Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Cao hơn hay dài hơn?


Nguyễn Quang Thân
"Tôi cao hơn Putin và Sarkozy. Tôi cao bằng Romano Prodi đấy chứ", Berlusconi nói về thủ tướng sắp mãn nhiệm của Italy hôm thứ ba. "Tôi cao 1m71 vậy mà không hiểu sao các nghệ sĩ biếm họa cứ biến tôi thành chú lùn, trong khi những người khác được coi là cao trung bình." Chính trị gia từng hai lần làm thủ tướng và đang tranh cử cho nhiệm kỳ ba này từng bị nhật báo bán chạy nhất Italy Corriere della Sera so sánh chiều cao với các nguyên thủ khác. Theo đó, Sarkozy cao 1m65 còn ông chủ Kremlin là Putin cao 1m67. Trong khi đó, các nghệ sĩ biếm họa thường xuyên vẽ cảnh Berlusconi nghễu nghện trên những đôi giày cao gót.(http://vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2008/04/3BA01298/)

          Còn có một chuyện nữa về so sánh cao thấp. Một hôm, trong buổi đi dạo, viên hầu cận Napoleon là thống chế Bertrand thử gan vuốt râu hùm, nói với hoàng đế: “ Tâu hoàng thượng, hình như tôi cao hơn Ngài!”. Đúng vậy, Napoleon - ông cai nhỏ - như biệt hiệu quân lính gọi hoàng đế của mình một cách thân mật, chỉ cao khoảng một mét sáu mươi trong khi Bertrand là người cao nhất trong đội ngũ thống chế của ông. Nghe vậy, vị hoàng đế bách chiến bách thắng không giận, nghĩ ngợi một lúc rồi mỉm cười: “Không đúng, ngươi chỉ dài hơn ta thôi!”
Dài hơn chưa hẳn là cao hơn! Khác với Napoleon, hoàng đế ngắn hơn hầu cận nhưng tài năng, trí tuệ ít ai bì, có nhiều ông ăn trên ngồi trốc, có thể ban ơn, quát nạt được cấp dưới, nhưng chưa chắc đã giỏi hơn cấp dưới (buồn thay tình trạng này vẫn xẩy ra khá nhiều ở nước ta). Chuyện đời vẫn thế! Lẽ nên hư không chỉ nằm trong sáu mươi tự hào của Kinh Dịch. Chính danh quân tử (người tài giỏi, tử tế, liêm khiết) thì đáng được ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng. Nhưng không ít kẻ ở lâu đài, biệt thự xây bằng đá quý hay mua rẻ như bèo chưa chắc đã yên ổn, đã lắm khách mang đến tình người bằng kẻ trong túp lều tranh. Luôn ăn cỗ to, vơ cả thiên hạ vào mồm từ con ba ba dưới đáy hồ đến con hổ trong rừng thẳm, áo quần thì dưới một ngàn đô (mười lăm triệu đồng) một cái áo sơ mi không mặc, chưa hẳn đã ngon đã đẹp bằng kẻ “bữa ăn dầu có dưa muối - áo mặc nài chi gấm là”( thơ Nguyễn Trãi). Cái đẹp cái sang chỉ đẹp chỉ sang trong mắt người khác. Nếu không có người ngoài khen cho một câu thì đẹp với sang chỉ là áo gấm đi đêm mà thôi. Không phải đặc sản không ngon, hàng hiệu Cardin không đẹp, mà cái chính là người ăn những thứ đó, mặc những thứ đó có đáng hay không và quan trọng hơn, ăn bằng tiền mồ hôi nước mắt của mình hay của người đóng thuế, người nghèo quanh năm dưa muối?
Cái thước đo sự cao thấp, dài ngắn vẫn luôn phức tạp lắm thay!



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: