khôn khéo, mềm dẻo hơn Đặng, nhã nhặn và tận tụy “mỗi ngày làm việc hơn 12 giờ, có khi hơn 16 giờ, suốt đời như thế”. Đặng không giấu giếm:
“Đối với tôi mà nói, Chu Ân Lai trước sau là người anh cả, hai chúng tôi quen nhau rất sớm, từ hồi “cần công kiệm học” bên Pháp, đã ở bên nhau và gần như cùng lúc tham gia hoạt động cách mạng. Thời kỳ “đại cách mạng văn hóa” một số anh em chúng tôi bị “hạ bệ”, may sao Chu Ân Lai trụ lại được”.
“Trụ lại” Trung Nam Hải? Đồng nghĩa “thỏa hiệp” với Mao? Đặng thanh minh (cho Chu Ân Lai):
- “Thời kỳ đó, Chu Ân Lai ở vào tình thế vô cùng khó khăn nên cũng phải nói nhiều điều trái với lòng mình, làm nhiều việc trái với lòng mình. Nhưng nhân dân tha thứ cho ông. Bởi lẽ nếu ông không nói như thế, không làm như thế, thì sẽ không tự bảo vệ nổi mình, cũng chẳng thể phát huy tác dụng trung hòa - tác dụng giảm nhẹ tổn thất (nhờ vậy) Chu Ân Lai đã bảo vệ được khá nhiều người - trong đó có Đặng” (Nhiếp Nguyệt Nham - sđd Kỳ 28).
Nhờ vận động của Chu Ân Lai (cùng các lão thành cách mạng như Diệp Kiếm Anh, Vương Chấn), nên Đặng Tiểu Bình được phục hồi sau nhiều năm bị Mao đưa đi cải tạo lao động. Giây phút đáng nhớ của Đặng là lúc 19 giờ 30 phút 12.4.1973, Chu Ân Lai chủ trì bữa đại tiệc chào mừng Quốc vương Campuchia Norodom Shihnaouk tại sảnh yến hội trong Nhân dân đại hội đường Bắc Kinh, đã bố trí để Đặng có mặt: “khi các nhà lãnh đạo nối đuôi nhau đi vào phòng tiệc, họ kinh ngạc phát hiện một nhân vật quá quen thuộc. Là Đặng Tiểu Bình đấy ư?!. Nhiều người chưa tin vào mắt mình. Đúng là Đặng Tiểu Bình rồi! Ông đã được phục hồi chức vụ Phó thủ tướng, theo sự bố trí của Chu Ân Lai, lần đầu tiên ông được xuất hiện công khai” (Nhiếp Nguyệt Nham - sđd). Đó là cách Chu Ân Lai đưa Đặng Tiểu Bình tái xuất hiện trên chính trường Trung Quốc. Mao không rời mắt khỏi Đặng và Chu, đặc biệt với Chu - lãnh tụ đang được lòng dân.   
Dẫu nhuốm bệnh, trên đường đến cõi chết, Mao vẫn không cam tâm “đi trước” - nếu Chu còn chưa chịu “lên xe”. Trắng ra, nếu Mao chết mà Chu còn sống sẽ là “chướng ngại không thể vượt qua” của Giang Thanh. Dầu khoảng cách giữa vị trí của Giang Thanh đang đứng đến “ngai vàng” Trung Nam Hải chỉ còn một bước ngắn, nhưng nếu có Chu ngăn cản, Giang Thanh khó mà động thủ, tiếp quản - đơn giản: Giang không phải là đối thủ của Chu. Nên tốt hơn hết, Mao tìm cách để Chu “gặp thượng đế” trước mình.
Cơ hội đến: tháng 5.1972, Chu đột nhiên bị đau ở vùng lưng và bụng, uống thuốc nhưng không lành, phải nhập viện. Sau hội chẩn, các chuyên gia phát hiện Chu bị “ung thư tế bào thượng bì bàng quang giai đoạn đầu”. Chu có khả năng vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo đó ở mức 80% trở lên nếu được “kịp thời chữa trị đúng phương pháp” - trước hết phải tiến hành phẫu thuật.
Mao được báo cáo bệnh án và phác đồ chữa trị đó, nhưng Mao không đốc thúc thực hiện, lại ngăn cản, truyền đạt để Uông Đông Hưng thay mặt Mao và trung ương đảng đưa ra quyết định trái hẳn với đề nghị của các chuyên gia ung bướu Trung Quốc:
1. Không được phẫu thuật (nuôi bệnh). 2. Không kiểm tra (để bệnh phát triển tự nhiên).
Sách báo xuất bản ở Trung Quốc những năm gần đây tiết lộ: “Các chuyên gia điều trị biết rằng bỏ lỡ thời cơ điều trị sớm chẳng khác nào để thủ tướng Chu Ân Lai chờ chết. Họ đề nghị trực tiếp gửi thư trình bày với Mao, nhưng Uông Đông Hưng ngăn lại: -Các ông phải nghe lời, phải theo luồng tư duy của chủ tịch. Người đang xem xét vấn đề toàn diện, có thể qua một thời gian tính sau”.
“Tính sau” là cách nói trì hoãn, để “giúp” tế bào ung thư mặc sức tấn công Chu suốt 9 tháng ròng buông lỏng (không phẫu thuật). Hậu quả: Chu tiểu tiện ra máu nhiều từ tháng 2.1973, Mao buộc lòng cho phép các bác sĩ điều trị theo phác đồ đã báo cáo trước đó rất lâu. Quá trễ, tế bào ung thư di căn mạnh vào tháng 5-1974. Tổ trưởng điều trị Ngô Giai Bình quyết định phẫu thuật, nhưng Trương Xuân Kiều (một trong tứ bang nhân) ngăn lại. Trương nói ý kiến của Mao chủ tịch không thể phẫu thuật vì “không ai có thể làm thay công việc của Chu thủ tướng” lúc đó. Đến giai đoạn gay go, các phẫu thuật được Mao cho phép chỉ có tính cách “đối phó”, chứ không điều trị thực chất, dẫn đến cái chết Chu Ân Lai lúc 9 giờ 57 phút ngày 8.1.1976.
Thay vì đại lễ truy điệu và vĩnh biệt phải tổ chức tại Nhà Quốc hội đúng với cương vị thủ tướng chính phủ của Chu Ân Lai, nhưng lại diễn ra tại Nhà tang lễ bệnh viện Bắc Kinh và sau đó hỏa thiêu.
Điều nữa: thay vì tro tàn thủ tướng Chu Ân Lai được đối xử trân trọng, đã bị đưa lên chiếc máy bay An-2 xộc xệch để mang tro đi rải. Đó là chiếc máy bay chuyên dùng… phun thuốc trừ sâu!(còn nữa).
GIAO HƯỞNG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: