Vo uu
Tự Truyện Của Một Người Bạn
Năm lên 4 tuổi, trong một lần cùng mẹ bắt trùn cho ba cắm câu cá trê, tôi hỏi mẹ:
- Mẹ ơi có phải trên đời này ai cũng phải chết không
Mẹ tôi trả lời:
- Đúng ai cũng phải chết.
Lúc đó, trong lòng tôi buồn vô cùng và suy nghĩ hướng về cái chết. Và tôi nói tiếp câu chuyện với mẹ:
- Vậy sao mình không chết luôn bây giờ đi, chớ sống làm chi rồi sau này cũng phải chết?
Mẹ tôi trả lời:
- Đúng trên đời này ai cũng phải chết vì thế khi sống mình phải sống sao cho có ý nghĩa? Không phải sống cho bản thân mình là đủ, còn phải sống cho người khác nữa, con phải cố gắng học tập và làm những việc có ích cho xã hội nữa, còn phải giúp đỡ mọi người.
Tôi hứa với mẹ sẽ cố học, sau này trở thành kỹ sư. Thế là từ đó ngày nào tôi cũng phụ giúp ba mẹ, anh chị làm những việc mà bản thân mình có thể làm được. Đặc biệt, bản thân tôi không như những bạn cùng trang lứa thích chơi những trò chơi dân gian, trái lại tôi chỉ thích học hỏi, tìm tòi và mỗi tối tôi thường nhờ mẹ chỉ cho làm toán, đánh vần, học viết. Với 24 ngày học lớp 1 ít ỏi của mẹ (Mẹ tôi chỉ được đến trường học có 24 ngày và học lóm thêm) nhưng cũng khá đủ cho tôi có được những nền tảng cơ bản của một đứa trẻ thơ trước khi cấp sách đến trường.
Rồi thời gian cứ trôi đi, tôi vào lớp 1, lớp 2,... rồi đến lớp 6. Năm nào tôi cũng được học sinh khá, giỏi của trường.
Một hôm, thấy một người bạn cùng xóm, được cha mẹ cho nghỉ học để đi cắm câu cua, mỗi ngày kiếm được hơn 30 nghìn đồng, tính ra mua gần 20 kg gạo, một người ăn có thể cả tháng trời. Suy đi, nghĩ lại và nhẩm tính nếu học thêm 6 năm học phổ thông trung học cộng thêm 4 năm đại học nữa thì tôi mới trở thành một kỹ sư, tổng cộng là 10 năm, tổng số tiền mà cha mẹ bỏ ra để cho mình học phải trên 200 triệu đồng. Nếu bây giờ, mỗi ngày mình chỉ kiếm 30 nghìn đồng như đứa bạn thì trong 10 năm mình đem về cho cha mẹ cũng gần 150 triệu đồng. Vừa không tốn tiến, vừa được tiền cho cha mẹ, thế là tôi tự trốn học 2 hôm, thấy cử chỉ, thái độ biểu hiện khác thường của tôi, mẹ tôi dò xét, cuối cùng tôi cũng phải nói và thú thật tất cả với mẹ của tôi.
Mẹ không mắng tôi mà nhẹ nhàng nói:
- Cuộc sống không phải chỉ có tiền là đủ con à, con phải học đi học, chỉ có học con mới hiểu được lẽ phải, mới có điều kiện kiếm được nhiều tiền, rồi con mới giúp được nhiều người. Nếu như sau này rừng đước không còn cua để con cắm, con không còn sức khoẻ để làm thuê, làm mướn thì làm sao con nuôi cha mẹ được?
Tôi như hiểu ra nhiều thứ, tôi tiếp tục cắp sách đến trường, hàng ngày chỉ biết học và học, không kể ngày đêm, rảnh thì phụ giúp gia đình, việc chơi xếp lại một bên. Dù đầu óc tôi không được thông minh nhưng với sự động viên nhiệt tình của mẹ cùng mọi người trong gia đình tôi như được tiếp thêm sức mạnh, phấn đấu cho đến ngày được vào rồi ra đại học và có việc làm ổn định như hôm nay.
Tất cả là mẹ đã cho tôi đấy!
Cảm ơn tự truyện của bạn! Cách viết và suy nghĩ của bạn rất chân chất, mộc mạc, đáng trân trọng!
…
Tôi lại biết đến một câu chuyện khác.
Có một cậu con trai sống trong một gia đình đông anh em ở một vùng quê đồng chua, nước mặn. Cha cậu là một người nông dân nghèo, không có nhiều ruộng đất. Hàng ngày, ông phải làm thuê với rất nhiều việc khác nhau để chăm lo cho gia đình như dựng nhà, cuốc đất, be bờ, nhổ mạ,… Dù vậy, người cha vẫn lo cho các con ăn học.
Đến năm 12, 13 tuổi, cậu bé trai thấy chán ngán việc học. Cậu trốn học được vài hôm thì cha cậu biết được, người cha liền bảo:
- Bây giờ, cha cho con chọn lựa. Một là con ăn học để nên người, hai là con sẽ phải cầm cái cuốc để tự nuôi sống bản thân.
Cậu bé đã chọn lựa cầm cái cuốc để vào đời. Hôm sau, người cha đi làm cùng với cậu con trai. Ném cái cuốc cho con, cậu bé đã bắt đầu bước vào đời. Người cha đó đã rèn luyện cho cậu con trai biết làm lao động và học đức tính chăm chỉ, cần mẫn,…
Đến nay, cậu bé trai đó đã trưởng thành với 1 gia đình có một người vợ và 2 đứa bé con. Cuộc sống của gia đình tạm ổn và chàng thanh niên đó nói với tôi rằng “Sẽ nuôi cho con ăn học thành tài vì cuộc sống lao động chân tay thật vất vả, nặng nhọc”.
Với đức tính chuyên cần, chịu khó,… chàng trai đó được mọi người trong vùng quý mến, tin tưởng giao cho nhiều việc mà họ cần làm. Nhờ vậy, chàng thanh niên có thể bán sức lao động và mang về những đồng tiền chân chính xây dựng tốt cuộc sống gia đình.
Những người nông dân chân chất, ít học nhưng họ vẫn biết cách nuôi dạy con cái trở thành những công dân có ích cho xã hội. Thật đáng trân quý thay tấm lòng của những người nông dân chân quê, thuần khiết!
…
Thực trạng ngành giáo dục hiện nay đã không còn chú trọng đến việc rèn luyện nhân cách, đạo đức cho con người. Người học trò bước vào ngành giáo dục bằng một sự gượng ép mà không bắt nguồn từ sự yêu thích học hỏi. Cùng với một dung lượng kiến thức khổng lồ, không sáng rõ, không có giá trị thực tiễn cho cuộc sống,… được nhồi nhét vào bộ não không được nâng cấp về mặt vật chất xuyên suốt quá trình con người ra đời và tiến hóa. Việc học trở nên quá tải đối với những hệ thần kinh non nớt, nhỏ bé. Người học trò ngày nay phần lớn rất chán ngán việc học.
Thêm nữa, người học trò không nhận thức rõ giá trị của việc học.
Học để làm gì?
Cha mẹ có học đâu mà vẫn giàu, có “của ăn, của để” trong khi đó có khối người được đào tạo qua trường lớp kỹ sư, bác sĩ, giáo viên,… với vô số bằng cấp vẫn thất nghiệp, đói nghèo.
Với lối sống thực dụng và quyền trẻ em được “khuếch đại” những người giáo viên có tâm huyết khó thể răn dạy những cô cậu học trò. Họ thật sự mệt mỏi, chán chường việc giáo dục nhưng họ không dễ rời bỏ việc dạy học. Họ đã được “đào tạo” để nhằm vào việc dạy học, việc dạy học đảm bảo cơm áo gạo tiền cho bản thân và gia đình. Từ bỏ việc giáo dục sẽ đưa họ vào tình trạng bấp bênh trong cuộc sống.
Quả thật, ngọn lao khi đã phóng đi khó thể thu hồi lại. Những người đang làm trong công tác giáo dục bị rơi vào tình huống “Tiến thoái lưỡng nan” và đành “nhắm mắt” bước đi. Việc giáo dục tiến cũng được, thoái cũng được, đến đâu hay đến đó, trước mắt là làm cho xong trách nhiệm mà ngành giáo dục giao phó. Dù vậy những người giáo viên không tránh khỏi điều tủi nhục và buồn bã.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét